Đánh giá tai nghe true wireless Tronsmart Spunky Beat: “đánh tạp” tốt ở tầm giá dưới 1 triệu đồng
Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường tai nghe không dây hoàn toàn ( true wireless), Tronsmart đã tỏ rõ sự tiến bộ vượt bậc của mình với chiếc Spunky Beat cả ở khía cạnh thiết kế lẫn chất lượng âm thanh.
Tiếp tục phát huy, thương hiệu này hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ lớn khiến thị trường phải dè chừng.
Không lâu sau khi ra mắt mẫu tai nghe Spunky Pro, Tronsmart tiếp tục cho thấy họ đang rất nghiêm túc trong việc “tấn công” phân khúc tai nghe true wireless giá rẻ với sự xuất hiện của mẫu Spunky Beat. Trong bài đánh giá trước, chiếc Spunky Pro đã chứng minh giá trị bản thân là một chiếc tai nghe phù hợp cho dân “nghe tạp” với chất âm tốt trong tầm giá, kích thước nhỏ gọn và pin khá. Vậy Tronsmart đã làm gì để có thể khiến Spunky Beat có thể thu hút người dùng?
Tronsmart Spunky Beat hiện đang có giá niêm yết là 719.000 đồng, khá sát với mức giá 650.000 đồng của Spunky Pro tại thời điểm ra mắt. Liệu đây có phải là động thái “tự dẫm chân mình” của Tronsmart?
Thiết kế tối giản hơn, chu đáo hơn
Các phụ kiện đi kèm không có sự khác biệt so với chiếc Spunky Pro, gồm 3 bộ eartips size S, M, L (mặc định trên tai nghe là size M), một sợi cáp sạc dạng Type-C, thẻ bảo hành và một tập sách hướng dẫn sử dụng.
Ấn tượng đầu tiên với Spunky Beat chính là Tronsmart đã chọn một thiết kế tối giản hơn cho sản phẩm của mình. Chào tạm biệt hộp nắp xoay với các đường hoa văn ma trận đặc trưng của hai sản phẩm trước, Spunky Beat khoác trên mình màu đen nhám có phần truyền thống hơn. Xấu hay đẹp còn phụ thuộc mắt thẩm mỹ của mỗi người, nhưng với tôi, Tronsmart đã có quyết định đúng đắn khi chuyển sang thiết kế này.
Hộp đựng Tronsmart Spunky Pro (trái) và Spunky Beat (phải)
Trông kích thước có vẻ bằng nhau, nhưng cảm giác đeo của Spunky Beat thoải mái hơn và gọn hơn.
Khi tôi lần đầu tiên đeo thử chiếc Spunky Beat, tôi cảm thấy rất hài lòng về độ fit (vừa vặn) của nó. Spunky Pro đã nhỏ, Spunky Beat còn nhỏ hơn, và chiếc tai nghe này cũng gọn nhẹ hơn đáng kể so với phần lớn những sản phẩm tai nghe true wireless giá rẻ khác mà tôi từng trải nghiệm. Nằm gọn gàng trong tai, nếu đeo đúng, Spunky Beat rất khó bị rơi ra ngay cả khi lắc đầu mạnh, chứ chưa nói đến các hoạt động thể chất nhẹ nhàng hơn. Hơn nữa, Spunky Beat vẫn giữ được kích thước driver 6mm, bằng với Spunky Pro.
Mặt trên của Spunky Beat không còn là thiết kế hoa văn ma trận nữa mà chuyển sang kiểu giả kim loại phay xước hiện đại hơn, đồng thời hạn chế tình trạng trầy xước. Tronsmart tiếp tục chọn điều khiển cảm ứng cho sản phẩm của mình, và tại đây người dùng có thể ra lệnh cho tai nghe bằng những cú chạm, từ play/pause, nhận cuộc gọi cho đến tăng giảm âm lượng. Tuy nhiên, khác với các đàn anh của minh, Spunky Beat còn được trang bị thêm vòng LED sang chảnh bao quanh vùng cảm ứng, chúng sẽ phát sáng khi trong trạng thái ghép nối (pairing) và khi vừa nhận lệnh.
