Đánh giá HP ProBook 430 G6: Laptop văn phòng thời trang, hiệu suất cao, pin lâu
HP ProBook là dòng laptop hướng tới người dùng là doanh nhân, nhân viên văn phòng với thiết kế đẹp và giá thành hấp dẫn. Trong bài viết này, mình sẽ đánh giá chiếc laptop HP ProBook 430 G6.
1. Thiết kế
Kế thừa truyền thống thiết kế của ProBook, phiên bản ProBook 430 G6 có một số điểm cải tiến với mặt lưng và mặt chiếu nghỉ tay sử dụng chất liệu kim loại, đem lại cảm giác sang trọng hơn.
Thân máy được làm mỏng, kết hợp với khối lượng nhẹ (chỉ 1.45 kg) giúp mang lại sự thuận tiện khi cầm nắm, cũng như giúp bạn có thể dễ dàng bỏ máy vào trong túi xách, balo và mang theo bên mình để làm việc.
Máy cũng được thiết kế với bản lề cho phép mở tới 180 độ, để bạn có thể sử dụng máy thoải mái trong nhiều điều kiện làm việc khác nhau.
Với thân hình mỏng nhưng HP ProBook 430 G6 vẫn được trang bị đầy đủ các cổng kết nối.
Cạnh trái lần lượt là: Cổng USB 3.1, khe tản nhiệt và khe cắm thẻ nhớ SD.
Cạnh phải lần lượt là: Cổng sạc, cổng USB – C, cổng LAN, cổng HDMI, cổng USB 3.1 và lỗ cắm tai nghe 3.5 mm.
Phía hai cạnh trên và dưới màn hình của HP ProBook 430 G6 được làm khá dày, khiến cho tổng thể thân máy cho cảm giác hơi vuông, giống như một cuốn sách vậy.
Tuy nhiên, thiết kế này có một lợi thế là phần mặt đáy bên dưới sẽ có thêm diện tích để đặt viên pin lớn hơn, cho thời lượng pin lâu hơn.
2. Màn hình
Như đã nói ở trên, hai cạnh trên và dưới màn hình khá dày, trong khi đó hai cạnh bên trái và phải lại được làm mỏng, điều này tạo cho mình cảm giác khi nhìn vào máy hơi bị thiếu thẩm mĩ một chút.
Máy sử dụng màn hình 13.3 inch với độ phân giải HD. Nhờ vào sử dụng màn hình nhỏ nên mật độ điểm ảnh tăng lên, tạo cảm giác màn hình nhìn sắc nét giống như ở chế độ Full HD 125% vậy.
Mình đem máy ra quán cà phê có nhiều cửa sổ, rất sáng vì sử dụng ánh sáng tự nhiên, lúc này màn hình của HP ProBook 430 G6 mới bộc lộ ra điểm yếu là độ sáng không cao, khiến mình cảm giác màn hơi tối tối (đã tăng độ sáng tối đa) khi sử dụng lúc đó.
Tất nhiên cái này chỉ là thử nghiệm chứ không ai lại đi chọn địa điểm quá nhiều ánh sáng chói như vậy để làm việc cả. Thực tế khi sử dụng trong điều kiện văn phòng, mình thấy màn hình máy sử dụng tốt, có khả năng chống chói cũng như góc nhìn rộng.
3. Bàn phím, bàn di chuột và cảm biến vân tay
Vì đây là một chiếc laptop cho dân văn phòng nên mình để ý nhiều hơn tới công cụ gõ phím. Độ nảy cao, hành trình ngắn, kích thước vừa phải, khoảng cách hợp lý là tất cả đặc điểm có trên chiếc bàn phím của máy.
Thực tế khi sử dụng để gõ phím trong thời gian dài, mình cảm thấy thoải mái và có thể gõ với tốc độ trung bình 75 ~ 78 từ/phút.
Ngoài ra, máy cũng được trang bị đèn nền bàn phím với ba nấc điều chỉnh độ sáng từ mạnh – trung bình – yếu, giúp bạn làm việc thuận lợi trong môi trường độ sáng yếu.
Với diện tích mặt dưới chiếu nghỉ lớn hơn (như mình đã nói ở phần thiết kế) thì trackpad của máy cũng có diện tích lớn hơn. Bề mặt của bàn di chuột cho cảm giác vuốt mịn tay, tương tự con trỏ chuột cũng hoạt động nhanh và nhạy.
Máy cũng được tích hợp thêm cảm biến vân tay một chạm có kích thước lớn, cho thời gian mở khóa nhanh và tăng cường bảo mật hơn cho laptop của bạn.
4. Cấu hình và hiệu năng
HP ProBook 430 G6 có cấu hình tóm tắt như sau:
- CPU: Intel Core i5 8265U.
- RAM: 4 GB.
- Ổ cứng: SSD 256 GB.
- Card đồ họa tích hợp: Intel UHD Graphics 620.
Đầu tiên là phần đánh giá điểm Compute quen thuộc với phần mềm Geekbench 4, máy đạt được 27.809 điểm. Mình khá bất ngờ với con số này bởi nó khá cao so với cấu hình của máy hiện tại, chắc hẳn là nhờ ổ cứng SSD đây.
Đo tốc độ đọc ghi ổ cứng với phần mềm Crystal Disk Mark, mình thấy tốc độ đọc có thể lên tối đa 1.500 MB/s và tốc độ ghi có thể lên tối đa 700 MB/s.
Nhờ vậy mà máy có thời gian khởi động ứng dụng cũng như Windows cực nhanh trong khoảng 20 giây mà thôi.
