Đánh giá Sennheiser CX 300-II và MX 580: Lựa chọn dành cho đam mê âm nhạc
Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình 1 chiếc tai nghe phục vụ cho việc nghe nhạc, chúng tôi nghĩ bạn có thể cân nhắc 2 mẫu tai nghe dưới đây: Sennheiser MX 580 và Sennheiser CX 300-II.
Nếu bạn là một người đam mê âm nhạc, có lẽ chiếc iPod hoặc MP3 sẽ là đồ vật bạn cảm thấy khó xa rời nhất. Giống như tôi chẳng hạn, ra đường có thể quên không mang ví nhưng điện thoại và iPod là 2 thứ đồ vật không bao giờ tôi quên.
Thế nhưng nếu như bạn đã mê âm nhạc đến mức dính với chiếc máy nghe nhạc cả ngày, có lẽ bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy mất hứng thú với chiếc tai nghe đi kèm máy. Không nói đến các máy MP3 “Tàu”, vốn có chất lượng tai nghe kèm máy rất tệ, ngay cả những chiếc máy nghe nhạc đẳng cấp hơn như iPod, Zune thì chất lượng tai nghe kèm máy cũng là một trong những vấn đề muôn thuở: Người sử dụng không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mà nhà sản xuất “nhét” vào hộp sản phẩm.
Và khi nói đến giải pháp tai nghe thay thế cho tai nghe nguyên bản dành cho iPod, một trong những cái tên đáng chú ý có thể kể tới Sennheiser. Sản phẩm của “Sen” cho chất âm tròn trịa, chất lượng gia công tốt và đặc biệt là có phân khúc sản phẩm “bình dân” rất vừa với túi tiền của người sử dụng Việt Nam (so với các hãng tai nghe cao cấp khác).
Được sự trợ giúp của cửa hàng SVHouse ở địa chỉ 156 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội (www.loa.com.vn), nhà phân phối đọc quyền sản phẩm Sennheiser ở Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc 2 giải pháp tai nghe cho chất lượng âm thanh tốt trong tầm giá phổ thông: Sennheiser CX-300 II và Sennheiser MX 580.
Thiết kế và chất lượng gia công
CX-300 II là phiên bản “đời sau” của chiếc tai nghe CX-300 vốn từng giành rất nhiều thành công ở phân khúc tai nghe phổ thông của Sennheiser. CX-300 II, cũng như người tiền nhiệm, là chiếc tai nghe in-ear với thiết kế nhét sâu trong tai, đồng thời sử dụng các miếng đệm giúp chèn, định vị tai nghe trong ốc tai đồng thời làm nhiệm vụ khử ồn, khép kín không gian bên trong ốc tai giúp tăng chất lượng âm thanh.
Về hình dáng, CX-300 II gần như không có nhiều thay đổi so với chiếc CX-300, điểm khác biệt lớn nhất là phần dây của phiên bản sau được so dài ra. Việc 2 dây tai so le mục đích chính là để giúp người sử dụng vòng dây đeo ra sau gáy, tránh cảnh “lòng thòng dây nhợ”. Nhìn chung thiết kế của CX-300 II khá đơn giản, với một vài nét kim loại chrome chấm phá trên nền nhựa đen, đầu tai tròn, nhỏ nên rất phù hợp với cơ địa của người Việt Nam.
