Đằng sau quyết định nghỉ học một năm của nữ sinh Việt tại ĐH Princeton danh tiếng
Du học không phải chỉ là bức tranh luôn tươi sáng mà vẫn có những góc tối và đoạn nghỉ cần thiết. Nhận được học bổng toàn phần của Princeton – trường đại học danh giá và tốt nhất nước Mĩ, song Trần Thùy Linh (sinh viên ngành Công nghệ Sinh học) có một chuyến du học “không chỉ toàn hoa hồng”.
Quyết định nghỉ học đưa ra trong vòng 48 giờ
“Em đã ở Đại học Princeton hai năm rưỡi. Em quyết định bảo lưu kết quả học tập và nghỉ học tám tháng chỉ sau hai ngày trước khi kết thúc học kì I của năm thứ ba. Năm sau em sẽ quay lại học và bắt đầu học lại năm thứ ba từ đầu”, Thùy Linh chia sẻ.
Nữ sinh 9X này sở hữu bảng thành tích ấn tượng: Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2014; Giải Nhất Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2015; Giải Nhất cuộc thi National Market Entry Plan Competition và là một trong sáu đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi “Thách thức Thương mại Quốc tế” (Junior Achievement FedEx Express International Trade Challenge). Không chỉ vậy, Linh đã đạt được chứng chỉ quốc tế với số điểm 116 TOEFL , 2380 SAT.
Trần Thùy Linh – sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Princeton.
Theo Linh, những ngày đầu sang Mĩ và học tập ở trường Princeton rất kì diệu. Trường đẹp, nhiều Giáo sư đạt giải Nobel, chương trình học quốc tế và các bạn xung quanh giỏi.
Nhưng với Linh, sự thích thú và cảm giác tuyệt vời biến mất khá nhanh, chỉ sau hai tuần. Học tập trong một môi trường mà xung quanh đều là những sinh viên xuất sắc, Thùy Linh đã từng tự ti vào chính bản thân mình. Các cuộc nói chuyện làm quen ban đầu giữa những người bạn dần nhàm chán và chỉ xoay quanh việc học, công việc.
Đã rất nhiều du học sinh học tập tốt, được cả học bổng, làm ở vị trí cao, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hầu hết các bạn đều gặp các vấn đề tâm lí như trầm cảm. Và Linh cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Thùy Linh nhớ lại “Em có dấu hiệu trầm cảm vào học kì I năm thứ nhất. Em nghĩ chuyện này không xảy ra với mình đâu. Điểm số ổn, cuộc sống không có vấn đề gì, bố mẹ ủng hộ, bạn bè vui vẻ. Mọi thứ rất bình thường nhưng vì một lí do nào đó có những ngày em không muốn rời khỏi phòng, không muốn nói chuyện với ai, không muốn ăn uống gì. Không phải thường xuyên nhưng có giai đoạn em như thế. Những giai đoạn ấy đeo đẳng em suốt hai năm”.
Thùy Linh (hàng đầu ngoài cùng bên trái) và các bạn tại Mĩ.
Vào thời điểm thi học kì I của năm thứ ba, ngày 13/1, một người bạn Linh quen hồi năm thứ nhất tự tử. Biến cố đó đã khiến em suy sụp và cảm xúc dường như xuống tận đáy.
“Ở đại học Princeton, sinh viên phải quyết định nghỉ học trước khi nộp các bài luận kết thúc học kì vào ngày 16/1. Khi đó, các bài luận của em đã hoàn thiện hết. Chỉ còn nộp nữa thôi.
Em cũng đã trải qua quá trình phỏng vấn, xin việc và được nhận thực tập tại một ngân hàng ở New York vào mùa hè”, Linh nói.
Nhưng cựu học sinh chuyên Anh trường Ams này nhận ra những khóa học em học ở kì vừa rồi chỉ là để phục vụ cho công việc, không phải con đường em muốn hướng tới.
Kì thực tập rất danh giá và sẽ giúp Linh có một công việc tốt khi tốt nghiệp nhưng nó đồng nghĩa với việc em sẽ phải ở trong một văn phòng mười ba hoặc mười bốn tiếng một ngày thậm chí cả cuối tuần.
