“Đánh ghen” là phải đẳng cấp như Nam Phương Hoàng hậu, bà đã giúp phụ nữ bị chồng phản bội nhận ra chân lý này
Hãy học cách đánh ghen thông minh của Nam Phương Hoàng hậu, người phụ nữ thấm nhuần cái hay, cái mới phương Tây nhưng vẫn giữ đạo đức khí chất phương Đông.
Nam Phương Hoàng hậu là vợ vị vua cuối cùng của Việt Nam. Bà là một người phụ nữ đặc biệt, để lại tiếng thơm muôn đời. Sắc đẹp của Nam Phương Hoàng hậu 3 lần được phong danh hiệu Hoa hậu Đông Dương. Nếu Nam Phương Hoàng hậu xuất chúng cả về ngoại hình lẫn tính cách, trình độ trí tuệ thì chồng của bà – vua Bảo Đại lại trái ngược hẳn. Ông vốn nổi tiếng là vị vua ăn chơi, trác táng, coi đàn bà là lẽ sống, là hơi thở. Chính vì sống với người chồng như vậy, Nam Phương Hoàng hậu chẳng có mấy ngày được vui vẻ, hạnh phúc.
Đánh ghen đầy kiêu hãnh: viết thư cảm ơn tình địch
Ông Phạm Khắc Hòe, là Đổng lý ngự tiền văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại, từng chứng kiến Nam Phương ghen và kể chuyện đó trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Đó là khi Bảo Đại đã thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ cụ Hồ. Đã quen thói ăn chơi, Cựu hoàng không chịu được thiếu thốn, nên nhờ ông Hòe về Huế gửi cho vợ một bức thư xin tiền.
Gương mặt Nam Phương Hoàng hậu trong góc ảnh nào cũng đượn buồn
Nam Phương Hoàng hậu đọc xong thư mà đượm buồn, nét mặt trầm tư suy nghĩ rồi quay sang hỏi ông Hòe: “Ông có biết Vĩnh Thụy (tên húy của vua Bảo Đại) cần tiền làm chi và cần bao nhiêu tiền không?”. Và dĩ nhiên là ông Hòe không dám nói rõ sự tình.
Cùng chiều hôm ấy, ông Hòe quay lại cung An Định để lấy thư trả lời. Tiếp ông là Nam Phương Hoàng hậu với nét mặt rầu rĩ nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Lúc ấy Hoàng hậu mới nhỏ nhẹ nói với vị khách phương xa: “Ông Hoè! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ mê cô Lý”. Dù bất ngờ khi Hoàng hậu đã biết mọi chuyện nhưng ông Hòe chỉ dám trả lời ngắn gọn là có nghe qua.
Bà Nam Phương lại chăm chú hỏi: “Ông có biết cô Lý nhiều không? Và cô ấy là người như thế nào?”. Ông Hòe thật thà đáp chưa thấy mặt bao giờ nhưng nghe đồn là cô ấy đẹp. Chữ “đẹp” trong câu trả lời của ông Hòe đã khiến Nam Phương Hoàng hậu rực lửa giận trong mắt. Sau một hồi thăm dò không thành công, bà Nam Phương nói thư chưa viết xong và hẹn ông Hòe quay lại sau.
Trong lần gặp tiếp theo, Nam Phương đã rút hai tờ bạc ngân hàng Đông Dương loại 500 đồng giơ lên cho ông Hòe thấy rồi “bỏ trở lại vào giữa những tờ giấy màu hồng đặc sệt chữ Pháp dán lại” đưa cho ông Hòe. Khi thấy Nam Phương Hoàng hậu phân vân về mối quan hệ của chồng và vũ nữ Lý Lệ Hà, ông Hòe có khuyên bà ra Hà Nội sống để được gần Bảo Đại. Nhưng ngay lập tức, bà Nam Phương đáp rất khiêm nhường: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”.
Chân dung vua Bảo Đại – ông chồng trăng hoa, ăn chơi trác táng
Người sứ giả là ông Phạm Khắc Hòe dù không biết trong bức thư Nam Phương Hoàng hậu viết gì nhưng đọc xong Bảo Đại mặt cứ tái dần đi. Mãi sau này, lá thư được kẻ thứ 3 là vũ nữ Lý Lệ Hà đã cất giữ suốt 50 năm được công bố.
Bức thư trên được nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang (Phan Kim Thịnh) trích dẫn từ hồi ức của Ngọc Giao và in lại trong cuốn Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn (NXB Đà Nẵng 2004).
Không hờn giận, không ghen tuông, hay nhục mạ tình định, với vị thế là một Hoàng hậu, là “người chị”, người được phong tước danh chính ngôn thuận, Nam Phương viết: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”.
Bức thư ngắn gọn, thoạt qua thì như một lời cảm ơn đơn thuần nhưng thực sự đọc kĩ từng câu người ta mới thấy thấm. Nam Phương Hoàng hậu đang muốn nói với kẻ thấp hèn kia rằng bà đã biết rõ mọi việc dù ở một khoảng cách rất xa. Bà Nam Phương cũng tỏ ra mình là người biết ân nghĩa khi có lời cám ơn tình địch. Nhưng đằng sau sự cám ơn lại là thái độ có chút mỉa mai, chua chát. Mong là Cựu hoàng giữ được cái phúc để cô nàng cũng được hưởng theo.
