Đánh giá loa vi tính GoldSound GS51: Bình mới “men” cũ, nay thêm Bluetooth
Sau một thế hệ 2018 khá hoàn thiện, GS51 mang đến mảnh ghép cuối cùng của một bộ loa vi tính lý tưởng: kết nối Bluetooth.
Là một trong những sản phẩm có thể coi là “biểu trưng” của GoldSound, GS51 đã không còn xa lạ với người nghe Việt Nam. Mới đây, hãng loa này đã ra mắt phiên bản thứ 3 của GS51 với thiết kế hoàn toàn mới, trong đó có một bản Bluetooth giá 1,99 triệu đồng và một phiên bản Basic giá 1,79 triệu đồng. Bên cạnh khả năng phát nhạc không dây, GS51 Bluetooth còn hơn mẫu Basic ở khả năng chơi nhạc qua thẻ nhớ và USB.
Thiết kế: Lại có chút thay đổi
Phiên bản loa GS51 mới có thiết kế vát mặt trước
Mỗi thế hệ GS51 lại mang đến một thay đổi nhỏ về mặt thiết kế và các model mới nhất cũng không phải là ngoại lệ. Loại bỏ thiết kế vuông cục của bản 2017 hay khối “cắt” trên loa chính của bản 2018, GS51 mới nhất được vát chéo mặt trước, không quá phá cách nhưng cũng không hề gây nhàm chán khi đặt trên bàn làm việc hay cạnh TV phòng khách. Người mua GoldSound chắc chắn sẽ nhận ra rằng hình khối “vát” cũng chính là phong cách thiết kế từng được dành riêng cho các mẫu loa W đắt tiền hơn (ví dụ như W240), nay đã được GoldSound đưa xuống phân khúc giá “mềm”.
Nút điều khiển được đưa ra phía sau
Một thay đổi khác so với thế hệ cũ là toàn bộ các nút vặn điều khiển đã được đưa ra phía sau. Trên model Bluetooth, bộ đọc thẻ nhớ/USB và các phím điều khiển cũng đã được đưa lên mặt trên. Theo người viết, đây là một quyết định rất đúng đắn về mặt thẩm mỹ khi 2 loa nhìn từ mặt trước đã giống hệt nhau, tạo ra cảm giác cân bằng, đối xứng. Trên thế hệ GS51 của năm ngoái, việc chỉ “vát” duy nhất một phần nhỏ trên loa trái thậm chí còn khiến các màng loa của 2 bên bị lệch nhau về chiều cao.
Hai phiên bản GS51 có thiết kế giống nhau, chỉ khác nhau ở kết nối Bluetooth
Bản GS51 Bluetooth có bộ đọc thẻ và các phím điều khiển trên mặt loa
Điểm mạnh được giữ lại từ các thế hệ cũ là lớp vỏ vân gỗ. So với vỏ nhựa cứng hiện vẫn được GoldSound sử dụng trên khá nhiều sản phẩm (bao gồm cả mẫu W60 mà chúng tôi mới đánh giá), vân gỗ vẫn tạo cảm giác cao cấp hơn hẳn. Với lớp vỏ này, người dùng có thể yên tâm đặt GS51 lên bàn làm việc hay lên tủ kệ TV mà không cần phải lo sẽ làm hỏng bố cục căn phòng.
Trải nghiệm sử dụng
Mỗi chiếc loa GoldSound đều có trải nghiệm sử dụng vô cùng đơn giản và GS51 cũng không phải là ngoại lệ. Bên trong hộp sản phẩm, nhà sản xuất đặt sẵn dây điện, dây 3.5-RCA và dây nối giữa 2 loa. Dây nối giữa 2 loa được phân màu đỏ trắng rõ ràng, để nối vào loa thì người dùng cũng chỉ cần vặn chốt kẹp như trên nhiều mẫu loa phổ thông khác.
Kết nối Bluetooth trên phiên bản 2 triệu đồng cũng không hề khác biệt so với loa Bluetooth thông thường; trải nghiệm gắn thẻ nhớ/USB cũng chỉ là “cắm và chơi nhạc”. Mặc dù nhà sản xuất chỉ bán kèm dây 3.5-RCA (nối từ smartphone, tablet hay laptop), người dùng cũng có thể dễ dàng nối những chiếc GS51 với TV hoặc đầu CD thông qua dây nối RCA bán rộng rãi trên thị trường.
Do các núm điều chỉnh âm lượng, bass và treb đều đã được chuyển ra phía sau loa, trải nghiệm GS51 có thể gây ra đôi chút bất tiện so với các thế hệ cũ. Tuy vậy, đây thực sự là một bất tiện nhỏ bởi trong trải nghiệm thực tế thì phần đông người dùng sẽ vặn loa đến mức đủ nghe rồi để đó và tập trung vào nghe nhạc (hoặc xem phim, chơi game). Khi dùng Bluetooth thì vai trò của núm điều khiển âm lượng càng mờ nhạt hơn, bởi người dùng có thể điều chỉnh ngay trên chính điện thoại/thiết bị phát của họ.
