Đạo diễn Trần Anh Hùng: Làm phim thương mại như Trấn Thành có lợi cho Việt Nam
Đạo diễn Trần Anh Hùng khẳng định những phim ăn khách sẽ làm cho nền điện ảnh được sống. Tuy nhiên, các đạo diễn làm phim thương mại vẫn phải cân bằng, đảm bảo tính nghệ thuật và ngôn ngữ điện ảnh tốt.
Nhân buổi gặp gỡ báo chí sáng 20.3, đạo diễn Trần Anh Hùng đã chia sẻ với Thanh Niên về quá trình thực hiện tác phẩm The Taste of Things ( Muôn vị nhân gian). Bên cạnh đó, nam đạo diễn đã có những nhận định thẳng thắn về thành công của các bộ phim thương mại cũng như việc mang điện ảnh Việt ra quốc tế.
Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ mang tác phẩm chiến thắng tại LHP Cannes – The Taste of Things về Việt Nam. BTC
“Phim của tôi luôn là một món quà”
* Ý tưởng để anh thực hiện phim The Taste of Things (Muôn vị nhân gian) đến từ đâu?
- Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi muốn làm phim về ẩm thực đã 20 năm rồi, có nhiều dự án trước đó nhưng chưa thành. Cho đến khi tôi gặp quyển sách La Vie et la Passion de Dodin-Bouffant, Gourmet (1924) và lập tức bị cuốn hút khi nhân vật trong đó họ nói về ẩm thực một cách rất hay. Sau đó, tôi may mắn tìm được một nhà sản xuất đồng ý và bắt tay thực hiện.
Tuy nhiên, tôi không lấy hết câu chuyện của cuốn sách mà chỉ giữ lại tên của nhân vật. Quyển sách đó bắt đầu với cái chết của nhân vật Eugenie còn tôi lại muốn kể diễn biến trước đó giữa Eugenie và Dodin.
* Cơ duyên nào để anh tìm được hai diễn viên chính?
- Juliette Binoche và Benot Magimel là hai tên tuổi của điện ảnh Pháp. Tôi chọn cặp đôi này vì Juliette rất giống nhân vật khi cô là một người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, còn Benot có ngoại hình và cách diễn xuất hợp với chất nhân văn của phim.
Với Juliette Binoche, tôi đã gặp cô ấy lâu lắm rồi và chúng tôi đã hứa hẹn sẽ cùng hợp tác trong một bộ phim. Tôi đã phải chờ để có một dự án phù hợp với Juliette và cô ấy đã đồng ý. Cũng nhờ Juliette nhận lời mà dự án này có thể “sống”, vượt qua được những giây phút khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Nam diễn viên Benot Magimel và Juliette từng là một cặp và đã có với nhau một cô con gái chung. Tuy nhiên họ đã chia tay và không làm việc với nhau hơn 20 năm. Tôi cũng rất lo lắng khi mong muốn hai người trở lại trên màn ảnh. Nhưng mà cuối cùng Benot nói muốn làm phim này và Juliette cũng ngạc nhiên vì điều đó.
* Anh kỳ vọng khán giả Việt đón nhận thế nào với bộ phim nghệ thuật của mình?
- Tôi không kỳ vọng hay sợ khán giả kén phim. Đối với tôi, phim của Trần Anh Hùng làm luôn là một món quà. Người ta nhận hay không thôi. Ở đó chứa nhiều tâm huyết, ấp ủ, những giá trị nhân văn mà tôi và ê kíp muốn gửi gắm. Tôi trân trọng việc khán giả đến thưởng thức những không đặt nặng việc xem nhiều hay ít. Cái quan trọng là mình muốn nói gì, muốn đưa đến cho khán giả cảm xúc gì đặc biệt. Với tôi, mỗi một bộ phim là một tác phẩm, không phải sản phẩm, khán giả càng không phải khách hàng. Tất nhiên, tôi cũng phải làm ra một tác phẩm như thế nào để có thu nhập thực hiện tiếp các dự án trong tương lai.
* Anh có dự định làm một bộ phim về Việt Nam tiếp theo trong tương lai?
- Tất nhiên là có! Trong tương lai, tôi cũng muốn làm một bộ phim về phụ nữ Việt Nam và nó sẽ không hiện lên một cái bóng người đàn ông nào cả. Đó là ý tưởng mà tôi rất thích và đang nuôi dưỡng mục tiêu này.
Đạo diễn Trần Anh Hùng nhận định cần làm nhiều phim nghệ thuật để Việt Nam chạm tới các giải thưởng điện ảnh quốc tế. BTC
Phim thương mại có lợi nhưng cần đầu tư cho phim nghệ thuật
* Anh đánh giá như thế nào về thành công của phim Việt Nam trên thị trường hiện tại, có cái tên nào khiến anh ấn tượng không?
