Đào Nhật Tân nở sớm trong giá rét
Đào chớm nở, các khu vườn trị giá nhiều tỷ đồng ở đất đào số một Việt Nam đang vào vụ suôn sẻ. Nhưng nếu ông trời “đổi ý”, người trồng đào vẫn có thể tay trắng.
Anh Trần Tuấn Việt, 37 tuổi, một chủ vườn đào lớn ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), đang đi thăm những cây đào chớm nở hoa trong vườn. Còn hơn một tháng nữa mới tới Tết và trời rét đậm nhưng đã có những cây đào Nhật Tân trổ hoa.
Bông đào Nhật Tân nở rực. Trời lạnh giá kéo dài, nhưng nhờ có nắng, đào vẫn sinh trưởng thuận lợi. Chủ đào Tuấn Việt cho biết, số hoa đào nở chỉ chiếm phần rất nhỏ, hoàn toàn không gây lo ngại đào nở sớm. Trái lại, người trồng đào đang lo thời tiết lạnh giá có thể khiến đào nở muộn.
Nhiều tích kê đã được gắn trên các cây đào ở làng Nhật Tân. Đây là thời điểm người chơi đào từ khắp mọi nơi tới đây đặt thuê những cây đào đẹp nhất cho dịp Tết. Những cây đào to có giá thuê trung bình khoảng 10 – 20 triệu đồng.
Cá biệt, có những gốc đào nhiều năm tuổi có giá thuê lên tới 40 – 50 triệu đồng, nếu khách hỏi mua đứt sẽ nhận được câu trả lời: “Giá nào cũng không bán”. Dù đã có khá nhiều khách đặt thuê, nhưng công việc của người trồng đào vẫn chưa kết thúc. Trái lại, một tháng trước Tết là quãng thời gian “cam go” nhất đối với người trồng đào, bởi họ phải theo dõi diễn biến sinh trưởng của đào để căn chỉnh cho phù hợp với thời tiết.
Tưới nước là biện pháp quan trọng nhất để chăm sóc, can thiệp quá trình sinh trưởng của cây đào. Hà Nội đang trải qua đợt rét kéo dài khiến đào sinh trưởng chậm, nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của các chủ vườn bằng cách tăng thêm lượng nước tưới cho cây.
Một người chăm sóc đào đang đi qua những cây đào được ủ bằng bọc ni-lông để giữ nhiệt. Đây là một trong những biện pháp can thiệp khá “mạnh” tới quá trình sinh trưởng của cây.
Bọc ni-lông có tác dụng giữ nhiệt, giữ ẩm cho đào, giúp cây ra nhiều nụ.
Nhát cưa “trị giá hơn 10 triệu đồng” của ông Trần Quốc Toản, 50 tuổi, một người đã có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc đào. Ông Toản cho biết, cây đào này không còn hy vọng kịp ra hoa dịp Tết này, ông phải cưa bỏ cành, giữ gốc cho vụ đào năm sau.
Video đang HOT
Tết năm nay chưa đến, ông Nguyễn Bắc Thái, 61 tuổi, đã lo ghép mắt đào cho vụ năm sau. Ông Thái là người Nhật Tân “gốc”, được các cụ truyền nghề trồng đào từ khi còn nhỏ.
Ngón tay ông Thái khéo léo đẩy mắt đào vào vết ghép trên thân cây. Ông Thái cho biết, thời tiết những ngày này đang khá thuận lợi cho đào khi trời rét nhưng có nắng. Nhưng mọi thứ vẫn có thể thay đổi chốc lát nếu ông trời “đổi ý”. “Chỉ cần một đợt gió Đông Nam mang theo khí nóng ẩm là đào nở bung, không có cách nào hãm được. Khi đó người trồng đào chỉ còn nước đứng khóc”, ông Thái nói.
Chợ hoa Quảng Bá, nằm bên ngoài làng Nhật Tân, đã xuất hiện những cành đào bày bán với giá khoảng 100 nghìn đồng/cành. Đào bày bán ở chợ Quảng Bá luôn được quảng cáo là đào Nhật Tân “xịn”, nhưng các chủ đào cho biết đa số là từ các nơi chuyển về.
Tết năm nay chưa tới, những gốc đào Nhật Tân hậu bị đã sẵn sàng cho năm sau.
Dù đã có nhiều biện pháp hiện đại can thiệp vào quá trình sinh trưởng của đào, thời tiết vẫn là yếu tố quyết định đào có nở đúng dịp Tết hay không. Vì thế mà đối với người trồng đào Nhật Tân, mỗi vụ đào Tết là một canh bạc mà người dân đặt cược cả vào… ông trời.
