Đánh giá iPhone 6S Plus sau 4 năm gắn bó: Đủ tốt để tôi tiếp tục sử dụng cho đến khi nó hỏng không thể sửa nổi mới thôi
iPhone 6S Plus thừa sức đáp ứng mọi nhu cầu của tôi, vậy tại sao tôi phải tốn vài trăm USD mỗi năm để lên đời máy? Chỉ vì Apple ra mắt thế hệ mới thôi à?
*Bài viết đánh giá của biên tập viên Emanuel Maiberg – trang Motherboard.
Ngay khi vừa ra mắt vào tháng 9/2015, iPhone 6S Plus đã nhận được rất nhiều nhận xét có cánh đến từ loạt báo uy tín. The Verge nhận định: “ Đây là mẫu iPhone tốt nhất từ trước đến nay, và cũng là smartphone xịn nhất trên thị trường hiện tại (2015)“. Trang Tech Radar cho rằng: “Với iPhone 6S Plus, Apple đã thổi một làn gió mới cho dòng sản phẩm phablet của mình“. Trang Wired thì không ngần ngại kêu gọi: “ Bạn đang cần mua 1 chiếc điện thoại mới? Tin vui đây, mua iPhone 6S Plus là xong“.
Khi iPhone 6S Plus ra mắt, Motherboard đã không viết bất cứ bài đánh giá nào cả, nhưng cá nhân tôi vẫn tự mua cho mình 1 chiếc để trải nghiệm. Và nói nghiêm túc nhé, tôi chưa từng có ý định ngừng sử dụng nó kể từ lúc đó đến tận bây giờ, rời xa máy vài giờ thôi là đã không chịu được rồi. Giờ đây, sau 1,434 ngày, cuối cùng tôi cũng đã sẵn sàng để đưa ra những đánh giá của mình dành cho mẫu smartphone này.
Hơi trễ nhưng dưới đây là bài đánh giá iPhone 6S Plus của tôi sau gần 4 năm sử dụng.
Nói 1 cách ngắn gọn nhất: iPhone 6S Plus là 1 chiếc điện thoại rất tốt. Và trong 1 vũ trụ song song nào đó, nó sẽ là chiếc điện thoại cuối cùng mà bạn chấp nhận bỏ tiền ra mua (vì nó tốt quá nên sẽ chẳng cần phải lên đời gì nữa). Nhưng đời lại không như là mơ các bạn ạ.
Sau 1 hồi lục lọi email của mình, đây là 1 số thông tin cơ bản mà tôi nghĩ cần phải đề cập trong bài viết này: Tôi mua chiếc iPhone 6S Plus vào lúc 6 giờ 17 phút tối ngày 11/3/2016 tại một cửa hàng Apple ở Manhattan, Mỹ. Ngoài ra, tôi còn sắm thêm 2 phụ kiện là ốp da màu đen có giá 50 USD và cáp Lightning, giá 30 USD. Cộng với mức giá 850 USD của chiếc iPhone, thuế và 1 vài phụ phí khác, tôi đã tiêu tốn 1009,27 USD (khoảng 23,4 triệu đồng) – một con số khá lớn tại thời điểm 4, 5 năm trước.
Thế nhưng, mức giá lại chính là điểm mà tôi hài lòng nhất ở iPhone 6S Plus, nếu xét theo tuổi thọ của nó. Tôi dùng nó liên tục trong nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày, trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều năm. Các tác vụ của tôi thì đa dạng, từ nhắn tin, đọc báo mạng, xem video và sử dụng một loạt ứng dụng nhắn tin khác. Thỉnh thoảng tôi cũng chơi game, chụp ảnh và ghi âm mỗi lần đi phỏng vấn.
Nói chung là iPhone 6S Plus dư sức đáp ứng các nhu cầu của tôi, mỗi tội là tôi hay làm rơi nó mà thôi.
Ngoài ra, kể từ khi sở hữu chiếc smartphone này, tôi thường xuyên làm rơi nó ít nhất là 1 lần/ngày mỗi khi đứng lên ngồi xuống. Nhưng cũng không sao cả, vì tôi sử dụng rất nhiều loại ốp bảo vệ khác nhau. Cho đến năm 2018, tôi mới chấp nhận không dùng bất cứ loại case nào nữa sau 1 hồi tranh luận, về vấn đề gì thì nói thật là giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi.
Vào tháng 4/2019, tôi lại làm rơi nó trên sàn bê tông tại tòa soạn VICE. Như đã viết ở trên, lúc này chiếc iPhone của tôi đã “ở trần” rồi, không dùng ốp nữa, và điều đó đã khiến màn hình điện thoại xây xát 1 cách tồi tệ. Đồng thời, pin của nó cũng không còn trâu như khi mới mua nữa và chỉ trụ được vài giờ là tắt ngúm. Thế là tôi quyết định mang ra tiệm sửa chữa, xử lý cả 2 vấn đề trên với mức phí 185,09 USD (4,3 triệu đồng).