Nhiều chuyện tích tụ lại làm Linh không biết làm gì khác ngoài nghỉ học để có thời gian cân bằng bản thân, hiểu về mình và tìm lại những cảm xúc tích cực.
Vẽ truyện tranh về trầm cảm
Video đang HOT
Sau khi về nước, em đã đi gặp bác sĩ để chữa bệnh trầm cảm. Em cảm thấy thay vì ở nhà mà đi làm ở một công ty nào đó có thể giúp cho mình nhanh khỏi bệnh nên Linh đã làm ở một công ty khởi nghiệp.
“Mọi thứ dường như đang rất tốt đẹp nhưng em lại quyết định nghỉ học. Nhiều người nói quyết định ấy của em thật điên rồ. Khi làm tại công ty khởi nghiệp, được nói chuyện với nhiều anh chị và cả sếp của mình, em được mở rộng tầm mắt và thấy rằng quyết định của em là một quyết định đúng đắn, dù cho nó có gây ra vấn đề gì nhưng miễn em cảm thấy thoải mái là ổn”, Linh tâm sự.
Không phải câu chuyện nào cũng dễ dàng được nói ra và thấu hiểu. Khi nghe Linh nói rằng bảo lưu, nghỉ học và ở Việt Nam tám tháng, bố mẹ Linh rất lo lắng. Linh cũng phải mất nhiều thời gian để bố mẹ hiểu quyết định của mình.
Linh đã từng không muốn nói vấn đề của bản thân cho bất kì ai. Nhưng khi Linh chia sẻ thì trái với suy nghĩ rằng mọi người sẽ không quan tâm, Linh lại nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và đồng cảm từ gia đình, thầy cô và bạn bè.
Là người trong cuộc, Linh biết có khá nhiều người mắc bệnh trầm cảm, chỉ là họ chọn cách giấu kín tự vượt qua hay là chia sẻ với người khác. Chính vì lí do đó, Thùy Linh đã vẽ một series truyện tranh để kể câu chuyện của mình và của những người mắc bệnh trầm cảm cho mọi người.
Thùy Linh làm truyện tranh “webtoon” kể về câu chuyện trầm cảm của chính bản thân mình.
Bộ truyện tranh mang tên”Nỗi buồn ngớ ngẩn” là một loạt truyện về các cuộc đấu tranh với bệnh tâm thần và những câu chuyện cười tự ti.
Bộ truyện với những hình vẽ ngộ nghĩnh nhưng ẩn chứa trong đó ý nghĩa và thông điệp sâu xa. Ngay từ chương một được ra mắt vào 6/6/2018 đã nhận được sự đón nhận và theo dõi của nhiều người.
Thời gian Linh nghỉ học cũng cho Linh được sống với đam mê nhiếp ảnh. Được ngắm nhìn, chụp lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống và của con người khiến Thùy Linh vui vẻ hơn.
Thùy Linh khẳng định: “Chuyện học ở những trường hàng đầu như đại học Princeton không liên quan nhiều lắm đến việc trầm cảm. Thực ra học ở trường nào cũng thế, có nhiều áp lực khác nhau dẫn đến bạn bị căng thẳng. Nếu được chọn lại, em vẫn sẽ chọn du học, vẫn sẽ chọn Princeton.
Trải nghiệm cuộc sống du học sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn rất nhiều, kể cả khi bạn buồn, bạn thất vọng, căng thẳng, trầm cảm thì đó đều là những thứ quý giá.
Không phải sợ khi bạn có những quyết định điên rồ vì điều quan trọng nhất là quyết định ấy khiến bạn hạnh phúc, thoải mái và thấy đó là điều tốt nhất cho mình”.
Qua câu chuyện của bản thân, Linh muốn nhắn nhủ với những bạn đã và đang du học: “Hãy tôn trọng và lắng nghe cảm xúc của mình, của người khác nhiều hơn.
