Đánh đồng thi chọn Sử và tình yêu lịch sử: Học sinh bị oan!
Theo PGS.TS Vũ Quang Hiển, không nên và không thể đánh đồng việc ít học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử với việc các em không trân trọng, yêu lịch sử nước nhà.
Trước tình trạng ít thí sinh lựa chọn môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia, PGS.TS Vũ Quang Hiển ( ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQGHN) đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
- Lịch sử là môn ít thí sinh lựa chọn nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2015; dự kiến tình hình này cũng sẽ không thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 sắp tới. PGS suy nghĩ như thế nào về điều này?
- Cách dạy học, kiểm tra đánh giá nặng về diễn biến, chi tiết, nặng về số liệu… hiện nay dẫn đến học sinh sợ học Lịch sử, sợ thi Sử; mặc dù các em vẫn thích đọc, thích tìm hiểu và ham hiểu biết về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
PGS.TS Vũ Quang Hiển (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQGHN).
Kỳ thi THPT 2015, chỉ có khoảng 15.000 học sinh cả nước đăng ký thi môn Sử. Tuy nhiên, đồng nghĩa học sinh ít thi Sử với việc học sinh quay lưng lại với Lịch Sử là hoàn toàn không đúng. Nói như vậy là oan cho học sinh.
Trên thực tế, việc chọn thi Sử hay không không thể hiện chuyện yêu hay ghét mà vì Lịch sử là môn khá khó học, nên học sinh sẽ chọn môn có khả năng đạt điểm cao hơn để thi, để chắc chắn đỗ hơn.
Tuy nhiên, có một điều ít ai nói đến, đó là dù số thí sinh thi không nhiều nhưng phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT 2015 rất đẹp, có thể nói là khổ điểm đẹp nhất trong tất cả các môn thi.
Theo đó, trong phổ điểm tỷ lệ điểm nhiều học sinh đạt được nhất ở chính giữa (5 điểm), dốc dần về hai phía, giải phân cách rất rộng, thể hiện sự phân hóa của đề thi rất cao. Mà đề thi độ phân hóa càng cao, càng thuận lợi cho các trường ĐH tuyển sinh.
Video đang HOT
- Theo PGS, đâu là nguyên nhân khiến học sinh ít chọn thi môn Lịch sử?
- Việc học sinh ít thi môn Sử đòi hỏi đội ngũ các nhà nghiên cứu Lịch sử, đội ngũ thầy cô, những người làm trách nhiệm giáo dục Lịch sử phải lưu tâm, suy nghĩ.
Nguyên nhân việc này có thể do chương trình, SGK biên soạn còn thiếu hấp dẫn, nặng về tính hàn lâm; phương pháp dạy học của thầy cô chưa được tốt, vẫn nặng truyền thụ kiến thức một chiều, dạy theo lối áp đặt, chưa kích thích tinh thần chủ động sáng tạo của học sinh; chưa coi các em như các nhà tư tưởng đang hình thành những học thuyết về thế giới…
Thực trạng này cũng có trách nhiệm của xã hội, từ thực tế người học Sử, làm nghề Sử khó tìm việc và nếu tìm được việc thì thu nhập không cao. Khác với hẳn với Mỹ – nơi mà đội ngũ những người làm Sử, nghiên cứu Lịch sử, dạy học Lịch sử luôn luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của xã hội.
Không nên và không thể đánh đồng việc ít học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử với việc các em không trân trọng, yêu lịch sử nước nhà.
- Vậy cần phải thay đổi như thế nào để môn Lịch Sử trở nên hấp dẫn hơn, thưa PGS?
- Điều đầu tiên, cần khẳng định chắc chắn vị thế của môn Lịch sử trong chương trình phổ thông để các thầy cô yên tâm dạy học, cống hiến.
Thứ hai là điều kiện dạy học Lịch sử. Tôi đi tham quan một loạt trường phổ thông và cả trường chuyên, thấy rằng trong thư viện có rất ít tài liệu tham khảo.
Như thế, thầy cô sau khi đào tạo ở trường sư phạm không hề được cập nhật kiến thức. Hiện có nhiều công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo, tham khảo, tạp chí về Lịch sử…, nhưng dường như vắng bóng trong thư viện trường phổ thông.
