Đăng ảnh người khác lên mạng xã hội để đòi nợ có bị xử lý hình sự?
Trường hợp chủ nợ tự ý lấy ảnh người vay đăng lên Facebook, Zalo… nhằm gây áp lực, ép buộc trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng với nội dung đòi nợ kèm hình ảnh của người vay, nhằm gây sức ép, “khủng bố” tinh thần người vay nợ.
Một số trường hợp còn sử dụng hình thức “chạy quảng cáo” để những thông tin này được lan truyền rộng rãi. Nhiều nạn nhân trong trường hợp này thậm chí không phải người vay, họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay. Bởi khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người vay phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè… để tham chiếu.
Đến khi người vay không trả được nợ, các app hoặc công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân của những người vay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị gọi điện đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh… đăng lên mạng xã hội để ép trả nợ thay cho người vay.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi gặp phải những trường hợp này, có thể thực hiện các biện pháp tố cáo với cơ quan công an hoặc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi người tự ý đăng ảnh cư trú, làm việc.
Nạn nhân bị đăng ảnh lên mạng xã hội cần ghi nhận lại bằng cách chụp ảnh màn hình, quay video những bài viết đó để lưu lại bằng chứng, ngăn ngừa các đối tượng chỉnh sửa, gỡ bài, xóa bài và cũng để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ giải quyết vụ việc.
Đề cập về vấn đề pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Việc vay tiền người khác đã trở thành thứ yếu, diễn ra với rất nhiều hình thức như: Vay tiền mặt, qua app…
Nhưng đến hạn không trả, có không ít chủ nợ đã đăng ảnh người vay hay người thân của họ lên mạng để đe dọa, ép buộc trả. Không chỉ có vậy, có chủ nợ xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín người vay và gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Video đang HOT
Từ những thông tin nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình phân tích: “Ở khoản 1 điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trong khoản 1 điều 20 Hiến pháp và khoản 1 điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thì mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín và được pháp luật bảo vệ.
Do đó, việc đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội để đòi nợ mà không có sự đồng ý hay xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ được xem là hành vi vi phạm pháp luật và đáng bị lên án.
Nên tùy theo tính chất và mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm còn có trách nhiệm xóa, gỡ bỏ thông tin tiêu cực, buộc xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, tại điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định số 08/VBHN/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể xử lý theo điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể: Điều 155 của Bộ luật này quy định về tội làm nhục người khác có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu và cao nhất là 5 năm tù giam.
Điều 156 quy định về tội vu khống (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng và cao nhất là 7 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Theo luật sư Bình, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị đăng ảnh trái phép lên mạng xã hội cần trình báo ngay tới cơ quan chức năng giải quyết.
Hành hạ dã man như thời trung cổ trên tàu cá: Bị hại không dám kiện, vẫn phải khởi tố
Vụ việc hành hạ dã man thuyền viên xảy ra từ tháng 5/2022, người bị hại đã làm đơn trình báo đến cơ quan có thẩm quyền nhưng không đề nghị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các đối tượng hành hạ người khác cần phải bị xử lý, trừng trị theo quy định pháp luật
Thời gian vừa qua, mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh người đàn ông mặt sưng húp, chảy máu đang bị nhóm người khác hành hạ bằng cách dùng kìm bấm vào môi, ngón tay và hạ bộ... mặc cho nạn nhân đau đớn thét lên, van vỉ xin tha. Sự việc được cho là xảy ra trên một tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang đang hoạt động ngoài biển.
Nạn nhân bị một nhóm người lấy kìm bấm vào ngón tay cái. (Ảnh cắt từ clip)
Theo lãnh đạo địa phương trả lời báo chí, vụ việc xảy ra từ tháng 5/2022, lực lượng chức năng xác định có 2 người bị hành hạ là Trương Văn Trung (47 tuổi) và Lê Văn Bình (38 tuổi). 2 bị hại đã tới Công an thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trình báo vụ việc bị đánh gây thương tích trên ghe biển, nhưng không yêu cầu xử lý hình sự mà chỉ yêu cầu bồi thường. Sau đó, 2 bên tự thỏa thuận; chủ tàu và người đánh đã bồi thường cho các nạn nhân.