Thử nghiệm khi mở các phần mềm cho tốc độ nhanh, hoạt động mượt mà. Mình có mở thêm kèm cả 30 tab Chrome cùng lúc thì máy vẫn xử lý trơn tru mặc dù đã gần đầy bộ nhớ RAM.
Ngoài ra, mình cũng chơi thử game Liên minh Huyền thoại trên máy ở cấu hình thấp, máy chơi rất mượt khi tỉ lệ khung hình trên giây trung bình khoảng 80 FPS.
Video quay màn hình đánh giá hiệu năng HP ProBook 430 G6
Có thể nói, hiệu năng của HP ProBook 430 G6 dư sức đáp ứng cho nhu cầu làm việc văn phòng và còn có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí cơ bản.
5. Tản nhiệt
Trong khi đa số các hãng đã đưa khe tản nhiệt ra phía mặt sau của màn hình thì HP ProBook 430 G6 vẫn giữ lại khe tản nhiệt bên cạnh trái, điều này vừa làm tốn diện tích không thể thiết kế thêm cổng kết nối mà tạo cảm giác nóng mỗi khi đặt tay ở phía bên trái. Còn phía dưới mặt đáy như thường lệ vẫn là khe hút gió.
Theo ghi nhận của phần mềm AIDA64, nhiệt độ CPU trung bình dao động ở mức 49 – 50 độ C.
Tản nhiệt trên máy mình đánh giá ở mức ổn, bởi vì thân máy ấm lên rất nhanh sau khoảng một giờ sử dụng liên tục. Hiện tượng này diễn ra đều trên toàn bộ mặt chiếu nghỉ chứ không chỉ tập trung vào phần bên trái.
Nếu các bạn ngồi trong phòng máy lạnh làm việc thì vấn đề ấm ấm trên chiếu nghỉ tay của HP ProBook 430 G6 sẽ trở nên nhạt nhòa đi và không quan trọng lắm.
6. Thời lượng pin
Chúng ta có thể thấy được trong biểu đồ kiểm tra pin bên dưới, HP ProBook 430 G6 có thời lượng pin ấn tượng với 9 tiếng sử dụng liên tục.
Ngoài ra, mình cũng đo thử thời lượng pin máy với phần mềm Batterymon thì kết quả là 8 tiếng 45 phút.
Điều kiện khi mình test pin máy là: Độ sáng màn hình tối đa, wifi mở liên tục, loa 50% và máy sử dụng các tác vụ văn phòng, xem phim, nghe nhạc. Các con số cho thấy thời gian dùng pin của máy rất cao.
Kết luận
Với mức giá 17.990.000 đồng, bạn sẽ sở hữu chiếc laptop HP ProBook 430 G6 phù hợp cho công việc văn phòng với thiết kế thời trang, cấu hình và hiệu năng cao và đi kèm với đó là thời lượng pin cực kỳ trâu.
Theo Thế Giới Di Động
Lenovo Xiaoxin Lite ra mắt: CPU Whiskey Lake thế hệ 8, giá từ 16.9 triệu
Dòng laptop Lenovo Xiaoxin nổi tiếng với kiểu dáng đẹp và thẩm mỹ dành cho sinh viên, các chuyên gia. Hôm nay, Lenovo đã ra mắt thêm model mới cho dòng sản phẩm này với tên gọi Xiaoxin Lite.
Lenovo Xiaoxin Lite có màn hình 14 inch (1.920 x 1.080 pixel) và độ sáng tối đa 220 nits. Model cấu hình cao nhất được trang bị bộ xử lý Whiskey Lake i7-8565U của Intel, kết hợp với card đồ họa rời NVIDIA MX110 2 GB, RAM 8 GB, HDD 1 TB và ổ SSD 128 GB.
Trong khi đó, phiên bản tiêu chuẩn dùng bộ xử lý Intel Core i5-8265U, GPU MX110, RAM 8 GB, tùy chọn SSD 256 GB hoặc SSD 128 GB HDD 1 TB và chạy hệ điều hành Windows 10 Home.
Lenovo Xiaoxin Lite sở hữu hai loa có độ trung thực cao 1.5W và âm thanh được tinh chỉnh thêm bởi Dolby Audio. Laptop có hai cổng USB 3.0, một cổng USB 2.0, một cổng âm thanh 3.5 mm, đầu đọc thẻ, một cổng HDMI. Cả hai phiên bản của Lenovo Xiaoxin Lite đều được tích hợp pin 35Wh có thể hoạt động suốt 6 giờ.
Lenovo Xiaoxin Lite được bán ra tại Trung Quốc với hai tùy chọn màu sắc: Đen Fearless Black và bạc Dream. Model dùng CPU Core i5-8265U có giá 4.899 Yuan (khoảng 16.9 triệu đồng), còn bản dùng Core i7-8565U có giá 5.499 Yuan (khoảng 19 triệu đồng).
Nguồn: 91mobiles
Đánh giá Laptop Asus Zenbook 14 UX433: Ngoài đẹp & gọn thì còn gì đáng mua? Vào ngày 12 tháng 12 năm 2018, Asus đã chính thức ra mắt dòng laptop Zenbook mới dành cho phân khúc doanh nhân, những người ưa thích một chiếc laptop mỏng nhẹ với hiệu suất cao và độ bền để làm việc. Và hôm nay, mình sẽ đánh giá chi tiết về chiếc laptop Asus Zenbook 14 UX433 có màn hình 14 inch...