Đánh giá tai nghe không dây SoundMAGIC E11BT – Trở lại với những điều căn bản
SoundMAGIC từ trước đến nay luôn hiểu được một điều tối quan trọng khi thiết kế một cặp tai nghe: Làm tốt những thứ quan trọng trước khi thêm các tính năng phụ trợ.
Khi đánh giá những cặp tai nghe không dây, mình đặt ra 4 tiêu chí: hoàn thiện đủ tốt, thời lượng pin không quá ‘hẻo’, giữ kết nối chắc chắn với nguồn và chất âm hài hòa, dễ nghe. Tưởng như những tiêu chí này là đơn giản, nhưng từ trước tới nay ít có cặp tai nghe nào đáp ứng đầy đủ được cả 4.
Có những sản phẩm thiết kế đẹp, nhiều tính năng nhưng cuối cùng nghe lại dở tệ (như cặp Padmate PaMu Scroll chẳng hạn). Ngược lại, có những tai nghe lại có chất âm tốt, nhưng do thiết kế phần thu nhận sóng kém nên liên tục bị ngắt nhạc khi nghe – như Sony WF-1000x, từ đó tạo ra trải nghiệm không hoàn thiện.
Trong công cuộc đi tìm một một cặp tai nghe không dây có chất lượng tốt, mình bắt gặp sản phẩm SoundMAGIC E11BT. SoundMAGIC từ trước đến nay đã có dày dặn kinh nghiệm trong việc thiết kế sản phẩm, ít có tai nghe nào của hãng làm người dùng thất vọng. Hơn nữa, E11BT lại được thiết kế dựa trên sản phẩm E11C đã nổi tiếng của hãng, nên đây trở thành một sản phẩm đầy triển vọng cho cả 4 tiêu chí nói trên.
Vỏ hộp SoundMAGIC E11BT khá lớn, vì đây là một cặp tai nghe dạng vòng cổ.
Mặt sau in chi chít những tính năng của tai nghe.
Hộp có thể mở ra bằng một lẫy nam châm, và người dùng có thể ngắm nhìn tai qua một cửa sổ bóng kính.
Phía trong hộp hãng lại in lại những tính năng đã ghi bên ngoài.
Tai nghe được đặt gọn gàng bên trong, xếp thành hình trái tim rất hợp với tông hồng mình dùng chụp hình!
Trong hộp, ta có hướng dẫn sử dụng, dây sạc micro USB, 2 bộ đệm tai và túi đựng bằng da. Đây là một cặp tai nghe thuộc tầm giá rẻ, nhưng đáng ra hãng cũng nên tặng thêm một vài bộ mút nữa để người dùng dễ lựa chọn.
Và đây là nhân vật chính: cặp tai nghe không dây SoundMAGIC E11BT. Hãng sử dụng thiết kế vòng cổ tay vì dây nối 2 bên hay không dây hoàn toàn.
Phần vòng cổ được làm bằng nhựa dẻo và rất nhẹ, nên đeo lên cổ không có cảm giác bị cấn. Ở 2 bên vòng là 2 viên pin, cung cấp cho E11BT thời lượng chơi nhạc 20 tiếng – rất ấn tượng cho một cặp tai nghe dạng Inear.
Theo mình điểm yếu của thiết kế E11BT đó là phần điều khiển. Phần này được làm bằng nhựa dẻo, nhìn khá rẻ tiền và cũng dễ dính bẩn, nhưng tai nghe có cũng là điều tốt rồi.
Phần đeo tai được lấy nguyên từ cặp E11C có dây, và cũng khá giống với cặp E10C được hãng sản xuất từ hơn 8 năm trước. Mặt ngoài tai nghe được tích hợp nam châm, giúp ta gắn chúng vào với nhau khi nghe.
Video đang HOT
Thông số kỹ thuật
- Màng loa Dynamic
- Dải đáp tuyến: 20Hz – 20kHz
- Độ nhạy: 100dB
- Trở kháng: 42
- Bluetooth v5.0
- Thời lượng nghe nhạc: 20 tiếng
- Thời gian sạc: 2.5 tiếng
- Trọng lượng: 25g
- Chuẩn chống nước IPX4
Đầu tiên ta phải nói về tính ổn định. Đây không phải là cặp tai nghe Inear không dây đầu tiên của SoundMAGIC, danh hiệu đó thuộc về cặp E10BT, thế nhưng sản phẩm này gặp lỗi về kết nối, thường mất tín hiệu với nguồn nên đã được hãng nhanh chóng thay thế bằng E11BT. Đến sản phẩm mới, hãng rút kinh nghiệm và sử dụng chuẩn Bluetooth v5.0 mới hơn chuẩn v4.1 trước đây, nên tính ổn định đã được cải thiện hơn nhiều.
