Dân khối D phải học như thế nào?
Toán là một “trợ thủ” đắc lực!
Không như một số bạn vẫn nghĩ thi khối D chỉ cần tập trung ôn luyện nhiều cho Ngoại ngữ và Văn mà lơ là Toán vì tin rằng Toán khối D không quá khó. Hơn nữa với những bạn thi D mà yếu Toán thì việc ngó ngàng đến môn này dường như là một “gánh nặng” và rất dễ nản.
Thật ra thì đúng là Toán khối D không lắc léo và phức tạp như khối A,B nhưng dạo qua những đề Toán những năm gần đây thì đề Toán khối D vẫn khiến cho sĩ tử lao đao như thường nếu như không dành nhiều thời gian luyện tập. Đòi hỏi của đề thi đại học là sự cẩn thận, nhanh nhẹn và nắm được vần đề của dạng toán được đưa ra. Và bạn chỉ thật sự có được điều này khi làm bài tập nhiều và tự hệ thống kiến thức cho mình.
Nếu như Ngoại ngữ là ăn thua từng câu trắc nghiệm,Văn là tùy thuộc vào cảm nhận và khả năng thâu tóm kiến thức và diễn đạt của mỗi người thì Toán chính là trợ thủ đắc lực cho hai môn kia trong việc “kéo” điểm của bạn lên cao.
Vì thế đừng lơ là “trợ thủ” này nhé!
Video đang HOT
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Có nên học thêm Văn?
T.Vy (THPT.LTV) đã đặt ra câu hỏi như thế khi cô nàng đang phân vân vì đã vào HK2 rồi và bạn bè đang lũ lượt kéo nhau đi học thêm Văn để chuẩn bị cho kì thi sắp tới.
Đây không chỉ là câu hỏi của riêng Vy mà của nhiều bạn khác nữa.Lời khuyên của một số nhân đi trước cho thấy nếu cảm thấy việc học thêm là không “quá” cần thiết đối với bản thân thì bạn hoàn toàn có thể tự học Văn ở nhà.
Như kinh nghiệm của L.H (ĐH KHXHNV) thì cô bạn hoàn toàn không mất một giờ nào ở lớp học thêm Văn nào mà vẫn đạt được 8 điểm Văn khối D ngon lành trong kì thi 2008 vừa rồi. Bí quyết của H là tự hệ thống lại kiến thức mình đã học và tham khảo qua bạn bè, thầy cô. Trong thời gian ôn thi, H. luôn giữ liên lạc với bạn bè đi học thêm Văn mượn tập vở, theo dõi các nội dung ôn tập đăng tải trên các báo và liên lạc với cô giáo dạy Văn trên lớp của mình khi thắc mắc điều gì đó. Thêm một cách nữa là cô bạn cũng hay theo dõi các chương trình ôn thi ĐH môn Văn trên VTV2 và chăm chú để ý các ý hay để bổ sung vào dàn ý của riêng mình. Dành nhiều thời gian ở trong thư viện để nghiên cứu các sách ôn tập cũng là một đề xuất của H cho những bạn ôn thi Văn.
Nếu cảm thấy không an tâm thì bạn có thể đến lớp học thêm Văn. Nhưng hãy sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả và chủ động. Đừng để rơi vào trạng thái “đọc-chép” rồi ỷ y vào những dàn ý được thầy cô cung cấp sẵn,bạn nhé !
Tự tin thi một khối D duy nhất, liệu có ổn?
Có những bạn thi D và lực học ở khối A không khá lắm nên chỉ muốn chuyên tâm thi một khối. Nhưng thường các bạn lại gặp phải một lực cản tâm lý là: “Thi hai khối cho an toàn. Lỡ rớt khối D thì còn khối A!”.
Nhưng nếu đã chọn khối D và khối A của bạn chỉ nằm ở tầm trung bình thì chọn tập trung ôn thi cho một khối D duy nhất cũng không có gì đáng bàn cãi. Trên thực tế với tâm lý vớt vát, một số bạn học ban D cũng hồ hởi đi thi khối A cho có nhưng kết quả thường thấp không đủ yêu cầu. Tập trung cho một khối D duy nhất có thể giúp bạn giảm được gánh nặng phải vác trọng trách cả hai khối và chuyên tâm tập trung vào khối phù hợp với mình.
Hơn nữa, khối A thi trước. Nếu chẳng may kết quả không được như ý thì cũng ảnh hưởng phần nào tới tâm lý của bạn trước khi bước vào trận chiến chính thức của mình ở mặt trận khối D.
Nhiều bạn hoàn toàn có thể tạo thêm một cơ hội cho mình ở kì thi cao đẳng. Còn nếu cảm thấy muốn thử sức và tin vào khả năng của mình ,bạn hoàn toàn có thể đăng ki thi hai khối mà không phải lăn tăn gì cả !
Kết lại…
Những kinh nghiệm này được đúc kết từ những nhân thi khối D ở những kì thi trước và giờ đây họ đang tiếp tục chặng đường đại học của mình sau khi vượt qua được kì thi đại học một cách suôn sẻ. Và gửi lời chúc đến dân 12 chuẩn bị thi D nói riêng và dân 12 sắp thi Đại học nói chung nhiều may mắn và tự tin trong những kì thi sắp tới nhé !