Đảng Cộng hòa cuống quít cứu vãn ‘vạ miệng’ của Donald Trump
Những phát ngôn gây bức xúc liên tiếp của ông Trump khiến các thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa phải vội vàng tìm cách can thiệp.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: NBC
Ngay trong tuần đầu tiên được đề cử làm ứng viên đại diện đảng Cộng hòa thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã liên tiếp có những phát ngôn đầy tai hại, theo NBC.
Ông Trump đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận, đặc biệt là những người lính đã và đang phục vụ trong quân đội Mỹ sau khi đưa ra những lời lẽ bị coi là xúc phạm gia đình một đại úy hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Iraq. Tổng thống Pháp Francois Hollander thậm chí còn cho rằng những phát biểu của ông Trump là “buồn nôn”.
Hôm 3/8, cựu nghị sĩ Joe Scarborough, người dẫn chương trình của đàiMSNBC, tiết lộ rằng trong một cuộc trao đổi ngắn với một chuyên gia đối ngoại quốc tế, ông Trump đã hỏi đi hỏi lại rằng tại sao nước Mỹ không sử dụng những vũ khí hạt nhân mà họ có. Theo Scarborough, thực tế này chứng tỏ ông Trump không hề có nhận thức chuyên sâu về chính sách đối ngoại, và thế giới có thể nghi ngờ chính sách hạt nhân của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Những lần “vạ miệng” của ông Trump như vậy đã khiến các quan chức chủ chốt của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Reince Priebus, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani và cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich phải bắt đầu một nỗ lực “tái khởi động” nhằm cứu vãn chiến dịch tranh cử của tỷ phú.
Bộ ba này đã quyết định trở thành những nhà cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, dù nỗ lực này mới chỉ ở giai đoạn đầu và cần đến sự hỗ trợ từ ba người con của tỷ phú, vốn đang đóng vai trò là các cố vấn thân cận nhất của ông. Hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ sẵn lòng lắng nghe lời khuyên từ các “cố vấn bất đắc dĩ” này đến mức nào.
Nỗ lực này được đưa ra trong bối cảnh các đảng viên Cộng hòa ngày càng công khai thể hiện sự giận dữ trước những lời phát ngôn không chỉ gây hấn với người ngoài mà còn chọc giận cả “người nhà” của ông Trump.
Video đang HOT
Trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Trump đã gây sốc khi tuyên bố chưa sẵn sàng ủng hộ Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thượng nghị sĩ John McCain, hai trong số những quan chức cấp cao nhất của đảng Cộng hòa, trong các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với lời khẳng định của ứng viên phó tổng thống Mike Pence, thể hiện sự chia rẽ giữa hai người.
Hậu quả là mới đây, ông Richard Hanna đã trở thành nghị sĩ đảng Cộng hòa đầu tiên công khai tuyên bố sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khi cáo buộc ông Trump “không phù hợp để làm tổng thống”. Một loạt nữ đảng viên Cộng hòa khác như Sally Bradshaw, Maria Comella và Meg Whitman, giám đốc điều hành hãng Hewlett Packard, cũng đã công khai đưa ra tuyên bố tương tự.
Bình chân như vại
Theo một nguồn tin thân cận trong đảng Cộng hòa, kế hoạch can thiệp của các lãnh đạo chủ chốt của đảng vào chiến dịch tranh cử của ông Trump là “có thật và đáng ra phải làm từ lâu”, nhằm thuyết phục tỷ phú giảm bớt giọng điệu trong các bài phát biểu, cũng như thể hiện sự tôn trọng nhất định đối với những thành viên trụ cột của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, các nguồn tin cũng thừa nhận rằng những đảng viên chủ chốt của đảng Cộng hòa đang trải qua cảm giác bất lực trước thực tế “chúng ta không thể làm gì, không ai có thể làm được gì lúc này” để có thể thay đổi được phong cách tranh cử của ông Trump.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa ngày càng lo sợ một thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, khi ứng viên đảng Dân chủ Clinton đang lôi kéo, vận động chính các đảng viên Cộng hòa ủng hộ mình. Họ càng lo lắng hơn trước thực tế bà Clinton đang vận hành một bộ máy tranh cử có nguồn tài chính dồi dào và hoạt động vô cùng tích cực ở những bang quan trọng. Bộ máy đó đang guồng hết sức để tấn công vào những khu vực từng là “lãnh địa” của đảng Cộng hòa như bang Utah và Georgia. Dường như đảng Dân chủ đã nhìn ra lợi thế tiềm tàng tại các bang này từ những lời nói gây chia rẽ do ông Trump gây ra.