Sắc đẹp chim sa cá lặn của Nam Phương Hoàng hậu thời trẻ
Lá thư không phải thể hiện sự bất lực mà đó là lòng kiêu hãnh, sự kiêu hãnh của một người đàn bà bản lĩnh. Hành động ấy nói trắng ra theo cách hiểu thời nay thì có lẽ là: Tôi cũng chả tha thiết gì cái thứ đàn ông lăng nhăng ấy đâu. Cám ơn vì cô đã rước đi cho. Thôi thì cũng cầu chúc cho cô được “hưởng sái” lâu lâu chút. Và tôi sẽ chẳng bao giờ quên sự phản bội này.
Lời thức tỉnh đối với đàn bà dành cả thanh xuân để lo giữ chồng rồi lãng phí phần đời còn lại để tha thứ cho chồng phản bội
Nam Phương Hoàng hậu chính là một tấm gương sáng cho chị em học tập. Lẽ ra, bà có thể ra Hà Nội để ở cạnh chồng, dễ dàng giữ chồng khỏi các cô gái vây xung quanh. Nhưng với một người đàn ông vốn tính trăng hoa thì cất công làm thế để làm gì? Chỉ tổ chuốc lấy mệt mỏi, đau thương. Và thế là bà buông tay, buông hẳn để rồi bà sống bình yên trong cung An Định còn người chồng bội bạc thì vật vã không xu dính túi cùng tình nhân bên xứ người. Sự đánh đổi ấy có đáng không?
Hãy học cách đánh ghen thông minh của Nam Phương Hoàng hậu, người phụ nữ thấm nhuần cái hay, cái mới phương Tây nhưng vẫn giữ đạo đức khí chất phương Đông. Người ta hay nói đùa nhau rằng, trong xã hội phương Tây, thứ tự ưu tiên lần lượt là: “Trẻ em, phụ nữ, con chó rồi mới đến đàn ông”. Có lẽ bị xếp chót như thế mà từ ngàn đời nay, nền văn hóa phương Tây luôn mặc định việc đàn ông cần ga lăng, chiều chuộng phụ nữ.
Còn phụ nữ lại rất biết cách trân trọng bản thân, những giá trị của mình đang sở hữu. Họ độc lập, mạnh mẽ và không bao giờ quỵ lụy đàn ông. Điển hình, khi phụ nữ phương Tây phát hiện ra chồng, người yêu ngoại tình họ sẽ chẳng bao giờ phí công sức đánh ghen với cô nàng kia mà về “dạy dỗ” lại người đàn ông của mình. Thậm chí có những đất nước còn ra luật cấm đánh ghen ngoài đường, nơi công cộng.
Phụ nữ thông minh là phụ nữ biết giữ chồng, biết cách khiến cho chồng phải yêu, phải thương mình mà một lòng, một dạ ở với mình. Còn khi ông chồng đã đổ đốn đến mức ra ngoài chung chạ với hết đàn bà này đến đàn bà khác thì xin khẳng định đó là một người đàn ông không đáng để giữ.
Theo afamily.vn
Kẽ hở của hạnh phúc
Để thay đổi một con người là dễ hay khó? Nhiều cô gái tự tin rằng tình yêu có thể làm thay đổi được người ấy và rồi phải ngậm ngùi chịu đựng chung sống với một người đàn ông vô tâm.
Đôi khi tốt quá, hy sinh nhiều quá, nhẫn nhịn nhiều quá lại vô tình tạo ra những kẻ hở của hạnh phúc. Ngày lại ngày, kẽ hở ấy lại thêm nứt ra đến một lúc nào đó sẽ đổ vỡ.
1. Anh con trai bấm còi inh ỏi ngoài cổng. Đóng sầm cửa xe, dẫn hai đứa trẻ vào, mặt hằm hằm:
- Con quyết tâm rồi, lần này thì li hôn thật, không thể chịu nổi cô ta nữa. Đấy, đêm qua con nói nó có mấy câu mà sáng ra đã đi, có thèm mở mồm nói câu nào.
- Đàn bà gì mà không biết nhẫn nhịn, hơi một tí làm mình làm mẩy.
Bà được thể trách con dâu.
- Anh lại thế nào nên nó mới vậy chứ gì? - Tiếng ông trầm ngâm bên bàn trà.
- Con đi tiếp khách chứ đi chơi đâu. Về nhà cơm chưa nấu, nhà không thèm dọn. Con lớn thì cô phê vào vở là không học bài. Con bé thì ốm, ho ba tuần nay không khỏi. Làm mẹ như vậy có xứng không?
- Hay là mai cậu đưa hai đứa đi xét nghiệm ADN đi. Chứ tôi thấy hình như chúng nó chỉ là con của mẹ chúng thôi, chẳng phải con của cậu đâu. Vì cậu có bao giờ hỏi han đến chúng. - Chị gái anh lên tiếng.
- Chị còn bênh cô ta à? Em bận ti tỉ việc, thời gian đâu mà để ý đến mấy chuyện vặt vãnh.
- Bận thật hay ra vẻ mình bận? Nếu cậu quan tâm đến vợ sợ không viện cơ bận này nọ rồi bù khú bạn bè, để mặc mợ ấy lo toan hết như thế.
- Chị thì biết cái gì. Em bảo nó nghỉ dạy thêm đi, vài cái đồng lương còm ấy thì đi làm gì cho nhọc xác. Nhà thì bao việc, thêm với chả nếm. Tiền dạy thêm cả tháng của nó chỉ bằng em làm vài tiếng. Đêm nào cũng soạn bài tới 1, 2h sáng. Làm cô giáo mà đến con mình không dạy cho giỏi được thì dạy được con người ta chắc.
