Đào tạo bác sĩ: Vào được là ra được?
Ở Việt Nam, hầu hết sinh viên vào được trường đều tốt nghiệp. Điều này khác với một số nước trên thế giới, khi đầu ra được kiểm soát chặt chẽ.
Bác sĩ đa khoa cần phải học những cái gì?
Ở Việt Namngoài những môn chung mà Bộ GD&ĐT quy định bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo đại học, sinh viên lớp bác sĩ đa khoa ở trường đại học y cần phải học những môn học sau:
Các môn y học cơ sở (là những môn học làm nền tảng kiến thức quan trọng cho sinh viên trước khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh):
Tại ĐH Y Hà Nội, có 12 bộ môn y học cơ sở. Những môn học này các sinh viên chủ yếu học trong 2 năm đầu của khóa đào tạo.
Các môn cơ sở cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc giải phẫu người, cấu trúc vi thể của các mô trong cơ thể người, hoạt động sinh lý sinh hóa diễn ra trong cơ thể và trong từng tế bào của cơ thể. Những vi sinh vật tồn tại bên trong cơ thể con người và ngoài môi trường sống, chúng sinh trưởng phát triển ra sao và tương tác với cơ thể con người như thế nào. Các loại dược chất hoạt động theo cơ chế nào, nó đem lại những lợi ích và nguy cơ gì cho cơ thể con người…
Tất cả các môn cơ sở đều có vai trò rất quan trọng. Một bác sĩ sẽ phẫu thuật trên người bệnh ra sao nếu không hiểu thấu đáo cấu trúc giải phẫu của cơ thể người? Một bác sĩ có hiểu biết tồi về kiến thức dược lý sẽ không những không chữa được bệnh mà còn có thể gây hại cho người bệnh do chính loại thuốc mà mình kê đơn. Do đó, một bác sỹ đa khoa phải có kiến thức cơ bản về 12 môn học cơ sở này.
Các môn y học lâm sàng (là những môn học mà sinh viên học trực tiếp trên người bệnh)
ĐH Y Hà Nội có 23 môn y học lâm sàng. Những môn học này các sinh viên học trong 4 năm cuối của khóa đào tạo.
Như vậy ở Việt Nam, để đào tạo được Bác sĩ đa khoa tạm gọi là ổn cần đội ngũ giảng dạy gồm 12 môn cơ sở và ít nhất 20 môn lâm sàng. Để một bộ môn có thể hoạt động đầy đủ chức năng cần tối thiểu một nhóm gồm 3 cán bộ.
Với hơn 30 bộ môn, chúng ta cần tối thiểu 100 cán bộ giảng dạy để có thể vận hành các bộ môn một cách ổn định và đảm bảo chất lượng.
Còn ở nước ngoài, cách đây 4 năm, tôi được học Diploma tại Thái Lan trong 1 năm cùng với các bác sỹ đến từ 10 nước khác nhau của khu vực Nam Á. Hiện tại, tôi học năm thứ 2 tại Nhật Bản, nên tôi chỉ đưa ra những thông tin tôi trực tiếp trao đổi với những người mình từng học và làm việc.
Khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản, cũng đào tạo bác sĩ đa khoa trong thời gian 6 năm. Các môn học cũng bao gồm những môn cơ sở và môn lâm sàng như đã nêu trên. Về cơ bản không có nhiều khác biệt.
Nhật Bản là nước phát triển nên mặt bệnh của họ có đôi chút khác biệt so với Việt Nam, nên một số bộ môn đặc thù của Việt Nam (ví dụ Bộ môn Lao và các bệnh phổi ) họ không có. Kiến thức về bệnh Lao được học tại bộ môn Truyền nhiễm.
Sinh viên lớp Bác sĩ đa khoa học ở đâu?
Ở Việt Nam: Môn giải phẫu người sinh viên học tại Viện Giải phẫu (Hà Nội). Đây chính xác là viện giải phẫu chứ không phải là phòng giải phẫu, bao gồm các mẫu xương người, các mẫu nhau thai, xác người nguyên vẹn và từng phần cấu trúc riêng rẽ của cơ thể người.
