Đan đó, nghề truyền thống độc đáo của người dân đồng bằng Bắc Bộ
Du khách như lạc vào không gian làng quê cổ kính khi trải nghiệm làng nghề đan đó 200 năm tuổi tại xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Đan đó tại gia đình ông Lương Sơn Bạc
Hàng ngày, làng nghề đan đó Thủ Sỹ luôn rôm rả tiếng nói cười của những người làm nghề truyền thống này, đã có cách đây khoảng 2 thế kỷ.
Nhiều du khách lần đầu nghe từ đan đó sẽ thấy lạ. Thành phẩm chiếc đó làm từ tre, nứa là một loại ngư cụ lâu đời, ngày nay chúng còn được ưa chuộng trong trang trí mỹ thuật hay nội thất.
Làng Thủ Sỹ có khoảng 500 người làm nghề đan đó, tập trung nhiều ở hai thôn Tất Viên và Nội Lăng.
Nghe danh đã lâu, nhưng nay nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn (TP. HCM) mới có dịp đến trải nghiệm làng nghề đan đó Thủ Sỹ, tìm hiểu về làng nghề này tại gia đình cụ ông Lương Sơn Bạc ở thôn Tất Viên, người dành cả cuộc đời gắn bó với nghề.
Một góc nhìn đan đó từ trên cao
Bác nghệ nhân đang tỉ mỉ đan đó
“Ai dám tin cụ Bạc đã hơn tuổi bát tuần? Ông chia sẻ từ năm 13 tuổi đã học đan đó. Thật may mắn khi làng nghề đan đó có cụ Bạc nằm trong số ít nghệ nhân hết lòng bảo tồn nghề truyền thống như giữ gìn một ký ức đẹp” – anh Tuấn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Cụ Bạc cho biết người thợ phải chọn tre, nứa già mới đan được những chiếc đó bền và đẹp. Kỹ thuật đan đó được xem là một kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhiều công đoạn. Gia đình ông mỗi người một việc chia nhau làm, người thì chẻ, người thì vót tre, nứa.
Sau khi làm sẵn nguyên liệu các nan tre, nứa thì tiến hành đan. Trong quá trình đan, dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi đó.
Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn, còn nắp miệng là chiếc hom. Một người thợ lành nghề đan hoàn thành chiếc đó mất khoảng 60 phút. Sau đó, chiếc đó được hun trên gác bếp để làm tăng thêm độ bền cho sản phẩm.
Khung cảnh làng quê thật bình yên
Nghề đan đó mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân làng Thủ Sỹ. Một chiếc đó trắng thành phẩm được bán khoảng 20.000 – 25.000 đồng/chiếc; còn đó hun khói có màu nâu cánh gián được bán khoảng 30.000 – 40.000 đồng/chiếc.
Ngoài sản phẩm là chiếc đó, người dân nơi đây còn đan rọ hay lờ đem đi tiêu thụ ở các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận, để người nông dân đi đồng đặt bắt cua, cá.
Cụ ông Lương Sơn Bạc đã hơn tuổi bát tuần vẫn yêu đời, yêu nghề đan đó
Cụ Lương Sơn Bạc (trái) cùng ông bạn bên xe thồ những chùm đan đó đi ngang qua cánh đồng hoa cải vàng
Nằm cách TP. Hưng Yên gần 7km đi xe ô tô, làng nghề đan đó Thủ Sỹ ngày ngày luôn nhộn nhịp, không chỉ trở thành một địa điểm du lịch làng nghề thú vị mà còn là nơi để các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến đây sáng tác ảnh.
Cụ Lương Sơn Bạc miệt mài tận tụy gắn bó với nghề đan đó, hằng ngày vẫn đạp chiếc xe thồ với hàng chùm đó, rọ đem bán.
Những chùm đó, rọ trên xe thồ tỏa ra như đóa hoa khổng lồ giữa cánh đồng hoa cải vàng tạo nên bức tranh làng quê Thủ Sỹ thật bình yên.
Theo việt nam plus, tuổi trẻ
Độc đáo cây sầu riêng khoảng 100 tuổi
Chiều cao 27m; bề hoành 2,2m; gốc 2,77m; tán rộng khoảng 10m; da thân cây xù xì nhưng trái ngon lạ thường - Đó là điểm độc đáo của cây sầu riêng hiếm thấy do một người dân bảo tồn khoảng 100 năm trên đất cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Theo tuổi trẻ
Độc đáo nghề làm cán xẻng Hiện những cái xẻng vẫn còn rất hửu ít cho người dân nông thôn. Bên cạnh việc dùng sắt để làm cán xẻng, nhiều vùng ở ĐBSCL, người dân vẫn chuộng cán xẻng làm bắng cây. Theo Báo Tuổi Trẻ