Bệnh trầm cảm không trừ một ai. Em đã phớt lờ dấu hiệu của bệnh trầm cảm trong suốt hai năm và có những lúc, bệnh trầm cảm của em đã đến mức trầm trọng nhưng em vẫn không nói với phụ huynh, bạn bè và chính bản thân cũng từ chối rằng em đang bị trầm cảm.
Việc mình buồn ngày hôm nay thì hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu buồn cả một tuần dài, không muốn gặp ai, ăn không ngon thì thực sự là bạn nên mở lòng mình và tìm sự giúp đỡ từ người khác”.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Nam du học sinh Việt sở hữu thành tích đáng nể tại Singapore
Giành học bổng toàn phần của trường Saint - Joseph's Institution International khi còn là học sinh lớp 8, Đỗ Hoàng Nam Hiếu đã đi du học tại Singapore từ bậc trung học phổ thông. Em giành nhiều thành tích ấn tượng khi học tập tại quốc đảo sư tử.
Hướng đến trở thành công dân toàn cầu
Sinh năm 2000, Đỗ Hoàng Nam Hiếu hiện là học sinh lớp 12 trường Saint-Joseph's Institution International. Năm 2014, khi còn là học sinh lớp 8 trường Hà Nội - Amsterdam, Nam Hiếu được nhiều người biết đến là thí sinh nhỏ tuổi nhất giành học bổng toàn phần SJI (International) cho ba năm trung học phổ thông.
Trong dịp nghỉ hè về nước này, em là Trưởng Ban tổ chức hội thảo "Think Singapore". Tại đây, Hiếu và các bạn Việt Nam cũng đang sống và học tập tại đảo quốc sư tử cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bản thân cho các bậc phụ huynh và các em học sinh THCS về quá trình chuẩn bị thi học bổng, môi trường học tập và nền giáo dục ở Singapore cũng như những định hướng đại học sau này.
Nhận thức được tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, công cụ tiếp cận nguồn tri thức nhân loại, Nam Hiếu học tiếng Anh từ sớm và tham gia nhiều lớp học viết luận để có thể tìm được "chất văn" cũng như làm quen với cách viết báo cáo.
Hiếu chia sẻ: "Khi học tiếng Anh, kĩ năng đọc và viết nên được chú trọng. Đối với kĩ năng viết chính là tập viết truyện, viết nhật kí hoặc các bài cần trí tưởng tượng. Cái này vừa tốt cho chính bản thân vì sẽ tìm được giọng văn của mình, vừa tốt cho chuẩn bị thi học bổng bởi bài luận luôn yêu cầu là "creative writing" (viết sáng tạo).
Họ sẽ cho đề rất lạ và họ muốn ứng viên thể hiện cá tính qua cách trả lời cho đề bài ấy. Chính vì vậy, hãy luyện viết bằng cách cứ viết bằng tiếng Anh và nhờ các thầy cô sửa lỗi chính tả, ngữ pháp.
Với kĩ năng đọc, em nghĩ rằng nên luyện bằng cách đọc các quyển sách mình thích bằng tiếng Anh để vừa bổ sung vốn từ vừa học cách đọc hiểu".
Trong quá trình du học tại Singapore, cựu học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sở hữu loạt thành tích học tập đáng nể. Em giành huy chương Vàng kì thi Olympic Toán học Singapore (Singapore Mathematics Olympiad) Senior Round năm 2016, huy chương Bạc kì thi Olympic Toán học Singapore (Singapore Mathematics Olympiad) Open Round năm 2016.
Em từng lọt top 5% số người đạt điểm cao của cuộc thi Toán Fermat quốc tế dành cho lớp 11 (theo thống kê của ban tổ chức CEMC Center for Education in Mathematics and Computing, so sánh điểm thi của thí sinh với tất cả các thí sinh thi cùng) năm 2017 và là một trong 8 học sinh quốc tế được mời dự trại hè "Llyod Auckland Mathematics Workshop" của Đại học Waterloo ở Canada năm 2017. Điểm chuẩn hóa của Hiếu đạt tuyệt đối là: 36/36 ACT.
