Đánh smartphone ‘dual pin’ Star A3
Không chỉ là sản phẩm sử dụng 2 sim, Star A3 còn có khả năng chạy 2 pin cùng lúc, cho thời gian sử dụng tăng gấp đôi.
Mẫu smartphone sử dụng 2 pin và 2 sim Star A3.
Mẫu điện thoại Star A3 có thể xem là điện thoại đầu tiên sử dụng 2 viên pin trên cùng một thân máy. Model sử dụng hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread của Google.
A3 trang bị cấu hình tầm trung với bộ xử lý đơn nhân 650MHz nhưng có khả năng mở rộng thành 800MHz, bộ nhớ trong, ROM và RAM cùng dung lượng 512MB, màn hình rộng 4 inch.
Sản phẩm bán ra được tặng kèm một miếng dán màn hình, một viên pin phụ loại thường (cùng dung lượng pin chính) và một nắp lưng liền pin dung lượng cao. Ngoài ra khách hàng còn được tặng thẻ nhớ 2GB, bao da thời trang và một số phần mềm bản quyền.
Giá tham khảo: 4,3 triệu đồng.
Đánh giá chung.
Ưu điểm
- Màn hình cảm ứng rộng 4 inch, độ phân giải 480 x 800 pixel.
- Hỗ trợ 2 sim 2 sóng và 3G.
- Khả năng sử dụng 2 pin đồng thời, tăng thời gian sử dụng máy.
- Thiết kế cứng cáp, đẹp mắt
Nhược điểm
- Chất lượng camera kém.
- Màn hình hiển thị màu sắc hơi nhạt.
- Thiết kế mang phong cách của HTC.
Đánh giá thiết kế.
Mặt lưng của Star A3.
Video đang HOT
Điểm dễ nhận ra nhất trong thiết kế của Star A3 là phong cách của HTC ảnh hưởng khá đậm. Tuy nhiên, A3 lại có sự kết hợp chứ không sao chép hoàn toàn thiết kế trên những sản phẩm của HTC. Mặt lưng của máy mang bóng dáng của mẫu HTC Sensation, cả về vị trí loa, camera, cách trang trí lưng, hay chậm chí là khu vực màu sẫm (phần dưới) và màu sáng hơn (phần trên). Tuy nhiên, vị trí cặp đèn flash cho camera được đặt ở phía bên phải, thay vì ở bên trái. Phía dưới camera là chữ “HD”, thể hiện độ phân giải của máy ảnh trên model này. Ở cuối cùng của nắp lưng là dòng chữ “With Android OS” giúp máy trông khác biệt so với HTC Sensation.
Camera chính của máy với 2 đèn flash.
Camera trước và các cảm biến của máy.
Phần trước của A3 lại mang bóng dáng của HTC Desire S với phần loa nổi bật ở phía trên màn hình. Bốn phím cảm ứng của Android được đặt ở phía dưới, có cùng kiểu thiết kế như trên HTC. Màn hình của máy khá lớn, lên tới 4 inch cho cảm giác thoải mái khi thao tác. Bên cạnh loa là đèn LED nhỏ, có chức năng báo khi gần hết pin hoặc khi đang sạc máy. Camera trước cùng các đèn cảm biến (ánh sáng và khoảng cách) được giấu khéo léo, lẫn trong phần khung đen trên màn hình.
Cạnh bên trái của máy gồm cặp phím âm lượng và cổng microUSB, kiêm cả chức năng sạc cho viên pin đặt trong máy, dung lượng 1.250mAh. Hai phím này được thiết kế khá dài so với tỷ lệ của chiều dài cạnh bên, nên thao tác dễ dàng, không lo nhấn nhầm. Star A3 cũng tạo được bo phím khá nẩy, vừa đủ độ chắc chắn chứ không gây cảm giác đau tay hay kẹt phím.
Ăng-ten nằm ở góc dưới, bên phải thân máy.
Ngược lại, phần bên phải hoàn toàn trơn tru, không được bố trí bất kỳ phím nào. Phía dưới cùng của cạnh phải, góc giao với cạnh đáy của máy là vị trí của một ăng-ten mini, giấu sâu vào phía trong, có thể kéo dài (thường thấy trên các dòng điện thoại dành cho nội địa của Nhật Bản). Giống như cạnh phải, đáy của thiết bị cũng đơn giản với mic thoại, ở giữa là một giờ nhỏ, giúp quá trình tháo lắp nắp lưng dễ dàng hơn.
Đỉnh máy Star A3.
Phím nguồn (khóa/mở màn hình) được đặt phía bên trái của đỉnh máy, trong khi giắc cắm tai nghe đặt đối diện và hơi lùi về phía mặt lưng một chút.
Màn hình có kích cỡ 4 inch nên khoảng trống trên bề mặt của A3 khá thoáng đãng, các thao tác thực hiện thoải mái do vị trí cặp phím cảm ứng, cũng như các biểu tượng ứng dụng tên màn hình được sắp xếp giãn cách tốt.
