Đánh giá Asus Vivobook S15 S530UA: Laptop mỏng nhẹ phù hợp dân văn phòng
ASUS đã cho ra mắt dòng laptop VivoBook S series mới với màu sắc mới, thiết kế viền siêu mỏng hợp thời trang. Với một tuần sử dụng chiếc VivoBook S15 S530UA anh cả trong bộ ba S series thì mình có những cảm nhận muốn chia sẻ với các bạn ngay dưới đây.
* Lưu ý: Phiên bản mình dùng trải nghiệm là Laptop Asus Vivobook S530UA i5 8250U/4GB/1TB 16GB/Win10 (BQ290T).
1. Thiết kế
Vivobook S15 S530UA có thiết kế với lớp vỏ ở mặt lưng bằng kim loại và phần thân dưới sử dụng chất liệu nhựa. Điểm nhấn của Vivobook S15 S530UA chính là viền màn hình ở mặt trước đã được “gọt” mỏng đi hơn rất nhiều, đem lại trải nghiệm màn hình rộng rãi hơn.
Nhờ vào viền màn hình siêu mỏng NanoEdge mà tổng thể kích thước máy thu gọn bằng một chiếc laptop 14 inch thông thường. Kết hợp với trọng lượng nhẹ nhỉ khoảng 1.8 kg khiến cho Vivobook S15 S530UA trở nên gọn nhẹ và phù hợp cho mỗi chuyến đi công tác hay chỉ đơn giản là lên văn phòng làm việc.
Máy cũng được trang bị bản lề ErgoLift giúp nâng bàn phím lên một góc 3.5 độ và màn hình mở góc 135 độ, tạo tư thế thoải mái khi gõ phím và không bị mỏi tay khi sử dụng trong thời gian dài.
Phần cạnh máy cũng được làm khá mỏng và trang bị đầy đủ các cổng kết nối phổ biến hiện nay. Cạnh trái lần lượt có 2 cổng USB 3.0 và khe cắm thẻ nhớ micro USB.
Cạnh phải máy lần lượt là cổng sạc, cổng USB 3.0, cổng HDMI, cổng USB – C và lỗ cắm tai nghe 3.5mm.
Nhìn chung thì Vivobook S15 S530UA là một chiếc laptop có thiết kế mỏng đẹp và mang tính cơ động cao.
2. Màn hình
Như đã nói lúc đầu, màn hình siêu mỏng trên Vivobook S15 S530UA chính là điểm nhấn thú vị nhất trên chiếc máy này. Điều đáng khen là màn hình của S15 S530UA đã được làm mỏng tới 3 cạnh và vẫn giữ lại được webcam ở cạnh trên.
Trải nghiệm khi sử dụng viền màn hình siêu mỏng khiến cho mình có cảm giác màn hình cho khả năng hiển thị lớn và rộng hơn bình thường.
Thực tế màn hình 15.6 inch của Vivobook S15 S530UA có độ sáng cao, độ tương phản tốt cho phép sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau, kể cả sử dụng ngoài trời. Ngoài ra mình cũng thấy màn hình máy có góc nhìn rộng, giúp mình sử dụng cảm thấy linh hoạt và thoải mái hơn.
Màu sắc màn hình trông dịu mắt, tông màu tươi sáng, cho cảm giác thoải mái khi mình phải ngồi làm việc trên máy trong thời gian dài.
3. Bàn phím, trackpad và cảm biến vân tay
Một điểm đáng khen trên Vivobook S15 S530UA nữa mà mình muốn đề cập chính là bàn phím full size. Trong khi hầu hết những chiếc laptop 15.6 inch viền mỏng đã bị lược bớt bàn phím số thì Vivobook S15 S530UA lại làm được điều ngược lại.
Phím bấm trên Vivobook S15 S530UA có hành trình tương đối ngắn, độ nảy không cao nhưng lại cho cảm giác gõ phím rất nhẹ, như kiểu gõ lướt phím và cho tốc độ gõ khá nhanh.
Phím bấm có kích thước chuẩn, khoảng cách phím hợp lý. Tuy nhiên, hai phím điều hướng lên và xuống hơi bị bé, khiến mình đôi lúc bấm nhầm sang phím shift ở phía trên. Ngoài ra, máy cũng có đèn nền bàn phím có màu trắng với ba mức điều chỉnh độ sáng.
Trackpad của Asus đã từ lâu gây ấn tượng với mình bởi khả năng nhận diện nhanh và mượt, điều này không ngoại lệ với Vivobook S15 S530UA. Chiếc bàn di chuột này hoạt động mượt mà và hiệu quả, cho cảm giác vuốt chạm, sử dụng thoải mái.