- Đã là phim ảnh thì cần phải có sự đa dạng để khán giả khi đi xem có nhiều sự lựa chọn. Đây là một điều rất hay. Những phim thương mại và đạt được thành công lớn như phim của Trấn Thành là một tín hiệu rất tốt, rất có lợi cho nền điện ảnh của Việt Nam. Ở bất cứ quốc gia nào, những tác phẩm điện ảnh ăn khách làm cho nền điện ảnh được sống. Ta cứ tưởng tượng một thế giới, một xã hội mà nó chỉ có phim nghệ thuật thôi chắc cũng buồn lắm. Nó sẽ chỉ có những phim quá buồn, quá nghiêm túc thì cũng không hay.
Nhưng để chúng ta thật sự có một đời sống thì cần phải có sự tác động qua lại giữa phim nghệ thuật và phim thương mại. Đến một lúc nào đó, tôi mong việc sản xuất ở Việt Nam phải có một sự thay đổi về tinh thần. Các đạo diễn, nhà sản xuất phải vừa làm phim thương mại, vừa đảm bảo ngôn ngữ điện ảnh tốt ở trong đó.
* Vậy bài học của anh trong việc làm phim nghệ thuật là gì sau chiến thắng tại Cannes?
- Tôi không có bài học nào, cái quan trọng là phải làm được phim hay thôi. Tôi không thể kể hết những khía cạnh phức tạp cho việc định nghĩa nó nhưng chắc chắn một bộ phim chân thực là một bộ phim hay. Nếu mà mình có suy nghĩ tạo ra một sản phẩm thì chắc chắn nó sẽ không hay. Nhưng khi mình đặt tâm thế sẽ tạo ra một tác phẩm thì nó lại khác. Nó phải có một cái chất riêng, rất cá nhân ở trong đó.
Đạo diễn Trần Anh Hùng có niềm tin vào thế hệ làm phim trẻ của Việt Nam. BTC
* Vậy vì sao phim Việt Nam khó chạm tới những giải thưởng quốc tế như Oscar hay Cannes?
- Mỗi năm Việt Nam mình đều có phim gửi đi các giải thưởng quốc tế. Chúng ta phải tiếp tục làm rồi đến một lúc nào đó nó sẽ thành công. Tuy nhiên, các giải thưởng như Oscar hay Cannes nó là kết quả từ một nhóm người thôi nên ngoài yếu tố chuyên môn ra thì cần có sự may mắn. Không phải là vì phim dở nên mới thua bởi ngay cả những phim đối với tôi là tuyệt tác cũng không được giữ lại. Ở Pháp mỗi năm người ta làm hơn 200 phim. Lý do mà họ làm nhiều đến thế để đảm bảo trong đó có 1, 2 cái được chú ý tới. Nếu phim càng phong phú mình sẽ càng có nhiều sự lựa chọn.
Ở Việt Nam chỉ sản xuất 30 phim thì ta sẽ chỉ có 30 phim thôi. Mà nếu 99% trong số đó là phim thương mại thì làm sao có thể chạm tới các giải thưởng quốc tế. Bởi phim thương mại đâu được đi Cannes, đâu được đi chỗ này chỗ kia vì người ta tìm phim nghệ thuật. May mắn lắm mới có một phim thương mại vì có sự xuất hiện của những ngôi sao người ta cần mời tới. Tóm lại, vấn đề là chúng ta phải tiếp tục làm và làm cho thật hay.
* Vậy làm sao để tăng cường thêm số lượng phim nghệ thuật?
- Đó là vấn đề của cá nhân người làm phim. Nếu không muốn làm, chỉ chọn làm phim thương mại thì những người muốn tạo ra các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật hơn sẽ vất vả lắm. Họ phải mất 10 năm mới tìm được đủ tiền để thực hiện hóa, trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Thậm chí, 10 năm đó chỉ mới đủ tiền quay thôi và còn phải xoay sở rất nhiều mới có thể tới khâu hậu kỳ. Người chọn phim nghệ thuật ở Việt Nam có một độ dũng cảm, cương quyết mà Hùng chưa bao giờ có. Là vì tôi may mắn làm việc ở nơi mà những nhà sản xuất đề cao phim nghệ thuật. Mà điều này ở Việt Nam vẫn còn non trẻ lắm.
Chúng ta cần thời gian, để trong tương lai sẽ xuất hiện những nhà sản xuất có đủ uy tín để thuyết phục những nhà đầu tư bỏ tiền vào phim nghệ thuật. Tôi hoàn toàn có hy vọng vào một tương lai tốt đẹp như vậy khi nhìn vào thế hệ trẻ Việt Nam đầy dũng cảm và sáng tạo.
Phim giúp Trần Anh Hùng thắng giải đạo diễn ở Cannes cấm khán giả dưới 13 tuổi
Muôn vị nhân gian (The Taste of Things), bộ phim giúp Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc ở LHP Cannes 2023 phát hành tại rạp Việt từ 22/3 nhưng cấm khán giả dưới 13 tuổi.