- Cậu kiếm được nhiều tiền đến vậy, sao lại để mợ ấy phải đi mượn tiền bạn để đưa bố nhập viện?
- Thì nó phải mở mồm mà nói với em nó cần tiền chứ.
- Li hôn đi, tôi ủng hộ. Cô ấy cần được sống và được tôn trọng, chứ không phải làm ô sin cho cậu, làm bác sĩ cho gia đình cậu, làm cô giáo cho các con cậu để rồi đổi lại, cô ấy vẫn chẳng là gì trong mắt cậu.
Bà Lam thấy thế chen ngang:
- Ờ, chị giỏi giang cho lắm vào, kiếm tiền cho thật nhiều vào, để rồi vẫn bị chồng bỏ đấy thôi. Đẹp đẽ gì cho cam.
- Tốt nhất là bà im cái miệng lại cho tôi. Nó là con gái bà đấy.
Hồng cắn chặt hàm răng vào đôi môi để khỏi bật ra tiếng khóc, cô cố gắng ghìm những tiếng nức nở đang trực trào ra.
- Con li hôn vì con sai lầm khi chọn một người chồng chỉ biết yêu bản thân mình, và bởi con có một bà mẹ chồng luôn sẵn sàng bênh vực con trai dù đúng hay sai. Con thấy mẹ thật may mắn vì đã lấy được bố.
Nói rồi, Hồng đi luôn ra cổng, lên xe về mà không kịp chào bố. Cô sợ mình sẽ bật khóc vì tủi thân, khi chính mẹ cô, chỉ vì cái sĩ diện hão với bà con mà luôn đay nghiến chuyện cô li hôn.
Lên xe rồi, cô gọi điện cho Vân, em dâu cô:
- Mợ đang ở đâu thế?
- Đêm qua mẹ em đau bụng, nên sáng em tạt về đưa mẹ em đi khám xem sao chị ạ. Mà có chuyện gì thế chị? Chắc nhà em lại về ông bà kể lể gì rồi đúng không?
- Bà khám rồi có sao không em?
- Dạ, mẹ em đau đại tràng chút thôi chị.
- Thế may rồi, lát về qua chị nhé.
Vân định bụng lần này qua cũng sẽ nói hết dự tính của mình với một tâm lí của một con nhím, sẵn sàng xù lông tự bảo vệ mình. Hồng chẳng mời em dâu vào nhà, chỉ bảo cô ấy cất xe vào rồi đi cùng cô một lát. Vân hơi chút ngỡ ngàng, bởi trong thâm tâm cô nghĩ chị gọi mình đến đây để hoà giải chuyện vợ chồng cô.
Hồng đưa em vào mấy shop quần áo, lựa cho Vân ba bộ váy mặc đi làm, vài bộ quần áo ở nhà, và vài cái váy đi chơi. Rồi hai chị em qua mua giày dép, đồ trang điểm. Cô thanh toán hết tất cả, rồi đưa em đi sửa sang lại đầu tóc. Cuối cùng, hai chị em vào quán cafe, chọn cái bàn trong góc trong cùng để ít ai để ý tới câu chuyện của họ.
- Chị à, chị mua cho em nhiều thế này em không dám nhận đâu. Với lại, dù chị có nói gì thì đến thời điểm này em không chịu đựng nổi anh ấy nữa đâu, nên chị...
- Chị mua đồ cho em, rủ em đi chơi không phải vì thằng em mất nết của chị, nên em yên tâm.
- Anh ấy cũng nhiều lần đòi li hôn rồi, em cũng thấy mệt mỏi lắm. Chi bằng đường ai nấy đi cho thanh thản đầu óc.
- Ừ. Chị không phản đối, và không có gì để bênh vực nó. Đừng vì một đứa ích kỉ như nó mà làm phí cuộc đời mình. Có lẽ mẹ đã nuông chiều nó từ bé, nên nó chả khác gì ông tướng em ạ.
- Chị...
- Để chị nói hết đã. Đời người ngắn lắm em ạ. Nên đừng hi sinh bản thân mình cho những thứ không đáng. Nghe chị, mai lên trường viết cái đơn nghỉ phép, tạm thời đi đâu đó một vài hôm để tĩnh tâm lại...
- Nhưng còn bọn trẻ, nếu em không ở nhà thì làm thế nào?
- Em cứ bình tĩnh, nó không dám bỏ con đâu vì dẫu sao cũng là máu mủ của nó. Lát về, em hãy kí vào đơn li hôn cho chị, thu xếp ít quần áo rồi sáng mai bắt xe đi đâu đó em muốn.
- Sao chị lại bảo em kí đơn. Chẳng phải mọi ngày chị vẫn bảo em bỏ qua cho anh ấy là gì.