Hai khe cắm sim và khe cắm thẻ nhớ được bố trí gọn gàng, nằm sát và được viên pin giữ gọn gàng vào thân máy. Người dùng cần phải tháo pin nếu muốn thay sim hoặc thẻ nhớ. Riêng sim thứ 2 được đặt dưới khay đựng thẻ microSD, ẩn sâu trong thân máy và phải để ý mới nhận ra được vị trí này. Do vị trí khuất nên việc tháo lắp cũng có đôi chút khó khăn, đặc biệt đối với người có bàn tay hay ra mồ hôi hoặc các ngón tay quá khổ.
Khe cắm sim và thẻ của A3. Vị trí sim thứ 2 được ẩn sâu dưới khe cắm thẻ nhớ.
Ngoài tính năng 2 sim 2 sóng thường thấy trên một số dòng điện thoại giá rẻ hiện nay trên thị trường, Star A3 còn trở nên đặc biệt với tính năng “cõng” 2 viên pin một lúc, trong đó có một viên dung lượng cao. Tổng dung lượng khi lắp cả 2 pin vào là 3.250mAh, trong đó pin chính dung lượng 1.500mAh và pin phụ là 1.750mAh.
Để có thể lắp đặt dual pin vào máy, A3 được thiết kế thêm chân tiếp xúc mới ở ngay phần thân gần pin. Bộ chân này sẽ tiếp nối với một vỏ “lưng gù” chứa viên pin phụ dung lượng cao hơn, sử dụng điện năng trực tiếp từ đây, tăng thời lượng sử dụng của sản phẩm.
Khi lắp nắp lưng mới vào, trông A3 “mập mạp” hơn hẳn, đặc biệt là phần dưới của thiết bị. Đây cũng là đặc điểm chung của các sản phẩm khi sử dụng pin ngoài dung lượng cao. Ưu điểm của A3 chính là lớp vỏ kiêm viên pin, thay vì là vỏ và pin dời nhau. Trên nắp lưng này có một cổng sạc chân kim riêng dành cho pin của máy, người dùng không thể sạc chung với pin của thiết bị thông qua cổng microUSB đi kèm.
Máy mập hơn rất nhiều do lớp vỏ mới.
Cổng sạc chân kim của pin dung lượng cao.
Dù lắp vỏ gốc hay vỏ gù, A3 cũng vẫn chắc chắn chứ không ọp ẹp như một số dòng điện thoại cùng phân khúc khác, dù vỏ máy được làm hoàn toàn từ nhựa. Nhờ có thiết kế to bè và trọng lượng tốt, thiết bị cầm cho cảm giác rất đầm tay và thật. Khi dùng tay bóp mạnh vào các phần của thân máy, dễ dàng cảm nhận được các khớp vỏ đã ăn khít vào nhau, máy không có tình trạng lỏng lẻo hay “như đồ chơi”.
Về mặt thiết kế, ngoại trừ việc mang nhiều đặc điểm của HTC, có thể nói khó tìm điểm trừ của A3. Sản phẩm xóa đi được ác cảm về một thiết bị từ nhà sản xuất không tên tuổi với khung vỏ ọp ẹp, các góc cạnh kém mượt mà hay cảm giác không thật tay khi cầm.
Đánh giá hiệu năng và tính năng.
4 phím cảm ứng đặc trưng của Android ở mặt trước của máy.
Star A3 sử dụng hệ điều hành Android 2.3.4 của Google, nên chắc chắn sản phẩm không bị “hụt hơi” trong cuộc chạy đua với nhiều sản phẩm khác trên thị trường hiện nay.
Máy được trang bị đầy đủ các kết nối như 3G, Wi-Fi, Bluetooth, giao tiếp qua cổng microUSB, thẻ nhớ ngoài, khả năng định vị GPS và A-GPS. Thử nghiệm tính năng định vị của máy thông qua bản đồ Google Maps thấy khả năng xác định vị trí thiết bị của máy tốt và nhanh chóng, độ trễ khá ít. Tốc độ tải bản đồ cũng nhanh và rõ ràng.
Máy bắt đầu kết nối Wi-Fi ở lần đầu hơi chậm, nhưng các lần sau đó tự động bắt tín hiệu ổn định, rất ít trường hợp phải thao tác lại bằng tay. Tốc độ truy cập các nội dung như web, chợ ứng dụng, xem YouTube qua Wi-Fi khá nhanh. Quá trình xem video qua web vào trang YouTube không gặp hiện tượng Loading, thay vào đó là khả năng tải trước sớm nội dung của video. Tuy nhiên không phải là không có vấn đề. Đôi lúc máy bắt mạng không dây hơi chập chờn, thi thoảng xảy ra hiện tượng đứt mạng, mất một khoảng thời gian ngắn để trở lại bình thường.
Máy sử dụng Android 2.3 Gingerbread.
Khả năng hoạt động trên mạng 3G của máy cũng không có gì nổi bật. Máy hỗ trợ 2 sim, nhưng chỉ cho sử dụng 3G trên sim một, còn sim 2 sử dụng mạng EDGE hoặc 2G bình thường. Chất lượng cuộc gọi của thiết bị ổn định, khả năng bắt sóng tốt và ít gặp hiện tượng đứt kết nối khi đang gọi. Ở một số khu vực địa lý vẫn gặp hiện tượng mất sóng hoàn toàn, nhưng hiện tưởng này cũng xảy ra với các máy cao cấp hơn.
