Đánh giá Xiaomi Mi 8: bị chính “anh em trong nhà” kìm kẹp
Dòng sản phẩm Mi của Xiaomi giờ đây không còn hấp dẫn như trước, một phần vì chính người anh em Pocophone đã thu hút mọi sự chú ý, và các đối thủ cũng đã cạnh tranh hơn.
Khi nhắc đến Xiaomi, hầu hết người dùng thường nghĩ tới một hãng smartphone với nhiều sản phẩm có cấu hình cao nhưng mức giá chỉ tương đương tầm trung. Công ty Trung Quốc này bắt đầu được chú ý từ dòng Mi, với những chiếc Mi 2 hay Mi 3 mang cấu hình cao cấp, giá khá tốt và chỉ phân phối theo hình thức flash sale.
Sau này, Xiaomi bắt đầu mở rộng dải sản phẩm, và dòng Mi không còn là dòng máy cao cấp nhất mà nhường chỗ cho Mi Note, sau đó là Mi Mix. Thậm chí yếu tố “cấu hình cao, giá hợp lý” cũng đã có đại diện mới là dòng sản phẩm Pocophone. Do vậy, dòng Mi với đại diện mới nhất là Mi 8 bỗng nhiên trở thành lạc lõng, ở tầm trung bình (của Xiaomi) cả về tiêu chí hiệu năng/giá thành lẫn thiết kế, công nghệ.
Xiaomi Mi 8 đã ra mắt từ tháng 5/2018, nhưng tới tháng 8 mới được “âm thầm” bán chính hãng tại Việt Nam. Trong 3 phiên bản từng được giới thiệu, hãng này chỉ bán Mi 8, không có bản thấp hơn (Mi 8 SE) hay cao hơn (Mi 8 Explorer Edition). Mức giá chính hãng cho bản Mi 8 với 6GB RAM, 64GB bộ nhớ trong là 12,99 triệu đồng, nhưng các hệ thống cũng có khuyến mãi để mức giá thật vào khoảng 11 triệu.
Thiết kế đã trở thành “ phổ thông”
Mi 8 sở hữu màn hình “tai thỏ” quen thuộc giống như iPhone X
Trong sử dụng thực tế, cụm tai thỏ không bị ảnh hưởng khi xem phim hoặc xem ảnh như trên iPhone, trừ khi cố tình phóng to vào
Nhìn thoáng qua cũng có thể nhận thấy nhiều nét thiết kế của Mi 8 sao chép từ chiếc iPhone X. Màn hình của máy cũng sử dụng phần khuyết “tai thỏ” để thu gọn viền màn hình, ngoài ra cụm camera ở mặt lưng cũng được đặt dọc ở góc tương tự iPhone X. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn, có thể thấy một số điểm khác biệt và thua kém về thiết kế của Mi 8.
Ngoài ra cách sắp đặt camera của máy cũng giống với chiếc iPhone
Tuy nhiên phần viền dưới màn hình của máy vẫn dày, không thể gọn như chiếc iPhone X
Đầu tiên, chiếc điện thoại này chưa gọt được phần “cằm” gọn như iPhone. Mặc dù dùng màn hình OLED giúp bỏ được mạch chiếu sáng so với LCD, viền dưới màn hình của Mi 8 vẫn còn dày, thậm chí còn dày hơn một chút so với chiếc Zenfone 5Z dùng màn LCD. Phần viền hai cạnh và trên màn hình cũng chưa đạt được độ mỏng ấn tượng.
Mặt lưng máy bo cong, đem lại cảm giác máy mỏng hơn khi cầm trên tay
Ở mặt sau, lưng máy của Mi 8 có góc bo cong lớn, tương tự như những chiếc Mi Note trước đây. Cảm biến vân tay cũng được Xiaomi đặt ở lưng gần camera. Thiết kế này đem lại cảm giác máy mỏng hơn khi cầm trên tay. Phiên bản trong bài có mặt lưng màu đen, nhìn hơi nhàm chán và nhanh bẩn so với những màu khác của Mi 8.