Quý Đoàn
Theo TNO
Chuyện lạ ở Thủ đô Hà Nội: Thịt chó Nhật Tân biến mất (Kỳ 1)
Vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Phố Nhật Tân giờ không còn thịt chó
Phố thịt chó Nhật Tân (Hà Nội), với 50 nhà hàng, tấp nập khách nhậu ngày đêm giờ chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Tôi vòng đi vòng lại mấy lần phố Nhật Tân, tìm quán thịt chó Trần Mục, nơi mà dân nhậu Hà thành không ai không biết, vì nó là thương hiệu quá nổi tiếng, nhưng không thấy đâu cả.
Hỏi chị bán hàng nước, chị chỉ ngôi nhà ngay cạnh bảo: "Trần Mục thịt chó đây anh này".
Đó là ngôi nhà 2 tầng với vách tôn, mái tôn, cổng rả đóng kín, bụi phủ trắng nhợt, thậm chí cỏ mọc thành bụi từ những kẽ nứt trước nhà. Chị bán hàng nước bảo: "Cả phố Nhật Tân chỉ còn mỗi quán Anh Tú Béo thôi, không có quán nào khác cho anh lựa chọn nữa đâu".
Tôi hỏi lý do vì sao quán thịt chó Trần Mục quá nổi tiếng, mà lại đóng cửa, chị bán nước bảo: "Mấy chục quán thịt chó ở đây đều phá sản hết anh ạ. Dù họ giàu có cỡ nào, nhưng làm công việc sát sinh, mà lại giết hại con vật nuôi yêu quý của con người, nên đều không có kết cục tốt. Bà Xìu chủ quán Trần Mục chuyển nghề rồi, giờ buôn bán bất động sản".
Chị chủ quán nước chỉ tòa nhà màu vàng bên kia đường và bảo đó chính là nhà bà Nguyễn Thị Xìu, vốn là chủ quán thịt chó Trần Mục.
Tòa nhà lớn ngay mặt đê quả là trụ sở một doanh nghiệp, chuyên môi giới bất động sản.
Người đàn bà độ ngoài 60 tuổi, dáng vẻ chậm rãi, khuôn mặt phúc hậu, miệng hay cười tiếp đón niềm nở. Bà vồn vã mời tôi vào phòng khách, pha nước, mà không hỏi là ai, đến có việc gì, như phần lớn gia chủ khác khi có khách lạ đến gặp. Đó chính là tính cách thân thiện của người Hà Nội gốc.
Khi tôi hỏi chuyện vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất, bà Nguyễn Thị Xìu không vào ngay chuyện. Bà nhớ lại một thời vàng son của Trần Mục quán, cùng phố thịt chó Nhật Tân thơm lừng thịt chó, mắm tôm.
Quán thịt chó Trần Mục đóng cửa mấy năm nay
Theo bà Xìu, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, cỏ cây lau lách, dân cư thưa thớt. Chồng bà, ông Trần Mục đã cắm một mảnh đất ven đê, dựng mái lều tranh, viết tên mình gắn với món thịt chó lên cái mẹt, rồi cắm triền đê. Không ngờ, quán lá ven sông giữa bốn bề lau lách, lại hấp dẫn thực khách đến vậy.
Khách tìm đến quán thịt chó Trần Mục ngày càng đông. Người Hà Nội tìm ta tận ngoại thành để hưởng hương đồng gió nội. Khách tỉnh xa qua cầu Thăng Long cũng dừng lại triền đê thưởng thức thịt chó Trần Mục, hít thở gió sông Hồng.
Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, nên ông Trần Mục phá căn lều nhỏ, dựng ngôi nhà hai tầng, rộng mấy trăm mét vuông.
Thời vàng son kéo dài suốt hai chục năm. Mỗi ngày quán Trần Mục đón 600 - 1.000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23 giờ đêm để phục vụ khách.
Để có thể đáp ứng nhu cầu thực khách, mỗi ngày quán giết mổ từ 100 đến 150 con chó.
Gia đình bà Xìu chuyển sang làm những nghề khác
Bà Xìu nhớ lại: "Quán Trần Mục đông đến nỗi, nhà hàng rộng vậy mà không đáp ứng nổi. Những ngày cuối tháng, quán chỉ nhận phục vụ những khách đặt trước. Chuông điện thoại đặt hàng reo inh ỏi suốt ngày, đến nỗi tôi phải rút điện thoại ra, để khỏi phải nghe nữa".
Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó.
Cứ chiều xuống, con phố lại chìm trong làn khói mờ ảo của những lò thui chó, những xiên chả nướng chó. Nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Giờ thì cả con đê Nhật Tân, chỉ còn lại mỗi quán Anh Tú Béo.
Tôi cắt ngang hồi tưởng của bà Xìu bằng câu hỏi: "Nghe đồn bà đóng cửa quán vì sợ sát sinh loài vật thân thiết với con người?". Bà Xìu bảo, bà không tin vào chuyện mê tín, nhưng chuyện bà đóng cửa quán, nghỉ bán thịt chó, cũng có phần lớn là vì nỗi sợ hãi vô hình đó.
Theo lời bà Xìu, chính chồng bà, ông Trần Mục là người gây dựng nên thương hiệu thịt chó Trần Mục nói riêng và thịt chó Nhật Tân nói chung, tuy nhiên, khi quán hoạt động được vài năm, đúng lúc thịnh vượng, thì ông Mục đòi đóng cửa quán, không làm công việc sát sinh này nữa.
Quán thịt chó Trần Mục giờ phủ bụi, cỏ mọc
Ông Mục bảo rằng, không ai làm giàu nhờ sát sinh được, nhất là làm giàu trên sự chết chóc của loài chó. Tuy nhiên, khi đó, việc kinh doanh thịt chó đang rất thịnh vượng, mang lại tiền bạc như nước, nên bà Xìu không chấp nhận đóng cửa quán.
Không thuyết phục được vợ, ông Mục bỏ mặc quán cho vợ quản lý, còn ở nhà trông cháu, chăm sóc cây cối vui tuổi già. Mình bà Xìu phải vật lộn với việc quản lý quán thịt chó. Bà phải tự tay pha chế thịt chó mới đảm bảo chất lượng.
Nghe chồng nói nhiều về chuyện không có hậu trong nghề kinh doanh thịt chó, rồi bà chứng kiến nhiều người làm nghề giết mổ và đón nhận kết cục không tốt đẹp, nên bà Xìu cũng hoang mang.
Thịt chó Trần Mục nổi tiếng một thời. Ảnh: Tiến Dũng
Bà không dám tự tay giết chó nữa, mà sai nhân viên làm việc đó. Để giải bớt nghiệp cho mình và gia đình, bà Xìu đi lễ rất nhiều nơi. Mỗi năm, bà đi hàng chục ngôi chùa, cúng lễ rất chu đáo, đốt vô số vàng mã cúng cho linh hồn loài chó. Bà Xìu tin rằng, do bà đi lễ cẩn trọng, nên đại gia đình bà mới không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, những điều xảy đến với sức khỏe, khiến bà cũng phải bận tâm suy nghĩ. Mấy năm trước, dù hàng loạt quán thịt chó ở Nhật Tân đã đóng cửa, song quán Trần Mục có thương hiệu, nên vẫn rất đông khách.
Đúng thời điểm đó thì bà mắc nhiều thứ bệnh như cao huyết áp, thoái hóa các khớp khiến bà không đi nổi, đôi mắt cứ mờ dần phải tiến hành mổ gấp mới không bị mù... Thời điểm đó hầu như tháng nào bà cũng phải đi viện vài lần.
Nỗi sợ hãi về việc sát sinh loài chó đã nhen nhóm xuất hiện trong đầu bà và đại gia đình. Chồng, con ra sức ngăn cản bà, yêu cầu bà đóng cửa quán thịt chó. Nhưng chỉ đến khi ngã gãy tay, phải bó bột, không tự tay pha chế được thịt chó nữa, bà mới sực tỉnh, sợ hãi thực sự.
Cái lần ngã rất nhẹ mà gãy tay, đã khiến bà suy nghĩ nhiều, rồi quyết định đóng cửa thương hiệu thịt chó Trần Mục nổi tiếng, mà không một chút lưu luyến nào nữa.
Còn nữa...
Theo xahoi
Cái giá của những tấm hình đẹp Nhằm thoả mãn nhu cầu chụp ảnh của các bạn trẻ, nhiều cá nhân đã thuê đất đầu tư, cải tạo, trang trí địa điểm để thực hiện dịch vụ cho thuê chụp ảnh. Tuy vậy, đằng sau bức ảnh lung linh đầy màu sắc là nguy cơ gây mất an toàn cho người chụp. Đằng sau tấm biển "Khu vực nguy hiểm",...