Video đang HOT
Ở 1 vài diễn đàn của người nước ngoài có than phiền về việc CX-300 IIquá nhỏ so với tai của người phương Tây, nhưng đối với tầm vóc người Việt Nam thì CX-300 II đeo vừa khít và rất thoải mái. Trọng lượng tai nhỏ, dây đeo mảnh mai nên khi đeo tai nhìn thấy nhẹ nhàng, không hề có cảm giác “lên gân, hầm hố” như các sản phẩm headphone, cũng là 1 lợi thế khi bạn sử dụng CX-300 II trong các hoạt động thể thao như chạy, tập thể dục…
Phần nút tai được làm khá tốt, chất liệu cao su mềm và đàn hồi. Vì kích thước nhỏ cùng với có phần nút tai mềm nên CX-300 II đeo lâu cũng không làm người dùng bị “cấn”, đau phần sụn tai. Tuy nhiên dây nối của CX-300 II cảm giác rất mỏng manh, người viết cảm thấy thực sự lo ngại về chi tiết này vì tai nghe thường là linh kiện hay bị đối xử rất “tệ bạc”, và nếu dây tai quá mỏng manh thì sẽ khó đảm bảo được độ bền trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên có 1 điều người viết cảm thấy đặc biệt hài lòng, đó là Sennheiser đã làm phần giắc cắm của CX-300 II thành dạng chữ L. Thiết kế này giúp giảm thiểu việc đứt tai nghe ở phần nối giữa dây và giắc cắm, vốn là hư hỏng thường gặp nhất ở các loại tai nghe in-ear. Đồng thời phân dây được nối lỏng với giắc cắm cũng chứng tỏ kinh nghiệm của Sennheiser trong việc đảm bảo độ bền bỉ của sản phẩm.
Phần tai của MX 580.
Chiếc MX 580 là dạng tai nghe earbud thông thường (giống như tai nghe nguyên bản của iPod) cũng có những điểm tương đồng với CX-300 II trong thiết kế, từ những nét Chrome điểm xuyết cho tới chi tiết giắc tai nghe chữ L được mạ vàng. Tuy nhiên phần dây tai của MX 580 được thiết kế đều nhau nên trông có vẻ gọn gàng hơn.
Thêm nữa, MX580 có 1 nút trượt để tăng giảm âm lượng tích hợp sẵn trên tai, một điểm không xuất hiện ở người anh em CX-300 II. Một điểm chung ở cả 2 sản phẩm mà người viết đánh giá thấp, đó là chất lượng của phần tag name trên sản phẩm: miếng nhựa đề tên của 2 tai nghe được gắn trên sản phẩm đều được dán bằng keo dính và có vẻ là bóc ra được. Đối với những sản phẩm có giá tiền trên 500 nghìn như 2 chiếc tai nghe này cộng với danh tiếng của Sennheiser, người viết nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể chăm chút cho những “tiểu tiết” đó nhiều hơn.
Chất lượng âm thanh
Từ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi nhét chiếc CX 300 II vào tai và bấm nút play là “Bass”. Âm thanh của CX 300 II ngả nhiều về tông ấm và trầm. Âm bass được tái tạo rất tốt so với 1 tai nghe phổ thông như CX 300 II. Có thể nói, trong số những tai nghe thuộc tầm giá của CX 300 II mà tôi từng được nghe, thì tiếng Bass của CX 300 II là tốt nhất.
Tuy nhiên dù âm bass được tái tạo rất tròn và dày nhưng lại thiếu độ nẩy. Điều này khiến cho tiếng bass của CX 300 II nghe hơi ù và mềm chứ không được sắc sảo cho lắm. Cho dù vậy, bạn vẫn sẽ cảm thấy rất thích thú khi nghe chất giọng ấm và sâu của Quang Dũng trong bài “còn ta với nồng nàn” hoặc nhún nhẩy theo điệu guitar gỗ rất ấm trong đoạn đầu bài The Apl Song của Black Eye Peas.
Dù vậy, cũng như các tai nghe driver đơn khác, khi tập trung cho bass hệ quả tất yếu là CX-300 II phải chịu “thua thiệt” ở tầm âm cao. Nói như vậy không có nghĩa là âm cao của CX-300 II quá yếu. Tuy nhiên những ai thường xuyên nghe acoustic sẽ khó cảm thấy thỏa mãn với CX 300 II vì âm thanh của tai nghe hơi ghì chứ không “trong” và “thoát” như yêu cầu của thể loại nhạc này.