Giắc cắm tai nghe đã bị cắt bỏ từ thời Mi 6
Máy được gia công, hoàn thiện tốt. Những phần tiếp giáp giữa mặt kính, khung nhôm, vành nhựa… đều có độ chuyển mượt mà, không bị cấn, vênh. Các khe USB Type-C, khe loa… cũng được phay khá tinh xảo.
Nhìn chung Mi 8 có thiết kế ổn, học hỏi từ iPhone X nên khá bắt mắt và có độ hoàn thiện tốt. Tuy nhiên giống như nhiều mẫu điện thoại sao chép iPhone X, cụm tai thỏ đã trở nên phổ thông và có phần nhàm chán. So với những điện thoại khác cũng của Xiaomi như Mi 8 EE với mặt lưng “trong suốt”, hay dòng Mi Mix có sự độc đáo riêng, thì ngoại hình của Mi 8 không thực sự nổi bật.
Màn hình hiển thị tốt, loa to, rõ
Mi 8 sử dụng màn hình Super AMOLED, kích thước 6.21 inch với độ phân giải 2248 x 1080 pixel. Màn hình của máy có độ sáng rất cao, khoảng trên 450 nits khi chỉnh độ sáng cao nhất bằng tay. Nhờ đó, máy hiển thị rõ khi dùng ngoài trời, kể cả khi trời nắng.
Công nghệ OLED còn đem lại khả năng hiển thị màu đen rất sâu, độ tương phản cao. Máy có tính năng hiển thị đồng hồ, ngày tháng ở màn hình chờ, tận dụng lợi thế của màn hình OLED.
Góc nhìn của màn hình rộng, nên khi nhìn nghiêng màu sắc, độ tương phản gần như không bị thay đổi. Màu sắc ở chế độ mặc định khá rực và nịnh mắt, nhưng khi chuyển sang chế độ Tiêu chuẩn thì màu sắc tái tạo chuẩn hơn dù vẫn hơi ngả xanh một chút.
Loa ngoài trên Mi 8 cho âm lượng lớn, chất âm thiên hướng trong, rõ nên nghe nhạc khá tốt. Tuy nhiên loa thiếu đi một chút về âm trầm, nên không mấy ấn tượng khi chơi game hoặc nghe các thể loại nhạc điện tử, vốn chỉ cần loa to và bass nảy.
Ngoài ra việc chỉ trang bị loa đơn cũng khiến cho âm thanh kém một chút nếu so với smartphone có loa kép (dù vẫn lệch) như Zenfone 5Z. Đây là một sự cắt giảm đáng tiếc, vì Mi 6 (thế hệ trước của Mi 8) đã có loa ngoài kép, Mi Mix 2S cũng có loa kép.
Camera có cải thiện, nhưng chụp đêm vẫn đuối
Mi 8 được trang bị hệ thống camera kép, gồm camera chính độ phân giải 12MP, khẩu độ f/1.8, tiêu cự tương đương 28 mm và camera phụ tele độ phân giải 12MP, khẩu độ f/2.4 và tiêu cự tương đương 56 mm. Đây là hệ thống camera kép chụp xóa phông phổ biến trên nhiều máy cao cấp, tiêu cự 56 mm phù hợp với ảnh chân dung hơn.
Giao diện ứng dụng camera trên Mi 8
Camera trước của máy có độ phân giải 20MP, khẩu độ f/2.0. Máy cũng hỗ trợ tính năng chụp sepfie xóa phông dù chỉ có 1 camera.
Bắt kịp trào lưu camera AI hiện nay, Mi 8 hỗ trợ tính năng tự động điều chỉnh dựa trên ngữ cảnh với AI. Máy sẽ tự động nhận diện các cảnh chụp như chụp đồ ăn, động vật, chân dung… Ưu điểm của Mi 8 so với nhiều smartphone hỗ trợ AI khác là máy cho phép bật hoặc tắt tính năng này. Như vậy, nếu không thích cách điều chỉnh của AI thì bạn có thể tắt đi để chủ động chụp theo ý mình.