Chất lượng âm thanh
Theo cảm nhận cá nhân của người viết, khi sử dụng làm loa vi tính đặt trên bàn làm việc, GS51 sẽ cho chất lượng âm thanh hài hòa nhất khi chỉnh bass về mức 11-12h và treb chỉ khoảng 9-10h. Ở mức chỉnh này, GS51 2018 tỏ ra khá hấp dẫn với âm bass tròn trịa, đủ lượng và âm treb thoáng đãng. Nếu chỉnh bass hay treb ở mức cao hơn, âm thanh của GS51 sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, còn nếu chỉnh thấp hơn, phần lớn các bản nhạc lại gây cảm giác “hụt hẫng” kém hấp dẫn.
Tổng thể, một khi đã được điều chỉnh hài hòa, GS51 là mẫu loa có khả năng đánh tạp khá tốt. Với nhạc Pop US/UK hay Kpop, GS51 tạo ra được không gian sôi động và vừa đủ năng lượng. Với các thể loại tập trung vào giọng hát, GS51 cho chất Vocals tự nhiên và có thiên hướng hơi làm mượt. Chuyển sang Classic Rock, dải treb “vừa đủ tới” chắc chắn sẽ làm vui lòng các fan của guitar và cymbal, tuy vậy trung âm hơi mượt cũng khiến cho nhiều bài hát mất đi ít nhiều năng lượng. Bù lại, với chất âm này GS51 tỏ ra không hề “kén” nhạc, không khiến người nghe cảm thấy bực mình vì các tạp âm lẫn vào các bản thu âm cũ.
GoldSound vẫn tiếp tục tập trung vào các loại nhạc “dễ nghe, dễ cảm”.
Đặt trên bàn 1,2m, GS51 sẽ tạo ra âm trường khá rộng nhưng chưa thể hiện được độ “sâu” như tai nghe. Nhạc cụ được phân tách stereo rõ ràng, tuy vậy nghe cổ điển chưa được “đã tai” lắm vì âm trường hơi phẳng. Đây cũng chính là điểm yếu từng xuất hiện trên thế hệ GS51 trước, tuy vậy nói một cách công bằng thì khoảng cách về chất lượng âm thanh giữa 2 thế hệ là không nhiều. Một lần nữa, GS51 yếu nhất khi chơi nhạc cổ điển, nhạc Metal tốc độ cao hoặc các thể loại khác đòi hỏi loa phải có khả năng kiểm soát cực tốt. Tuy vậy, đòi hỏi loa giá rẻ chơi tốt Classical sẽ là bất hợp lý, chưa kể GoldSound đã chỉnh âm theo hướng ưu tiên các thể loại đại chúng (Pop/Dance, trữ tình).
Cũng giống như mẫu W60 và nhiều sản phẩm khác của GoldSound, chất lượng âm thanh khi dùng ở chế độ Bluetooth vẫn chưa thực sự sánh được với âm thanh từ smartphone (đặc biệt là các mẫu iPhone hay Galaxy S/Note). Bộ phát Bluetooth của GS51 có âm lượng hơi nhỏ, chưa kể cách tái tạo chi tiết cũng chưa được trau chuốt và mạch lạc. Do đó, chúng tôi cho rằng GS51 vẫn nên được tập trung vào mục đích quen thuộc là dùng như loa vi tính. Chế độ Bluetooth trên phiên bản 2 triệu đồng nên chỉ được coi là tính năng bổ trợ khi người dùng muốn nghe nhạc một cách tiện lợi và đơn giản nhất.
Xem phim và chơi game
Một trong những yêu cầu bắt buộc của loa vi tính là phải tái hiện được cảm giác “bùng nổ” trong phim và game. Trên khía cạnh này, GS51 không hề gây thất vọng trong những trải nghiệm “bom tấn” như Battlefield 1 hoặc Star Wars. Âm trường rộng giúp tạo ra cảm giác không gian rộng mở và (khá) choáng ngợp, tuy vậy do là loa stereo nên khi chơi game cũng chỉ có thể giúp người dùng định vị trái/phải mà thôi.
Kết luận
Vẫn với triết lý giá rẻ, GS51 của năm nay mang đến một số cải tiến đáng giá về thiết kế và tính năng. Trong khi phiên bản Basic vẫn có giá khá mềm là 1,8 triệu đồng (tham khảo trang chủ nhà sản xuất, goldsound.com.vn), thêm 200.000 đồng sẽ giúp người mua thêm được khả năng chơi nhạc từ Bluetooth, USB và thẻ nhớ.
Điểm mạnh
Giá dễ chịu
Thiết kế đơn giản, trang nhã
Chất âm “đánh tạp” tốt, không kén nguồn nhạc
Điểm yếu
- Âm thanh từ Bluetooth còn thua kém âm thanh khi cắm dây
Theo VnReview
Đánh giá loa bluetooth Jamo DS3: Thiết kế cổ điển, âm thanh chất lượng
Tuy được ra mắt cách đây cũng khá lâu nhưng chiếc loa này vẫn có nhiều điểm thu hút người dùng tìm đến như vẻ đẹp ngoại hình hay chất lượng âm thanh tuyệt vời mà nó mang lại.