Video đang HOT
Các môn y học cơ sở khác: Học tại các labo bên trong khuôn viên chính ĐH Y Hà Nội.
Môn Y học lâm sàng: Tùy từng môn học mà chúng tôi đến bệnh viện khác nhau: Môn nội tổng hợp (hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, lão khoa…) chủ yếu học tại Bệnh viện Bạch Mai; Môn ngoại tổng hợp (là những môn học về phẫu thuật) thường học tại Bệnh viện Việt Đức và khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai; Môn phụ sản: Bệnh viện phụ sản TƯ và Bệnh viện phụ sản Hà Nội;
Môn Nhi : Bệnh viện Nhi TƯ , Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn; Môn Da liễu: Bệnh viện Da liễu TƯ; Môn Tai Mũi Họng: Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ; Môn Tim mạch: Viện tim mạch TƯ; Môn Ung thư: Bệnh viện K TƯ….
Với 23 môn y học lâm sàng, sinh viên ĐH Y Hà Nội sẽ được thực hành ở gần 20 bệnh viện và viện tại Hà Nội.
Các nước phát triển như Nhật Bản, các trường ĐH Y đều có bệnh viện riêng của trường ĐH đó. Đây là những bệnh viện lớn ở khu vực và là bệnh viện tiêu chuẩn về mặt chuyên môn cho toàn bộ các bệnh viện khác trong khu vực.
Sinh viên của trường chủ yếu học tại bệnh viện này. Tuy nhiên, giữa các bệnh viện vẫn có sự trao đổi thông tin và sinh viên sẽ có thể sang một bệnh viện khác để học những môn mà nơi đó có thế mạnh về chuyên môn.
Ở Thái Lan, khi có một ca bệnh hay ở một bệnh viện bên cạnh, họ liên lạc với người quản lý lớp chúng tôi và sau đó cả lớp tôi sang học tại bệnh viện đó để được nghe giảng về một ca bệnh hiếm gặp.
Sinh viên Y trong giờ học. Ảnh: VietNamNet.
Vào là ra được?
Chất lượng đầu vào được các nước kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, về kiểm soát đầu ra có sự khác nhau giữa Việt Nam và một số nước.
Cụ thể, ở Việt Nam, hầu hết vào trường được là ra được. Nhưng ở Nhật Bản, khóa đào tạo Bác sĩ đa khoa có 3 kỳ thi quan trọng là cuối năm thứ 2 – năm thứ 4 – và năm thứ 6. Mỗi kỳ thi quan trọng ấy có 10% sinh viên trượt.
Như vậy so với đầu vào, ở Nhật Bản, chỉ có tối đa 70% sinh viên trở thành Bác sĩ đa khoa.
Ngay cả với ngôi trường hàng đầu Việt Nam về đào tạo Bác sĩ đa khoa là ĐH Y Hà Nội cũng chưa dám loại bỏ 30% sinh viên đầu vào. Cái 30% đó là những ai? Nói điều này chắc có lẽ một số bạn sẽ bị tự ái. Thời sinh viên, bạn cùng khóa tôi có không ít người ngày đêm mài đũng quần với game, phim ảnh và thậm chí là cờ bạc.
Một số khác thì bất mãn vì mình đường đường là những người đoạt giải quốc gia, quốc tế nhưng do vào trường Y không phải do mình thích mà là do cha mẹ thích nên đăng ký tuyển thẳng vào và cuối cùng học hành cũng be bét.
Những người đó, cuối cùng, họ cũng nhận được tấm bằng bác sĩ và ngẩng cao đầu với đời cùng cái mác Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội. Nhưng tôi tin chắc họ không bằng trình độ của những bác sĩ khác, những người đã cần mẫn học hành và nhiệt huyết với nghề, mặc dù họ có học ở một trường Y ít có tiếng tăm hơn.