Cũng bởi không được cập nhật kiến thức nên có những nhận thức mới nhưng các thầy cô không kịp cập nhật, SGK viết thế nào thì dạy thế đó. Có giáo viên dạy về Điện Biên Phủ nhưng chưa tới Điện Biên Phủ. Nếu họ được đứng trên ngọn đồi A1, nhìn thấy lòng chảo Điện Biên,hình dung ra trận đánh từng diễn ra ở đó, chắc chắn bài dạy sẽ sinh động hơn rất nhiều.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ chính các thầy cô. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đổi mới mạnh mẽ, về mặt nội dung, phương pháp, tổ chức dạy học; nhưng trên thực tế, những đổi mới đó ở các thầy cô chưa thực sự mạnh mẽ, chưa thực sự cân bằng và hoàn thiện.
Cách dạy học theo lối cũ, chưa lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô nói, học sinh ghi chép và phần lớn là tóm tắt lại nội dung trong sách giáo khoa, thậm chí, có chỗ SGK có sơ suất của người biên tập, ở khâu biên soạn, thầy cô cũng vẫn dạy đúng như vậy.
Tôi cho rằng, cần phải quan tâm đào tạo và đào tạo lại đội ngũ thầy cô và các cấp quản lý cần tạo điều kiện để các thầy cô được đi học để nâng cao trình độ. Đối với Lịch sử, người dạy đồng thời cũng phải là người học, chứ không phải học bao nhiêu trong trường ĐH thì sẽ dạy bấy nhiêu.
Như vậy, tôi nghĩ là có rất nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, nhưng quan trọng là bản thân các thầy cô phải thục sự nỗ lực.
Theo Hiếu Nguyễn/Giáo dục và Thời đại
Thi THPT quốc gia: Học sinh vẫn 'né' môn Lịch sử
Chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng sơ bộ cho thấy, học sinh lớp 12 tại TP HCM vẫn không mặn mà với Lịch sử, Địa lý, khi chọn môn thi thứ tư trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Khảo sát sơ bộ về môn thi tự chọn tại một số trường THPT trên địa bàn TP HCM cho thấy, các em học sinh lựa chọn nhiều vẫn là những môn thuộc khối tự nhiên (Vật lý và Hóa học).
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có 221 em chọn môn Vật lý, 77 em chọn môn Hóa, 73 em chọn môn Địa, 10 em chọn môn Sinh và chỉ có 7 em chọn môn Sử.
Trường cũng tiến hành khảo sát việc học sinh đăng ký môn thi thứ 5 để xét tuyển ĐH, CĐ, kết quả sơ bộ cho thấy: 67 em chọn môn Hóa, 45 em chọn môn Lý, 27 em chọn môn Sinh, 13 em chọn môn Địa và chỉ có... 1 em chọn môn Sử.
Ảnh minh họa: Infonet.
Ông Phan Hường, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn cho biết, toàn khối 12 có 388 học sinh, theo kết quả đăng ký sơ bộ được trường thực hiện vào đầu học kỳ 2 thì số lượng đăng ký các môn thi thứ 4, thứ 5 lần lượt là: Lý (192 em), Địa (186 em), Hóa (131 em), Sử (23 em) và Sinh (21 em).
Trường THPT Hiệp Bình cũng tiến hành cho học sinh đăng ký môn thi thứ 4 cùng các môn thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Môn Lý vẫn có đông học sinh đăng ký nhất với 326 em, tiếp đó là Hóa 224 em, Địa 48 em, Sinh 31 em và chỉ có 14 học sinh đăng ký môn Sử.
Khảo sát bước đầu tại Trường THPT Nguyễn Trãi, số lượng lựa chọn môn thi của 480 học sinh lớp 12 lần lượt là: Lý (341 em), Hóa (141 em), Địa (75 em), Sử (27 em), Sinh (25 em).
Tại một số trường THPT khác, dù chưa có con số chính thức nhưng kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, các môn thi được các em chọn nhiều vẫn là lý, hóa, địa, rồi mới đến sử và sinh.
Theo các giáo viên, sở dĩ học sinh vẫn "né" môn Sử vì xu hướng chung, học sinh phải học quá nhiều mà khả năng điểm liệt lại cao. Học sinh vẫn có xu hướng chọn môn Địa thay cho Sử vì đây là môn dễ học, lại được mang Atlat Địa lý vào phòng thi nên dễ "thoát" được điểm liệt.
Một giáo viên dạy Địa cho biết, nếu học sinh có kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý, nắm chắc kiến thức về ký hiệu, màu sắc, so sánh màu sắc ở bảng chú giải với màu sắc, ký hiệu trên bản đồ ở Atlat thì rất dễ kiếm điểm.
Thêm vào đó, do cấu trúc đề thi luôn có một câu 3 điểm về kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam nên học sinh không phải học thuộc các số liệu mà vẫn có thể làm được bài.
Theo Bạch Dương/ Infonet