Đào tạo chung 3 chức danh tư pháp: Nên giao cho Bộ Tư pháp
(PLO) – Hôm qua (3/7), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp. Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành thống nhất cao về quy định đào tạo chung nguồn bổ nhiệm ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và nhiều ý kiến đề nghị giao đào tạo cho cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp thực hiện.
Không phải là “công chức dự bị”
Dự thảo Pháp lệnh dành hẳn một chương – Chương IV để quy định đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư với các nội dung về điều kiện đào tạo chung, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, thực tập, tuyển sinh, công nhận tốt nghiệp, chứng chỉ đào tạo và phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo.
Đây là những nội dung cốt yếu trong mô hình đào tạo chung theo hướng trang bị kiến thức, kỹ năng và các yếu tố căn bản khác cho cùng một đối tượng người học ở cả ba nghề để tạo nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và có thể luân chuyển giữa các chức danh. Mô hình đào tạo mới này được coi là ưu việt hơn so với mô hình đào tạo riêng từng chức danh.
Video đang HOT
Báo cáo tình hình lấy ý kiến về vấn đề trên, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hồng Hà thận trọng cho biết, hiện có hai phương án liên quan đến điều kiện đào tạo chung. Cụ thể, phương án 1 quy định điều kiện được tổ chức đào tạo, theo đó, cơ sở nào trong 4 cơ sở đào tạo của các Bộ, ngành (Học viện Tư pháp – Bộ Tư pháp, Học viện Tòa án – TANDTC, Đại học Kiểm sát – VKSNDTC, cơ sở đào tạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đủ điều kiện được quy định tại Pháp lệnh đều được xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo chung ba chức danh. Còn phương án 2, chỉ giao nhiệm vụ đào tạo chung ba chức danh cho cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phân tích, việc đào tạo tại cơ sở đào tạo của TANDTC là nhằm tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp nên ông thống nhất với mô hình đào tạo chung với chủ trương ưu tiên lựa chọn được những người giỏi.
Có điều, ông Sơn cho biết, những người này sau khi đào tạo để được tuyển chọn, bổ nhiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn của luật (chẳng hạn, trong ngành TAND, phải đáp ứng quy định việc tuyển dụng tại Luật Tổ chức TAND) và quy trình tuyển dụng của mỗi cơ quan.
Nhất trí cao với quy định đào tạo chung nguồn bổ nhiệm ba chức danh, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể khẳng định, vấn đề đã đặt ra từ lâu và đã đến lúc cần được thể chế hóa. Với quan điểm đào tạo nguồn thì ông Thể cho rằng nên giao cho cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp vì cơ sở đào tạo của các ngành là đào tạo riêng từng chức danh. Nhưng theo ông Thể, những người học chương trình đào tạo chung là để có “giấy thông hành” tham gia các kỳ thi liên quan chứ không thể coi là “công chức dự bị”của các ngành.
Nhà nước nên hỗ trợ đào tạo chung
Bà Hồ Thị Hằng (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, quy định hoạt động đào tạo chung do cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp thực hiện là hợp lý. Song bà Hằng bày tỏ băn khoăn về chính sách đặc thù và chi ngân sách nhà nước cho đào tạo chung của Dự thảo Nghị định. “Xu hướng về tài chính hiện nay đang tiến tới xã hội hóa và giao quyền tự chủ của các đơn vị công lập” – bà Hằng lý giải.
Đồng tình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu, không nên quy định những chính sách riêng cho hoạt động đào tạo chung mà nên xã hội hóa một phần để tạo sự công bằng với các hoạt động đào tạo khác.
Ông Thịnh chia sẻ, nếu Nhà nước hỗ trợ đào tạo chung sẽ không bình đẳng với đào tạo của luật sư và đặc biệt mong muốn Pháp lệnh ra đời sẽ tạo ra “sân chơi” đầy cạnh tranh để các cơ sở đào tạo của các ngành nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu, vấn đề đào tạo chung nguồn bổ nhiệm ba chức danh trong Dự thảo Pháp lệnh đã được các ngành thống nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, mô hình đào tạo nguồn cho ba chức danh này thì nên theo tinh thần chung là Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Bộ trưởng cho rằng, trong đào tạo chung có hai vấn đề cần quan tâm, đang nhận được một số ý kiến khác nhau, đó là thi đầu vào và thời gian đào tạo.
“Đối với nhiều nước, thi đầu vào là kỳ thi quốc gia, đòi hỏi rất khắt khe nhằm tìm nguồn nhân lực đầu vào tốt nhất. Về thời gian đào tạo, Dự thảo Pháp lệnh quy định khác hiện hành với thời gian là 18 tháng, trong khi Luật Luật sư là 12 tháng đào tạo, 12 tháng tập sự, 2 chức danh kia thì chưa có quy định” – Bộ trưởng nói và yêu cầu báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo PLO