- Chị chưa bao giờ muốn hai đứa chia tay, nhưng cứ thế này thì thiệt thòi cho em quá. Trước mắt em cứ đi nghỉ vài ngày, nếu sau khi bình tĩnh lại, em có thể tha thứ và bỏ qua cho nó được thì chị ơn em lắm, nhưng em phải thay đổi đi, em đừng nhẫn nhịn và cung phụng nó quá. Còn nếu đã thực sự không còn chút tình cảm níu giữ, hãy giải thoát cho nhau đi. Chị luôn đứng về phía em dẫu cho em có quyết định ra sao chăng nữa. Còn phần nó, chị hiểu nó hơn ai hết. Nó chỉ to mồm thế thôi, chứ nó không dám bỏ em đâu. Nếu còn yêu thương nó, nhân cơ hội này hãy dạy cho nó bài học. Vừa để kiểm nghiệm lại tình cảm giữa hai đứa, vừa để thử thách xem em có thể buông mà không hối tiếc hay không.
Hồng nói xong, rút cái phong bì trong túi và đẩy về phía em:
- Đừng hiểu sai ý chị, vì em đi dạy cũng không kiếm được là bao, nên hãy cầm số tiền này và đi chơi cho thật thoải mái đi nhé. Sau khi về, chị em mình sẽ nói chuyện với nhau sau.
Vân gạt nước mắt, cô bất ngờ đến mức chả biết phản ứng ra sao.
Vân làm theo lời chị, tối về cô kí đơn li hôn và im lặng không nói gì. Sáng hôm sau, cô dậy thật sớm, chuẩn bị vài bộ quần áo, viết một cái đơn xin nghỉ phép, chuẩn bị đồ ăn sáng cho con, viết vài dòng nhắn lại là cô đi vài ngày chuẩn bị chỗ ở cho các con trước khi dọn ra khỏi nhà. Rồi cô đến trường khi cả nhà vẫn ngủ say.
2. Ngày đầu tiên sau khi Vân dời nhà.
- Bố, bố dậy cho em ăn đi. Con dỗ mãi em không chịu ăn. Con còn phải đi học nữa.
- Mẹ mày đâu? Gọi mẹ ấy, để yên cho bố ngủ.
- Mẹ con đi vắng rồi. Mẹ viết cái thư cho bố để trên bàn ăn ngoài kia kìa.
Tuấn vụt phắt dậy, vội vàng chạy ra bóc lá thư. Đọc xong, anh buông lá thư xuống và cười khẩy: "Để xem, ai mới là người không thể sống thiếu ai".
Đứa con gái lớn cuống quýt dắt xe ra đi học, đứa bé thì ngổi lì bên bàn ăn, mặt ỉu xìu.
Tuấn bắt đầu loanh quanh thay quần áo cho con bé, rồi chuẩn bị đến công ty. Ấy thế mà cũng vèo mất cả tiếng, vội vã đến mức chả kịp ăn uống gì, mà thực ra có gì để ăn, vì mẹ nó chỉ để đồ ăn cho hai đứa.
- Cậu đi muộn thế này làm ảnh hưởng tới mọi người trong công ty. Làm việc ở đây thì cậu phải nhớ, giờ giấc không thể cao su được.
Vừa vào thang máy Tuấn đã va phải ngay ông giám đốc nổi tiếng khó tính nhất nhì công ty.
- Dạ, em xin lỗi sếp. Nay vợ em đi vắng nên em bận với hai đứa nhỏ quá...
- Này cậu, công ty không phải mỗi mình cậu có con đâu. Nếu chưa thu xếp được thì cậu xin nghỉ không lương lấy vài ngày mà trông nom bọn trẻ.
Buông câu cảnh cáo với thái độ lạnh lùng, ông giám đốc bước ra khỏi thang máy. Tuấn bực bội đi về phòng làm việc của mình.
- Sao mà giờ này mới tới?
- Con vợ em nay nó kí đơn li hôn và bỏ đi rồi. Đi mà cũng không mở miệng, bỏ cả con.
- Thôi, cái giống đàn bà cứ giận dỗi trẻ con vậy thôi, chứ không dám bỏ đâu. Đường đường một trưởng phòng kinh doanh như cậu, tiền nhiều lại phong độ, giáo viên quèn như cô ta kiếm đâu ra. Yên tâm, chiều cô ta sẽ về. Cuối giờ đi làm vại bia cho đỡ "xì chét" nhá.
***
Đang chiều, điện thoại bỗng đổ chuông liên hồi. Là cô giáo con bé Giang gọi:
- Anh ơi, em gọi mãi cho chị mà không được. Cháu nó ho quá, nôn hết cả ra quần áo, mà anh lại không mang đồ theo để thay. Em đã cho cháu mặc tạm quần áo của bạn rồi, giờ anh chạy qua đón cháu rồi đưa đi khám xem sao.
Lại trốn ra về sớm để đón con, đưa nó qua phòng khám gần nhà, vị bác sĩ già bảo:
- Nay mẹ đi đâu mà bố lại đưa vào thế này?
- Cháu nó vào khám ở đây rồi ạ?
- Ừ. Cô nhà anh sốt ruột định đưa nó xuống Hà Nội, nhưng tôi nói không cần. Cứ điều trị theo đơn thuốc tôi kê, mất vài ngày đến cả tuần đấy, nên anh chị phải cho cháu uống thuốc đều đặn đúng giờ. Con bé nó nhạy cảm với thời tiết nên dễ viêm họng.