Theo thông tin ban đầu, ông Trung bị các đối tượng Nguyễn Công Toàn (con ruột chủ tàu - tài công), Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng (thuyền viên) đánh gây thương tích. 3 người này đã dùng kìm bấm vào ngón tay, bẻ gãy 04 cái răng, đánh dập môi và gối chân phải.
Còn anh Bình bị các đối tượng Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải, gãy một cái răng. Nạn nhân đều không dám nói tên người đánh. Sau đó, các đối tượng này hăm dọa nạn nhân không được khai báo khi tàu cập bờ.
Hành động dã man của những người trên tàu cá gây phẫn nộ. (Ảnh cắt từ clip)
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Lê Hằng (Công ty Luật TAT LAW FIRM) cho rằng: "Với các tình tiết, diễn biến sự việc xảy ra theo như báo chí đăng tải, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Do vậy, cơ quan điều tra cần đưa người bị hại đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Sau khi có kết luận giám định, nếu trường hợp tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại dưới 11%, nhưng vì các đối tượng thực hiện hành vi có tình tiết định khung là có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm thì vẫn các đối tượng vi phạm vẫn có thể bị khởi tố.
Cần xem xét khởi tố "Tội hành hạ người khác"
Theo luật sư Hằng, trong vụ việc này, nếu những người bị hại từ chối giám định thì các đối tượng thực hiện hành vi tàn ác trên tàu cần phải được xem xét xử lý về "Tội hành hạ người khác" theo Điều 140 BLHS vì những người bị hại là người làm công, lệ thuộc gia đình đối tượng Nguyễn Công Toàn (con trai chủ tàu cá).
Phân tích thêm về vụ việc, nữ luật sư bày tỏ quan điểm: "Với những hành vi mà các đối tượng Toàn, Tỵ, Hùng thực hiện đối với người bị hại theo thông tin báo chí đăng tải thì có thể nhận định rằng, những đối tượng này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Do vậy cần phải bị xử lý, trừng trị theo quy định của pháp luật, qua đó nhằm đảm bảo tính giáo dục và tính răn đe chung, tránh trường hợp các đối tượng này tiếp tục hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác".
Luật sư Lê Hằng trao đổi với PV Infonet về vụ việc.
Có một tình tiết đáng chú ý là vụ việc đã xảy ra từ tháng 5/2022, sau đó người bị hại đã làm đơn trình báo đến cơ quan có thẩm quyền nhưng lại không đề nghị xử lý hình sự.
Cơ quan Công an không biết vì lí do gì lại không đưa người bị hại đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể để làm cơ sở khởi tố vụ án; hoặc trong trường hợp nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại dưới 11% theo quy định của khoản 1 Điều 134 BLHS thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự việc đã được đăng tải lên các mạng xã hội, như vậy đã thu hút sự quan tâm của người dân. Do vậy, việc xử lí chưa triệt để, không tới nơi tới chốn của các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực thi pháp luật, kịp thời trấn áp tội phạm của các cơ quan chức năng.
"Tôi đề nghị, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần khắc phục, xử lí vụ việc một cách nghiêm túc hơn", luật sư nói.
Sự thật về clip 'ngư dân bị tra tấn trên biển' ở Cà Mau Chuyện hành hạ là có thật, xảy ra từ tháng 5-2022 và hiện Công an huyện Trần Văn Thời đang thụ lý giải quyết. Ngày 17-11, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời đã có báo cáo toàn bộ sự việc liên quan clip ngư dân hành hạ ngư dân mà mấy ngày qua dư luận quan tâm. Hình ngư dân tra tấn...