Màn hình độ phân giải 480 x 800 pixel, 16 triệu màu nhưng khả năng hiển thị chưa cao. Màn hình có hiện tượng bị sáng trắng chứ không đậm hay rực màu, hiển thị hình ảnh tạo cảm giác hình bị nhiễu, dù thực tế không hề bị hiện tượng này. Góc nhìn cũng không phải là ưu điểm của máy khi khá hẹp. Máy cũng trở nên khó nhìn khi đặt dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, bị lóa trắng rõ rệt.
Màn hình rộng nhưng góc nhìn và khả năng hiển thị chưa cao.
Về chất lượng của pin cũng chưa thực sự nổi bật. Viên pin theo máy cho thời gian sử dụng thấp, khoảng chưa đầy một ngày, đặc biệt hao hụt khá nhanh khi xem video. Tuy nhiên lại trở nên “dẻo dai” khi phải thử thách với âm nhạc. Thực tế, máy nghe nhạc trong 3 tiếng rưỡi qua loa ngoài chỉ mất 5% pin. Viên pin dung lượng cao lắp vào cũng cải thiện đáng kể thời gian sử dụng, nhưng tổng thời gian của hai pin cũng giới hạn trong 2 ngày với mức sử dụng bình thường.
Nắp lưng “gù” kiêm pin dung lượng cao của máy.
Thời gian sạc pin thường mất khoảng 3 tiếng, còn viên pin lớn sạc riêng mất gần 4 giờ đồng hồ. Cách tốt nhất để người dùng có thể yên tâm sử dụng máy là tắt thiết bị đi và sạc cả 2 viên pin qua đêm, nếu không muốn bỏ nhiều thời gian để ngồi đợi máy của mình đầy pin.
Thiết kế giống với HTC và giao diện cũng mang phong cách Sense của HTC, dù không hoàn toàn. Các tính năng như khóa màn hình, menu, cách sắp xếp menu, bàn phím gọi, tính năng search, kể cả SmartDial cũng xuất hiện trên A3.
Mặc dù không có phím chuyển qua lại giữa các sim với nhau, nhưng Star A3 có thư mục cài đặt sim riêng trong phần Setting của máy, cho phép người dùng lựa chọn từng tính năng như gọi đi, nhắn tin hay nhận cuộc gọi, sử dụng dữ liệu gói,… cho từng sim riêng lẻ, hoặc để mặc định hỏi mỗi khi thực hiện thao tác liên lạc.
Mục lựa chọn yêu cầu sử dụng đối với từng sim.
A3 sở hữu bộ xử lý đơn nhân ARMv6 650MHz, GPU PowerVR SGX 531, nhưng khi thử điểm Benchmark, kết quả chỉ cho 699 điểm, khá thấp và không gây được ấn tượng gì về khả năng đồ họa. Nhưng đây không phải là những đánh giá mang tính quyết định về khả năng xử lý của máy. Khi test máy với các game thông thường như Fruit Ninja, Angry Birds đều cho trải nghiệm tốt, không có hiện tượng lag hình. Thử với các game đòi hỏi cấu hình cao hơn như PES 2011, Star Blitz cũng cho kết quả khả quan.
Giao diện chụp hình.
Tổng số pin của máy khi bán ra là 3.
Trong đó viên chính dung lượng 1.500mAh.
Khả năng chụp ảnh của máy không tốt như kỳ vọng. Giao diện chụp ảnh tuy khá đơn giản nhưng chi tiết hiển thị không tốt, có cảm giác như độ phân giải chưa cao, vẫn còn nhiều nhiễu. Nếu zoom lên hết cỡ thì các chi tiết vỡ với mật độ dày đặc, chỉ còn nhận ra ảnh từ dáng vẻ, còn cụ thể hình ảnh thì khó nhận ra. Bù cho tính năng chụp ảnh đáng buồn thì khả năng quay phim lại tốt hơn đáng kể. Cả hình ảnh và âm thanh thu vào đều cho chất lượng ổn định, khi lia các góc máy tuy vẫn còn hiện tượng kéo hình nhưng không quá tệ.
Tai nghe của máy có màu trắng.
Điểm trừ lớn nhất của tính năng giải trí trên máy là tính năng nghe nhạc. Chất lượng âm thanh không có độ trong cần thiết, nhiều lúc cảm giác hơi vọng hoặc bị rè, đặc biệt khi tháo nắp lưng ra để nghe thử loa trần, không bị tác động bởi chi tiết nắp lưng. Âm nhạc không tách bạch được với nhau. Tai nghe theo máy cũng không cải thiện được chất lượng âm thanh nhiều, tuy nhiên vẫn khá khẩm hơn so với loa ngoài và vẫn đủ để sử dụng mỗi khi cần giải trí.
Theo Số Hóa