Đưa con bé về đến nhà, anh vội vàng tìm thuốc cho con. Anh dặn nó nằm nghỉ chờ bố nấu cơm. Tìm mãi mới thấy thùng gạo, vo qua loa rồi cho nước vào cắm. Rau trong tủ không còn, thức ăn thì đóng cứng lại trên tủ đá. Chờ cho rã đông mà nấu thì con bé nó quá giờ uống thuốc mất. Anh đành pha gói mì tôm, gọi con dậy ăn. Con bé uể oải nhai mấy sợi mì dở sống dở chín, vừa cứng vừa dai. Anh pha một cốc nước đầy với vài gói thuốc bột mà bác sĩ đã kê đơn. Con bé bặm môi bặm miệng uống cố cho hết vì sợ bố quát, rồi nó lên giường ngủ mà chưa thèm tắm giặt.
Giờ đến con lớn, học hành cái gì mà 7h tối còn chưa về. Chắc lại mải chơi la cà đâu đó. Anh tính gọi cho cô giáo chủ nhiệm mà không có số, đành khóa trái cửa nhốt con bé trong nhà để chạy đi tìm chị nó. Mới đi được nửa đường thấy con bé lóc cóc đạp xe về cùng các bạn nó, anh dừng xe gọi nó lại:
- Mày biết giờ là mấy giờ không? Ai cho mày đi chơi đàn đúm đến giờ này mới về.
- Bác ơi, bọn cháu đi học Toán nhà cô mà. Tuần nào cũng học tối thứ 2, thứ 4 mà bác.
Tuấn đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Con bé không nói gì, chỉ khóc và lầm lụi đi về. Nó tắm gội, rồi lẳng lặng lên phòng học bài mà bỏ cả cơm tối.
Ngày thứ hai
Tuấn lấy chuông báo thức dậy thật sớm. Cơm tối qua nấu còn nguyên, anh cho vào chảo, đập thêm quả trứng rồi rang qua cho bọn trẻ ăn. Con bé lớn vẫn không mở miệng nói bất kì câu nào. Nó dặn em phải ăn sáng đi rồi còn uống thuốc, phải ngoan thì mẹ mới nhanh về. Con em nghe chị nhắc tới mẹ, rơm rớm nước mắt.
- Ai bảo con uống thuốc mà con uống?
- Chị pha cho con uống mà.
- Là con pha, ngày nào con cũng thấy mẹ pha những gói thuốc đó cho em. Bố đừng quát làm em khóc nó lại nôn hết đấy.
Tuấn đưa con bé đến lớp sớm hơn hôm qua, rồi cậu lên công ty, vác cái báo cáo làm vật vã cả đêm qua phòng sếp. Sếp đọc, lắc đầu và ném cái bản báo cáo đánh phịch trước mặt anh.
- Cậu đang cho tôi xem cái thứ gì thế? Cậu làm kinh doanh, mà trình ra cái bản báo cáo rỗng tuếch như này thì giải quyết được gì. Đầu óc phân tích nhanh nhạy của cậu giấu đi đâu mất rồi.
- Dạ, đêm qua em đã cố làm cho xong. Thôi để em sửa lại rồi nộp sếp sau ạ.
- Cậu Tuấn này, trước giờ tôi vẫn đánh giá rất cao năng lực của cậu. Nhưng mà, cậu nhìn lại cậu xem, trông cậu mệt mỏi chẳng còn tí sức lực nào cả. Cậu không thể đến công ty với cái bộ dạng uể oải như thế kia được. Dự án này cậu rút lui đi, tôi sẽ giao cho người khác thay cậu. Hình như cậu vướng chuyện gia đình thì phải, tôi cho cậu nghỉ phép ba hôm. Cậu thu xếp cho ổn thỏa, và phải trở lại làm việc cho nghiêm túc như trước cho tôi.
- Không cần đâu sếp, em vẫn làm việc bình thường được. Em sẽ khắc phục..
- Cậu cho cái đầu óc nó thư giãn đi cái đã. Tôi không trừ lương đâu mà cậu lo.
Tuấn không biết nói lại ra sao, đành lí nhí cảm ơn rồi ra khỏi phòng.
Ngày thứ 3
Vẫn phải lấy chuông dậy sớm, vẫn cho con ăn sáng rồi uống thuốc, vẫn đưa con bé tới trường, nhưng thay vì tới công ty thì anh quay về và dọn dẹp nhà cửa.
Sao ở đâu ra mà lắm đồ đạc thế. Dọn cái này lại thấy tòi ra cái kia, chả biết nhét vào chỗ nào cho gọn. Lâu lắm mới lại cầm cái chổi quét nhà, hết va vào tủ thì lại đập cán vào bàn uống nước. Rồi cốc chén con uống thuốc vẫn còn bừa bộn đó, quần áo chất đống tới ngày thứ 3 chưa giặt được. Tủ lạnh bắt đầu trống trơn không còn gì. Dọn xong cái nhà rồi đi chợ, tạt qua đón con đã hết cả ngày.
Tối vừa ngả lưng thì con lớn vác sách sang hỏi bài. Nhăn mặt chau mày mãi mới giúp nó làm được bài Tiếng Việt, thì lại đến lượt cô em. Nó khóc lóc ầm ĩ đòi mẹ, bố quát nó lại càng khóc to hơn, rồi chạy ra phòng khách ngồi một góc nhà mà ấm ức. Khóc nhiều nên nó mệt mà thiếp đi, lúc đó Tuấn mới dám bế con lên và ôm cho nó ngủ. Anh lại ngồi thức đến sáng.
Ngày thứ 4.
- Chị à, hai đứa nhà em nó có ngoan không. Em tắt điện thoại thế này nhỡ có chuyện gì thì làm sao.