1. Thiết kế
Jamo DS3 có thiết kế dạng thanh dài, kiểu dáng cổ điển với màu vàng champagne đẹp mắt. Mặt trước thiết kế đơn giản với nhiều lỗ thoát âm thanh.
Phía cạnh trên bên phải nhô cao lên là nơi đặt các phím bấm như nguồn, chuyển bài và đặc biệt là nút âm lượng xoay tròn gợi nhớ lại nút dò kênh trên những chiếc radio thời xưa.
Cổng kết nối trên Jamo DS3 cũng giống như nhiều loa bluetooth khác hiện nay, bao gồm cổng sạc micro USB, cổng âm thanh 3.5 mm và khe đọc thẻ nhớ micro SD.
Phía sau cũng đơn giản không kém với những đường vân giả da đẹp mắt.
Với trọng lượng khá nhẹ, chỉ khoảng 400g cộng thêm thiết kế tao nhã này, Jamo có thể phù hợp đặt ở bất kỳ đâu, phòng khách, phòng ngủ hay cả đem theo đi du lịch, dã ngoại cũng được.
2. Chất lượng âm thanh
Điểm mình thấy ấn tượng đầu tiên là cái loa này bé tí mà âm thanh phát ra sao to thế. Sau khi tìm hiểu thì mình biể được Jamo DS3 sử dụng củ loa toàn dải 32mm kết hợp ampli công suất chạy mạch D, để cho ra âm thanh lớn hơn rất nhiều với vóc dáng của mình.
Chất âm của Jamo DS3 cũng khiến mình bất ngờ, âm thanh có độ cân bằng ở cả ba dải âm, nghe rõ nét và khoáng đạt. Thử nghe với các bài nhạc rock thì loa cho âm bass trầm và ấm, độ đập của loa cho cảm giác mạnh mẽ.
Khi trở về những bản Ballad hay Pop, âm thanh dường như biến hóa uyển chuyển theo cảm xúc của bài hát hay người nghệ sĩ thể hiện; nghe nhẹ nhàng, du dương; đoạn cao trào thì náo nhiệt, sôi nổi; hay có những lúc giai điệu trầm lắng đi vào lòng người.
3. Hướng dẫn sử dụng một số chức năng
Để bật nguồn, bạn hãy giữ tay vào phím nguồn, và đèn màu xanh sẽ bật sáng, lúc này loa sẽ ở chế độ phát Bluetooth. Bạn có thể nhấn giữ núm tròn to nhất để ngắt kết nối và sau đó bạn sẽ phải kết nối lại từ đầu. Nếu đang trong chế độ này, bạn có cuộc gọi đến thì có thể nhấn ngay núm tròn to nhất để nghe điện thoại và âm thanh người gọi đến sẽ được phát luôn qua loa ngoài.
Nhấn thêm một lần nữa vào phím nguồn để chuyển chế độ sang phát nhạc qua thẻ nhớ. Bạn có thể nhấn phím chuyển bài để chuyển bài và nhấn núm tròn to nhất để tạm dừng.
Nhấn thêm một lần nữa để chuyển từ chế độ phát nhạc qua thẻ nhớ sang chế độ FM. Bạn có thể nhấn phím chuyển bài hoặc nhấn núm tròn to nhất để chuyển kênh.
Nếu nhấn thêm một lần nữa vào phím nguồn sẽ quay trở lại chức năng phát Bluetooth.
4. Thời lượng pin
Theo như nhà sản xuất thì thời lượng pin của Jamo DS3 có thể phát nhạc liên tục 6 tiếng đồng hồ. Mình cũng đã thử nghiệm lại luôn thì thấy thời lượng pin của máy đạt hơn 5 giờ phát liên tục. Thực tế thì việc loa phát được nhạc lâu hay không còn phụ thuộc vào yếu tố bản nhạc của bạn nghe là gì và mức âm lượng mở bao nhiêu nữa. Nói chung là bật âm càng to thì càng nhanh hết pin.
Ngoài ra thì mình cũng đã thử sạc chiếc loa này thông qua laptop trong vòng khoảng hơn 30 phút thì loa phát được nhạc trong khoảng thời gian hơn 1 giờ mới hết pin.
Kết luận
Hiện nay, Jamo DS3 có giá khoảng 2 triệu. Với sự lựa chọn này, mình chắc chắn bạn sẽ không phải thất vọng về chất lượng âm thanh đâu. Kèm theo đó bạn sẽ nhận được chiếc loa bluetooth có kiểu dáng cổ điển đẹp đẽ để trang trí cho bàn làm việc, phòng khách,...
Theo tgdđ
Đánh giá tai nghe không dây Urbanista Detroit: Tối giản từ thiết kế tới chất âm Tai nghe không dây càng ngày càng rẻ, nhưng có chất lượng hoàn thiện càng ngày càng cao, chiếc Urbanista Detroit là một ví dụ điển hình. Urbanista là một hãng âm thanh đến từ Thụy Sĩ, đang rất nổi tiếng với giới thời trang vì kiểu thiết kế tối giản và cách phối màu trẻ trung. Năm nay, hãng đã công bố...