Đang thẩm định 5 bộ SGK lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới
Tính đến hiện tại, Bộ GD-ĐT đã nhận được và đang thẩm định 5 bộ sách gióa khoa lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới. Nếu vượt qua vòng thẩm định, các bộ sách này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021.
Sáng 26/8, chia sẻ với VietNamNet về việc chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới sẽ triển khai từ năm học 2020-2021 từ lớp 1, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến hiện tại, Bộ GD-ĐT đã nhận được 5 bộ sách lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới và đang trong quá trình thẩm định.
“Thông tin rất tích cực là tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã bước đầu trở thành hiện thực: một chương trình mà ở mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa. Sau khi Bộ ban hành chương trình, các nhà khoa học tâm huyết và các nhà xuất bản đủ chức năng đã tham gia tích cực vào việc biên soạn SGK và đến nay đã có 5 bộ SGK được gửi về thẩm định”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, trong 5 bộ sách này có 3 nhà xuất bản là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH TP HCM.
“Theo quy định thì cũng không yêu cầu mỗi bộ sách phải đầy đủ tất cả các môn. Tức Không quy định bộ sách mà chỉ là mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa này đa số đầy đủ các môn. Môn học ít nhất thì có 4 sách giáo khoa chờ thẩm định”.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
Về chất lượng sách, ông Tài cho biết, theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng thẩm định, các sách giáo khoa được thể hiện rất đa dạng, bám sát quy định theo đúng tinh thần và độ mở của chương trình.
Do đó, theo ông Tài, sau khi được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố những sách/bộ sách nào đạt chuẩn, các địa phương sẽ có nhiều phương án để lựa chọn sao cho phù hợp với địa phương. “Tùy theo các hướng tiếp cận có sự đa dạng và phong phú nhưng các sách/bộ sách giáo khoa này đều phải đảm bảo đúng theo chương trình và vẫn phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, điều đáng mừng là đội ngũ tác giả viết các bộ sách giáo khoa này đều là những nhà khoa học uy tín, năng lực chuyên môn được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay.
Video đang HOT
Hội đồng thẩm định là những nhà khoa học có uy tín, những thầy cô đến từ các trường đại học sư phạm và ít nhất 1/3 là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên cả nước. Hội đồng mỗi môn tối thiểu là 7 người. Hiện nay, các hội đồng từng môn được cơ cấu từ 7-15 người.
“Trước đây chỉ có một bộ sách do đó quyết định của hội đồng mang yếu tố sống còn cho bộ sách. Nhưng giờ đây, khi có nhiều bộ sách, trách nhiệm của hội đồng là làm sao để có những bộ sách tốt nhất của tác giả”.
Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thẩm định những SGK nào đạt yêu cầu.
“Khi hội đồng đưa ra kết luận thì sẽ có những bộ sách đạt, chưa đạt hoặc không đạt. Với những bộ sách chưa đạt hoặc được hội đồng kết luận là không đạt thì theo Thông tư 33, các tác giả của những bộ sách này có quyền chỉnh sửa và đề nghị Bo GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định lại. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và bố trí hội đồng, dựa trên sự theo dõi, giám sát, đánh giá thì Bộ sẽ thông báo tiếp tục việc thẩm định”.
Nói về mức giá của sách giáo khoa mới, ông Tài cho hay giá của loại sách này được quy định theo luật và Bộ tài chính thẩm định giá theo qui định của pháp luật.
“Tuy nhiên, chính việc chúng ta hướng tới nhiều bộ sách giáo khoa đang là yếu tố giúp cạnh tranh về chất lượng và về giá để giúp người học được quyền lợi cao nhất”, ông Tài nói.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Chương trình giáo dục mới: Học sinh lớp 1 sẽ làm gì cả ngày ở trường?
Nhiều nội dung tự chọn của lớp 1 năm học này sẽ trở thành bắt buộc của năm học tới, trong đó có việc dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh sẽ có trọn vẹn cả ngày ở trường nên Bộ GD-ĐT cũng buộc phải có những hướng dẫn phù hợp với yêu cầu mới này.
Học sinh lớp 1 tại TP.HCM bước vào năm học mới 2019 - 2020 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Học các môn tự chọn và tham gia hoạt động giáo dục
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 1 quy định tại chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gồm: tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn bao gồm tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1.
Ngoài ra, còn có các hoạt động giáo dục khác nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh (HS); các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương...
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: "Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động cho các nhà trường, kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt. Nhà trường chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các nội dung dạy học trên cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, phù hợp đặc điểm, đối tượng HS, điều kiện nhà trường và địa phương".
Ông Tài cũng nhấn mạnh: "Hiệu trưởng cơ sở giáo dục tiểu học chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, quản lý nội dung chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục".
Kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.
Tổ chức bán trú chuyên nghiệp hơn
Việc bắt buộc học 2 buổi/ngày còn kèm theo việc các trường sẽ phải tổ chức bán trú cho HS theo hướng chuyên nghiệp hơn, ông Tài cho hay dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đề cập đến việc tổ chức bán trú trong trường tiểu học.
Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của HS, cha mẹ HS và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên. Việc tổ chức hoạt động bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí... cho HS. Tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho HS.
Cho phép "câu lạc bộ" sau giờ học ?
Ông Tài cũng nêu thông tin đáng chú ý về việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cho phép tổ chức các hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày đối với các trường tiểu học (đây vốn là hoạt động chưa được thừa nhận ở bất cứ văn bản chỉ đạo nào của ngành - PV).
Ông Tài cho rằng hoạt động sau giờ học sở dĩ được Bộ đặt ra vì thực tế cho thấy đây là nhu cầu, sở thích của HS trong khoảng thời gian từ sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ đón về nhà. Căn cứ vào tình hình thực tế, các trường tiểu học có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để HS vui chơi, giải trí sau giờ học chính thức trong ngày.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hướng dẫn việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của HS, cha mẹ HS và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tổ chức các hoạt động này phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, theo đúng mục tiêu đã đề ra. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt, thực hiện theo quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Gần 14.000 trường tiểu học trên toàn quốc
Toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học (với 17.609 điểm trường), trong đó số trường tiểu học công lập là 13.735 (giảm 1.052 trường so với năm học trước) và 260 trường ngoài công lập; tỷ lệ trung bình trường tiểu học/xã là 1,25; tỷ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26; nhiều trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi).
Số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc đạt 66%, trong đó có 1.946 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 13,9%. Toàn quốc có 247.976 phòng học kiên cố, đạt 71,1%; vẫn còn trên 5% phòng học tạm và mượn.
Về đội ngũ giáo viên: cả nước có gần 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên biên chế gần 85% nên rất yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9% (ĐH và trên ĐH đạt 60%). Tỷ lệ giáo viên/lớp, bình quân cả nước đạt 1,38 giáo viên/lớp nên đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày.
Theo Thanh niên
Thanh Hóa: Trao tặng sách, đồ dùng học tập cho học sinh vùng lũ Quan Sơn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vừa trao tặng sách, vở cùng nhiều đồ dùng học tập cho học sinh vùng lũ Quan Sơn; học sinh là con gia đình thương binh, liệt sĩ; học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Đại diện NXBGD trao tặng 600 bộ SGK cho học sinh là con gia...