Dành cả thanh xuân để học
Vừa xong công việc ở công ty, Ánh Ngọc vội ăn tạm chiếc bánh mì, rồi phóng xe đến lớp học buổi tối. “Giờ em phải ráng cày thêm cái bằng thạc sĩ, cái chứng chỉ Anh văn nữa.
Không biết mai mốt có xài không nhưng mà thôi kệ, bạn em đứa nào cũng đi học rần rần nên mình phải ráng, kiếm cái bằng để dành đó. Mai mốt một bằng đại học chưa chắc gì còn giá trị đâu đó”, Ngọc nói.
Ngoài bằng cấp, chứng chỉ, điều cần thiết đối với một người trẻ khi vào đời còn là ý thức, năng lực thực tế
Lấy bằng xong để… đó
Ngọc năm nay 28 tuổi, hiện đang là nhân viên kinh doanh tại một công ty ở quận 5, TPHCM. Làm việc nguyên ngày, Ngọc vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đi học thêm các lớp buổi tối, lấy thêm một số bằng cấp, chứng chỉ mà theo cô là quan trọng dù chưa biết có cần không. Phải cách cả tháng, Ngọc mới ghé về thăm ba mẹ, bởi hầu hết thời gian đều dành cho việc vừa học vừa làm. Ngọc cho rằng: “Mình luôn nghĩ bằng cấp là quan trọng, dù kinh nghiệm làm việc, cách xử lý công việc cũng là yêu cầu không thể thiếu. Nếu có thời gian thì cứ đi học thôi, có nhiều bằng thì càng tốt, chứ mai mốt có gia đình sao đi học được nữa. Học cho đủ bằng, dư bằng cũng được, mấy chuyện khác tính sau. Nói bằng cấp không quan trọng thì tại sao khi nộp hồ sơ, một số công ty nếu bằng ưu thì được gọi phỏng vấn còn lại thì loại từ vòng hồ sơ?”.
Video đang HOT
Cùng suy nghĩ phải có nhiều bằng cấp như Ngọc, L.Q.Lâm sau khi tốt nghiệp đại học cũng hì hục bỏ thời gian, tiền bạc, công sức để học thêm 2 năm thạc sĩ, lấy các bằng cấp liên quan. Hiện Lâm đã 30 tuổi, trong tay có bằng thạc sĩ quản lý thể thao, nhưng chưa bao giờ Lâm sử dụng bất cứ một loại bằng cấp nào cho công việc hiện tại mà đều… cất trong tủ. Bạn trẻ này đang điều hành nhóm biểu diễn nghệ thuật tại một trung tâm văn hóa ở TPHCM. Lâm chưa từng nộp đơn xin việc cho bất cứ đơn vị nào, chỉ vì theo bạn, lương ở các trung tâm thể dục thể thao quá thấp, làm việc quá tốn thời gian, ràng buộc. Lâm thẳng thắn: “Sau khi xong đại học, mình có đi tìm hiểu mức lương ngành đã theo học ở một số nơi thì thấy bèo bọt quá. Đang có thời gian, nên mình đăng ký học lên thạc sĩ để có bằng này bằng kia. Dù ngành học không phải đam mê nhưng lỡ đăng ký thì cứ học đại cho rồi”.
Nhiều bạn trẻ đã dành cả tuổi thanh xuân để học: 12 năm học phổ thông, sau đó 3-6 năm cao đẳng – đại học, 2-3 năm học cao học, chưa kể một lô các loại chứng chỉ, chứng nhận từ vi tính, Anh văn, kế toán cho tới cả thư ký văn phòng, các lớp chuyên ngành… Có bạn còn chuyển cả ngành học sau từng ấy năm “đi lạc” giảng đường. Thời gian, tiền bạc đâu ra mà học lắm thế, nhất là khi chỉ học trên những trang sách mà bỏ quên thực tế. “Thanh xuân là học hỏi và trải nghiệm. Tiếc là có những người chỉ vùi đầu vào những lý thuyết khô khan trên trang sách mà không áp dụng và lấy kinh nghiệm từ thực tế”, Nguyệt Hằng, nhân viên truyền thông, đúc kết.
