Đào tạo cử nhân chất lượng cao chưa có chuẩn
Cử nhân chất lượng cao chưa chắc làm đúng ngành được đào tạo, nhiều trường còn chưa thống kê được tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Cùng với chương trình đào tạo bình thường, các trường ĐH còn đào tạo chương trình chất lượng cao (CLC). Theo đó, chỉ cần trúng tuyển vào trường, có nguyện vọng học, đủ khả năng đóng tiền sẽ được học chương trình này.
Có tiền là được học CLC và… gần cao
Từ năm 2006, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là những trường đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo chương trình CLC. Theo cam kết, chương trình này cung cấp cho người học các dịch vụ đào tạo tốt nhất nhằm tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt, tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn quốc tế với chi phí hợp lý. Đồng thời, các trường cam kết sinh viên sẽ được học với giảng viên giỏi có uy tín; lớp học có sĩ số ít (25-50 sinh viên/lớp); phòng học tiện nghi với máy lạnh, âm thanh, đường truyền Internet tốc độ cao; được tạo điều kiện tốt nhất trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm; được trang bị thêm về ngoại ngữ, kỹ năng mềm…
Sau đó, nhiều trường tiếp tục mở rộng chương trình này như ĐH Ngoại thương, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM… Đến năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH xây dựng mô hình chương trình đào tạo CLC với học phí tương ứng để trang trải chi phí đào tạo. Ngay lập tức, chương trình này được nhân rộng thêm nhiều trường khác như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM…
Năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) bắt đầu đào tạo CLC. Trong ảnh: Sinh viên ngành báo chí CLC trong giờ học. Ảnh: Minh Tâm
Tuy nhiên, chưa hề có quy định chung về tiêu chí nên mỗi trường có mỗi cách tuyển khác nhau nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là… có tiền để chi trả học phí. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết đối tượng xét tuyển ngoài thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH, trường còn xét tuyển thí sinh trong cả nước có giấy chứng nhận với tổng điểm tương ứng điểm trúng tuyển vào từng ngành. Còn sinh viên học chương trình này của Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phải có đơn đăng ký và trường sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM ngoài đào tạo cử nhân chính quy CLC ngành luật gồm nhóm các chuyên ngành luật thương mại – dân sự – quốc tế – hành chính – tư pháp thì còn đào tạo lớp tăng cường theo chuẩn CLC nhóm các chuyên ngành luật thương mại – dân sự – quốc tế. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng, lớp tăng cường theo chuẩn là lớp được trường bồi dưỡng trình độ tiếng Anh, nếu đáp ứng điều kiện thì sinh viên sẽ được trường tuyển bổ sung vào lớp cử nhân chính quy CLC!
Chưa nắm vững số lượng SV làm đúng ngành nghề
Để thu hút sinh viên vào học chương, các trường đều hứa là khi sinh viên tốt nghiệp sẽ được trường hỗ trợ giới thiệu việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc được ưu tiên bố trí đơn vị thực tập và giới thiệu việc làm trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp. Thậm chí được ưu tiên xem xét tiếp nhận làm giảng viên của trường…
Video đang HOT
Tuy nhiên, dù sinh viên được đào tạo chương trình CLC với điều kiện tốt nhất nhưng PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay thống kê qua hai khóa tốt nghiệp chỉ có 81% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường, trong đó sinh viên đi làm có mức lương khởi điểm 3-5 triệu đồng chiếm 31%, còn lương 6-8 triệu đồng chiếm 63%. Còn TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Theo số liệu thống kê thì có trên 90% sinh viên CLC của trường có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì việc làm đa dạng nên cũng không biết các em có làm đúng ngành nghề như đã học hay không. Tuy nhiên, mô hình này chúng tôi đã đáp ứng được nhu cầu xã hội, minh chứng là hằng năm số lượng sinh viên đăng ký chương trình này đều tăng”.
Trong khi đó, đào tạo CLC để được xã hội đánh giá cao, sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tìm việc làm đúng ngành đào tạo nhưng Trường ĐH Mở TP.HCM vẫn chưa nắm được tỉ lệ việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp chương trình CLC. Đại diện trường này cho rằng do sinh viên không cung cấp lại nên trường không có thông tin để kiểm chứng. Chính vì vậy mà trường cũng không biết sinh viên trường mình ra trường có làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo hay không. Ngay cả Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dù thống kê được tỉ lệ việc làm nhưng làm đúng ngành hay không thì không chắc!