Muôn vị nhân gian - bộ phim giành được rất nhiều sự quan tâm của khán giả Việt Nam sau chiến thắng lịch sử ở LHP Cannes năm ngoái vừa tung trailer chính thức dài 2 phút hé lộ những khung hình tuyệt đẹp. Hơn cả một bộ phim về nghệ thuật ẩm thực được nấu nướng thật 100% trên trường quay và thu tiếng trực tiếp, Muôn vị nhân gian còn hé lộ chuyện tình lãng mạn lấy bối cảnh nước Pháp 1 thế kỷ trước.
Muôn vị nhân gian xoay quanh căn bếp ngập tràn tình yêu và những món ăn thượng hạng của chuyên gia ẩm thực Dodin (Benot Magimel) và nữ đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche). Hơn 20 năm làm việc bên nhau, ngày ngày cùng nấu nướng, Dodin đọc công thức còn Eugénie biến hoá chúng trên bếp lửa, họ dành thời gian cho nhau nhiều hơn bao cặp vợ chồng.
Nhưng khi Dodin ngỏ lời kết hôn, Eugénie chưa thể nhận lời mà thể hiện những nỗi băn khoăn, lo lắng bên trong mình: "Ông còn định hỏi cưới em bao nhiêu lần nữa thế? Ông nói chúng ta đang độ tuổi sang thu. Đấy là ông thôi. Em thì thấy mình đang ở giữa hè" hay "Em có thể hỏi ông một câu không? Em là đầu bếp của ông hay là vợ ông?".
'Muôn vị nhân gian' nhận 97% 'cà chua tươi' trên chuyên trang Rotten Tomatoes.
Để tái hiện ẩm thực truyền thống của nước Pháp một cách chân thực và lộng lẫy nhất, đạo diễn Trần Anh Hùng hợp tác cùng cố vấn Pierre Gagnaire - đầu bếp danh tiếng sở hữu 14 sao Michelin. Đặc biệt, tất cả cảnh quay nấu nướng trong Muôn vị nhân gian đều được thu tiếng trực tiếp, đảm bảo độ sống động từ âm thanh đến hình ảnh cho từng món ăn.
Những món ăn trong phim được đạo diễn Trần Anh Hùng và cố vấn ẩm thực Pierre Gagnaire thực hiện sao cho giống nhất với thế kỷ 19, đòi hỏi số lượng lớn các nguyên liệu phức tạp. Trước khi bấm máy, đầu bếp Pierre Gagnaire còn trực tiếp nấu từng món ăn trong kịch bản để đạo diễn Trần Anh Hùng xem và hình dung sẽ quay hình như thế nào.
Để thực hiện bộ phim này, đạo diễn Trần Anh Hùng đã mời đầu bếp đình đám sở hữu 14 sao Michelin tham gia để đem trải nghiệm ẩm thực lộng lẫy và chân thực nhất lên màn ảnh rộng.
"Tôi và Pierre Gagnaire lần đầu gặp nhau trong căn bếp của anh ấy, nơi tôi được mời thưởng thức món pot-au-feu tuyệt vời. Chúng tôi làm việc cùng nhau từ quá trình chuẩn bị cho bộ phim. Anh ấy lựa chọn từng món ăn từ thực đơn mà tôi đưa vào kịch bản. Tôi rất xúc động khi thấy anh ấy miệt mài trong bếp, cứ thử nấu, rồi mắc lỗi rồi lại bắt đầu làm lại cho đến khi nào tìm được đúng điều anh ấy muốn. Pierre là một con người đầy nhiệt huyết, chân thành và tốt bụng", đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ về cố vấn ẩm thực Pierre Gagnaire.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết, mọi món ăn và cảnh quay về ẩm thực trong Muôn vị nhân gian đều là thật: "Ngay cả ê-kíp phụ trách kỹ thuật và sản xuất của bộ phim cũng ngạc nhiên bởi trước đây, trong những bộ phim khác, họ thường sử dụng món ăn đã chế biến hoặc thực phẩm giả để dễ dàng sắp xếp lại khi cần thiết. Nhưng ở phim của tôi, mọi thứ đều là thật. Trên trường quay, khi tôi hô "cắt" trong một cảnh ăn uống, các diễn viên vẫn tiếp tục ăn. Tổ đạo cụ còn phải nhờ diễn viên dừng ăn uống để họ sắp xếp lại bàn ăn".
Các món ăn trên phim đều là thật. Riêng cảnh quay nấu món pot-au-feu đã sử dụng tổng cộng 40kg thịt, đòi hỏi kỹ thuật xử lý, cắt, thái và nấu chín từ đầu bếp chuyên nghiệp.
Đạo diễn Trần Anh Hùng trở về Việt Nam quảng bá phim điện ảnh "Muôn Vị Nhân Gian" Phim điện ảnh "Muôn Vị Nhân Gian" là một bộ phim đậm chất nghệ thuật xoay quanh câu chuyện tình yêu và ẩm thực của nhân vật Dodin và Eugénie. Nhà phát hành phim điện ảnh Muôn Vị Nhân Gian (tên tiếng Anh: The Pot-au-Feu) công bố thông tin đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ trở về Việt Nam để tham gia quảng...