Máy cho phép người dùng bật hoặc tắt tính năng AI
Khi bật chế độ AI, máy sẽ tự xử lý và cải thiện ảnh theo ngữ cảnh, ví dụ như với ảnh chụp đồ ăn thì màu sắc sẽ đậm hơn, độ tương phản tăng lên, hay với ảnh chụp bầu trời thì màu xanh trời được đẩy lên, máy tự cân bằng các dải sáng để không bị mất chi tiết ở các vùng ánh sáng chênh lệch.
Máy có tốc độ bắt nét, chụp và xử lý nhanh. Chất lượng ảnh khi chụp ban ngày ở mức khá, chi tiết lên ổn nhưng chưa thể so với những máy cao cấp như Note9 hay iPhone X. AI của máy thường đẩy màu sắc lên rực hơn khi chụp ngoài trời, do vậy màu ảnh bắt mắt nhưng có thể hơi rực so với thực tế.
Khi chụp ban ngày, AI sẽ xử lý để đẩy màu lên rực hơn, cũng như điều chỉnh độ sáng của các vùng chênh lệch trong ảnh
Độ chi tiết trong ảnh cũng khá nhưng chưa so được với máy cao cấp
Khi chụp đồ ăn, ảnh sẽ được tự điều chỉnh để bắt mắt hơn
Khi chụp thiếu sáng, máy bắt nét hơi chậm. AI xử lý các ảnh tối không tốt như ban ngày: máy bắt sáng hơi kém, tốc độ màn trập thường hạ xuống khoảng 1/20 giây để thu sáng tốt nhất, dẫn tới độ nét có thể không được tối ưu, nhưng với một số cảnh tối hẳn thì AI đã không xử lý để đẩy độ sáng lên.
Ảnh chụp buổi tối có màu sắc tốt, nhưng nhìn kỹ thì chi tiết hơi kém, tốc độ màn trập hạ xuống thấp nên dễ rung tay
Giống như chế độ chụp thông thường, chế độ chân dung của Mi 8 cũng thể hiện tốt khi chụp ban ngày. Máy tách biệt chủ thể với phần nền tốt, ít bị lẹm, ngoài ra sau khi chụp còn có thể điều chỉnh độ xóa mờ và các hiệu ứng bokeh. Tuy nhiên khi chụp xóa phông ở điều kiện thiếu sáng, ảnh không nét, dễ bị rung.
Máy chụp xóa phông ổn, vẫn bị lẹm ở những phần như tóc nhưng nhìn chung xử lý tốt
Tuy nhiên khi ánh sáng yếu thì ảnh xóa phông vỡ, nhòe rõ rệt
Tuy độ phân giải cao nhưng chất lượng ảnh selfie của Mi 8 cũng chỉ ở mức khá, chưa so được với các smartphone từ “đồng hương” Oppo. Chế độ chụp xóa phông đem lại những bức ảnh thú vị, làm nổi bật khuôn mặt người chụp, khả năng xóa phông cũng tạm ổn.
Ảnh selfie ban ngày từ Mi 8
Ảnh selfie khi thiếu sáng
Hiệu năng và pin
Cấu hình của Mi 8 tương đương với những máy Android cao cấp nhất hiện tại, với SoC Qualcomm Snapdragon 845, dung lượng RAM 6GB và bộ nhớ trong 64GB (có tùy chọn 128GB, không hỗ trợ thẻ nhớ). Phần cứng của máy đủ đáp ứng mọi tác vụ trên Android, từ những hoạt động cơ bản nhất như lướt qua giao diện, cử chỉ điều khiển tới chơi game, xử lý video đều nhanh, mượt.
Điểm số đánh giá hiệu năng phần nào phản ánh sức mạnh phần cứng của Mi 8
Khi chơi các tựa game yêu cầu đồ họa cao như Dead Trigger 2, PUBG Mobile thì Mi 8 luôn đạt tốc độ khung hình gần tối đa ở thiết lập đồ họa cao nhất. Điểm số của máy trong những bài đánh giá hiệu năng cũng phản ánh được sức mạnh của hệ thống.
