Đào tạo kiểu “vung tay quá trán”: Cả nước đang thừa 35.000 giáo viên
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2014, cả nước hiện đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn, thậm chí phải dừng hoặc bị cắt hợp đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa yêu cầu các trường sư phạm trên cả nước chấm dứt tuyển sinh đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2016 tối thiểu 10% so với năm 2015.
Đây được xem là một động thái nhằm giảm bớt tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp gia tăng trong những năm qua do đào tạo không sát với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, về lâu dài cần quy hoạch lại việc đào tạo ngành này.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2014, cả nước hiện đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn, thậm chí phải dừng hoặc bị cắt hợp đồng.
Video đang HOT
Thực tế trên đã khiến trong thời gian qua, ngành sư phạm trở thành “điểm nóng” với hàng loạt vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng gây xôn xao dư luận, như: vụ 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay thềm năm học mới; 84 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Và việc 29 giáo viên THCS ở Bá Thước (Thanh Hóa) bị điều chuyển xuống dạy mầm non…
Việc các trường sư phạm đào tạo giáo viên theo năng lực của mình mà không căn cứ vào nhu cầu thực tế chính là nguyên nhân khiến số cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng tăng.
Thừa giáo viên ở hầu hết các cấp học chính là nguyên nhân khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong nhiều năm qua không xin được việc làm bởi lượng giáo viên phổ thông hiện nay hơn 800.000 người, giáo viên mầm non gần 200.000 người, gần như đã đủ so với quy mô học sinh hằng năm.
Nhu cầu tuyển mới để đáp ứng số lượng học sinh tăng hàng năm, bù đắp số lượng giáo viên về hưu gần như không đáng kể. Trong khi đó, cả nước hiện có 14 trường ĐH sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, 4 trường CĐ có khoa sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm.
Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm từ 22.500 – 23.000 sinh viên và cao đẳng từ 24.500 – 26.000 sinh viên. Chưa kể đến các trường trung cấp sư phạm trải đều ở một số tỉnh, thành trọng điểm và hệ đào tạo từ xa tại một số trường đa ngành thì riêng số lượng cử nhân sư phạm ra trường hằng năm cũng đã lên tới con số 50.000. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc làm đang ngày càng tăng mạnh.
Trước thực tế dư thừa nguồn cung do quy mô đào tạo không sát với nhu cầu thực tế, từ năm 2013, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ chính quy.
Tháng 8-2014, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 2833 về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong yêu cầu đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH 2015, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm chính quy năm 2015 so với năm 2014, đồng thời có kế hoạch tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo giáo viên trung học.
Trong đó, 2 trường ĐH sư phạm lớn giảm 5% chỉ tiêu, các trường khác giảm 10%. Kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường sư phạm trên cả nước chấm dứt hệ đào tạo từ xa đối với đào tạo giáo viên và giảm tiếp tối thiểu 10% chỉ tiêu tuyển sinh so với chỉ tiêu năm 2015.
Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, việc giảm chỉ tiêu từ 5- 10% hằng năm như trên chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần tính tới việc sắp xếp lại mạng lưới đào tạo hệ thống các trường sư phạm trên cả nước.
PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường ĐH, CĐ Sư phạm đến thời điển này gần như đã tiệm cận, bão hòa với nhu cầu. Như vậy, với mang lưới lên tới hàng trăm trường ĐH, CĐ, Trung cấp sư phạm trên cả nước, nếu đào tạo theo năng lực của nhà trường để duy trì hoạt động thì sẽ dẫn đến việc càng gia tăng số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp.
Theo cand.com.vn