- Chúng nó ngoan và nhớ mẹ. Nhưng em cố chịu đựng thêm một hai ngày nữa đi, đừng bận tâm việc nhà mà cứ thư giãn đầu óc chút. Có cần thêm tiền không chị gửi cho?
- Em còn nhiều mà chị. Mùa này khu du lịch không có khách. Cũng may, có bác chủ nhà chuyện trò nên khuây khỏa, bớt nhớ bọn trẻ chị ạ. Mà bác ấy cũng khuyên em hệt như chị vậy. Bác bảo em, cần phải thay đổi cả bản thân em chứ không riêng gì anh ấy. Đi lần này em đã ngộ ra được nhiều điều chị ạ.
- Ừ, phải ra ngoài cho biết thiên hạ họ sống ra sao em ạ. Vậy thì tranh thủ nghỉ thêm đi, việc ở nhà cứ để chị giải quyết.
Tuấn qua nhà chị đúng bữa cơm trưa. Ăn xong, hai chị em ngồi trò chuyện:
- Chị, hình như em sai rồi sao ấy. Nhưng mà sao cô ấy kí đơn li hôn, bỏ mặc bọn trẻ dễ dàng thế. Dù gì cũng sống với nhau hơn chục năm, nói đi là đi, nói dứt là dứt ngay được à.
- Thì ai bảo cậu một hai đòi giải thoát. Lại còn dọa không cho mợ ấy mang con đi. Cậu được cả đôi rồi còn gì, vừa tự do, vừa có cả hai đứa con vui vầy.
- Là em dọa cô ấy thế chứ em có bao giờ muốn chia tay. Tức lên thì nói vậy, ai nghĩ cô ấy làm thật.
- Cậu đã từng rất yêu nó, nhưng giờ cậu vô trách nhiệm. Trong mắt cậu, chỉ có tiền và tiền. Và cậu nghĩ tiền của cậu có thể thỏa mãn mọi thứ, nên cậu tự cho mình cái quyền coi thường nó. Xinh đẹp như nó, năng động như nó, uy tín như nó, ngoài kia bao kẻ thèm muốn. Chứ cái ngữ đàn ông vô tâm chỉ biết đến bản thân mình như cậu, thiên hạ chém không hết đâu.
- Thôi được rồi, em sai. Chị có cần đay nghiến em thế không.
- Cậu thấy tôi sống có tốt không sau khi tôi li hôn?
- Thì mấy ai bản lĩnh được như chị.
- Cậu nhầm rồi, bản lĩnh tôi có được, cũng do tôi trải qua đổ vỡ mà nên. Cậu nhìn vào tôi mà xem lại, nếu cậu để vợ mình ra đi, tôi tin sau này mợ ấy còn sống tốt và sung túc hơn cả tôi bây giờ đấy. Chẳng có người vợ nào chịu đựng được ông chồng mãi không bao giờ chịu lớn đâu.
- Em ân hận rồi, giờ chị giúp em tìm nhà em về. Em biết cô ấy không về nhà ngoại, lâu nay cũng không thấy cô ấy có bạn bè thân nào, chắc chỉ còn mỗi chị mới biết cô ấy đi đâu.
- Tôi chỉ giúp câu lần cuối này thôi, việc còn lại, đi hay ở cũng do cậu mà nên. Chiều đón bọn trẻ qua đây, rồi tìm tới địa chỉ khách sạn này mà tìm mợ ấy.
Tuấn thở phào như trút được gánh nặng. Quả tình anh thấy trống trải quá, nhưng cái tôi nó lớn, đến mức mà không dám thừa nhận mình không thể sống thiếu vợ.
Chiều anh vội vàng đón con rồi gửi chúng qua nhà chị gái. Anh phi như bay trên đường, vừa đi vừa hát. Trời bỗng thật xanh và gió đu đưa những cành cây ven đường trông thật đẹp mắt. Lòng anh cứ phơi phới như lần đầu tiên anh hẹn hò được cô bạn gái - là vợ anh bây giờ - sau ròng rã 5 tháng trời cưa cẩm gian nan.
3. 6h chiều:
- Mẹ, mẹ ơi bác Hồng đến này.
Bé Giang nhún nhảy khi nhìn thấy bác tới, bởi lần nào bác cũng có quà cho nó, túi to túi nhỏ.
- Sao chị lại rảnh rang đi chơi giờ này thế này?
Đưa túi hoa quả cho con bé, véo hai cái má phúng phính của nó, rồi Hồng quay qua cậu em trai:
- Cậu quên chị cậu độc thân à? Tôi tự do thì giờ giấc có quan trọng gì? Mà mợ ấy đâu?
- Nhà em trong bếp, đang chuẩn bị nấu bữa tối.
Vân tất tả từ trong bếp đi ra:
- Chị ở đây ăn cơm nhé. Lát em đón bọn trẻ qua đây rồi ăn uống luôn một thể, lâu rồi mình cũng chưa tụ tập.
- Thôi, nay chị muốn nhờ mợ tí việc đây. Có anh Phong bạn học cũ, vừa là đối tác làm ăn, nay anh đến chơi nhưng chị không muốn bày vẽ nấu nướng nên chị mời ra quán. Mợ đi gặp đối tác cùng chị tí được không?
- Để em đưa hai chị em đi.
- Cậu ở nhà đi, còn cho con Giang nó ăn uống tắm giặt. Tôi mượn mợ ấy một hôm thôi. Mợ cứ để đấy lát bố nó nấu, lên thay đồ đi.
