Đằng sau những bài kiểm tra
Chúng ta đều biết rằng những giờ kiểm tra sẽ giúp chúng ta “duyệt” lại kiến thức đã được học. Sau những tiết trả bài, không khí lớp luôn rơi vào tình trạng căng thẳng: buồn có, vui có, thất vọng, hài lòng cũng có … Tất cả đều được thể hiện qua từng con điểm của thầy cô.
Không khí lo lắng bao trùm cả lớp
Hồi hộp, lo sợ không biết thầy cô ra đề có dễ không? Có trúng phần mình ôn tập không?… Sau khi đã hoàn thành bài của mình thì lại tiếp tục hồi hộp, lo sợ mình có làm đúng không là tâm trạng ở hầu hết các teen. Cứ sau mỗi lần như thế nỗi thất vọng, sợ hãi hay vui sướng đều hiện hữu trên gương mặt từng teen. Nhiều teen làm bài được thì hớn hở, vui sướng còn những teen không may mắn thì buồn rầu, chán nản. Không ít nước mắt teen rơi sau những bài kiểm tra như thế.
Một thực tế cho thấy sau những bài kiểm tra ai nấy cũng đều rất lo sợ, nhiều teen chạy khắp lớp hỏi đáp số và thẩn thờ trở về với khuôn mặt rầu rĩ: “Mày ơi bài đó tao làm sai rồi”, rồi có nhiều bạn chạy tung tăng vì mình đã làm đúng. Khi đó nhiều teen không phải nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ bạn đó làm đúng mà thay vào đo là ánh mắt ghen tị.. Những lúc đó thật sự là những giây phút thăng hoa của hạnh phúc và đồng thời cũng là những phút thất vọng, chán nản
Nhiều teen lo lắng đên độ ngất xỉu khi thầy cô đọc điểm. Tay thì cầu khấn, mắt thì chăm chú nhìn, tai thì lắng nghe một cách cao độ… tất cả mọi giác quan đều được huy động tối đa. Trống ngực đập liên hồi, mồ hôi tuôn ra, chân tay run cầm cập … là biểu hiện của nhiều teen. Nếu như chúng ta chăm chỉ học hành thì chắc chắn sẽ tự tin bài làm của ta sẽ đạt điểm cao. Còn nếu không thì teen phải đối diện với cảm giác lo âu như vậy trong nhưng tiết học sau này.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Những cuộc chiến ngầm
Không phải teen nào cũng hài lòng với kết quả mình đạt được, một số bạn cứ quan niệm rằng mình phải hơn tất cả mọi người là mới giỏi. Cứ như thế sau mỗi lần phát bài kiểm tra là cả lớp cứ như cái chợ vỡ, người này mượn bài người nọ rồi đối chiếu, so sánh, cố gắng tìm ra lỗi nhỏ nhất để lên kiện thầy cô. Không khí lớp cứ nhốn nháo cả lên nhiều teen í ới hỏi điểm số nhau rồi khi biết mình thấp điểm hơn thì giận dỗi vô cớ
D (teen 11): “Sau mỗi bài kiểm tra thì tớ hay hỏi điểm mấy nhỏ bạn, không biết có phải là do thói quen không nhưng khi biết nó hơn điểm mình thì thấy khó chịu, tức tối lắm. Khi biết mình cao điểm thì tự dưng thấy dễ chịu lắm, cảm giác vui sướng lắm.”
Cũng như D, K cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chính vì thói quen cạnh tranh như thế này mà sau một thời gian K đã bị bạn bè tẩy chay. Cứ mỗi lần phát bài ra là cô bạn chạy đi hỏi từng người trong lớp để biết người nào hơn điểm, thua điểm mình, tỉ lệ bao nhiêu. Có khi thầy cô chấm nhầm một tí rồi K đem bài bạn kia lên kiện, cứ tưởng đâu thầy sẽ cho điểm mình thêm nhưng thầy lại trừ điểm bạn kia. Chỉ một phút như thế K đã đánh mất tình bạn hơn 2 năm gắn bó.
Nhiều teen cứ cho rằng cứ hơn điểm người khác là sẽ giỏi nhưng teen lại chỉ chú trọng vào việc soi mói những điểm số của bạn mình, cố tìm những chỗ sai để kiện thầy cô. Những cuộc chiến tranh giành điểm số này tường xuyên diễn ra trong lớp học. Ban đầu nhiều teen cứ vô tư không để ý nhưng càng về sau thì mức độ của nó càng nghiêm trọng. Những tình bạn, tình đoàn kết trong lớp cứ thế mà lần lượt tan vỡ vì một lí do rất vô lý.
Teen hãy tự tin vào bài làm của mình, nếu mình chăm học và có thực lực thì chắc chắn mình sẽ thành công. Teen không nên tranh giành từng con điểm vì điểm số không đánh giá chính xác được năng lực của từng người. Những người thật sự thành công chắc chắn sẽ không cạnh tranh một cách vô lý như thế mà thay vào đó là cạnh tranh một cách công bằng. Kiến thức chúng ta học được phải do ta tích lũy được, không nên tính toán vì như thế teen sẽ gây mất lòng mọi người.