Đây có lẽ là điều mà Apple không mong muốn tôi thực hiện. Vì sao à? Nhà Táo luôn gây khó dễ cho các cơ sở sửa chữa bên thứ 3, thậm chí còn khởi kiện luôn cả họ nếu cần thiết và luôn làm quá rằng chỉ họ mới sửa được sản phẩm của họ. Sau tất cả, mục đích cuối cùng của Apple là buộc người dùng phải ra Apple Store để sửa máy, hoặc là bỏ tiền ra mua một thiết bị mới từ họ. Nhưng xin lỗi, ở đây tôi không làm thế.
Video đang HOT
Trong thời đại mà đồ công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt, tôi thực sự kinh ngạc khi chiếc 6S Plus của mình lại sống thọ đến vậy. Tôi đã làm rơi nó cả trăm, ngàn lần, và liên tục tải về hàng loạt bản cập nhật iOS mới mà chỉ những thế hệ máy tiếp theo mới cân nổi. Chưa hết, nghe thì hơi mất vệ sinh 1 chút nhưng tôi nghĩ mình cần chia sẻ thẳng thắn điều này: Chiếc iPhone này còn từng phải hứng chịu mọi loại chất thải của tôi nữa vì tôi thường xuyên mang nó vào nhà tắm cùng mình! Mỗi lần như vậy, tôi đều lau chùi nó bằng cồn hoặc loại tẩy trùng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ hại nhất. Phía góc trên bên phải máy là một vết mẻ nhìn khá rõ, rất mất thẩm mĩ. Sau khi mang ra tiệm sửa chữa như tôi đã viết ở trên, màn hình điện thoại của tôi bỗng trở nên hơi bị nhạy quá, dẫn đến việc tôi thường xuyên vô tình nhắn tin, gọi điện cho người khác khi để máy trong túi quần, túi áo. Có hôm khi đang dắt chó đi dạo, tôi lôi máy ra và phát hiện nó đã bị khóa vì nhập sai mật khẩu quá nhiều lần, dù tôi còn chưa động gì vào nó cả. Giờ đây mỗi lần làm rơi máy, thậm chí màn hình còn long ra khỏi khung một chút, và tôi lại phải bấm cho nó khớp lại.
Chiếc 6S Plus của tôi đã nằm gai nếm mật đủ kiểu, nhưng kỳ lạ là đến tận bây giờ nó vẫn sống tốt.
Nói tóm lại: Chiếc iPhone 6S Plus của tôi gần như đã trải qua mọi điều tệ hại nhất có thể xảy ra với 1 chiếc smartphone rồi.
Thế nhưng ngoài những vấn đề nêu trên ra, nó vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu của tôi, giống như ngày đầu tiên tôi mua nó về vậy. Tôi không biết hiện nay còn có ai dùng dòng máy lỗi thời như tôi hay không. Vợ tôi cũng mua 1 chiếc 6S Plus cùng ngày với tôi, và giờ thì cô ấy đã lên đời 2 lần rồi.Tương tự, tổng biên tập Jason Koebler của Motherboard cũng đã thay 2 lần máy, đầu tiên là 1 chiếc 7 Plus và bây giờ là iPhone 11 Pro.
Tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao mình vẫn gắn bó với chiếc 6S Plus này trong khi người thân và đồng nghiệp đã thay máy mấy lần liền như vậy. Tôi không nghĩ mình là người keo kiệt hay rẻ mạt gì cả. Tôi nổi tiếng là “tiêu hoang” cho những món đồ công nghệ xa xỉ mà. Ví dụ: Dàn PC của tôi thuộc dạng cực kì đắt tiền với những linh kiện hiện đại nhất, và vẫn được tôi liên tục nâng cấp trong những năm qua.
Tôi không ngại việc phải tiêu pha tốn kém, nhưng tôi ghét phải tiêu tiền một cách thiếu hiểu biết. Tôi không nghĩ mình nên thay điện thoại 1-2 năm/lần chỉ vì Apple ra thế hệ máy mới mỗi năm – đó chính là tiêu tiền thiếu thông minh đấy.
Khi tôi thấy ai đó sử dụng một chiếc smartphone xịn hơn, hiện đại hơn, tôi chẳng việc gì phải ghen tị với họ cả. Tôi không có nhu cầu mở khóa điện thoại bằng khuôn mặt, cũng không cần màn hình lớn hơn, và cũng chẳng dùng gì đến camera mà phải nâng cấp. Trái lại, chính ra họ mới là những người phải ghen tị với chiếc 6S Plus của tôi: Nó có phím Home vật lý, có jack tai nghe 3.5mm, và giúp tôi tiết kiệm được hàng nghìn USD chứ đừng đùa.