Dung lượng pin của máy là 3400 mAh, tương đương Mi Mix 2S. Trong quá trình trải nghiệm ngắn, tôi thường đạt thời gian sử dụng một ngày trên chiếc Mi 8 với cường độ sử dụng trung bình, thời gian sáng màn hình có thể đạt gần 6 giờ. Nếu chơi game nhiều, pin có thể hết trong khoảng 3 giờ sáng màn hình.
Máy có thể chơi phim liên tục được trên 12 giờ
Máy hỗ trợ chuẩn sạc QuickCharge 4.0 , nhưng củ sạc theo kèm thì chỉ hỗ trợ QuickCharge 3.0. Khi dùng củ sạc đi kèm, máy đạt khoảng 40% pin sau 30 phút, tổng thời gian sạc đầy là 1 giờ 40 phút. Mi 8 cũng không hỗ trợ sạc không dây, tính năng này chỉ xuất hiện trên chiếc Mi Mix 2S.
Tính năng phần mềm và những điểm mới trên MIUI 10
Ở thời điểm viết bài, chiếc Mi 8 của chúng tôi đã được cập nhật lên phiên bản MIUI 10. Phiên bản MIUI mới nhất có nhiều thay đổi về giao diện, tính năng và mang lại trải nghiệm dùng mượt mà.
Clip giới thiệu MIUI 10 của Xiaomi
Tính năng điều hướng bằng cử chỉ đã có từ MIUI 9, nhưng ở phiên bản mới có thêm một cử chỉ là chuyển về ứng dụng trước (kéo từ cạnh vào giữa màn hình). Nhìn chung với cấu hình mạnh thì các cử chỉ trên Mi 8 cũng rất mượt, không có cảm giác bị khựng như các máy tầm thấp hơn.
Thao tác cử chỉ trên Mi 8 tự nhiên, nhờ cấu hình mạnh nên mượt, không có cảm giác bị khựng như các máy Xiaomi tầm thấp
MIUI 10 cũng có một số thay đổi về giao diện như thanh thông báo và điều chỉnh nhanh hay các biểu tượng bo tròn
MIUI 10 cũng nhấn mạnh vào hệ thống âm thanh “tự nhiên”, trong đó ứng dụng đồng hồ có tích hợp các âm thanh nền lấy cảm hứng từ thiên nhiên khi đếm ngược. Đây là một tính năng khá hay, bạn có thể đeo tai nghe, bật âm thanh như một dạng nhiễu ở nền để tăng hiệu suất làm việc, lại có thể kiểm soát cả thời gian. Nếu như từng dùng những dịch vụ tương tự kiểu Noisli, bạn sẽ thấy tính năng này rất hữu ích.
Ứng dụng đồng hồ với âm thanh lấy cảm hứng từ thiên nhiên trên MIUI 10
Ngoài những thay đổi trên, MIUI vẫn giữ nhiều tính năng tiện dụng từ các phiên bản trước, như tạo ra 2 không gian riêng biệt với mật mã, tài khoản, bộ sư tập riêng, nhân đôi ứng dụng, tích hợp sẵn ứng dụng quay màn hình điện thoại hay Mi Drop…
Tính năng mở khóa khuôn mặt hoạt động rất nhanh, dùng được cả trong tối nhờ có camera hồng ngoại
Máy được trang bị hệ thống mở khóa khuôn mặt hiện đại hơn một chút so với smartphone Android thông thường, cụ thể là bổ sung thêm camera hồng ngoại. Nhờ đó, tốc độ mở khóa dù là ở chỗ sáng hay khi thiếu ánh sáng cũng đều rất nhanh. Tất nhiên nguyên lý hoạt động của cụm camera vẫn là mở bằng ảnh 2D, nên không an toàn được như ảnh 3D trên iPhone X, hoặc phiên bản Mi 8 EE.
Kết luận
Xiaomi Mi 8 có nhiều ưu điểm như thiết kế bắt mắt, hiệu năng mạnh mẽ và thời gian sử dụng pin cũng đủ đáp ứng một ngày. Bên cạnh đó, MIUI 10 cũng là một phiên bản Android tùy biến thú vị, có nhiều tính năng hữu ích.