Có vẻ như lựa chọn đưa cảm biến vân tay vào trong trackpad đang là một xu hướng mới trên laptop. Theo mình nghĩ có thể lý do lớn nhất chính là khi chúng ta đưa tay mở laptop lên thì thao tác để ngón tay ngay tại trachpad sẽ tiện hơn nhiều, đồng thời vị trí này giúp tiết kiệm diện tích sử dụng và có tính thẩm mỹ.
Cảm biến vân tay trên Vivobook S15 S530UA là dạng một chạm, diện tích lớn, cho thời gian mở khóa nhanh và nâng cao tính bảo mật hơn cho chiếc laptop này.
4. Cấu hình và hiệu năng
Sau khi sử dụng phần mềm Geekbench để đánh giá hiệu năng thì Vivobook S15 S530UA đạt điểm số là 15.091 điểm.
Điểm nhấn của cấu hình trên Vivobook S15 S530UA nằm ở ổ cứng Intel Optane giúp tăng tốc độ xử lý của ổ HDD 1TB nhanh như đang sử dụng ổ SSD vậy. Dưới đây là phần đánh giá nhanh thời gian mở ứng dụng trên Vivobook S15 S530UA trong hai chế độ mở/tắt Intel Optane.
Chúng ta có thể thấy thời gian mở ứng dụng khi có Intel Optane nhanh hơn gấp nhiều lần ổ cứng thường. Thời gian khởi động máy hoàn toàn chỉ mất 13 giây, tương tự như tốc độ khi có ổ SSD.
Nhờ vào ổ cứng Intel Optane giúp cho tốc độ mở dữ liệu, phần mềm trên máy trở nên nhanh hơn rất nhiều, giúp cải thiện năng suất làm việc của mình cũng được tăng thêm.
Ngoài ra, mình cũng thử chơi game Liên minh huyền thoại với cấu hình cao nhất trên Vivobook S15 S530UA thì thấy máy hoàn toàn có khả năng gánh được game. Tuy nhiên, tỉ lệ khung hình hơi thấp, chỉ rơi vào 50 FPS mà thôi, nếu giảm chất lượng đồ họa xuống thì sẽ chơi mượt hơn.
5. Loa và tản nhiệt
Nhờ vào sử dụng công nghệ SonicMaster mà âm thanh trên Vivobook S15 S530UA theo cá nhân mình đánh giá độ hay ở mức khá. Chất lượng âm tốt, âm bass hơi yếu, mid và treble trong trẻo, dễ nghe. Sử dụng để nghe nhạc hay xem phim thì khá phù hợp. Ngoài ra, âm thanh cũng trên máy cũng có âm lượng lớn và tạo cảm giác âm thanh vòm rất thú vị.
Dường như do hãng cố gắng thiết kế máy siêu mỏng đi kèm với bản lề ErgoLift nên phải di dời khe tản nhiệt lên phía mặt trước và “phả” vào màn hình Vivobook S15 S530UA. Tản nhiệt của máy thì mình chỉ đánh giá trung bình thôi chứ chưa thực sự tốt như kỳ vọng.
Sau khoảng hơn 1 giờ sử dụng đa tác vụ thì máy bắt đầu hơi ấm ấm ở phía chiếu nghỉ tay bên phải của mình. Tuy nhiên điều này cũng không làm ảnh hưởng nhiều tới quá trình sử dụng của mình.
6. Pin
Với những chiếc laptop mỏng nhẹ như này thì mình cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào thời lượng pin dài. Thực tế sử dụng của mình trong khoảng 25 phút thì thấy máy giảm 8% với điều kiện độ sáng màn hình tối đa, loa 50%, wifi mở và sử dụng đa tác vụ.
Theo như tính toán thì máy sẽ trụ lại được khoảng 5 giờ 12 phút với điều kiện nêu trên.
Ngoài ra, mình có sử dụng phần mềm Batterymon để đánh giá thời lượng pin với cùng điều kiện thì kết quả là máy có thể trụ được 5 giờ 13 phút. Như vậy, với điều kiện làm việc văn phòng thì Vivobook S15 S530UA hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc trong ngày.
Kết luận
Vivobook S15 S530UA sở hữu rất nhiều ưu điểm phù hợp với giới văn phòng, những bạn trẻ năng động như thiết kế thời trang mỏng, nhẹ, đẹp; viền màn hình siêu mỏng; hiệu năng tốt, kết hợp ổ cứng Intel Optane và quan trọng là thời lượng pin đủ dùng cho một ngày làm việc dài.
Biên tập bởi Tech Funny
Đánh giá ASUS ROG Strix SCAR II: Thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, tản nhiệt tốt,...