Kèm theo đó, độ trễ của tai nghe với nguồn gần như bằng không, không thua kém gì những sản phẩm có dây. Mình có thói quen đeo tai nghe khi chơi game, và việc những âm thanh trong game (tiếng động, tiếng nhân vật, giọng chat của đồng đội) không bị trễ với hình ảnh trên màn hình là điều quan trọng, và E11BT đã làm được điều đó.
SoundMAGIC từ trước đến nay vẫn được mọi người khen là có chất lượng âm thanh tốt ở tầm giá rẻ, và sau khi trải nghiệm E11BT mình vẫn cho rằng điều này đúng đến thời điểm hiện tại. Tổng thể chất âm của E11BT sáng sủa và sạch, có hơi hướng nhẹ nhàng để nghe những bài nhạc chậm rãi.
Âm trầm của tai có lượng hơi nhỉnh hơn trung bình một chút, nhưng khác với những cặp tai nghe trên thị trường thì nhấn nhiều vào siêu trầm hơn là trầm trung (mid-bass), tạo ra độ nặng và rung mềm mại chứ không cứng và punchy.
Đây là một điểm khác biệt so với cặp tai nghe có dây E11C, vì sản phẩm này có lượng trầm tương đồng với phiên bản không dây, nhưng đồng đều từ trên xuống dưới. Kiểu chơi trầm mềm mại của E11BT khá hợp với những bài Jazz chậm rãi như She’s not there – Christy Baron, nhưng với những bài có tiết tấu nhanh và cần tốc độ trống cao thì phiên bản có dây lại phù hợp hơn.
Ngược với kiểu giọng ca sĩ tiến gần với người nghe và có phần hơi chói của E10C, E11C và E11BT đều thể hện phần này nhẹ nhàng hơn. Giọng nữ ca sĩ Amber Rubarthtrong Wildflowers in the Graveyard hơi lùi nhẹ về phía sau tạo cảm giác nghe rất thoải mái. Điểm hay trong âm trung của cặp tai nghe này đó là mặc dù không tiến sát tới người nghe, nhưng ai vẫn thể hiện được độ chi tiết để giữ giọng luôn rõ ràng, không bị chìm so với những thành phần âm khác.
Dải âm được hãng làm nổi bật nhất đó là âm cao (treble), với lượng luôn luôn đầy đủ và không bị giảm âm lượng (roll off) khi lên cao. Các tiếng hi-hat trong bài Cry Me A River của Alexis Cole tơi, sạch sẽ, kiểm soát đủ tốt để không bị chói.
Điểm đáng khen của E11BT nằm ở cách tai nghe thể hiện âm trường. Không gian âm thanh của tai không bị tập trung quá nhiều vào giữa đầu người nghe, mà được dàn rộng sang 2 bên để không dính chùm vào nhau. Khó có thể nói đây là một âm trường ‘ấn tượng’, nhưng vừa đủ để người dùng cảm nhận được sự thoãng đãng của các bài Instrumental như album Up Close của Ottmar Liebert
Lời kết
Khác với… những bức ảnh được sử dụng trong bài viết này, SoundMAGIC E11BT là một cặp tai nghe đơn giản và không hề màu mè, không có thiết kế đẹp và những tính năng ‘thời thượng’ mà các cặp tai nghe không dây khác trên thị trường có.
Nhưng ngược lại, cặp tai nghe này làm được tốt nhất có thể những điều căn bản: hoàn thiện đơn giản nhưng bền bỉ, cảm giác đeo thoải mái, chất lượng pin tốt và trên hết là một chất âm có tính kỹ thuật tốt trong tầm giá.
Ưu điểm
- Chất lượng hoàn thiện tốt
- Có chuẩn chống nước IPX5
- Đeo thoải mái cả ở cổ và tai
- Thời lượng nghe nhạc rất tốt
- Chất âm nghe tạp nhẹ nhàng, độ chi tiết tốt
- Thuộc phân khúc giá rẻ
Nhược điểm
- Nút bấm điều khiển nhạc nhìn rẻ tiền
- Phần trầm hơi mềm, có thể không phù hợp với một số người
Theo GenK
Tháo tung AirPods 2: Nhiều keo, có thể thay pin, bản lề chắc chắn
AirPods 2 là phiên bản tai nghe không dây mới nhất vừa được Apple ra mắt cách đây không lâu. Và để thỏa trí tò mò, ngay bây giờ mình sẽ gửi đến bạn những hình ảnh bên trong chiếc tai nghe này, để xem có gì thú vị không nhé!
AirPods 2 có trọng lượng 4 g mỗi tai nghe, và hộp sạc là 40 g. Nếu so sánh với AirPods 1 thì phiên bản mới nặng hơn 2.3 g, tương đương trọng lượng của 1 đồng xu.