Khả năng chống ồn của CX300 ở mức tạm chấp nhận được. Sẽ không có chuyện bạn đeo tai nghe đứng giữa ngã tư nghe nhạc mà không có 1 tiếng còi xe nào lọt vào tai, nhưng CX 300 II làm tốt nhiệm vụ “ngăn cản” các âm thanh trong phòng làm việc như tiếng gõ bàn phím, tiếng bấm bút bi… làm phiền bạn.
Về phần MX 580, có thể nói MX 580 là sự bổ khuyết hoàn hảo cho CX 300 II. Ở những dải âm mà CX 300 II tỏ ra “đuối sức” thì MX 580 lại tỏa sáng. Âm thanh của MX 580 nghe rất trong và thoáng. Tiếng piano sẽ vang lên trong vắt và có lẽ bạn sẽ cảm thấy thực sự hài lòng khi MX580 thể hiện các bài hát có giọng ca sĩ ở âm vực cao.
Những ai thích nghe Pop, Acoustic thì sẽ tìm thấy ở MX 580 sự đồng điệu tuyệt vời. Tuy nhiên MX 580 cũng mang 1 yếu điểm có tính truyền thống của các dòng tai nghe earbud đó là thiếu hụt ở phần âm bass, đồng thời âm thanh nghe như phát ra từ đâu đó giữa 2 tai chứ không tạo được cảm giác lập thể. Điều này sẽ hơi khó chịu với những ai dùng MX 580 để xem phim hay chơi game. Tuy nhiên do tái tạo dải âm mid và treb rất tốt, nên âm thanh của MX 580 rất chi tiết, bạn có thể nghe rõ từng tiếng “gãi” lên dây guitar của người nghệ sĩ.
Sử dụng MX 580 và bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi ở những bài hát quen thuộc lại có những chi tiết mà trước đây mình không nghe thấy được. Dải âm bass của MX 580 nhìn chung rất yếu, âm dễ dàng bị “vỡ” ngay cả khi tiếng bass chưa sâu lắm. Những ai dùng MX 580 để nghe rap với tiếng bass sâu sẽ cảm thấy khó chịu vì âm thanh có cảm giác bị vấp váp khá nhiều.
Nút tăng giảm âm lượng của MX 580 tỏ ra khá hữu ích, nhất là khi cần tắt nhanh tai nghe để nói chuyện với người khác mà không cần tháo ra.
Kết luận
Với mức giá 1,3 triệu (tham khảo tại SVHouse: www.loa.com.vn) , CX 300-II chắc chắn không phải tai nghe inear rẻ nhất mà bạn tìm được trên thị trường vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên với chất âm tròn trịa, đa năng của CX 300-II, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn khi phải tìm cho chiếc tai nghe này 1 đối thủ xứng tầm. Nếu bạn cần 1 chiếc in-ear có âm bass đẹp, chống ồn khá, cảm giác sử dụng thoải mái, nghe được đa dạng các thể loại, có lẽ bạn sẽ khó có thể tìm được lựa chọn nào hợp lý hơn CX 300-II.
Về phần MX 580, với mức giá 700 nghìn, rõ ràng nó cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu bạn là người thích nghe các thể loại âm nhạc nhẹ nhàng, không có tiếng bass “dộng ầm ầm” thì MX 580 là 1 sự lựa chọn hợp lý. Đồng thời được sự bảo đảm của thương hiệu Sennheiser, chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy thất vọng vì sự lựa chọn của mình.
Một mách nhỏ với bạn đó là hiện tại trên thị trường sản phẩm nhái của Sennheiser rất nhiều và bán với giá rẻ “giật mình” (CX 300 II giá chỉ vài trăm nghìn). Tuy nhiên lời khuyên là bạn không nên tham rẻ để ôm những món đồ như vậy mà nên tìm đến các cửa hàng phân phối chính hãng (mà hiện nay SVHouse là phân phối độc quyền của Sennheiser) để tìm mua, tránh tiền mất tật mang. Vì nếu bỏ ra vài trăm nghìn mà mua phải đồ nhái thì cũng chẳng khác gì bạn mua phải 1 chiếc tai nghe tàu 50 nghìn ở “chợ giời”.
Theo Bưu Điện VN