Đừng học vì hư danh
Căn bệnh sính bằng cấp dường như đã trở thành khó chữa. Nhiều bạn cố học cho có bằng cao học, nhưng thực tế không hề sử dụng gì tấm bằng đó. Nguyễn Thị Diệu Hiền (30 tuổi, một du học sinh tại Đức) chia sẻ góc nhìn: “Tôi là du học sinh tại Đức. Tôi hiểu giá trị thực sự của tấm bằng thạc sĩ du học là như thế nào. Tôi không biết để có được bằng thạc sĩ hay các loại bằng ở nước mình thì như thế nào, nhưng theo như tôi thấy từ bạn bè mình, chủ yếu thường học vào buổi tối, rất nhiều môn học chung với đại học, đã từng học qua nay vẫn học lại. Đã có nhiều bạn trẻ đang rất cố gắng trang bị cho mình nhiều bằng cấp… Tôi nghĩ đó là suy nghĩ sai lầm, bởi việc có nhiều bằng cấp mà không bao giờ sử dụng là một sự lãng phí, tốn kém cho bản thân, gia đình”.
Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) từng để tấm bằng Đại học Sư phạm lẫn thạc sĩ sang một bên để chuyển hướng kinh doanh áo quần, nói: “Tôi từng rất coi trọng bằng cấp, cố gắng học lấy học để những mong có một vị trí công việc phù hợp. Cho đến ngày, một người bạn thuở nhỏ của tôi, học hành không bao nhiêu giờ đã trở thành ông chủ của một chuỗi cửa hàng, nói với tôi về cuộc sống hiện tại. Từ góc nhìn một người từng trải, tôi nghĩ các bạn trẻ cần xác định lại lý tưởng sống, mục tiêu cuộc đời, quản lý thời gian của mình một cách khoa học để tập trung vào những việc cần làm, đồng thời tránh mất thời gian và tiền bạc vào việc học để lấy bằng cấp, chứng chỉ quá nhiều, chỉ để khoe mẽ với bạn bè và làm hài lòng gia đình. Bằng cấp là để gõ cửa nhà tuyển dụng, nhưng năng lực của bạn mới là thứ nói cho họ biết bạn là ai. Bằng cấp chỉ có giá trị thật sự khi mà bạn là con người có giá trị thật sự”.
Trên thực tế, rất dễ dàng thấy, để kiếm một tấm bằng khá giỏi bây giờ có rất nhiều cách, minh bạch lẫn không minh bạch. Nhiều bạn trẻ mang tiếng đi học nhưng chỉ lớt phớt rồi sau đó tìm cách có bằng được cái bằng. Tâm lý sính bằng cấp đã là một yếu tố dẫn đến chuyện mua bán bằng cấp trái phép, thậm chí buôn bán công khai trên mạng xã hội… Đến khi có được tấm bằng trong tay, nhiều người không biết làm sao để tìm việc, chưa nói đến việc tốt, lương cao. Bằng cấp vốn không có lỗi, lỗi là ở người trẻ đã nhận thức sai lầm rằng chỉ cần bằng cấp là đủ để vào đời.
CA DAO
Theo SGGP
Khi bằng đại học mua dễ như... rau
Đánh từ khóa "mua bằng đại học" lên Google, tôi có luôn 4 trang mạng (với tên miền: lambangnhanh..., bangchuan..., bangcap..., bangcaph...) rao bán công khai với đủ loại bằng cấp, từ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học... đến chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ hành nghề.