Sử dụng thực tế, bàn cảm ứng của Spunky Beat có độ nhạy tốt, không có điểm gì để chê trách, nhưng vì lý do nào đó thiết lập cảm ứng trong mẫu mà tôi nhận được bị… ngược với hướng dẫn của nhà sản xuất (chẳng hạn chuyển sang bài nhạc mới lẽ ra sẽ nhấn và giữ tai bên phải 2 giây thì tôi phải nhấn giữ tai trái). Ngoài ra, thiết lập của Spunky Beat cũng chưa thực sự khoa học ở thao tác chuyển bài (giữ hai giây ở tai trái hoặc tai phải), đôi khi bạn giữ chưa đủ số giây thì tai sẽ nhận lệnh tạm dừng/chơi nhạc. Thông thường, các sản phẩm sẽ thiết lập lệnh chuyển bài là nhấn đúp, nhanh hơn và ít bị nhầm hơn.
Phần thân tai nghe của Spunky Beat là một điểm tôi rất thích, vì nó cho thấy sự chu đáo của Tronsmart. Cụ thể, thân tai nghe này được chia làm hai nửa, nửa áp vào tai là nhựa nhám giúp giảm tình trạng bám mồ hôi và bụi bẩn, trong khi nửa còn lại hướng ra ngoài làm bằng nhựa bóng để tăng vẻ bóng bẩy khi người khác nhìn vào. Không biết chừng, Tronsmart sẽ mở ra một trào lưu thiết kế mới như thế này trong tương lai.
Giống như Spunky Pro, Spunky Beat cũng được trang bị khả năng kháng nước IPX5, chống chịu mồ hôi và mưa nhẹ. Đây không còn là tính năng quá hiếm gặp ở các sản phẩm khác trên thị trường, nhưng nếu được tích hợp thì vẫn là một động thái đáng hoan nghênh.
Hộp đựng kiêm sạc của Spunky Beat có dung lượng pin 350 mAh, thấp hơn 50 mAh so với Spunky Pro, và bị mất đi tính năng sạc không dây chuẩn Qi, nhiều khả năng là để tiết kiệm chi phí. Bù lại, bên cạnh cổng sạc Type-C truyền thống, Spunky Beat được tích hợp sẵn một dây USB-A mà bạn có thể cắm ngay vào máy tính hay sạc dự phòng của mình, không cần dây rời. Tôi không so sánh được con số chính xác, nhưng tốc độ sạc của hai phương thức về cơ bản là như nhau, cách nào tiện hơn thì bạn chọn, vậy thôi.
Ngoài ra, bạn cũng không nên sạc bằng cả hai phương thức cùng một lúc vì a) tốc độ sạc sẽ không nhanh hơn do điện áp đầu vào chỉ là 5V/0,5A và b) có thể làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.
Ngoài ra, Spunky Beat còn có một dây móc da để bạn có thể móc vào chìa khoá hay nơi nào mà bạn muốn. Nắp hộp hút khá chặt nên bạn không phải lo việc tai nghe bị rơi ra ngoài khi di chuyển, nhưng dây da này hơi mỏng, tôi không dám chắc nó sẽ bền bỉ được trong bao lâu.
Trên thân hộp đựng vẫn là sự xuất hiện của 4 đèn LED tương ứng 4 mức phần trăm pin, khác biệt duy nhất so với Spunky Pro là mức cuối cùng sẽ là đèn vàng, có thể là để bạn chú ý hơn tới mức phần trăm pin và cắm sạc?
Trải nghiệm âm thanh và sử dụng thực tế
Với việc hỗ trợ Bluetooth 5.0, quá trình ghép nối giữa Spunky Beat và điện thoại diễn ra rất nhanh chóng, bạn chỉ việc lấy tai nghe ra khỏi hộp đựng là tai sẽ tự động đi vào chế độ ghép nối, bạn vào cài đặt Bluetooth trên điện thoại để kết nối là xong. Chất lượng kết nối cũng ổn định, trong 3 tuần trải nghiệm tôi chỉ gặp tình trạng nhiễu kết nối 1-2 lần, trừ trường hợp bên dưới.