Vân vô tư đi lên gác thay quần áo, không để ý đến thái độ khó chịu của Tuấn.
- Ôi, mợ thay bộ đồ khác đi. Ai lại đi tiếp khách mà sơ mi với váy công sở thế kia. Mặc cái váy nào sát nách mà ngăn ngắn thôi cho nó điệu điệu tí, rồi tô son đậm lên chút. Trông mợ như sắp lên lớp giảng bài ấy.
- Em thấy vợ em mặc thế đẹp rồi mà.
- Cậu đừng có ích kỉ. Làm đẹp là nhu cầu của phụ nữ. Mà cậu ấy mọi ngày cứ mở miệng ra là chê vợ ăn mặc quê mùa, cũ kĩ, nên nay mợ mặc thật đẹp vào cho cậu ấy mở mày mở mặt tí.
Tuấn thấy tưng tức trong lòng, nhưng đúng là anh hay chê vợ ăn mặc quê mùa, nên anh cứng họng, không phản ứng được gì. Rồi khi thấy vợ bước xuống trong cái đầm hoa trắng thướt tha, vừa ngắn tới gối, vừa ôm sát cơ thể, thì bỗng dưng anh cảm thấy máu chạy dồn hết lên mặt thì phải, khiến nó nóng bừng bừng. Rõ ràng cô ấy đẹp, không còn quê mùa, vậy mà sao anh lại không vui?
Trên xe, Hồng hỏi em dâu:
- Giờ mợ thích ăn gì để tìm quán?
- Ăn gì cũng được chị, miễn là tiện cho bạn chị đến thôi.
- Làm gì có bạn nào?
- Thế sao chị bảo em đi tiếp khách cho chị?
- Chị đùa thằng Tuấn thôi, chứ tiếp khách công ty thiếu gì nhân viên mà phải lôi mợ đi. Chị muốn thử phản ứng của nó ấy mà, xem ra đã có tí tác dụng.
- Lẽ ra chị nên là chị gái của em mới phải - Vân cười thật tươi.
- Nếu chị là chị gái em, thì lại không thể đưa em đi thế này được, vì nó sẽ nghĩ là chị em bênh nhau. Chị hiểu tính nó, mợ đừng lo.
Hai chị em cười nói vui vẻ, rồi tạt vào một quán BBQ ăn đồ nướng. Cũng lâu rồi Hồng mới có thời gian đi ăn uống thảnh thơi như thế này.
- Thế nào, sau hai tuần rồi cậu ấy có tí tiến bộ nào không?
- Cũng thay đổi chị ạ. Anh ấy không còn bù khú bạn bè nữa, thi thoảng cũng trông con cho em dọn nhà. Rồi cũng chủ động bảo em thu xếp thời gian để cả nhà về bên ngoại chơi, vì lâu quá anh không thăm bố mẹ em...Nhưng sao chị lại cười ạ?
- Tất cả những ông chồng, thời gian đầu khi mới làm lành đều thể hiện rất hợp tác. Chỉ là thời gian đầu thôi nhé, vì em với nó, mọi xích mích bị tích tụ từ những điều vặt vãnh trong cuộc sống mà thành ra như vậy. Nếu em không cứng rắn, thì chỉ một hai tháng nữa thôi lại trở về như cũ.
- Thay đổi một con người cũng khó chị nhỉ?
- Khó chứ. Thay đổi chính mình còn khó nói chi đến người khác.
- Sao anh ấy chẳng được một phần của bố...
- Em đừng so sánh, vì không ai giống ai cả. Bố cũng là bù đắp cho mẹ thôi. Ngày xưa mẹ cũng khổ sở lắm mới sinh được ra nó. Bà nội thì cơ cầu, ghét cháu gái, bố lại đi công tác xa nhà. Năm chị 15 tuồi thì mẹ sinh nó. Người mừng nhất là chị dù chị biết nếu có nó thì mọi người sẽ dồn hết tình cảm cho nó mà quên chị, nhưng thà như thế còn hơn đêm đêm nghe mẹ khóc, rồi bà nội chửi mẹ bất tài, mẹ lại trút giận lên chị.
Nó ốm đau quặt quẹo, mẹ đi cúng hết đền chùa miếu mạo. Chị còn không được phép động vào nó, chơi với nó. Bà nội cấm chị tới gần nó, vì sợ mỗi lần nó khóc lại tím tái hết mặt mày rồi lăn ra ngất. Mẹ chỉ còn thời gian cho nó, nên cũng không để ý gì đến chị, chị dậy thì, người dạy chị cách tự vệ sinh cho mình những ngày đèn đỏ lại là cô giáo của chị chứ không phải mẹ. Nhưng bố thương chị, nên cứ cuối tuần bố về thì ngang với Tết rồi.
- Bảo sao anh ấy cứ tính khí trẻ con, muốn gì phải có cho bằng được.
- Thôi thôi, mợ đừng có khóc. Ai làm gì mợ đâu chứ.
- Em cũng không biết mình cố gắng được nữa không, nếu anh ấy lại trở về như cũ thì chắc em không tiếp tục được.
- Chị hiểu. Nên chị muốn em cũng phải thay đổi bản thân mình. Vị tha là điều quý giá, nhưng đừng nhu nhược.
- Nhưng mà anh ấy không tự giác giúp em gì cả.
