Đánh giá POCO M3: Thiết kế đẹp, pin trâu, loa tốt và giá rẻ
POCO M3 khi ra mắt được kỳ vọng có ngoại hình đẹp, màn hình đẹp, pin xuất sắc, loa stereo, camera chất lượng và quan trọng nhất là giá rẻ nhưng thực tế trải nghiệm ra sao?
Thiết kế là một điểm sáng
Rất may mắn, chúng ta không phải thấy một chiếc POCO M3 không phải là một chiếc máy làm lại của bất cứ chiếc Xiaomi Redmi nào đó. Chiếc máy này được thiết kế độc quyền bởi POCO vì thế ngoại hình của nó là duy nhất. POCO M3 thậm chí còn vượt trội hơn so với những gì chúng ta có thể mong đợi về ngoại hình của nó trong tầm giá này. Sản phẩm này không cố gắng làm na ná một mẫu máy nào mà tự làm khác đi.
Điểm cộng lớn nhất đến từ mặt lưng của máy, một mặt lưng nhựa nhưng với chất liệu giả da giúp cái nhìn thiện cảm hơn rất nhiều, nó bền, không bám vân tay. Mặc dù chất liệu này vẫn khô cứng, vẫn trơn tuột đúng bản chất của nhựa nhưng phải dành lời khen khi POCO đã cố gắng làm khác đi. Nổi bật tiếp theo là cụm camera rất lớn có lẽ flagship cũng không có được nhưng thực chất chẳng có phần cứng nào quá khủng phía dưới cả mà chỉ là 10 điểm về phần nhìn. Giúp chiếc máy này độc đáo hơn với những sản phẩm cùng phân khúc đến từ Redmi hay Realme. Ngoài ra máy còn có màu vàng và xanh làm nhìn rất trẻ trung.
Cảm biến vân tay tiết diện nhỏ.
Sang đến phần cạnh, hãng đã hoàn thiện phần này bằng nhựa mờ thay vì nhựa bóng, hơi bo cong nhẹ từ mặt lưng xuống và chuyển một cách tinh tế giữa chất liệu nhựa giả da sang nhựa nhám. Khuyết điểm duy nhất ở đây chính là 2 cạnh bị nhô lên ở giữa khiến việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn, không có nhiều điểm tì và trên đó lại có thêm phím nguồn kiêm cảm biến vân tay tiết diện nhỏ, đặt ngón tay không thoải mái chút nào.
Mặt trước màn hình giọt nước, phẳng, viền đủ nhỏ và được phủ bởi kính cường lực Gorilla Glass 3.
Poco M3 có kích thước 162,3 x 77,3 x 9,6 mm và nặng 198 gram, không thuộc loại mỏng nhất nhưng khối lượng vừa phải, nhất là khi biết viên pin 6.000mAh bên trong đáng tiếc thiết kế khung máy làm giảm cảm giác cầm nắm đi kha khá.
Chất lượng hiển thị
POCO M3 sở hữu màn hình IPS LCD 6,53 inch 1080p, mật độ điểm ảnh 395ppi, đây là một chút lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh của nó. Độ sáng tối đa 400 nit vừa đủ khi nhìn ngoài trời. deltaE trung bình là 4,8 vì vậy không thể nói đây là màn hình thể hiện màu chính xác, nó rực hơn so với bình thường một chút kể cả khi máy đã có 3 chế độ gồm (tự động, bão hoà và tiêu chuẩn) cũng như cho điều chỉnh nhiệt độ màu từ ấm áp đến mát lạnh.
Tuy nhiên xét trong tầm giá, màn hình của POCO M3 cũng là một trong số những màn hình chất lượng nhất bạn có thể mua.
Thời lượng pin
Máy sở hữu viên pin 6.000mAh vì thế không có lý do gì lại làm chúng ta thất vọng ở khoản này. Với những tác vụ văn phòng, giải trí thông thường, sau khi sạc đầy máy từ 15h chiều, đến 15h chiều hôm sau, máy vẫn còn 77% tương ứng chỉ mất đi 1.345mAh trong vòng 1 ngày, thời gian onscreen là 2 giờ 25 phút. Như vậy để sử dụng hết 100% pin có lẽ phải sang đến ngày thứ 3. Đây rõ ràng là một chiếc máy đáp ứng quá tốt những ai cần một thời lượng sử dụng siêu dài, một chiếc máy phụ để công việc không bị gián đoạn.
Chưa hết, không chỉ có pin lớn máy còn đi kèm củ sạc nhanh 22,5W mặc dù nó chỉ hỗ trợ sạc tối đa 18W, một chút hào phóng đến từ POCO. Với củ sạc này, bạn có thể sạc đầy 25% pin trong 30 phút, 46% trong một giờ còn sạc đầy mất 3 giờ, nghe có vẻ bình thường nhưng nên nhớ đây là viên pin 6.000mAh.