Tuy nhiên với Nam Hiếu, có lẽ hoạt động cộng đồng mới là thứ em tự hào nhất trong bộ hồ sơ cá nhân. Em thể hiện khả năng toàn diện của mình khi tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng.
Chàng trai 10X là hướng đạo sinh của chuyến hành trình mười ngày đi bộ 150 km và cắm trại tại Australia; trưởng nhóm hướng đạo sinh tình nguyện tổ chức hội trại "South Area Campfire" và "Scouts Leadership Campfire" ở Singapore.
Trong hội học sinh trường Saint-Joseph's Institution International, Đỗ Hoàng Nam Hiếu giữ chức vụ Phụ trách mảng xã hội học sinh.
Nam Hiếu nhận giấy chứng nhận xuất sắc được trao bởi thầy Renato Rainone cho đóng góp của em trong hội học sinh năm 2018.
Em là Tổng phụ trách của nhiều sự kiện trong trường như: "Secret Santa 2018" cho khóa học lớp 12, "Well-being Week" (tuần tổng hợp các sự kiện để giúp về các mặt khác nhau của học sinh như sức khỏe tâm lý, sức khỏe thể chất,...), "Hair for Hope" (cạo tóc để nâng cao ý thức và quyên góp tiền cho người bị bệnh ung thư), "Blood Drive" (hiến máu từ thiện), "Welcome Week" (Induction Week).
Đặc biệt, có mong muốn đem kiến thức đến những trẻ em khó khăn, Nam Hiếu là "giáo viên" dạy Toán và tiếng Anh tại trung tâm Lasallian (lasallian mentoring); tình nguyện viên ở AlphaJoy.
Với niềm đam mê dành cho âm nhạc, em tham gia câu lạc bộ Gamelan (câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Indonesia) để học hỏi về cách chơi các nhạc cụ khác nhau của Indonesia và là thành viên biểu diễn tại các sự kiện của trường như"Lễ kỉ niệm sinh nhật 10 năm", "Racial Harmony Day" (Ngày hòa hợp chủng tộc).
Ít ai biết rằng, Nam Hiếu còn chơi ghi ta. Dù tự nhận là chưa đủ giỏi để tổ chức hòa nhạc chuyên nghiệp nhưng em và các bạn trong câu lạc bộ Key đã giúp gây quỹ từ thiện cho một nhân viên trong trường tên là Auntie Jamaliabằng cách bán bánh và hát rong để cô có đủ tiền chi trả viện phí. Cô bị tai nạn nghiêm trọng trong khi cô lại là trụ cột của gia đình.
Theo Hiếu, thông qua việc học tập và sinh hoạt ngoại khóa, ba năm ở Singapore đã mở mang đầu óc của em về văn hóa các nước khác nhau, giúp em dần trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa.
Trưởng thành từ việc du học sớm
Nam du học sinh Việt tại Singapore nhớ lại về những khó khăn trong việc thích nghi, đặc biệt là vấn đề cô đơn trong một vài tuần đầu du học tại một môi trường hoàn toàn khác so với Việt Nam cùng với nỗi nhớ gia đình, nhớ bạn bè thầy cô cũ.
Du học từ khi là cậu bé 16 tuổi, không có sự hỗ trợ thường trực từ người thân, Đỗ Hoàng Nam Hiếu phải tự lập hơn các bạn đồng trang lứa. Có rất nhiều vấn đề xảy ra đòi hỏi em tự lực cánh sinh xoay xở, làm dần một mình sẽ quen. Em đã vượt qua điều này bằng cách tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của trường để hòa nhập nhanh vào văn hóa mới và làm quen được với nhiều người bạn mới.
Trường học, thầy cô thường tạo nhiều hoạt động giúp học sinh sớm hòa nhập, thích nghi với môi trường mới, bạn bè mới. "Challenge week" (Tuần thử thách) là một điểm như thế của Saint-Joseph's Institution International. Ở tuần thử thách, tất cả học sinh trong trường đều có một chuyến đi bắt buộc. Học sinh phải làm việc nhóm với nhau để lập kế hoạch cho một tuần tình nguyện ở nước ngoài. Các nhóm tự phân công công việc cho mỗi người: đặt vé máy bay, đặt chỗ ở, liên hệ nơi tình nguyện,...