Tại sao mỗi năm chúng ta phải tốn thêm vài trăm cho đến vài nghìn USD để nâng cấp máy? Chỉ vì Apple ra mắt thế hệ mới thôi ư?
Chiếc smartphone của tôi dư sức đáp ứng được những gì tôi cần: Đọc tin tức và viết bài trên Internet. Nó là chiếc điện thoại thông minh “màn hình to” đầu tiên và duy nhất của tôi cho đến lúc này. Bản thân Steve Jobs cũng từng khẳng định khách hàng sẽ không muốn mua những sản phẩm có màn hình lớn đâu, cho đến khi Apple tiếp tục gia tăng kích thước smartphone của họ. Họ đang đi ngược lại với lời của Steve, và thật vô nghĩa khi giờ đây điện thoại đang ngày càng chiếm nhiều diện tích trong túi quần, túi áo của người dùng.
Thời đại bây giờ, smartphone có thể coi là cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài: Cửa sổ càng lớn thì bạn càng ngắm nhìn được nhiều thứ. Thế nhưng, đa số chúng ta đều quên rằng thế giới này đâu chỉ toàn màu hồng thôi đâu, vậy nên thấy được nhiều không hề đồng nghĩa với tốt hơn nhé. Không biết các bạn thế nào, nhưng cá nhân tôi lại không có cảm tình với cái thế giới nhìn qua “khung cửa sổ” smartphone: Những dòng thông báo tin xấu mỗi đêm, những tin nhắn từ bố mẹ thông báo về sự ra đi của một người họ hàng – tất cả đều chẳng có gì tốt đẹp hết. Tôi biết là nó cũng giúp tôi cập nhật tin tức bổ ích mỗi ngày, nhưng như thế là chưa đủ để tôi phải tôn thờ và liên tục nâng cấp nó.
Mặc dù Apple đã phát triển tính năng Screen Time, nhưng tôi thực sự gặp khó khăn trong việc hạn chế sử dụng smartphone. Thế nên tôi tin rằng Screen Time chính là nụ cười khinh bỉ mà nhà Táo dành cho tôi – 1 con nghiện điện thoại, bằng cách thống kê cực kì chi tiết tổng thời gian mà tôi đã đốt cho chiếc 6S Plus.
Tôi không dùng Twitter như nhiều người khác, và đã gỡ app từ tháng 11/2016. Thế nhưng, tôi lại thường xuyên xem video trên YouTube trước khi đi ngủ, có hôm còn thức đến tận 3 giờ sáng để xem TikTok. Lúc ngủ dậy thì cơ vai tôi đau khủng khiếp vì phải giữ điện thoại ở một tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Kể từ đó, tôi cũng đã cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách để điện thoại ở trên bàn làm việc trước khi đi ngủ chứ không mang nó lên giường cùng mình nữa. Và thế là sức khỏe lại phất lên mọi người ạ.
Dù có hơi “tã”, nhưng tôi vẫn sẽ gắn bó với chiếc iPhone 6S Plus của mình cho đến khi nó hỏng không thể sửa nổi nữa.
Đối với tôi, chiếc iPhone 6S Plus giờ đây như một món đồ trung lập vậy: Khẳng định luôn này, tôi chẳng yêu thích gì nó cả. Nhưng không phải vì nó lỗi thời, mà là bởi nó có quá nhiều công nghệ mà tôi nghĩ là không cần thiết đối với tôi. Sở hữu 1 dòng máy ngon hơn có lẽ cũng khá vui đấy, nhưng chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn thôi, rồi sau đó nó cũng sẽ giống như chiếc 6S Plus này. Nếu vậy thì tôi nghĩ mình không nên tốn thêm tiền để nâng cấp, và lại thấy phiền não vì những công nghệ hiện đại mới mà không thực sự hữu dụng với mình.
Chắc chắn sẽ có ngày chiếc 6S Plus của tôi sẽ hỏng đến mức không thể sửa chữa được, và những phiên bản iOS sẽ ngày một hiện đại đến mức nó không cân nổi nữa, hoặc 1 lỗi bảo mật nghiêm trọng buộc tôi phải đổi máy để bảo đảm an toàn thông tin cho mình. Thế nhưng từ giờ cho đến lúc đó, tôi vẫn sẽ gắn bó với chiếc smartphone của mình. Nó dư sức đáp ứng được mọi nhu cầu của tôi. Nếu nó vẫn hoạt động tốt, thì tôi sẽ không bao giờ bỏ nó. Nếu nó hỏng, tôi vẫn sẽ sửa nó cho đến khi lực bất tòng tâm mới thôi.
Theo GenK
iPhone 7 Plus 32 GB trở thành chiếc 'iPhone quốc dân' tại Việt Nam
Dù đã ra mắt 3 năm nhưng iPhone 7 Plus bản 32 GB vẫn bán chạy và thống lĩnh nhiều bảng xếp hạng doanh số smartphone tại Việt Nam.
Trong tháng 8, người Việt mua 1.126.000 chiếc smartphone. Trong đó có 70.000 chiếc iPhone.
Dù chỉ chiếm 7% miếng bánh thị phần smartphone bán ra tại Việt Nam nhưng Apple lại lựa "miếng bánh" có nhân ngon nhất.
iPhone thống lĩnh
Ở phân khúc điện thoại dưới 7 triệu đồng, Apple không xuất hiện trong bảng xếp hạng. Thế nhưng, trong 210.000 smartphone giá trên 7 triệu đồng, có đến 70.000 chiếc của Apple. Như vậy, cứ 10 người dùng điện thoại trên 7 triệu, có 3 chiếc iPhone. 7 người còn lại sẽ dùng 4 chiếc Samsung Galaxy, 2 Oppo và một chiếc từ hãng khác.
Dù chỉ chiếm 7% thị phần smartphone tại Việt nam trong tháng 8 nhưng Apple chiếm 1/3 phân khúc trên 7 triệu đồng.
Chi tiết hơn, có đến 50% điện thoại Apple bán tại Việt Nam có giá trên 15 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa cứ 2 chiếc iPhone tại Việt Nam sẽ có một chiếc trên 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, iPhone cũng chiếm 45% thị phần smartphone giá trên 15 triệu đồng tại Việt Nam. Như vậy, trong 2 người dùng điện thoại cao cấp sẽ có 1 chiếc iPhone, chiếc còn lại là Samsung.
Ở phân khúc giá từ 10-15 triệu đồng, Apple còn thể hiện rõ sự bành trướng của họ hơn khi chiếm gần 70% thị phần. Điều này có nghĩa 10 người mua smartphone giá 10-15 triệu sẽ có 7 người mua iPhone, trong đó 5 người dùng iPhone 7 Plus 32 GB. Điều này biến model này trở thành chiếc iPhone "quốc dân" khi có 20.000 máy được bán ra trong tháng 8.
Cứ 10 smartphone trên 7 triệu được bán ra trong tháng 8 tại Việt nam thì có 4 chiếc Samsung Galaxy và 3 chiếc iPhone.
iPhone 7 Plus 32 GB đã liên tiếp thống lĩnh phân khúc 10-15 triệu đồng. Từ tháng 3 đến nay, model này liên tục chiếm trên 50% thị phần smartphone từ 10-15 triệu.
Ở phân khúc cận cao cấp 7-10 triệu đồng, Apple tạm nhường lại thị phần cho Samsung và Oppo khi chỉ chiếm 7,8%. Trong đó, model 4 năm tuổi iPhone 6S Plus chiếm 5,5% thị phần với gần 5.200 máy được bán ra.
Tuy vậy, ở phân khúc cao cấp (trên 15 triệu đồng) doanh số bán ra của Apple có phần giảm mạnh từ 66,1% xuống 45%. Điều này khá dễ hiểu bởi tâm lý iFan trong tháng 8 là tích tiền chờ đợi iPhone 11 Series và đợt ra mắt Galaxy Note10 của Samsung.
iPhone 7 Plus 32 GB thống lĩnh thị phần smartphone giá từ 10-15 triệu đồng.
Thích màn hình lớn, không ngại bộ nhớ thấp
Ngoài ra, từ số liệu của GFK cũng có thể hiểu được thói quen mua iPhone của người Việt. Cụ thể, iPhone màn hình lớn sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Trong tháng 8, có gần 59% iPhone bán ra là bản màn hình to Max hoặc Plus.
Tuy chịu chi cho màn hình to nhưng người Việt lại có xu hướng chọn dung lượng bộ nhớ thấp. Các model có dung lượng 32, 64 GB đạt doanh số cao gấp nhiều lần phiên bản bộ nhớ lớn.
Bên cạnh đó, số liệu GFK còn cho thấy người Việt mua iPhone trên mạng ngày càng nhiều. Tháng 8/2018, chỉ có 8,8% smartphone được bán trên Internet là iPhone nhưng đến năm nay, con số này là 12,4%. Trong khi đó, năm nay chỉ có 5,5% smartphone mua tại các cửa hàng là iPhone dù năm ngoái con số này là 8,8%.
Theo VN Review
Những chiếc iPhone cũ được "săn lùng" nhiều nhất hiện nay Dù có chạy theo xu hướng công nghệ hiện nay đi chăng nữa, chúng ta đều phải công nhận rằng những chiếc iPhone đời cũ luôn được mọi người "săn lùng" nhiều nhất, nhất là thời điểm iPhone 11 sắp ra mắt. Không chỉ được trang bị những tính năng cao cấp, iPhone còn có độ bền bỉ và thiết kế luôn giữ...