- Là tại vì em mạnh mẽ và tự lập quá, em cứ gồng mình lên làm hết mọi việc nên nó mới chả bận tâm gì. Nó chỉ vô tâm, không biết việc chứ không phải nó không thương em. Thi thoảng hãy để nó đón con, tắm cho con, dạy chúng học. Em vừa nhàn hơn, vừa để bố con nó gần gũi nhau hơn. Ở cơ quan, nếu có giao lưu hay liên hoan gì, em hãy báo trước cho nó chủ động đón bọn trẻ, còn em ở lại chung vui với mọi người. Đừng có hết lần này tới lần khác bỏ về, chỉ vì lí do về nhà cơm nước. Sống cũng cần có bạn bè đồng nghiệp em ạ.
- Em sợ anh ấy cứ hậm hực nếu em về muộn.
- Chính vì em sợ nên nó mới được đà lấn tới. Con cái lớn cả rồi, đừng có chăm chăm dọn dẹp nhà như ô sin mà bỏ qua hết các mối quan hệ xã hội. Rảnh thì đi cafe với bạn cho thư thái đầu óc. Nếu như em có bạn bè thân, nhiều khúc mắc vợ chồng họ cũng cho em được lời khuyên đáng để học hỏi đấy.
Còn cuối tuần về nhà ông bà nội, em hãy chủ động đi chợ cùng mẹ, chứ đừng để nó đưa mẹ đi. Em đưa mẹ đi chợ vừa là cho người ta nhìn thấy mẹ chồng con dâu hòa hợp, vừa để nó ở nhà nói chuyện với bố, để bố dạy bảo cho nó thêm về trách nhiệm đàn ông trong gia đình.
- Sao chị đầy những ưu điểm như vậy, mà anh chị lại mỗi người một nẻo. Em xin lỗi, chị đừng hiểu sai ý em.
- Vợ chồng đúng là duyên số. Nếu anh ấy chỉ trẻ con ích kỉ như thằng Tuấn, mà không phải lí do ngoại tình, thì chị đã cố gắng tới cùng. Ngẫm từ cuộc hôn nhân thất bại của mình, chị mới nhận ra rằng mình đã hi sinh bản thân một cách ngu muội. Cứ tha thứ, cứ bỏ qua, cứ chịu đựng...để rồi dùng dằng một cuộc sống bế tắc, cuối cùng cũng đổ vỡ.
Tính nó như trẻ con vậy thôi chứ không phải đứa chơi bời. Làm vợ thì làm vợ, đừng làm thay mẹ em ạ. Chuyện mua sắm lớn nhỏ trong nhà em hãy bàn với nó, để nó thấy nó có vai trò quyết định trong gia đình, chứ em cứ bỏ tiền túi ra sắm, nó không nhìn thấy được cái công sức của em đâu. Làm thêm được bao nhiêu thì cóp lại phòng thân. Đừng có moi hết ruột gan mình ra rồi đến lúc bố mẹ mình ốm đau cũng phải chạy vạy chỗ này chỗ khác. Nó thì có mấy khi quan tâm tới cảm nhận của người khác, nên nếu có không hài lòng gì thì em cứ thẳng thắn trao đổi cho nó biết, đừng ấm ức hậm hực một mình trong lòng mà nó thì cứ nhởn nhơ vô tình vì nó biết gì đâu.
- Em hiểu rồi chị. Em sẽ cố gắng làm theo chị nói.
- Ừ. Chị chỉ mong hai đứa cùng thay đổi để sống cho an vui.
- Em cảm ơn chị.
- Ơ kìa, ơn huệ gì ở đây. Chị nghĩ cho mợ, thực chất nghĩ cho bố mẹ, thằng Tuấn và bọn trẻ đấy chứ. Tính toán cả rồi mà... Lau nước mắt đi, chị ghét nhất nhìn phụ nữ khóc đấy. Ăn nhanh rồi còn đi cafe tí, 10h hãy về để bố con nó có thời gian chơi với nhau.
Hai chị em ngồi ăn uống, rồi loanh quanh ngó nghiêng qua các shop quần áo. Đúng 10h, Hồng đưa em về. Đứng ngoài cửa, Hồng thấy bé Giang đang ngồi trên lưng bố, còn em trai cô, đang làm con ngựa chở cô con gái trên lưng bò khắp nhà. Tí tí, cậu ta lại nghiêng người khiến con bé loạng choạng. Nó thích thú, cười nắc nẻ.
Hồng nhìn em dâu, mắt cô ấy lấp lánh những giọt nước, những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy Tuấn dành thời gian chơi với con vui vẻ. Cô thấy rồi, chính vì cô ôm đồn quá, tự tin quá khi nghĩ mình có thể tự lo được cho cả nhà, mà vô tình đã tạo ra khoảng trống trong hạnh phúc gia đình. Cô ngắm nhìn hai bố con, và cô biết, mình cần thay đổi để lấp đi cái khoảng trống vô hình kia.
Theo blogradio.vn
Nếu yêu anh cũng cần lý do thì em đã chẳng yêu anh nữa! Ngày mới yêu nhau anh thường hỏi rằng vì sao em yêu anh? Anh chẳng có gì cả, nhìn người thì chẳng có gì nổi bật, anh cũng chẳng thông minh, cũng chả hài hước và đắc biệt anh cực kỳ vô tâm. Em biết mà, em biết anh là một người vô tâm vì anh chưa từng để ý đến bất kì...