Dân trí Việt Nam cao hay thấp?
Sau sự kiện 4 nông dân ở Đồng Tháp thiết kế thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, ít ai dám đánh giá nông dân có dân trí thấp; dân số đã qua đào tạo những năm qua đã tăng đáng kể
Theo một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong vòng 50 năm qua, số sinh viên đại học ở các quốc gia phát triển tăng gần 200%. Khảo sát này cũng liệt kê danh sách 10 quốc gia có cư dân học thức nhất trên thế giới. Đứng đầu là Canada với 50% dân số có bằng đại học, tiếp đến là Israel với 45%, Nhật Bản đứng hàng thứ ba với 44%… Xếp ở vị trí thứ 10 là Phần Lan với 37% dân số có bằng đại học.
Đọc những con số trên, hẳn nhiều người không khỏi liên hệ đến vấn đề dân trí. Mặc dù dân trí một nước không chỉ gồm yếu tố học thức nhưng học thức dù sao cũng là một trong những yếu tố quan trọng, nếu không nói là then chốt cho việc nâng cao dân trí.
Ở ta thì sao? Vào tháng 9-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đó, đến năm 2020, tỉ lệ đi học đúng độ tuổi ở THCS là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT hoặc tương đương. Tỉ lệ sinh viên/10.000 dân vào khoảng 256. Trước đó 10 năm, vào năm 2003, cả nước mới có khoảng 768.000 sinh viên, đạt tỉ lệ 118 sinh viên/10.000 dân, chiếm tỉ lệ 4% trong độ tuổi thanh niên, tăng 25% so với năm 1998. Như vậy, từ năm 2003 đến 2013 và nhìn đến 2020, đã có một sự phát triển vượt bậc về tỉ lệ sinh viên trên số dân.
Video đang HOT
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM trong ngày tốt nghiệpẢnh: TẤN THẠNH
Tất nhiên, vấn đề còn là chất lượng sinh viên ra trường, chất lượng đào tạo nhưng không thể không thấy dân số đã qua đào tạo ở tất cả các cấp những năm qua đã tăng đáng kể, góp phần nâng cao nền tảng dân trí nước ta. Đó là chưa kể, từ ngày đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, số sinh viên Việt Nam du học ở các nước phát triển tăng cao, nhiều người tốt nghiệp trở về với tri thức và kỹ năng tiên tiến, người dân cũng được dịp tiếp xúc với nền văn minh trên thế giới, mở rộng tầm nhìn so với thời đất nước còn đóng cửa. Vậy thì khó mà nói rằng so với nhiều thập niên trước đây dân trí nước ta còn rất thấp!
Cách đây mấy ngày, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, 4 nông dân là ông Huỳnh Thiện Liêm, Nguyễn Văn Dũng, Thái Văn Hoàng, Huỳnh Văn Trăng đã sáng chế chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời. Thuyền có kết cấu khá đơn giản gồm 2 tấm pin năng lượng mặt trời, 2 bình ắc-quy để nạp năng lượng, động cơ 5 số tới và 2 số lùi. Hễ trời nắng thì thuyền sẽ chạy chứ không cần đợi nạp năng lượng. Trường hợp đang chạy mà tắt nắng thì động cơ sẽ sử dụng năng lượng tích trữ trong bình ắc-quy. Đơn giản vậy nhưng có ai nghĩ tới, có mấy ai sáng chế và sản xuất cho nông dân?
Dĩ nhiên, đây đó, lúc này lúc khác ta vẫn còn phải chứng kiến những hành vi thể hiện một trình độ dân trí chưa cao của không ít người Việt như nạn trộm cắp, nạn xả rác bừa bãi, thiếu tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, làm việc thiếu kỷ luật, năng suất chưa cao… Nhưng đó có lẽ là những tồn tại của một thời kỳ dài cần thêm thời gian nữa để gột rửa. Còn lại, phải thừa nhận rằng dân trí bây giờ không “thấp” như nhiều người nghĩ…
Đừng áp đặt “quan trí” vào “dân trí”!
Dân trí Việt Nam cao hay thấp, như thế nào là cao, như thế nào là thấp, lấy tiêu chí nào để đo, lấy dân trí nước nào để so… là cả một vấn đề lớn mang tầm quốc gia, một cá nhân không thể phán theo cảm tính.
Xét về tiêu chí giáo dục, Việt Nam đã phổ cập bậc tiểu học, sinh viên đại học đạt tỉ lệ cao trên đầu người, hằng năm có hơn 400.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong nước, chưa kể tốt nghiệp từ các nước khác. Giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của Việt Nam cao nhất trong khu vực, cho dù không có nhiều công trình khoa học như các nước nhưng xét học hàm, học vị, Việt Nam có thừa.
Xin hỏi học hành như thế, dân trí Việt Nam cao hay thấp?
Xét về mặt lý luận, Việt Nam thống nhất đất nước đã 40 năm, lực lượng lao động thuộc độ tuổi dân số “vàng” chiếm đa số trên tổng dân số đều lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, không thể dân trí không cao. Cho nên nói dân trí hiện nay thấp rất không thuyết phục.
Đặt trường hợp nếu dân trí chưa cao bằng các nước tiên tiến thì bằng cách nào để cải thiện mặt bằng dân trí. Ngoài đầu tư phù hợp cho giáo dục, còn có nhiều cách khác từ cộng đồng xã hội. Giáo dục nhận thức pháp luật, phát huy vai trò và trách nhiệm công dân, nâng cao nhận thức về tự do dân chủ, hiểu biết về quyền công dân, quyền con người là những yếu tố cốt lõi để nâng cao dân trí.
Xét về tiêu chí chính trị, tất cả công dân Việt Nam đủ tuổi trưởng thành đều tham gia đầy đủ các kỳ bầu cử Quốc hội, đó là chứng minh về trình độ dân trí, có hiểu biết, có nhận thức về trách nhiệm công dân mới đi bầu cử. Một bằng chứng sinh động khác, vừa qua, có hàng chục triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một số lượng rất lớn người dân hiểu biết về pháp luật, nhận thức chính trị như vậy thì không thể nói rằng dân trí thấp.
Cho nên, nếu như có một vài vị đại biểu Quốc hội hay quan chức phát ngôn chưa đúng, không chuẩn thì không có nghĩa là dân trí thấp mà cần xem xét lại “quan trí”.
Theo NLĐO