Khi sử dụng, tôi để ý rằng tuy tai bên trái là tai chính, điện thoại của tôi thỉnh thoảng sẽ kết nối với tai bên phải trước (nghe tiếng “connected” ở bên tai phải) và khi đó chất lượng kết nối sẽ bị giảm đáng kể, liên tục bị gián đoạn khi nghe nhạc. Để khắc phục, tôi thường sẽ chỉ lấy tai trái ra khỏi hộp đựng trước, kết nối với điện thoại rồi mới lấy tai bên phải ra.
Trang bị con chip xử lý QCC3020 của Qualcomm, Spunky Beat có hỗ trợ bộ giải mã aptX cho chất lượng âm thanh tốt hơn và giảm độ trễ. Spunky Beat vẫn có độ trễ nhất định, vì đó là giới hạn vật lý của kết nối Bluetooth, nhưng khoảng chưa đến nửa giây, nếu nghe nhạc hay xem phim bạn cũng khó có thể nhận thấy.
Về chất âm, có lẽ không phải ngẫu nhiên khi Tronsmart lựa chọn cái tên “Spunky Beat”, khi nó sẽ khiến bạn đắm chìm vào từng giai điệu. Dải mid-bass có lẽ là điểm nhấn lớn nhất của chiếc tai nghe này, rất có lực, dày, được tái tạo tốt, sub-bass đủ để bạn cảm nhận sự rung động mà không bị ù. Nhạc cụ được thể hiện tách bạch, rõ ràng, không bị lấn.
Âm vang cũng không còn cảm giác bị hụt hơi, nhưng nó vẫn chỉ ở trong ngưỡng chấp nhận được đối với một sản phẩm có giá chỉ hơn 700.000 đồng như Spunky Beat, và tai bị chói nhẹ khi nghe mức âm lượng cao. “Nghe tạp” với Spunky Beat không phải là vấn đề, nhưng bạn sẽ tận dụng được hết khả năng của nó ở với những bản EDM sôi động thay vì nhạc trữ tình.
Âm trường của Spunky Beat đã được cải thiện so với Spunky Pro, rộng hơn và thoáng hơn. Giống như những chiếc tai nghe in-ear khác, khả năng cách âm của Spunky Beat là tốt, và tất nhiên bạn chẳng thể kỳ vọng một chiếc tai nghe trong phân khúc giá này được trang bị tính năng chống ồn chủ động như các sản phẩm cao cấp.
Về thời lượng pin, tuy dung lượng hộp đựng khá khiêm tốn chỉ 350 mAh nhưng với thói quen nghe nhạc của mình, tôi có thể dùng cả tuần mà không phải lo sạc pin (một phần vì tôi dùng tai nghe khá ít để tập trung công việc). Nghe nhạc liên tục ở mức âm lượng 50%, Spunky Beat có thể trụ được gần 6 tiếng, không quá thấp nhưng chưa sát với mức công bố 7 tiếng của nhà sản xuất. Hộp đựng đầy pin có thể sạc cho tai thêm ba lần nữa, và chỉ cần sạc tai 5 phút là bạn đã có thể nghe nhạc gần một tiếng.
Tổng kết: Một bản nâng cấp toàn diện
Spunky Beat là một bản nâng cấp gần như toàn diện so với những đàn anh đi trước, cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Tronsmart dù chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tai nghe true wireless. Thiết kế tối giản, chu đáo hơn, chất âm thoả mãn trong tầm giá là những điểm cộng đáng kể của Spunky Beat. Điểm trừ lớn nhất, theo tôi, là dù không muốn nhưng Tronsmart dường như đã “tự dẫm chân mình” với Spunky Beat, khiến người dùng không còn lý do để lựa chọn mẫu Spunky Pro nữa.