Có vẻ như tỷ phú và các thành viên trong bộ máy tranh cử của mình cũng đã nhận ra sự bất mãn ngày càng lớn trong nội bộ đảng Cộng hòa, nhưng ông vẫn “bình chân như vại”. Sáng qua, tỷ phú vẫn khẳng định trên Twitter rằng chiến dịch của ông vẫn cực kỳ đoàn kết, thậm chí là còn đoàn kết hơn trước. “Tôi muốn cảm ơn mọi người vì sự ủng hộ to lớn của các bạn. Hãy đánh bại H Gian xảo!”, ông viết.
Paul Manafort, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, tuyên bố rằng đội ngũ của họ vẫn đang đi đúng hướng, và đổ lỗi cho truyền thông cũng như đối thủ Clinton tìm cách gièm pha tỷ phú. Manafort khẳng định điều duy nhất họ cần lúc này là sự can thiệp nhằm chấm dứt việc các hãng truyền thông liên tục “nói những điều không đúng sự thật”.
“Chúng tôi được tổ chức tốt, chúng tôi đang tiến lên và bộ máy của Clinton có thể không thích điều đó, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến”, ông Manafort khẳng định.
Thế nhưng có vẻ như một số cử tri đảng Cộng hòa lại không nghĩ như vậy. Trả lời phỏng vấn CNN, Adam Kinzinger, một cựu binh không quân từng ủng hộ nhiệt thành cho ông Trump, đã phải ngán ngẩm lắc đầu “Tôi chỉ không thấy phải bầu cho Donald Trump nữa”.
Trí Dũng
Theo VNE
Trump sẽ rắn về kinh tế, buông về an ninh nếu làm tổng thống Mỹ
Nếu trở thành tổng thống Mỹ, Donald Trump có thể thay đổi chính sách thương mại và an ninh đối với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tỷ phú Mỹ Donald Trump đã chính thức trở thành đại diện của đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng. Ảnh: The Republic
"Rất có thể, nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới đặt các lợi ích kinh tế lên trên lợi ích an ninh trong quan hệ quốc tế. Điều đó sẽ dẫn tới thay đổi cả trong quan hệ quốc tế, giữa các nước lớn với nhau", Phó giáo sư, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nói với VnExpress về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ứng viên Donald Trump thắng cử.
Theo ông Lợi, đến nay ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa chưa có bình luận về chính sách tái cân bằng sang châu Á, có thể do tỷ phú Mỹ đang cân nhắc, tính toán lại chính sách theo cách mới của ông. Hoặc có thể đây không phải là ưu tiên trong chính sách của ông Trump.
Chuyên gia này đánh giá Mỹ đang phải đối diện với nhiều vấn đề trong nước nên có thể chính sách tái cân bằng châu Á chưa phải mối quan lớn của tỷ phú Mỹ. Các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của ông chưa có bình luận nào về Biển Đông, "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
"Ông Trump không nói về các thách thức an ninh mà nhấn mạnh đến những thách thức kinh tế. Quan điểm của ông là các nước phải tự gánh vác lấy, và dưới con mắt của nhà kinh doanh, các đồng minh phải chi nhiều tiền hơn để có sự hỗ trợ của Mỹ. Điều đó phản ánh các vấn đề an ninh châu Á và thế giới không quan trọng bằng các vấn đề trong nước. Do đó, nếu không quá cấp bách thì nó không phải ưu tiên", ông Lợi nói.
Đề cập tới hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không của Mỹ ở Biển Đông thời gian tới, ông Lợi cho rằng Washington sẽ vẫn tiếp tục nhưng việc này không phải là ưu tiên. Mức độ tuần tra của Mỹ cũng sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc nữa và xu hướng chung là duy trì nguyên trạng ở Biển Đông.
Với quan hệ Mỹ - Trung, Phó giáo sư Lợi nhận định ông Trump sẽ gây sức ép về kinh tế với Bắc Kinh, có thể sẵn sàng trừng phạt do một số nguyên tắc chơi không bình đẳng như an ninh mạng, tỷ giá hối đoái. Tỷ giá Trung Quốc đưa ra tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu khiến một số nhà đầu tư không được hưởng lợi tại Mỹ. Hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có thể phải chịu mức thuế cao, thậm chí lên đến 30%.
"Nhìn chung quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại chính sẽ trở nên xấu hơn, tuy nhiên phần lớn các hạn chế nêu trong Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa sẽ không được áp dụng", chuyên gia Derek M. Scissors của Viện doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute - AEI), trao đổi qua email với VnExpress.
Ông Scissors đánh giá nếu trở thành tân tổng thống Mỹ ông Trump sẽ hướng tới việc chứng tỏ rằng mình là một nhà đàm phán "rắn" hơn so với Tổng thống Obama và dùng uy quyền của một cường quốc để áp đặt các hạn chế thương mại. Mexico có thể nằm đầu danh sách, tiếp đó là Trung Quốc. Tuy nhiên các hạn chế thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) thì không có thay đổi gì. Câu hỏi là các nước có thay đổi chính sách của họ nếu như Mỹ thay đổi hay không. Nếu Mỹ ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cố xuất chúng tới các thị trường khác và những nước này cũng có thể chặn hàng của Trung Quốc.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chuyên gia người Mỹ có cái nhìn khá bi quan, rằng nó sẽ không được thông qua. Khi đó cả Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác ở châu Á sẽ cần phải tính đến các thỏa thuận song phương. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chỉ mang tính ngoại giao mà ít có giá trị kinh tế kể cả khi nó được hoàn thiện.
"Rõ ràng, các nền kinh tế quan trọng nhất để Việt Nam tiếp cận là Nhật Bản và Mỹ. Một thỏa thuận song phương sẽ dễ đạt được hơn, đặc biệt là với các điều khoản của TPP làm nền tảng", ông Scissors nói.
Cùng chia sẻ quan điểm tỷ phú Mỹ Trump không "nhiệt tình" với TPP, ông Cù Chí Lợi cho rằng các vấn đề về TPP có thể sẽ kéo dài hơn, việc thông qua sẽ gặp khó khăn hơn nhưng Mỹ sẽ không bác bỏ hoàn toàn, có thể Mỹ sẽ yêu cầu các nước liên quan thảo luận lại.
"Ông Trump từng nói chính sách của Mỹ là dễ dự đoan, như thế không có lợi cho nước này. Cho nên các phát biểu của ứng viên này có thể nằm trong tư duy 'không lộ bài'. Tuy nhiên, các ứng viên tranh cử thường có xu hướng nói mạnh hơn và làm ít hơn trên thực tế", ông Lợi nói.
Việt Anh
Theo VNE
Donald Trump bị kẹt trong thang máy trước giờ phát biểu Ứng viên đảng Cộng hòa đã được giải cứu kịp thời trước khi có bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử tại bang Colorado. Ông Donald Trump. Ảnh: AFP Chiếc thang máy tại khu nghỉ dưỡng A Wyndham Grand Hotel and Spa gặp sự cố chiều ngày 29/7, khiến ông Trump và 9 người khác trong nhóm tùy tùng bị kẹt bên...