Loa ngoài stereo
Khá hiếm chiếc máy nào trong tầm giá này lại sở hữu loa stereo với công suất khá cân bằng. So sánh trong cùng phân khúc, M3 là một trong số ít máy thể hiện được âm trầm ổn, âm trung tốt và âm cao không quá chói tai thường thấy trên máy giá rẻ. Đặc biệt, hiệu ứng stereo là trải nghiệm đáng giá nhất của hệ thống loa ngoài này. Nhưng nếu có thể làm loa thoại âm lượng lớn hơn chút nữa sẽ tuyệt vời hơn.
Hiệu năng thì khác
Như vậy, mình đã điểm qua những thứ mạnh nhất trên POCO M3, còn hiệu năng và camera, đáng tiếc đây lại là 2 thứ máy chưa làm tốt.
POCO M3 được trang bị chip Snapdragon 662 của năm 2020 dựa trên quy trình sản xuất 11nm, RAM 4GB VÀ ROM 64GB UFS 2.0. Ngoài ra còn có phiên bản với RAM 4GB và bộ nhớ 128GB UFS 2.1.
Hiệu năng của máy rất chậm, bạn có thể cảm thấy ngay khi cuộn màn hình chính hoặc chuyển đổi giữa các ứng dụng đều thấy độ trễ không hề nhỏ. Mình còn nghĩ rằng do máy mới ra mắt nhưng sau khi đã ra mắt một thời gian, đã cập nhật lên phiên bản mới nhất nhưng tình trạng không cải thiện. Với cùng cấu hình đó, mẫu điện thoại xách tay Redmi Note 9 4G lại khá tốt.
Một trong những thứ khó chịu nhất chính là đa nhiệm máy rất kém, thường xuyên phải tải lại ứng dụng và tốc độ tải còn chậm. Nghe Nhìn Việt Nam đã có bài thử nghiệm chơi game trên POCO M3 và kết quả không khác là mấy, mức setting phải để rất thấp mới có thể tạm chơi được những game nặng.
Có lẽ màn hình Full HD là nguyên nhân khiến hiệu năng máy không được đảm bảo, điểm hiệu năng của một số máy sử dụng màn hình 720p như Realme 7i, Galaxy A21s và Moto G9 Play đều tốt hơn POCO M3.
Tóm lại, POCO M3 không phải là chiếc máy cho những ai cần hiệu năng mạnh, trơn tru, mượt mà.
Đáng tiếc cho camera
POCO M3 có 3 camera phía sau với cảm biến chính 48MP, macro 2MP và cảm biến độ sâu 2MP. Chất lượng hình ảnh khá thất vọng, chi tiết kém, độ tương phản không cao, dải tương phản động hẹp, chế độ HDR không hiệu quả. Thường xuyên bạn sẽ gặp hiện tượng một bức ảnh tối sầm dù đang chụp giữa ban ngày. Thuật toán xử lý nhiễu của máy khiến ảnh bị bệt lại, không còn rõ chi tiết và điều kiện chụp thiếu sáng thực sự quá khắc nghiệt với M3.
Điểm thiếu sót lớn nhất chính là máy bị bỏ đi camera góc rộng để thay thế bằng camera macro vốn rất thừa. Trong khi camera góc rộng được nhiều người cần thì lại không có. Trong khi người anh em của nó là mẫu Redmi Note 9 4G lại làm đúng công thức camera chính – góc rộng – xoá phông.
Một số điểm cộng nhỏ về hệ thống camera này đó là máy vẫn được trang bị AI để nhận diện cảnh, có chế độ Pro để chỉnh tay và tuỳ chọn ảnh 48MP, có chế độ chụp Ban đêm, chụp chân dung tuỳ chỉnh được khẩu độ nhưng nhiêu đó không thể nào che đi chất lượng ảnh khá tệ và cũng khá đáng tiếc cho sản phẩm này.
POCO M3 có camera selfie 8MP với ống kính f/2.1 và tiêu cự cố định. Độ chi tiết trong ảnh ở mức trung bình, trong khi độ tương phản, độ nhiễu và màu sắc ổn. Nhưng nhu cầu làm mịn, làm đẹp tự nhiên chắc chắn không được đáp ứng.
Quay video trung bình
Poco M3 quay video 1080p ở 30fps bằng camera chính. Không có chế độ 4K hay 60fps. Không có chống rung điện tử trên Poco M3. Các cảnh quay từ camera chính có độ chi tiết trung bình và dải tương phản động thấp. Độ tương phản và màu sắc ổn nhưng chất lượng âm thanh thu lại khá thấp.
Đánh giá chung
POCO M3 không phải một sản phẩm hoàn hảo và bạn cũng không thể hy vọng một chiếc máy giá 3,5 triệu đồng có thể làm được điều đó. Máy gây ấn tượng với màn hình độ phân giải cao, thời lượng pin rất tốt, loa stereo vượt trội trong phân khúc và thiết kế trẻ trung, có sự đầu tư.
Còn về hiệu năng hay camera, rõ ràng POCO cần cải thiện nhiều hơn về sự tối ưu, hoàn thiện thuật toán cũng như có những trang bị hữu ích hơn.
Đánh giá camera POCO M3: Chỉ hơn 3 triệu đồng liệu camera có gì nổi trội?
POCO M3 là cái tên "đáng gờm" của các đối thủ trong cùng phân khúc. Người dùng không chỉ quan tâm tới cấu hình hiệu năng của máy mà còn dành sự quan tâm lớn tới khả năng chụp hình và quay video.
Với mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng, camera của POCO M3 sẽ có những ưu nhược điểm gì đáng để cân nhắc?
Đáp lại sự chờ đợi của người dùng, mới đây Xiaomi đã chính thức giới thiệu POCO M3 tại thị trường Việt Nam. Đây là một chiếc smartphone có mức hiệu năng trên giá thành khá tốt trong phân khúc với Snapdragon 662, pin 6000mAh, loa kép, camera 48MP,... Nhưng chỉ với hơn 3 triệu đồng thì camera 48MP của POCO M3 liệu có thật sự nổi trội? Bài viết dưới đây giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo trước khi quyết định mua chiếc điện thoại này.
POCO M3
Cụm camera của POCO M3 có gì?
Cụm camera chính của máy có thiết kế lạ mắt kéo dài theo chiều rộng của máy. Đây là điểm khác biệt so với đại đa số các mẫu smartphone hiện nay. POCO M3 sở hữu 3 camera sau và 1 camera selfie.
Thông số chi tiết camera POCO M3:
- 48MP: camera chính, khẩu độ f/1.79.
- 2MP: camera macro, khẩu độ f/2.4.
- 2MP: camera đo chiều sâu, khẩu độ f/2.4.
- 8MP: camera selfie, khẩu độ f/2.1.
- Quay video 1080p 30fps hoặc 720p 30fps.
- Sử dụng cảm biến Samsung S5KGM1, lấy nét theo pha PDAF, tích hợp AI.
Thông số là vậy, trải nghiệm thực tế ra sao?
Có thể do nhà sản xuất chưa tối ưu tốt phần mềm nên trong quá trình sử dụng ứng dụng camera gốc của máy thỉnh thoảng có hiện tượng giật lag và phản hồi chậm. Điều này diễn ra nhiều hơn khi dung lượng pin của máy còn dưới 20%.
Giao diện chụp hình của POCO M3.
Điểm trừ đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất đối với camera của POCO M3 đó chính là máy không có camera góc siêu rộng (ultrawide). Hai camera phụ của máy là macro và đo độ sâu trường ảnh có lẽ chẳng mấy khi người dùng sử dụng tới. Camera ultrawide thì lại rất hữu ích khi đi du lịch, chụp kiến trúc, chụp kéo dài chân "sống ảo" thì lại không được trang bị trên POCO M3.
Cụm camera sau của POCO M3 với thiết kế độc đáo.
Điều kiện môi trường đủ sáng
Bắt đầu soi vào chất lượng hình ảnh, ở điều kiện môi trường đầy đủ sáng, cảm nhận đầu tiên ngay khi bấm máy là khả năng lấy nét nhanh, hình ảnh có độ sắc nét tốt, màu lên tươi tắn không quá "gắt". Nhưng khi xem kĩ lại ảnh thì chất lượng thật sự không xuất sắc đối với 1 chiếc camera có độ phân giải 48MP sử dụng cảm biến Samsung S5KGM1. Zoom lên dễ dàng nhận ra bức hình có độ chi tiết không cao, các chi tiết bị bệt nhiều hơn khi càng xa trung tâm bức hình, nhất là phần lá cây.
Ảnh chụp từ camera thường của POCO M3.
AI nhận diện khung cảnh của máy hoạt động nhanh và chính xác, thử nghiệm nhanh thì máy nhận diện tốt đang chụp bầu trời, mặt nước, người hay thú cưng,... Có điều trong một vài trường hợp ảnh bị đẩy màu sắc và tương phản lên quá đà. Như bức hình dưới đây, máy nhận diện đang chụp thú cưng, màu sắc bị đẩy lên tone cam vàng khá gắt, độ tương phản cũng bị đẩy cao nhưng độ chi tiết lại không tốt, ảnh rất bệt.
AI của máy nhận diện chụp thú cưng, đẩy màu sắc tương phản cao khiến chi tiết bị bệt.