Ngoài khác biệt về trọng lượng, AirPods 2 cũng được nâng cấp về cấu hình với vi xử lý mới H1, Bluetooth 5, vỏ sạc không dây và hỗ trợ câu lệnh Hey Siri.
Để nhận biết giữa tai nghe AirPods 2 (bên phải) và AirPods 1 (bên trái) thì bạn có thể dựa vào một số chi tiết sau. Phím kết nối trên phiên bản mới được đặt cao hơn, ở vị trí giữ so với phiên bản cũ, ngoài ra trên AirPods 2 được trang bị thêm đèn LED báo sạc không dây.
Để bắt đầu tháo tung AirPods 2, chúng ta cần kiểm tra hình ảnh X-Quang để vẽ sơ đồ linh kiện bên trong nhằm hạn chế tối thiểu sự cố hư hỏng khi bắt đầu thực hiện.
Khi tháo nắp hộp tai nghe, bạn sẽ thấy mã hiệu của sản phẩm là A1938, và dung lượng pin của hộp sạc 398 mAh.
Thao tác hơ nóng để tan chảy keo dính là thực hiện đầu tiên khi tháo AirPods 2, tiếp sau chúng ta sẽ dùng dao để cạy phần đỉnh đầu tai nghe này ra. Đây là cách duy nhất và tốt nhất để tháo chiếc tai nghe không dây này.
Lúc này, đỉnh đầu của tai nghe AirPods 2 hiện ra, bên dưới là loa chính nhận nhiệm vụ phát ra âm thanh, phải rất cẩn thận để không làm hỏng hay đứt bất kỳ bộ phận nào bên trong tai nghe, vì chúng rất nhỏ.
Tiếp theo chúng ta sẽ dùng dao để tháo phần thân tai nghe, thao tác này cũng được xử lý khéo léo vì đây là khu vực chứa pin.
Và đây là toàn bộ "nội thất" bên trong tai nghe AirPods 2, bạn có thể thấy cáp kết nối, mic thu âm và ăng-ten được kết nối lại với nhau bằng "keo". Điều này có nghĩa là nếu hư hỏng, AirPods 2 sẽ có thể sửa chữa được.
Khu vực màu đỏ mà bạn thấy có thể là con chip xử lý H1 trên AirPods 2, bên cạnh đó là khu vực màu vàng chứa bộ điều khiển và giải mã âm thanh nổi công suất thấp.
Và điểm nhấn cuối cùng là viên pin siêu nhỏ có dung lượng 93 mAh trên mỗi tai nghe.
Xong phần tai nghe, tiếp theo chúng ta sẽ khám phá hộp sạc trên AirPods 2. Rất nhiều keo kết dính được sử dụng, vì thế quá trình dùng dao cạy khá khó khăn và tốn thời gian.
Khi hộp sạc bung ra, bạn sẽ thấy một bảng mạch nhỏ chứa đèn LED thông báo sạc không dây ngay bên dưới.
Bản lề đóng mở hộp sạc được đánh giá chắc chắn và khó hư hỏng hơn so với thế hệ AirPods đầu tiên.
Cuối cùng là viên pin nằm sâu bên trong, rất nhiều keo được sử dụng để cố định chi tiết này vào vỏ hộp. Vì thế công đoạn tháo viên pin ra rất mất thời gian, tất nhiên chúng ta sẽ phải hết sức nhẹ nhàng nếu không muốn gặp sự cố cháy nổ.
Viên pin nằm trong hộp sạc có mã hiệu A1596, sử dụng điện áp 3.81 V với công suất 1.52 Wh và có dung lượng 398 mAh.
Sau khi cạy được viên pin, toàn bộ vi mạch xử lý sẽ dần lộ diện.
Bạn hãy chú ý phần màu đỏ, đây chính là Module sạc không dây đến từ hãng Broadcom.
Xong! Như vậy quá trình tháo tung AirPods 2 đã hoàn tất, và đây là toàn bộ hình ảnh những kiện được lấy ra từ chiếc tai nghe không dây này.
Nguồn: ifixit
Apple đã là gì, tai nghe không dây gắn mác Louis Vuitton có giá cả nghìn đô nhưng chất lượng cũng chỉ "thường thường bậc trung" Louis Vuitton vừa trình làng tai nghe không dây gắn logo LV với giá gần 1.000 USD - gấp 6 lần AirPods của Apple. Nhưng chất lượng của tai nghe này như thế nào? Louis Vuitton vừa bước vào cuộc chơi tai nghe không dây với cặp tai nghe siêu sang mang tên Horizon, giá 1.000 USD. Bạn hẳn đã biết Louis Vuitton...