Học phí cao ngất ngưởng
Học phí Trường ĐH Mở TP.HCM là 21 triệu đồng/năm và cam kết không thay đổi trong suốt khóa học. Các trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quy định học phí là 22 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu 22 triệu đồng/năm nhưng mỗi năm sẽ điều chỉnh tăng 3 triệu đồng nên năm cuối sẽ phải đóng 31 triệu đồng. Còn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có học phí 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM có nhiều mức thu nhất. Đối với các lớp CLC, năm nay thu 17,64 triệu đồng nhưng năm sau tăng lên 22,24 triệu đồng, còn từ năm 2015 sẽ có mức học phí mới. Đối với lớp đào tạo tăng cường theo chuẩn CLC, năm nay thu 23,814 triệu đồng, năm kế tiếp thu 30,024 triệu đồng và từ năm 2015 trở đi sẽ thông báo mức thu sau.
Bằng cấp mỗi trường mỗi khác
Trường ĐH Ngoại thương khẳng định bằng tốt nghiệp và bảng điểm của sinh viên sẽ được ghi là chương trình CLC nhằm làm rõ phương thức đào tạo so với các chương trình khác. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn đang bàn tính bằng cấp cho sinh viên ra trường có ghi rõ hệ đào tạo CLC hay không để phân biệt với đại trà. Còn các trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM… thì chỉ thể hiện chương trình CLC trong bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp.
Theo TNO
Mô hình "chất lượng cao" bóp méo trường công: Sự thất bại của giáo dục đại trà
Nhà nước chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho chất lượng giáo dục đại trà, trong khi đó lại đầu tư nguồn lực xây dựng trường "chất lượng cao", nên dư luận đặc biệt lo ngại hiệu quả đích thực của mô hình này.
Huyện Từ Liêm (Hà Nội) đầu tư xây Trường THCS Từ Liêm bề thế với mục đích làm trường chất lượng cao - Ảnh: Lê Đăng Ngọc
Chưa đạt mức tối thiểu
Trường công lập "chất lượng cao" thực chất là trò thương mại hóa giáo dục, rất nguy hiểm. Nó làm mất ý nghĩa của trường công, sai lầm hoàn toàn về chính sách tài chính công: thay vì phục vụ toàn xã hội thì chỉ phục vụ một nhóm người giàu
Giáo sư NGUYỄN TIẾN DŨNG (ĐH Toulouse - Pháp)
Năm nào vào mùa tuyển sinh, câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp cũng được nhắc đến. Và rồi những hiện tượng xếp hàng trắng đêm hoặc bốc thăm để vào trường mầm non hay học sinh (HS) ép mình vào những lớp sĩ số thậm chí gấp đôi so với quy định... trở nên phổ biến.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện thành phố này có hơn 1,3 triệu HS, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của thủ đô vẫn còn khoảng cách khá xa. Cơ sở vật chất nhiều trường thuộc các huyện ngoại thành rất thiếu thốn, không đủ phòng học theo đúng yêu cầu, nhiều phòng học tạm, hệ thống nhà vệ sinh trường học, chiếu sáng học đường chưa được đầu tư... Dự báo dân số của Hà Nội đến năm 2020 là 7,4 triệu người 2030 là 9,5 triệu người. Với yêu cầu diện tích tối thiểu 8 m2 mỗi HS nội thành và ngoại thành là 15 m2 thì toàn thành phố cần gần 18 triệu m2 đất để xây thêm 1.014 trường mầm non, 310 trường tiểu học...
Nếu căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện hành thì Hà Nội vi phạm rất nhiều quy định về việc đảm bảo môi trường học tập tối thiểu cho HS.
Hai năm gần đây, Hà Nội chỉ đạo không được để xảy ra hiện tượng xếp hàng trắng đêm để mong có một chỗ học ở trường mầm non công lập. Tuy nhiên, giải pháp thay thế là tổ chức... bốc thăm vì nguyên nhân căn bản là thiếu trường vẫn chưa được giải quyết. Hà Nội đã rất chật vật mới xóa được tình trạng phường trắng trường mầm non. Hiện nay Hà Nội đạt tỷ lệ huy động HS ra lớp mẫu giáo khá cao. Nhưng để có được kết quả này, rất nhiều trường mầm non phải chấp nhận sĩ số 60 - 70 HS/lớp trong khi điều lệ quy định tối đa 35 HS/lớp.
Ở các trường tiểu học, sĩ số phổ biến ở các quận nội thành là 50 - 55 HS/lớp, một số trường "điểm" từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng sĩ số lên tới 60 HS/lớp. Đó là chưa kể tình trạng HS phải bán trú ở nhà dân, nghỉ học luân phiên vì nhà trường thiếu phòng học...