Chế độ đãi ngộ dành cho bác sĩ:
- Bangladesh: 500 USD/tháng
- Ấn Độ: 1300 USD/ tháng
- Thái Lan: 1500 USD/ tháng
- Trung Quốc: 1500-2000 USD/ tháng
Các nước nói trên có nước thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, có nước cao hơn Việt Nam nhưng có chung một điểm là thu nhập do nhà nước chi trả cho bác sĩ cao gấp khoảng 2 lần so với các ngành nghề khác và tương đương với lương dành cho quân đội.
- Nhật Bản: vì mức lương của họ quá cao nên tôi không muốn kể ra đây. Chỉ cần các bạn biết, một giờ lao động của bác sỹ được nhà nước trả lương bằng 3 giờ lao động của những công chức thông thường khác.
- Việt Nam:
Lương dành cho bác sỹ mới ra trường:
2.34×1.150.000 = 2.691.000 VNĐ/tháng (120 USD/tháng )
Bác sĩ Vũ Huy Lượng
Giảng viên ĐH Y Hà Nội/ Tiến sĩ Y khoa, Đại học Y Fukui, Nhật Bản
Theo VietNamNet
Thầy trò trường Y giỏi nhất nước đang lo lắng điều gì?
Chiều 26/11, thầy và trò của trường có điểm đầu vào và chất lượng đào tạo được đánh giá đứng đầu cả nước - ĐH Y Hà Nội - đã trao đổi băn khoăn, lo lắng trong quá trình dạy và học.
Góc nhìn của thầy
GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ "Tôi không bi quan về chương trình đào tạo hiện tại của trường. Hầu hết bác sĩ được đào tạo từ ĐH Y Hà Nội đều là những người rất khá, không thua kém".
Tuy nhiên, ông Việt cũng đưa ra những so sánh trong việc đào tạo trước đây với hiện nay: "Các thế hệ trước thường được giáo sư giảng dạy về triệu chứng học. Bây giờ, phần này thường do giảng viên trẻ đảm nhiệm, có những người còn chưa nắm kỹ. Ngày xưa, thời gian của các thầy cô chủ yếu dành cho giảng dạy. Bây giờ, các thầy cô còn đi mổ, làm đủ thứ. Các thầy cô cũng cần nhìn lại xem mình đã dành đủ thời gian cho sinh viên chưa".
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh: VietNamNet.
Ông Việt cũng nhận xét, chương trình học của trường đang dồn nén một khối lượng lý thuyết lớn lên sinh viên. "Bộ môn nào cũng bảo cần. Chỉ đến khi thầy cô có con theo học tại trường, thấy con mệt mỏi vì học mới thông cảm cho sinh viên".
Về thời lượng học lâm sàng, theo ông Việt, cũng cần xem xét lại. "Học y là học nghề mà học lâm sàng không nhiều thì đòi sinh viên phải giỏi là bất cập".
Cũng theo ông Việt, sinh viên y có kỹ năng giao tiếp chưa thật sự tốt. Việc giảng dạy lâm sàng cũng cần thay đổi. "Không nên tiếp tục chuyện mấy chục sinh viên cùng gõ lên lồng ngực một người bệnh để kiểm tra. Trước nay có cảnh thầy giảng, trò ghi chép. Nhưng nếu sinh viên đọc trước, trình bày theo nhóm, thầy đóng góp ý kiến, tức là sinh viên phải tự học, thì tốt hơn".
Còn PGS Phạm Nhật An, Bộ môn Nhi, cho rằng, quá trình đổi mới sẽ không dễ dàng. Ví dụ như việc chuyển đổi phương pháp học, lấy sinh viên làm trung tâm, "nhưng một lớp 200 sinh viên thì không cách gì lấy sinh viên làm trung tâm được".
Ông An cũng cho rằng, nếu như trước đây lấy bệnh viện làm nơi học chính, thì bây giờ cần xem xét cả phương thức của một số trường đại học y lớn của thế giới, cộng đồng cũng sẽ là nơi học tập của sinh viên y.
