Đánh giá học sinh THCS và THPT: Sẽ không còn điểm kiểm tra một tiết
Trong kiểm tra định kỳ với học sinh THCS và THPT sẽ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết như hiện nay.
Trên đây là chia sẻ của TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.
Vì sao Bộ GD&ĐT không ban hành Thông tư để áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, thay thế Thông tư 58 của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, mà chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58, TS Sái Công Hồng cho biết: “Đối với học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58 cho đến hết năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, với sự phát triển của giáo dục đào tạo, Thông tư 58 sau 9 năm ra đời, đến nay đã có một số hạn chế.
Cụ thể, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; số lượng đầu điểm nhiều; việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, chưa đánh giá được sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học.
Quan trọng hơn, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để tiến bộ cho người học.
Với việc dạy và học được điều chỉnh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần thiết đổi mới để phù hợp với định hướng trên”.
TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)
Theo ông, ở Thông tư 58 sửa đổi, Bộ GD&ĐT giữ nguyên và thay thế những điểm cơ bản nào?
Dự thảo giữ lại những nội dung phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thực tế dạy học, bãi bỏ hoặc điều chỉnh những nội dung lạc hậu so với thực tế hiện nay.
Một số nội dung mới được bổ sung để tiếp cận việc đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh.
Chẳng hạn, việc đánh giá vì sự tiến bộ của người học; tăng cường và coi trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập; coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập…
Video đang HOT
Dự thảo đồng thời hướng tới việc khen thưởng toàn diện và khen thưởng các năng lực chuyên biệt của người học.
Bước đầu một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng trong kiểm tra, đánh giá học sinh.
Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT là gì, thưa ông?
Thứ nhất, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.
Việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung mà đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Điểm mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Nếu trước đây chúng ta chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông quá các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng) thì dự thảo này, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi-đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính…
Dự thảo khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá trên máy tính nhằm nâng cao năng lực tự học.
Việc đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá này hướng tới mục tiêu đổi mới quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá của giáo viên trong thực tế dạy học hiện nay. Số lần sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số lần lấy điểm.
Một học kỳ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết.
Thứ ba, dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành.
Cụ thể, trong kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn một học kỳ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết.
Quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học.
Tuy nhiên, số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không bị giới hạn bởi số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Ví dụ, môn học có 2 đầu điểm kiểm tra nhưng giáo viên có thể thực hiện đến 3-4 lần kiểm tra đánh giá học sinh để lấy 2 đầu điểm đó.
Mục đích là khuyến khích học sinh nỗ lực học tập hơn để có thể cải thiện điểm số. Đây chính là kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, tạo động lực phát triển cho người học.
Như vậy, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm học của một môn học, nhiều nhất là 6, giảm rất nhiều so với hiện nay.
Điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kì được tính hệ số 3; trong tính điểm tổng kết cuối năm học.
Điểm mới thứ tư trong dự thảo Thông tư là tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.
Quy định tại Dự thảo Thông tư cũng cụ thể, thống nhất với các quy định về đánh giá học sinh khuyết tật.
Theo ông, việc sửa đổi thông tư 58 có ý nghĩa như thế nào với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp sửa triển khai từ năm học tới đây?
Việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 58 là bước đệm, để tiếp cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều này giúp học sinh của chương trình hiện hành cũng được thụ hưởng những ưu điểm chương trình giáo dục coi học sinh là trung tâm, giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, giáo dục định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho người học.
Đồng thời, sự điều chỉnh này giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức, kĩ năng), sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy cô sẽ không bỡ ngỡ mà có kinh nghiệm để khi triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra đánh giá này.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.
Theo Bộ GDĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018) được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6. Do đó, Bộ GDĐT ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT cho học sinh học theo Chương trình mới 2018.
Đối với học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hiện vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 58 cho đến hết năm học 2023-2024.
Theo đánh giá, Thông tư 58 còn một số hạn chế như, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; nhiều đầu điểm; chưa tiếp cận đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh...
Để đổi mới kiểm tra, đánh giá, đa dạng hóa các hình thức đánh giá; tăng cường đánh giá quá trình; khen thưởng toàn diện hoặc theo từng lĩnh vực; bước đầu tiếp cận đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh... Bộ GDĐT đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58.
Trong Dự thảo, đối với đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ... trừ Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục), đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình học tập môn học quy định trong Chương trình GDPT.
Cách đánh giá, xếp loại học sinh sẽ thay đổi (ảnh minh họa)
Dự thảo hướng dẫn, đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số cần nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học.
Việc kiểm tra đánh giá gồm, kiểm tra đánh giá thường xuyên quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT. Và kiểm tra đánh giá định kì kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình GDPT. Kiểm tra đánh giá định kì gồm có kiểm tra đánh giá giữa kì và kiểm tra đánh giá cuối kì.
Trong mỗi học kì, số bài kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học là 2 bài; môn học có từ trên 35-70 tiết/năm học là 3 bài; và môn học có từ trên 70 tiết/năm học là 4 bài. Mỗi môn học có 1 bài đánh giá giữa kỳ và 1 bài đánh giá cuối kỳ.
Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số, điểm trung bình môn học kì là trung bình cộng của điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì và điểm kiểm tra đánh giá cuối kì với các hệ số quy định.
Dự thảo quy định, giáo viên bộ môn phải thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng...
Trong Dự thảo cũng thay thế từ hoặc cụm từ như, thay "yếu (Y)"bằng "cần rèn luyện thêm"; thay "cho điểm"bằng "điểm số"; thay "sổ gọi tên và ghi điểm" bằng "sổ theo dõi và đánh giá học sinh"...
Dự thảo lấy ý kiến góp ý đến ngày 16/7/2020.
Thí sinh cần lưu ý gì về đề tham khảo thi THPT quốc gia? Thanh Niên giới thiệu bài viết của TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020, về những lưu ý quan trọng trong quá trình ôn tập. TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lưu ý...