Nếu so với SCAR đời đầu thì SCAR II là phiên bản nâng cấp tốt nhất về cả ngoại hình lẫn cấu hình. Để rõ hơn thì mời các bạn xem thêm ở phía dưới.
Với mặt lưng bên ngoài, chúng ta vẫn nhận ra mặt kim loại phay xước tạo thành đường chéo đặc trưng của ROG Strix SCAR. Điểm đáng chú ý là logo ROG thay vì chỉ sáng mỗi màu đỏ thì nay đã chuyển sang LED RGB.
Cận cảnh logo mặt lưng phát sáng của SCAR II.
Ngoại trừ phần mặt lưng được làm bằng kim loại thì các bộ phận khác tạo nên lớp vỏ của SCAR II sử dụng chất liệu nhựa. Phần chiếu nghỉ được trang trí bằng họa tiết chìm giả vân carbone và màu nâu camo đậm chất nhà binh.
Chiếc máy này chắc chắn sẽ khiến bạn nổi bật ở bất kỳ đâu vì bộ đèn LED RGB xuất hiện ở cả logo, bàn phím và có thêm một dải đèn chạy phía trước cạnh máy.
Cạnh trái lần lượt là cổng sạc, cổng LAN, cổng mini Display, cổng HDMI, 2 cổng USB 3.1, cổng USB - C và lỗ cắm tai nghe 3.5 mm.
Cạnh phải lần lượt là khe tản nhiệt, USB 3.1 và khe cắm thẻ nhớ SD.
Cạnh sau máy là hai khe tản nhiệt lớn được bố trí cân đối về hai bên cạnh máy.
Nhìn chung, SCAR II có thiết kế đẹp và nhỏ nhắn hơn so với người tiền nhiệm. Thân hình của máy chỉ to bằng một chiếc laptop 14 inch thông thường, sẽ giúp bạn mang đi để chiến game bất cứ nơi đâu. Chưa kể rằng SCAR II còn có một dàn LED RGB cực kỳ bắt mắt nữa sẽ khiến ai cũng phải ngước nhìn.
2. Quà tặng đi kèm
Như thường lệ thì món quà đi kèm trong mỗi chiếc hộp đựng ROG Strix SCAR sẽ là một bộ hình dán sticker và một chiếc móc khóa có logo ROG rất đẹp.
Với SCAR II thì ngoài hai món quà trên, bạn sẽ được tặng kèm con chuột Gladius II có giá khoảng 2 triệu đồng và được thiết kế chỉ giành riêng cho game thủ. Mình sẽ không đi vào đánh giá con chuột này mà phần trải nghiệm sẽ là do các bạn.
Nhưng điểm sơ qua thì con chuột tặng kèm này cũng rất đặc biệt với đèn LED RGB 6 chế độ màu, 12000 DPI, tần số quét 1000Hz, độ trễ 1ms,...
3. Màn hình
Cải tiến lớn nhất trên SCAR II chính là viền màn hình siêu mỏng cho cảm giác chơi game trở nên đã mắt hơn bao giờ hết. Cũng giống như SCAR đời đầu thì SCAR II vẫn được trang bị màn hình 15.6 inch với độ phân giải Full HD và tần số quét hình 144 Ghz chuyên trị game FPS.
Màu sắc màn hình đẹp mắt, sống động cộng thêm với ưu điểm màn hình có độ tương phản khá cao giúp bạn có thể tự tin chơi game từ trong nhà ra tới ngoài trời vẫn không thành vấn đề.
Trải nghiệm chơi game FPS trên SCAR II rất mượt mà, cụ thể thì với CS:GO khi chơi luôn khiến cho mình cảm thấy thao tác di chuyển mượt mà, khả năng ngắm bắn và di tâm chuẩn xác hơn.
4. Bàn phím và trackpad
Bàn phím của SCAR II vẫn là chiclet full size với LED RGB rainbow và cảm giác khi gõ phím vẫn như ngày nào, rất đã tay. Phím bấm được thiết kế to, hành trình phím ở mức tương đối và độ nảy cao, cho cảm giác chắc tay khi gõ.
Điểm nhấn lần này của cụm phím WASD trên SCAR II chính là được làm trong suốt. Chính vì thế ánh sáng của bàn phím hắt lên sẽ khiến cụm phím này cực kỳ nổi bật. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều game thủ FPS cảm thấy thích thú.
Bàn phím LED RGB cực kỳ nổi bật trong đêm tối
Trackpad của máy có độ nhạy cao, khả năng vuốt chạm khá mềm mại và cho phản hồi nhanh. Hai phím chuột trái và chuột phải thông thường được tích hợp sẵn bên trong thì nay đã được đặt ra lại vị trí bên ngoài.
5. Cấu hình và hiệu năng
Chiếc SCAR II mà mình đang cầm để đánh giá hôm nay có cấu hình tóm tắt bao gồm:
CPU: Intel Core i7 8750H
RAM: 16GB
GPU: Ndivia GeForce GTX 1060 6GB
Ổ cứng: SSD 128GB HDD 1TB
Thử đánh giá nhanh bằng phần mềm Geekbench thì máy đạt được 123828 điểm. Một con số khá là khủng khiếp khi so sánh với những chiếc laptop gaming giá rẻ chỉ 2x.xxx điểm mà thôi.
Thử nghiệm chơi game trên SCAR II được mình tóm tắt nhanh qua video bên dưới.
Kết quả tỉ lệ khung hình/giây trung bình của các game được mình đưa lên mức đồ họa cao nhất như sau:
Battlefield 1: 75 FPS
Call of Duty Infinite Warfare: 56 FPS
CS:GO: 111 FPS
GTA V: 94 FP
SLiên minh Huyền thoại: 126 FPS
Chính vì SCAR II sinh ra để dành cho FPS nên mình test hầu hết với những game FPS kinh điển và cảm giác chơi game dù chỉnh lên cấu hình cao nhất vẫn cho cảm giác mượt mà đến không ngờ. Nếu như chỉnh đồ họa xuống thấp ở mức High thì tỉ lệ khung hình sẽ còn tăng lên rất nhiều nữa.
6. Loa và tản nhiệt
Chất lượng âm thanh trên SCAR II có nhiều cải thiện hơn so với người tiền nhiệm. Âm bass trầm và ấm hơn, treble hay mid nghe trong và vui tai hơn. Âm lượng của loa cũng có phần lớn hơn, cho cảm giác định hướng âm thanh trong không gian rất rõ ràng.
Đặc biệt, khả năng định vị âm thanh môi trường trong game cũng được nâng cao đáng kể hơn trên SCAR II nhờ vào công nghệ Sonic Radar. Nó sẽ khiến cho game thủ mới chơi làm quen nhanh hơn với các game PFS nhờ vào một mũi tên và radar nhỏ để chỉ hướng phát ra âm thanh ngay trên màn hình. Chơi thế này thì mấy thánh núp lùm trong PUBG sẽ phải khóc thét mất.
Tương tự với hệ thống quạt tản nhiệt kép 12V khiến cho máy dù phải hoạt động liên tục ở hiệu suất cao vẫn mát mẻ như bình thường. Thực tế là trước khi chơi thì mình cũng để ý thấy SCAR II được trang bị tới 3 khe tản nhiệt lớn và một khe hút gió ở phía trên.
Có lẽ điều này đã khiến cho mình chơi game hơn 3 giờ liên tục mà khi sờ vào lớp vỏ máy chỉ thấy ấm ấm lên một chút mà thôi. Có thể nói rằng tản nhiệt của SCAR II ở mức rất tốt.
7. Thời lượng pin
Cũng như nhiều laptop gaming khác thì SCAR II cũng có thời lượng pin khá là khiêm tốn bởi cấu hình ngốn điện khủng khiếp của nó. Minh cũng thử nghiệm thời lượng pin của máy trong điều kiện độ sáng màn hình 100%, loa 50%, wifi mở liên tục và dùng đa tác vụ như soạn thảo văn bản, đọc báo, nghe nhạc,... Theo như phần mềm Batterymon đã đo lại trong điều kiện trên thì SCAR II có thể trụ được tới 4 tiếng.
Tất nhiên, con số 4 tiếng này có thể giảm tới một nửa hoặc hơn khi mình dùng để chơi game. Và mình thì sẽ không muốn chơi game khi máy không cắm nguồn bởi máy sẽ tự động giảm xung nhịp CPU cũng như GPU xuống để tiết kiệm pin và làm ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm game.
8. Kết luận
Chiếc SCAR II mà mình đang đánh giá này có mức giá khoảng hơn 45 triệu đồng tại Việt Nam. Với mức giá này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hài lòng với những gì mà SCAR II đem lại, từ thiết kế đẹp, màn hình mỏng, cấu hình, hiệu năng khủng cho tới loa và tản nhiệt tốt nữa.
Theo Tech Funny
Đánh giá hiệu năng Galaxy A7 (2018): Exynos 7885 gây bất ngờ! A7 (2018) là chiếc smartphone tầm trung khá đặc biệt với cụm 3 camera ở mặt sau. Nhưng bên cạnh đó, vi xử lý Exynos 7885 là một trong những nâng cấp đáng giá về cấu hình trên sản phẩm này. Và để kiểm chứng điều đó, ngay bây giờ mình sẽ tiến hành đánh giá hiệu năng Galaxy A7 (2018). 1. Thông...