Đồng quan điểm với ông Việt, ông An nhận định chương trình hiện tại nặng quá, phải giảm bớt. Và dù đầu vào của nhà trường rất tốt, nhưng sinh viên cần khắc phục hai điểm yếu là ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm.
"Có hai hướng đổi mới đào tạo để không lạc hậu. Thứ nhất là cập nhật các chương trình đào tạo của thế giới, và thứ hai xây dựng bản thân để thế giới công nhận" - PGS. TS Nguyễn Hữu Ước phân tích.
Ông Ước cho rằng nên dựa vào một mô hình đã được thế giới công nhận để theo, bởi "nếu chúng ta tự lực rồi bảo chúng ta giỏi mà không ai công nhận thì không được".
"Các vấn đề cần tập trung đổi mới, và đổi mới liên tục, là xây dựng nội dung đào tạo có chuẩn đầu ra phù hợp; Xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên phải tự tư duy, tự thực hành nhiều hơn. Người thầy cũng phải nhìn lại năng lực của mình, về chuyên môn, công nghệ thông tin, kỹ năng giảng dạy, độ nhiệt tình..., từ đó xây dựng lộ trình để người thầy cũng phải thay đổi" - ông Ước khẳng định.
Sinh viên muốn gì?
Ngồi lẫn giữa sinh viên, PGS Phạm Trọng Văn, Bộ môn Mắt, cho biết, ông xuống đây để lắng nghe ý kiến của các em. "Sinh viên bảo học nhiều quá, nhiều môn không cần thiết như kinh tế y tế, y tế công cộng. Các em muốn tập trung học chữa bệnh, những môn khác ra trường nếu cần sẽ học bổ sung sau.
Sinh viên cũng nhận xét một số bộ môn, đặc biệt bộ môn cơ sở, nhiều thầy giảng bài như đọc thuộc lòng. Nếu giảng thế các em ở nhà mở sách ra tự đọc cũng được. Thời khoá biểu xếp cũng chưa thực sự hợp lý".
Sinh viên Tăng Văn Dũng, lớp Y5B, cũng thay mặt bạn bè nói lên ý kiến. Sinh viên nói tới thực trạng khi học lâm sàng có những khoa nhỏ nhưng tới 60 sinh viên vào.
"Lượng sinh viên đông hơn bệnh nhân nên để học tốt là khó. Chúng em cũng mong mỏi thầy cô thu xếp thời gian giảng lâm sàng nhiều hơn. Nhiều thầy cô chỉ có 20 - 30 phút bình luận một ca bệnh, rất khó để chúng em hỏi nhiều hơn và đưa ra các tình huống khác nhau", Dũng nói.
Đáp lại những ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định, công tác đào tạo của trường phải đổi mới, và đổi mới liên tục.
Ông Hinh đưa ra các vấn đề mà trường sẽ làm ngay. Thứ nhất là giảm tải chương trình học. Thứ hai bố trí lại việc học lâm sàng". Ông Hinh cũng nhấn mạnh: "Sinh viên phải chủ động học. Như hiện nay, các bạn vẫn thể hiện việc học còn thụ động".
Về việc sử dụng chương trình nhập khẩu, ông Hinh cho biết, có những nơi nhập chương trình về với giá 1 triệu USD, và bỏ ra thêm khoảng 10 triệu USD để Việt hoá. "Đó là điều không tưởng đối với trường này. Nhưng trường sẽ nhận hỗ trợ của nước ngoài nếu được. Nếu mua được chương trình tốt sẽ mua, dù có thể chỉ áp dụng được 50, 60% nhưng vẫn còn hơn là tự ngồi vẽ ra...".
Theo Ngân Anh/VietNamNet
'Không phải ai muốn đào tạo ngành Y cũng được' "Chúng ta không nên bó hẹp chỉ một số trường độc quyền đào tạo Y, Dược, nhưng cũng không thể nghĩ rằng, ai muốn đào tạo cũng được", PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, ĐH Y Dược TP HCM nói. Trước việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở hai ngành Y đa khoa và Dược học, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó...