Đánh giá nguồn máy tính XFX Pro Series 550W: Mát, êm, ít nhiễu
Nếu bạn đang có nhu cầu dựng hoặc nâng cấp máy thì đừng quên bộ nguồn – trái tim của toàn bộ hệ thống, thành phần đảm bảo độ ổn định hiệu năng và tuổi thọ các linh kiện khác. Chúng tôi xin giới thiệu XFX Pro Series 550W – lựa chọn tuyệt vời cho mọi hệ thống chơi game tầm trung-cao cấp.
XFX là thương hiệu rất có danh tiếng trên thế giới nhưng còn lạ lẫm với đa số người dùng Việt Nam. Trước nay cái tên XFX chủ yếu được biết đến qua kênh VGA xách tay, rất được các dân chơi ưa chuộng bởi thiết kế góc cạnh mang hơi hướm quân sự cùng chất lượng cực tốt. Mới đây các sản phẩm VGA và PSU của hãng đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam qua kênh phân phối chính thức.
GenK nhận được một sản phẩm mẫu XFX Pro Series 550W từ Hà Nội Computer ở địa chỉ 43 Thái Hà (http://hanoicomputer.vn/). Sản phẩm hiện có giá 1,650,000 VNĐ tại Hà Nội Computer (bảo hành 3 năm). Và sau đây chúng tôi sẽ thực hiện việc mổ xẻ, phân tích sản phẩm này để giúp bạn đọc có thêm một sự lựa chọn mới trong mùa mua sắm, nâng cấp đầu năm.
Hộp đựng mang phong cách không lẫn vào đâu được của XFX với hình ảnh sản phẩm trông cực chất. Hi vọng sản phẩm cũng ngầu như thế.
Công nghệ EasyRail với chỉ 1 đường điện duy nhất. Với thiết kế này, các thiết bị như CPU hay VGA lấy điện từ đường điện (rail) duy nhất có công suất bằng chính công suất nguồn. Điều này đem lại khả năng ép xung hoặc chạy đa card đồ họa cực ổn định, không lo thiếu điện như multi-rail.
Sản phẩm được bọc lớp mút chống va đập khi vận chuyển. Phụ kiện đi kèm gồm dây nguồn xịn, sách hướng dẫn và 1 cái gì đó trông như dây chuyển molex-fan. Hình như thiếu mất dây rút buộc cáp nguồn thì phải.
Trông không ngầu được như trên vỏ nhưng cũng khá đẹp. Tông đen kẻ trắng làm chủ đạo đem lại cảm giác mạnh mẽ và chắc chắn. XFX Pro Series 550W không được thiết kế dạng modular nên không thể tháo rời các cáp nguồn không dùng đến.
Các nguồn cấp cho CPU và VGA.
Video đang HOT
Rất nhiều cấp nguồn SATA và MOLEX.
Tất cả cáp nguồn đều được bọc lưới cẩn thận, có chiều dài tương đối, có vẻ đủ để đi trong khoang giấu dây của case. Ngoài các nguồn cấp cho CPU, VGA và Mainboard, số lượng đầu cấp nguồn SATA và MOLEX cũng khá nhiều, đủ cho mọi nhu cầu sử dụng ổ đĩa và gắn thêm quạt cho case.
Trên lưng sản phẩm là chi tiết về thông số kĩ thuật, theo đó đường 12V có thể cung cấp được tối đa 528 W và chịu dòng đến 44 A – quá đủ cho hệ thống sử dụng 1 VGA khủng hoặc chạy 2 VGA một nguồn phụ.
Giống mọi bộ nguồn khác, lưới tổ ong thông gió chiếm toàn bộ mặt trước. Ngoài ra chỉ có công tắc tắt/mở.
XFX Pro Series 550W sử dụng quạt làm mát 7 cánh kích thước 120 mm. Tốc độ quay cực đại là 2200 vòng/phút. Ở tốc độ cực đại này, độ ồn phát ra khoảng 40 dBA – tức hầu như không nghe thấy gì nếu đặt trong case. Linh kiện 100% tụ Nhật, chịu được nhiệt độ đến 105 độ C (điều này tôi không tin lắm nhưng cũng khó kiểm chứng).
Đạt chuẩn 80 Plus Bronze danh giá, bộ nguồn đạt hiệu suất trung bình đến 85%, cộng thêm tính năng A.PFC “nắn” hệ số công suất cực cao lên tới 0,97, XFX Pro Series 550 W đảm bảo tiết kiệm tối đa điện năng. Ngoài ra, bộ nguồn có khả năng hoạt động ở công suất đỉnh 600 W – tức vượt quá công suất định mức. Không chỉ vậy, độ nhiễu đường điện cực thấp chỉ 1% sẽ kéo dài tối đa tuổi thọ các linh kiện.
Kết luận
XFX Pro Series 550 W là sự lựa chọn hoàn hảo cho mọi hệ thống PC tầm trung-cao cấp, đặc biệt là các máy tính chơi game ép xung mạnh, chạy 1 card đồ họa khủng hoặc 2 card đồ họa một nguồn phụ.
Ưu:
- Thiết kế đẹp.
- 1 đường điện duy nhất -> tương thích phần cứng & ép xung tốt.
- Hiệu suất & hệ số công suất cao -> tiết kiệm điện năng.
- Công suất đỉnh tới 600 W.
- Độ nhiễu đường điện cực thấp chỉ 1% giúp đảm bảo tuổi thọ linh kiện.
- Hoạt động êm.
- Giá quá tốt so với chất lượng và các bộ nguồn cùng công suất khác.
Khuyết:
- Cáp nguồn bọc lưới 100% nên hơi to -> nếu vỏ case có lỗ giấu dây nhỏ sẽ khó lọt.
Theo BĐVN
Nguồn máy tính: Những điều cần biết và các sản phẩm đáng mua nhất
Nguồn máy tính (còn gọi là PSU - Power Supply Unit) là một bộ phận cực quan trọng nhưng nhiều khi không được đánh giá đúng mức. Điều này sẽ gây nguy hiểm không nhỏ cho hệ thống quý giá của bạn.
Nguồn máy tính - Đừng coi thường!
Nhắc đến một PC chơi game khủng, game thủ thường nghĩ ngay đến những linh kiện gì? Card đồ họa khủng, bộ xử lý cực mạnh, kit RAM chiến gắn tản nhiệt, bo mạch chủ nhiều khe cắm VGA... Rất hiếm khi họ nghĩ đến bộ nguồn.
Người dùng ít am hiểu thường xem nhẹ bộ nguồn khi xây dựng PC mới. Rất nhiều người hay phó mặc lựa chọn này cho nhân viên bán hàng theo tiêu chí "càng rẻ càng tốt". Hoặc như khi có nhu cầu nâng cấp, game thủ vẫn thường quên béng mất việc xem xét liệu bộ nguồn mình đang dùng có "cân" được linh kiện mới hay không. Họ không biết rằng một bộ nguồn hoạt động không ổn định sẽ rút ngắn tuổi thọ linh kiện đáng kể. Đặc biệt khi có nhu cầu "về thành dưỡng sức", có khả năng chúng không ra đi lẻ loi một mình mà lôi kéo theo một vài chiến hữu trong case đi cùng. Sẽ ra sao nếu đó là chiếc card đồ họa đắt tiền hay bo mạch chủ quý giá?
Cháy nguồn!!
Người viết xin đưa ra cho bạn đọc tham khảo một vài tiêu chí quan trọng đánh giá một bộ nguồn. Sau đó sẽ có danh sách ngắn gọn giới thiệu một số bộ nguồn phổ biến nên quan tâm hoặc nên tránh ở cuối bài viết.
Công suất danh định
Đây là thông số người tiêu dùng cần quan tâm đầu tiên khi chọn mua nguồn. Công suất danh định (còn gọi là công suất thực hay công suất định mức) là giá trị lớn nhất mà nguồn còn có thể hoạt động được khi cấp điện cho mạch ngoài. Quá giá trị này, dòng điện chạy trong nguồn làm tỏa nhiệt mạnh đến mức khả năng tản nhiệt của các phần tử trong nguồn (cuộn dây, điện trở, chip...) không đáp ứng nổi, dẫn đến cháy hoặc hoạt động hỗn loạn. Quá tải do công suất "đuối" là một trong những cái chết phổ biến nhất trong thế giới PSU.
Hãy cảnh giác với cách đặt tên của nhà sản xuất! Ví dụ điển hình là bộ nguồn AcBel E2 470 có công suất thực chỉ 420 W (không thể quy kết NSX lừa đảo vì tên bộ nguồn... không có chữ W). Thông thường, 500 -> 600 W công suất thực là đủ cho hệ thống Intel Core-i mới và card đồ họa yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin.
Hiệu suất & Hệ số công suất
Hai chỉ số này thể hiện mức độ sử dụng điện năng hiệu quả của bộ nguồn và đều có giá trị nhỏ hơn 1. Không bao giờ có chuyện hiệu suất đạt 100% do một phần năng lượng bị tiêu tốn dưới dạng nhiệt. Cũng khó có thể bắt gặp một bộ nguồn có hệ số công suất đạt 1 do các linh kiện như điện kháng (cuộn cảm) và điện dung (tụ điện) không phải luôn duy trì giá trị cố định (cái này phụ thuộc cả vào điện áp và tần số của điện lưới). Ví dụ nếu hệ thống của bạn tiêu thụ 500 W, bộ nguồn có hiệu suất 80% và hệ số công suất 0,9 thì hóa đơn tiền điện phải trả sẽ là: 500 / (0,8 x 0,9) = 694 W.
Một bộ nguồn khủng chuẩn 80 Plus Gold (90%).
Để tiết kiệm điện, hãy cố gắng tìm kiếm bộ nguồn có hiệu suất và hệ số công suất càng cao càng tốt.
Nhầm lẫn thường gặp: (công suất thực) = (công suất danh định in trên sản phẩm) x (hiệu suất)
Dòng điện trên các đường điện ra (rail)
Thông số dòng này luôn được in trên nguồn.
Một thông số quan trọng nhưng ít ai để ý. Lấy ví dụ về bộ nguồn CoolerMaster Extreme 550 Power Plus. Về mặt công suất, bộ nguồn này hoàn toàn đủ khả năng gánh hệ thống chạy card đồ họa GTX 570. Tuy nhiên dòng trên rail 12 V của nó chỉ đạt 32 A - nhỏ hơn so với yêu cầu tối thiểu của GTX 570 là 38 A. Vì vậy việc sử dụng bộ nguồn này cho GTX 570 là không an toàn.
Tính năng bảo vệ quan trọng
Bảo vệ quá công suất: khi tổng công suất cung cấp ở đầu ra vượt quá so với công suất tối đa, PSU sẽ tạm thời ngừng hoạt động. Tính năng này nhằm hạn chế trường hợp đột tử do quá tải công suất người viết đã đề cập ở trên.
Bảo vệ quá dòng: PSU sẽ ngừng hoạt động khi một trong các đường điện cung cấp (rail) của nó vượt qua giới hạn dòng cực đại cho phép của PSU. Đây là trường hợp của GTX 570 và CoolerMaster Extreme 550 Power Plus đã nói ở trên.
Bảo vệ ngắn mạch: PSU lập tức ngừng hoạt động khi hiện tượng ngắn mạch xảy ra (như rơi 1 con ốc lên bo mạch). Không có chế độ bảo vệ này, khả năng ra đi của linh kiện khi ngắn mạch là hầu như chắc chắn.
Cả 3 chế độ bảo vệ trên đây đều được trang bị trên các bộ nguồn của các hãng tin cậy như CoolerMaster, AcBel, FSP... Ngoài ra còn một tính năng nữa mà bạn không thể bỏ qua khi tiếp cận các sản phẩm đắt tiền:
Active PFC (Power Factor Correction): những bộ nguồn sở hữu Active PFC đều có hệ số công suất khá cao giúp tiết kiệm điện năng (lớn hơn 0,9), đồng thời chúng còn có khả năng khử nhiễu và căn chỉnh đường điện vào. Hiện nay các sản phầm trung cấp giá mềm như FSP Hexa 500 cũng có thể được trang bị tính năng này.
Giá trị đầu tư
Đây là yếu tố mà người tiêu dùng thường quan tâm nhất. Nếu một bộ nguồn 500 W có giá 1.000.000 VND, chi phí trung bình phải trả là 2.000 VND/W. Hiển nhiên chỉ số này càng thấp thì giá trị đầu tư càng cao.
Các thương hiệu nguồn nổi tiếng ở Việt Nam
FSP: Thương hiệu nguồn đã quá nổi tiếng trên thế giới. Thời gian gần đây chính sách giá của FSP tại Việt Nam rất tốt. Đây là tin mừng cho người dùng trong nước. Các bộ nguồn của FSP hầu hết đều có tính năng Active PFC.
Seasonic: Giống như FSP, chất lượng Seasonic thuộc loại miễn bàn và là mơ ước của khá nhiều game thủ. Tuy cả 2 hãng có số đầu sản phẩm khiêm tốn và giá trị đầu tư thấp hơn CoolerMaster hay AcBel nhưng cả về thương hiệu, độ tin cậy lẫn linh kiện thì đều hơn xa.
CoolerMaster: Cái tên phổ biến thuộc bậc nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên người dùng có hiểu biết lại không đánh giá cao CoolerMaster. Trong khi dòng cao cấp Pro Gold có giá trị đầu tư không tốt thì dòng phổ thông Extreme Power lại thiếu tính năng Active PFC thời thượng và độ nhiễu đường điện (ripple) được cho là cao so với những cái tên như FSP hay Seasonic. Tuy nhiên dòng Extreme Power lại có giá khá mềm nếu so với các bộ nguồn cùng công suất của hãng khác nên khá thích hợp cho người dùng hầu bao eo hẹp cần công suất cao.
AcBel: Về độ phổ biến, ở Việt Nam cái tên AcBel cũng ngang ngửa so với CoolerMaster. Dòng trung cấp Intelligent Power và dòng cao cấp R88 của họ cũng có giá trị đầu tư tốt cùng chất lượng đáng tin cậy. Nhìn chung các sản phẩm từ 500 W trở lên rất đáng mua, nhưng dưới 500 W thì lại không cạnh tranh được với FSP (chất lượng) và CoolerMaster (giá thành).
XFX - cái tên còn khá mới ở Việt Nam
XFX: Thương hiệu link kiện quá nổi tiếng nhưng hiếm người biết đến. Game thủ tiếp xúc với XFX phần lớn qua các card đồ họa xách tay. Mới xuất hiện dạo gần đây ở Việt Nam, PSU XFX có giá cả phải nói khá cạnh tranh. Theo các trang review nước ngoài thì chất lượng sản phẩm của họ cũng thuộc loại cực tốt. Chỉ có điều cái tên XFX sẽ khiến nhiều người lầm tưởng đây là thương hiệu mới nên dễ bỏ qua.
Huntkey: Cái tên Huntkey không được ưa chuộng lắm ở dòng sản phẩm công suất cao bởi giá trị đầu tư không tốt, đồng thời chưa gây ấn tượng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên ở tầm trung và thấp, các bộ nguồn dòng Green Power cũng là lựa chọn không tồi.
Corsair: Không có gì nhiều để nhận xét ngoài 2 từ "cực khủng" và "ngoài tầm với".
Một số bộ nguồn đáng lưu ý
Sau đây là danh sách những bộ nguồn tiêu biểu theo từng mức công suất. Ngoài ra là vài cái tên được ưa chuộng nhưng không nên đầu tư.
Dưới 400 W: dành cho các hệ thống không sử dụng card đồ họa cần nguồn phụ
400 -> 460 W: dành cho các hệ thống sử dụng card đồ họa 1 nguồn phụ
Nên tránh: AcBel E2 470 (800.000 VND). Lý do: FSP Saga II 400W tốt hơn.
500 -> 650 W: dành cho các hệ thống sử dụng card đồ họa 2 nguồn phụ
Nên tránh: CoolerMaster Extreme Power 500W (1.100.000 VND). Lý do: FSP Hexa 500W tốt hơn.
Trên 700 W: dành cho các hệ thống sử dụng card đồ họa cực mạnh hoặc đa card đồ họa.
Các bộ nguồn đáng quan tâm (xét theo chất lượng & giá trị đầu tư).
Theo Bưu Điện VN