Dù vậy, dòng sản phẩm Mi không còn hấp dẫn như xưa do sự cạnh tranh từ các hãng khác cũng như chính Xiaomi. Ở tầm giá 12 triệu, Asus có Zenfone 5Z với cấu hình tương đương Mi 8, thiết kế cũng hấp dẫn và có cả camera góc rộng. Rẻ hơn một chút thì Honor (Huawei) có đại diện là Honor 10 với cấu hình cũng rất mạnh, thiết kế “phổ thông” không khác Mi 8 là mấy, hoặc phiên bản giá rẻ hơn là Honor Play.
Khi so trực tiếp với Pocophone F1, tất nhiên Mi 8 có nhiều điểm nổi trội về thiết kế, màn hình, camera. Tuy nhiên người dùng đã quá quen và gắn liền thương hiệu Xiaomi với “giá tốt, cấu hình cao”, nên nếu có chọn smartphone cũng sẽ ưu tiên chiếc F1 hơn. Với giá bán không chênh lệch mấy, Mi Mix 2S sở hữu thiết kế độc đáo hơn Mi 8, mặc dù các trải nghiệm khác là tương đương. Mi 8 đã trở nên nhạt nhòa trước chính những “người anh em” của nó.
Anh Tú
Phiên bản Xiaomi Mi 8 có cảm biến vân tay dưới màn hình lộ diện, giá bán từ 11,8 triệu đồng
Xiaomi Mi 8 có cảm biến vân tay dưới màn hình là một phiên bản đặc biệt, đừng nhầm lẫn với Mi 8 EE.
Xiaomi Mi 8 Screen Fingerprint Edition là phiên bản Mi 8 được tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình, các bạn đừng nhầm lẫn vì đây không phải là Mi 8 Explorer Edition. Phiên bản Mi 8 cao cấp này được cho là sẽ ra mắt cùng Mi 8 Youth trong sự kiện diễn ra vào ngày mai.
Mới đây, một số hình ảnh của phiên bản Mi 8 cao cấp này đã được tiết lộ. Theo những hình ảnh này, chúng ta có thể thấy mặt lưng của chiếc Mi 8 được làm bằng kính và có màu tím ánh hồng. Khác với phiên bản Mi 8 EE có mặt lưng trong suốt và để lộ bảng mạch trang trí.
Chiếc Mi 8 này được tích hợp cảm biến vân tay bên trong màn hình, do đó không còn thấy cảm biến vân tay ở mặt lưng như phiên bản Mi 8 thường. Phiên bản Mi 8 đặc biệt này cũng sẽ được ra mắt với nhiều màu sắc khác.
Các thông số kỹ thuật in trên vỏ hộp tiết lộ phiên bản Mi 8 đặc biệt này cũng sẽ được trang bị chip Snapdragon 845, công nghệ GPS băng tần kép và dung lượng lưu trữ 128GB, cùng với RAM 8GB.
Có vẻ như các thông số kỹ thuật của phiên bản Mi 8 đặc biệt này cũng sẽ giống với Mi 8 thường. Do đó nó sẽ được trang bị màn hình S-AMOLED 6,21 inch, tỷ lệ 19:9 và độ phân giải FullHD. Camera kép 12MP phía sau và camera selfie 20MP, dung lượng pin 3.400 mAh.
Cũng theo nguồn tin này cho biết, phiên bản Mi 8 đặc biệt này sẽ có giá bán từ 3.499 nhân dân tệ (11,8 triệu đồng) cho phiên bản 6GB RAM và 3.699 nhân dân tệ (12,5 triệu đồng) cho phiên bản 8GB RAM.
Theo genk
Trên tay Xiaomi Mi 8 Pro: Mi 8 thêm cảm biến vân tay dưới màn hình, màu gradient bắt mắt Mi 8 Pro như đứa con lai của Mi 8 và Mi 8 EE khi được tích hợp cảm biến vân tay trong màn hình. Tiếp nối loạt sản phẩm Mi 8, Mi 8 SE và Mi 8 EE, Xiaomi mới đây đã tiếp tục bổ sung hai thành viên mới vào đại gia đình Mi 8 series là Mi 8 Pro và...