Theo vnreview
Tai nghe True-Wireless có điều khiển cảm ứng
Jays m-Seven có mặt cảm ứng mỗi bên tai nghe, cho phép thực hiện các thao tác như gọi điện, chơi nhạc hay kích hoạt trợ lý ảo.
Để nhận hoặc kết thúc cuộc gọi, người dùng có thể chạm vào một trong hai bên tai nghe một lần. Nếu muốn kích hoạt trợ lý ảo, người dùng chạm ba lần vào một trong hai bên tai nghe. Để tua bài trước hoặc sau, thao tác cần làm là chạm vào hai lần. Nếu giữ lâu vào tai nghe phải ba giây, âm lượng sẽ lớn hơn còn giữ tai nghe trái ba giây thì âm lượng sẽ giảm.
Tai nghe Jays m-Seven sử dụng kết nối Bluetooth 5.0.
Jays m-Seven được trang bị kết nối Bluetooth 5.0, cho phép khoảng cách hoạt động lên tới 20 mét. Mẫu tai nghe này nặng chỉ 5,9 gram, kích thước 16,1 x 13,2 x 0,8 mm mỗi bên. Thiết bị có khả năng hoạt động liên tục trong 9,5 tiếng, khi đi kèm với vỏ đựng kiêm sạc di động có thể mở rộng thời gian sử dụng lên tới 38 tiếng (hơn 1,5 ngày). Thời gian chờ của Jays m-Seven là 90 ngày, khi dùng vỏ đựng có thể lên tới 180 ngày. Cả tai nghe và hộp đựng đều có khả năng chống nước chuẩn IPX5 có tác dụng với tia nước bắn, mưa hay mồ hôi, phù hợp với những người thích chơi thể thao hay hoạt động ngoài trời.
Thiết bị sử dụng driver 6 mm có kháng trở 16 Ohm, tần số đáp ứng từ 20 Hz đến 20 kHz, tương thích với hệ điều hành Android lẫn iOS. Sản phẩm đi kèm với bộ ba nút tai với kích thước khác nhau, phù hợp với từng cỡ lỗ tai riêng biệt. Vỏ đựng Jays m-Seven kết nối với củ sạc nhờ kết nối USB type C.
Theo Headfonia, Jays m-Seven có phần bass mạnh mẽ. "Âm thanh được tạo ra dễ gây nghiện cho người nghe. Phần bass tăng cường đem lại trải nghiệm thú vị, đặc biệt có tác dụng khi người dùng ở môi trường ồn ào. Nếu nhà sản xuất không nói thiết bị dùng driver 6 mm, thật khó tưởng tượng m-Seven lại dùng củ loa nhỏ đến vậy", biên tập viên của chuyên trang cho biết. Bên cạnh đó, thiết kế và thời gian sử dụng của mẫu tai nghe True-Wireless cũng được đánh giá ở mức khả quan.
m-Seven được bán ở thị trường quốc tế với giá 129 USD (hơn 2,9 triệu đồng), được một số cửa hàng ở Việt Nam rao bán với giá 4,3 triệu đồng.
Jays là hãng sản xuất tai nghe và các thiết bị âm thanh, có trụ sở tại Stockholm (Thuỵ Điển). Thương hiệu này nổi tiếng với thiết kế tinh tế, giao diện người dùng thân thiện và tầm giá cạnh tranh. Tai nghe được sản xuất bởi Jays luôn phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng của hãng. Giá trị mà công ty này hướng tới là sự đơn giản thanh lịch, cả trong lẫn ngoài sản phẩm.
Theo vnexpress
Tai nghe True-Wireless chống ồn giá rẻ Tai nghe Edifier TWS5 được trang bị công nghệ Clear Voice Capture (cVc) của Qualcomm nên có thể giảm tiếng ồn xung quanh xuống mức tối đa. Đại diện của Qualcomm cho biết cVc là một bộ thuật toán giảm nhiễu được tích hợp trong bo mạnh xử lý âm thanh microphone cho tai nghe Bluetooth. Cụ thể, công nghệ này sẽ giảm...