Điều tương tự xảy ra khi chụp người trong môi trường chênh sáng mà bật AI. POCO M3 xử lý bức hình không tốt khi màu sắc da mẫu bị đẩy tương phản cao, nhìn da hơi sậm và khối trên gương mặt không đẹp.
Để có những bức hình chụp người hài hòa hơn thì nên tắt AI hoặc chuyển qua chế độ chụp Chân dung. Sở hữu camera phụ đo chiều sâu 2MP, POCO M3 cho khả năng chụp ảnh "xoá phông" ở mức khá. Nếu soi kĩ thì viền tóc xử lý còn lỗi nhưng với 1 chiếc điện thoại hơn 3 triệu đồng chụp như này đã cũng là ổn rồi.
Ảnh từ chế độ chụp Chân dung màu da cũng chưa được xử lý tốt. Để bức hình đẹp hơn người dùng có thể dùng trình "chỉnh sửa" sẵn có của máy để màu sắc hài hoà.
Đến với tính năng chụp hình selfie, có lẽ đây là một trong những điểm cộng về camera của máy. Với độ phân giải 8MP, camera selfie của POCO M3 cho ra những bức hình có độ chi tiết cao, bắt nét nhanh, AI của máy làm đẹp rất tự nhiên.
Giao diện chụp hình selfie của POCO M3.
Để bức hình selfie thêm đẹp, người dùng hoàn toàn có thể chụp selfie "xoá phông" ở chế độ Chân dung. Tuy máy chỉ xử lý "xoá phông" bằng phần mềm nhưng thuật toán của nhà sản xuất làm rất tốt, tóc ít bị lẹm, da mẫu cũng tươi tắn tone hồng cam.
Selfie ở chế độ chụp thường và chế độ chụp Chân dung.
Điều kiện môi trường thiếu sáng
Môi trường thiếu sáng luôn là thử thách lớn đối với camera điện thoại. POCO M3 thuộc phân khúc giá rẻ nên càng gặp khó khăn trong điều kiện chụp hình này. Hình ảnh chụp bằng camera thường thấy rất rõ nhiễu hạt, đặc biệt là nhiễu hạt màu khiến bức ảnh có màu xanh đỏ lung tung khác với thực tế.
Chuyển sang chế độ chụp Ban đêm vấn đề này được khắc phục. Bức hình cho ra không bị nhiễu hạt, vùng sáng tối cũng được cân bằng hơn. Tuy nhiên ở chế độ này, máy tự động chụp nhiều tấm hình để ghép lại, mất vài giây để máy xử lý nên người chụp hơi rung tay nhẹ hoặc gió lay cây là bức hình bị mờ nhoè, hình ảnh kém phần chi tiết và bệt hơn.
Tiếp tục chuyển qua chế độ chụp 48MP để test, đây có lẽ là bức hình khá nhất trong 3 chế độ chụp. Bức hình gần như không nhìn rõ nhiễu hạt, độ chi tiết cũng cao hơn hẳn 2 chế độ kia, sự chênh lệch vùng sáng - tối ở mức chấp nhận được.
Chế độ chụp thường - Chế độ chụp Ban đêm - Chế độ chụp 48MP.
Khả năng quay video và mic thu âm
Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, nhà sản xuất Xiaomi đã cải thiện đáng kể mic thu âm khi quay video của mình. POCO M3 cũng được "hưởng ké" điều này. Khả năng thu âm khi quay video của máy được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự tốt. Hơn nữa khả năng chống rung của máy kém nên phần quay video là một yếu điểm của POCO M3.
Tạm kết
Nhìn chung với một chiếc smartphone giá rẻ trong phân khúc 3-4 triệu đồng như POCO M3 thì người dùng không thể kỳ vọng quá nhiều về hiệu năng camera như những chiếc máy tầm trung và cao cấp. Tuy nhiên, nếu so sánh với một số sản phẩm khác trong cùng phân khúc, cũng như dựa trên những tính năng nổi bật khác, thì POCO M3 vẫn là một "đối thủ đáng gờm" sở hữu chất lượng camera đủ dùng trong hầu hết các trường hợp
POCO M3 sở hữu camera tốt trong tầm giá, phù hợp với đa số người dùng phổ thông.
Poco M3 sắp ra mắt: Snapdragon 662, pin 6.000mAh, sạc nhanh 22.5W M3 sẽ là chiếc máy thứ 3 của Poco M-series sau Poco M2 và M2 Pro sở hữu những trang bị không thể xem thường Tài khoản Twitter chính thức của Poco Global đã chia sẻ một đoạn teaser cho chiếc Poco M3 sắp ra mắt. Đây là chiếc máy thứ 3 của Poco M-series sau Poco M2 và M2 Pro . Sự...