Với cấp THCS, THPT hầu hết trường công lập đều có chung tình trạng là không có đủ phòng để tổ chức học 2 buổi/ ngày, trong khi đó hầu như bố mẹ nào cũng có nhu cầu cho con học bán trú. Để lấp chỗ trống vì chỉ được học một buổi/ngày, phụ huynh lại phải cho con đi học thêm khắp nơi, vừa mệt mỏi, vừa tốn kém...
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà có ở hầu hết các tỉnh, thành lớn.
Khi hệ thống các trường công còn trong cảnh "giật gấu vá vai" mà Hà Nội và TP.HCM thực hiện mô hình lấy trường công làm "chất lượng cao", thu học phí cao dành cho những HS có điều kiện kinh tế.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyên tắc số một khi mở trường công "chất lượng cao" là chỉ mở ở những nơi mà nhu cầu học hành cơ bản của con em người dân đã được đáp ứng. Nhưng đáp ứng được nhu cầu cơ bản là thế nào lại là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc. Vì thế, mô hình này là một nghịch lý nếu đối chiếu với nguyên tắc "nhu cầu học hành cơ bản đã được đáp ứng" mà Sở đề ra.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng hướng dẫn
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo báo cáo, Hà Nội chủ trương xây dựng trường công lập "chất lượng cao" nhưng vẫn cam kết bảo đảm có đủ chỗ học trong các trường công lập theo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp học, đồng thời vẫn bảo đảm miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách theo các quy định chung hiện hành. Việc thành lập các trường công lập "chất lượng cao" là để tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu của một bộ phận dân cư có điều kiện và tự nguyện tham gia. Trong thực tế, khi chưa có mô hình này, một số gia đình đã gửi con đi học nước ngoài hoặc vào học tại các trường quốc tế ở trong nước với mức học phí rất cao. Bộ sẽ xây dựng hướng dẫn về mô hình chất lượng cao trong trường công.
Sai lầm về chính sách tài chính công
Xu hướng xã hội hóa để có đủ nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục là tất yếu nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu trường công lập thu học phí cao cho dịch vụ "chất lượng cao" thì chỉ là thương mại hóa giáo dục.
Giải thích về việc tại sao Hà Nội đầu tư xây dựng mô hình này, đại diện Sở GD-ĐT cho rằng việc cho ra đời các trường công "chất lượng cao" không chỉ để "hứng" nguồn tiền đầu tư cho giáo dục hiện khá dồi dào trong nhân dân mà còn để xây dựng những mô hình hạt nhân có chất lượng cao, tạo sự lan tỏa trong hệ thống, có ảnh hưởng tích cực tới sự vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục cho những trường công đại trà. Tuy nhiên, nói về điều này, nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội), bức xúc: "Họ nghĩ có trường "chất lượng cao" thì chất lượng giáo dục lên ư? Tôi không tin. Một vài trường "chất lượng cao" làm sao giải quyết được vấn đề dân trí, nâng mặt bằng giáo dục lên được. Còn về việc tạo sự lan tỏa từ mô hình trường này sang trường thường, tôi càng thấy hoang đường".
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), thẳng thắn nói: "Trường công lập "chất lượng cao" thực chất là trò thương mại hóa giáo dục, rất nguy hiểm. Nó làm mất ý nghĩa của trường công, sai lầm hoàn toàn về chính sách tài chính công: thay vì phục vụ toàn xã hội thì chỉ phục vụ một nhóm người giàu". Theo Giáo sư Tiến Dũng, ngân sách nhà nước đang hạn hẹp thì cần bàn tới chuyện chi vào những đâu cho hiệu quả nhất. "Theo tôi thì các trường công đang quá tải, diện tích chật hẹp thiếu sân chơi và lớp quá đông. Xây thêm trường, tuyển thêm giáo viên là cách nâng cao chất lượng hữu hiệu", Giáo sư Dũng đề nghị.
Giáo sư Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cảnh báo: "Nếu nói rằng chỉ xây dựng trường công lập "chất lượng cao" ở những vùng kinh tế khá giả thì cũng phải hết sức cẩn trọng, bởi điều đó sẽ làm cho khoảng cách chất lượng giáo dục của các địa phương ngày càng rộng ra chứ không thể đạt được mục tiêu rút ngắn khoảng cách này như chúng ta vẫn mong muốn". Theo Giáo sư Lộc, điều này còn có thể gây ra hiện tượng ùn tắc về nhu cầu học tập của những trường "chất lượng cao", trong khi đó những trường khác thì lại vắng vẻ, thưa thớt người học dẫn đến lãng phí về nguồn lực.
Theo TNO
Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công Tình trạng thương mại hóa giáo dục ngày càng thể hiện rõ trong chính hệ thống trường công khi một số tỉnh thành có chủ trương thực hiện mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) là một trong những trường sẽ trở thành trường chất lượng cao - Ảnh: Lê...