Điều đặc biệt của thử thách này là chuyến đi được hỗ trợ kinh phí 100% nhưng tất cả phần chuẩn bị không có sự giúp đỡ của giáo viên. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ đồng ý hoặc từ chối kế hoạch của các nhóm.
Nam Hiếu cho rằng, chuyến đi đến Campuchia ở tuần thử thách là trải nghiệm đáng nhớ nhất của em. Bốn ngày nhóm Hiếu dành dạy tiếng Anh và Toán cho trẻ em mồ côi của trường Savong tại Siem Reap. Được chứng kiến muôn mặt cuộc sống ở khắp mọi nơi, em nhận ra những mặt trái của xã hội mà em không thể thấy khi chỉ biết học tập và sinh sống tại một quốc gia phát triển như thành phố Singapore.
Nam Hiếu (áo xám ở giữa) trong chuyến đi tình nguyện tại Campuchia năm 2017.
Nam Hiếu bên gia đình.
Chị Phạm Thúy Dung (mẹ của Đỗ Hoàng Nam Hiếu) chia sẻ lời khuyên cho các bậc phụ huynh có ý định cho con du học từ bậc trung học phổ thông: "Lo lắng chung của các ông bố bà mẹ khi con du học sớm thường sợ con chưa tự chủ được cuộc sống của mình, con có thể quên mất văn hóa gia đình, quên mất văn hóa Việt Nam và sang nước ngoài con có thể bị cuốn theo các nền văn hóa mà con chưa đủ trưởng thành để xác định được đâu là đúng, đâu là sai.
Ý định đi du học không nên chỉ là ý định của bố mẹ mà bố mẹ phải làm sao chuyển ý định đó thành mơ ước của chính con. Khi con đã có mơ ước, có đam mê thì con sẽ xác định mục tiêu cho mình và nỗ lực phấn đấu thực hiện.Bố mẹ chỉ là người đồng hành, dẫn dắt để làm sao giúp con thực hiện được mục tiêu đó.
Hơn nữa, nên mạnh dạn động viên con tham gia nhiều hoạt động xã hội, trải nghiệm nhiều để con có kinh nghiệm, biết trân quý những điều hiện tại, có lòng yêu thương chia sẻ với cộng đồng. Các bố mẹ hãy luôn khơi gợi để con tự tin vào khả năng của mình, hãy là những người bạn bên cạnh con. Cuối cùng, các ông bố bà mẹ hãy giữ tâm lí thật thoải mái để trưởng thành cùng con".
Về dự định tương lai, Nam Hiếu chia sẻ rằng, sau ba năm học phổ thông Singapore, em sẽ theo ngành Applied Maths (Toán ứng dụng), Kinh tế học hoặc Actuarialtại Đại học ở Mĩ.
"Sau khi theo học ở Mĩ (kể cả học các bằng sau đại học), em sẽ quay về Việt Nam làm việc. Một phần là bởi vì nó gần với gia đình, mặt khác do em mong muốn sẽ dùng những kiến thức đã được học ở nước ngoài để ứng dụng phù hợp cho nền kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập hóa và phát triển hơn.
May mắn được du học từ sớm, tiếp cận với nền giáo dục tân tiến và chứng kiến tận mắt sự thành công của các cường quốc càng làm em khát khao xây dựng quê hương, đất nước mình", Đỗ Hoàng Nam Hiếu tâm sự.
Hồng Vân
Ảnh: NVCC
Theo Dân trí
Nữ sinh 'nhút nhát' có điểm cao ngành Luật kinh tế Bạn bè không ai nói ra nhưng không ít người muốn ngăn cản khi biết Trần Thị Kim Ngân đăng ký học ngành Luật kinh tế. Góc học tập nhỏ tại Thư viện ĐH Duy Tân là nơi yêu thích của Trần Thị Kim Ngân sau giờ học trên giảng đường Lý do đơn giản - chỉ là không ai tin nổi một...