Ảnh minh họa
Không chỉ vậy, các trang này còn trình bày rất bắt mắt, hết sức công khai, chi tiết, như: Giá từng loại bằng, tư vấn mua bằng gì để làm gì, số điện thoại và email đầy đủ để liên lạc, tên của thầy giáo tư vấn cho người mua và thậm chí khuyến mại nếu... mua nhiều. Thử gọi đến một số điện thoại 0916xxx của một trong số các trang này, người trả lời nói bằng gì cũng có (trừ ngành Y, Dược, Quân đội, Công an...), chỉ cần 2 ngày là xong, cung cấp toàn quốc, trả tiền trước rất đơn giản... Điều này có thể khẳng định thực tế nhu cầu xã hội về loại bằng giả này không phải số ít.
Ở cấp độ khác, mới đây, cơ quan Công an đã bắt giam Hiệu trưởng Đại học Đông Đô và một số thuộc cấp liên quan đến việc cấp bằng đại học văn bằng hai sai quy định. Dù Đại học Đông Đô không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo văn bằng hai ngành Ngôn ngữ Anh nhưng trường này vẫn tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng đại học. Điều đáng nói, theo thông tin từ cơ quan điều tra, có rất nhiều người mà trường này cấp bằng đại học lại không qua tổ chức thi đầu vào, thi 25 môn học chỉ trong 1-2 ngày và sau đó vài tháng là được cấp văn bằng hai chính quy. Cơ quan điều tra cũng thông tin, Hiệu trưởng và thuộc cấp đã nhận số tiền lớn từ các học viên này một cách sai phạm, phần lớn số tiền đút túi riêng.
Vụ việc hiện đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, tuy nhiên, dư luận đã rất phẫn nộ trước việc mua bán bằng cấp kiểu này, nhất là khi một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết phôi văn bằng của Đại học Đông Đô đúng là do Bộ cấp. Đồng thời, dư luận cũng không khỏi không đặt câu hỏi rằng liệu có những trường nào khác đã và đang làm sai như Đại học Đông Đô?
Nhìn thẳng thực tế, vấn đề bằng cấp giả tràn lan như trên là hậu quả của sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu quan. Trong đó, đầu tiên là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc một trường đại học nhiều năm cấp số lượng lớn bằng cấp sai phạm mà không bị kiểm tra, phát hiện không thể không có trách nhiệm của Bộ này. Điều đáng nói, cơ quan Công an thông tin, nhiều người có bằng trên do Đại học Đông Đô cấp lại là những người có "uy tín", là công chức, cán bộ làm việc trong cơ quan công quyền. Vậy những cơ quan này đã quản lý việc học của cán bộ ra sao? Các trường mà các đối tượng này đang dùng chiếc bằng sai phạm để hợp thức hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ đã thẩm định bằng cấp ra sao? Đặc biệt, cơ quan hữu quan cần công khai những ai đã có những chiếc bằng sai phạm này này ra công luận để tránh những chiếc bằng này đi hợp thức hóa ở khắp nơi, bởi người nhận bằng này không thể không biết khi mình "mua" nó.
Còn tình trạng tràn lan rao bán bằng cấp trên mạng, thật khó để nói các cơ quan như quản lý giáo dục, công an lại không biết. Khi những giả dối, sai phạm tràn lan trên mạng như vậy, nó cũng phần nào cho thấy tình trạng bằng cấp giả đã hết sức công khai, ngó lơ cơ quan quản lý, do đó rất cần cơ quan có trách nhiệm nghiêm túc vào cuộc.
Văn Bắc
Theo baohaiquan
Cụ ông 87 tuổi mặc áo cử nhân trong lễ tốt nghiệp truyền cảm hứng học tập cho hàng triệu người Với cu ông 87 tuôi ngươi Malaysia, bươc lên sân khâu nhân tâm băng đai hoc trong lê tôt nghiêp cư nhân la khoanh khăc tuyêt vơi. Mơi đây, môt tai khoan tên Nez chia se câu chuyên cảm động vê ông nôi - ngươi vưa tôt nghiêp đai hoc vơi tâm băng cư nhân ơ tuôi 87. Bai viêt lâp tưc nhân...