Dân chủ học đường cần lành mạnh
Nhiều giáo viên tâm sự, làm thầy thời nay khó quá. Không chỉ là chuyện xã hội ngày càng đòi hỏi rất cao, mà đôi khi một chút nóng giận của người thầy cũng gây hậu quả khôn lường.
Cụm từ “dân chủ học đường” được đặt ra lâu nay. Nhưng dân chủ thế nào để thầy ra thầy, trò ra trò quả thực không dễ để trả lời.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.NGƯT Đặng Quốc Thống – hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm – cho rằng: Dân chủ là cần thiết, là văn minh. Tuy nhiên nếu thực hiện dân chủ không đúng nó có thể kéo theo những hệ lụy.
Học sinh Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
- Nhiều thầy cô giáo chia sẻ về áp lực vô hình trong trường học. Học sinh thời nay có thể luôn sẵn sàng ghi âm, máy ảnh để “chộp” từng khoảng khắc thầy cô nóng giận; vậy nên có khi chỉ một chút mất kiểm soát, người thầy có thể bị chính học trò của mình đưa lên “đoạn đầu đài”.
Giữ được cái uy người thầy, bởi thế cũng thật không dễ. Là người gắn bó lâu năm trong ngành Giáo dục, thầy có trăn trở gì về điều này?
- Tôi nghĩ ở bất cứ thời đại nào, việc làm thầy chưa bao giờ dễ. Đặc biệt là những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội thông tin về đời sống học đường được cập nhật rộng rãi nhất là vấn đề dân chủ trong trường học.
Dân chủ là cần thiết là văn minh, đó chính là một kênh “phản hồi âm” của hệ thống, để có thể từ những phản hồi tích cực mà hệ thống đó có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên nếu thực hiện dân chủ không đúng nó có thể kéo theo những hệ lụy.
Video đang HOT
Vì vậy, việc nói rằng hiện nay, tăng cường dân chủ trong học đường, người thầy gặp nhiều áp lực, nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý học sinh, theo tôi, nó cũng có 2 mặt.
Một mặt, nó khiến giáo viên phải có trách nhiệm hơn, tôn trọng học sinh hơn, ứng xử phù hợp hơn trong các tình huống sư phạm. Nhưng mặt khác, có những học sinh phản ứng với thầy, đưa các thông tin có khi chưa đúng về thầy khiến một số giáo viên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giáo dục, giảng dạy.
Tuy nhiên, theo tôi, không phải vì thế mà người thầy phải né tránh, phải rụt rè khi xử lý, giáo dục, giúp đỡ học sinh chưa ngoan. Vì đại bộ phận học sinh của mình là ngoan, đa số phụ huynh ủng hộ, hợp tác trong việc giáo dục con cái và việc đánh giá một sự việc cụ thể cần đặt trong cả một quá trình và có nhiều lực lượng trong trường cũng tham gia.
Nếu người thầy luôn làm đúng, làm với tình yêu thương, bao dung, nhân văn, coi học sinh như con cái của mình thì tôi tin rằng các con học sinh và phụ huynh luôn luôn ủng hộ và dư luận cũng sẽ đồng tình.
Tôn trọng học sinh hơn, lắng nghe các phản hồi của học sinh, yêu thương, thân thiện để hiểu học sinh hơn, luôn đặt mình vào vị trí của học sinh của phụ huynh… thì chưa bao giờ cái uy của người thầy bị mất đi.
- Nhưng một thực tế là, ở các trường ngoài công lập, việc giữ “cái uy” của người thầy chắc chắn càng khó khăn hơn?
- Theo quan sát của tôi, các trường ngoài công lập hiện nay đang làm khá tốt dân chủ học đường. Sự dân chủ ấy thể hiện trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và cán bộ giáo viên, giữa nhà trường – phụ huynh học sinh và giữa thầy với trò.
Tôi nói kĩ hơn về 2 mối quan hệ sau. Ví dụ ở trường Đoàn Thị Điểm chúng tôi, quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh là hoàn toàn cởi mở. Phụ huynh học sinh có quyền được biết và nhà trường cũng hoàn toàn công khai minh bạch về chất lượng giảng dạy, chất lượng đội ngũ, công khai về các khoản thu theo thỏa thuận…
Phụ huynh học sinh dân chủ trong việc lựa chọn loại hình lớp phù hợp với năng lực của con, nhu cầu định hướng tương lai cho con và điều kiện tài chính của gia đình.
Đặc biệt, ngoài việc phát biểu tại các cuộc họp, phụ huynh học sinh có quyền góp ý với nhà trường, góp ý với từng giáo viên, từng nhân viên qua tất cả các kênh thông tin như website, facebook của trường, qua email…
Tất cả các ý kiến của phụ huynh học sinh đều được nhà trường tiếp nhận xử lý và trả lời chậm nhất trong vòng 24 giờ. Riêng ban giám hiệu công khai số điện thoại để phụ huynh học sinh có thể trực tiếp gọi điện bất cứ khi nào cần thiết.
Dân chủ ở trường học chỉ đạt được ý nghĩa tích cực khi nó thực sự là dân chủ lành mạnh, trong đó cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều hiểu rõ về quyền hạn và trách nhiệm của mình, hiểu rõ những việc mình được phép làm và không được phép làm theo Điều lệ trường phổ thông và những quy định chung.
Các bức xúc của phụ huynh nếu có đều được giải quyết thỏa đáng nên trong suốt những năm vừa qua, nhà trường và phụ huynh học sinh luôn có được sự đồng thuận cao.
Tất nhiên, các ý kiến của phụ huynh học sinh được đáp ứng khi nó phù hợp với các quy định đặc thù của ngành giáo dục và những thỏa thuận mà phụ huynh học sinh đã chấp thuận với nhà trường khi nhập học đầu cấp cho con.
Còn mối quan hệ giữa thầy và trò ở trường tôi thì được dư luận chung và đặc biệt là học sinh và phụ huynh đánh giá là thân mật, gần gũi, yêu thương. Các giáo viên của chúng tôi đề cao và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh, tôn trọng các ý kiến phản biện của học sinh.
Học sinh hoàn toàn có quyền đưa ra các ý kiến riêng của mình để “đối thoại” với thầy cô, thậm chí với cả thầy hiệu trưởng. Và có lẽ vì học sinh được tôn trọng được người lớn lắng nghe nên nhiều khi những câu chuyện thầm kín của lứa tuổi học trò, học sinh của chúng tôi có thể ngại tâm sự với bố mẹ nhưng sẵn sàng chia sẻ với thầy cô và có những trường hợp cá biệt.
Phụ huynh học sinh còn tìm đến thầy cô để nhờ thầy cô tác động, giúp đỡ họ xử lý những câu chuyện tế nhị, những mối quan hệ khác của học sinh ở gia đình.
Nói như thế để khẳng định rằng, các trường chất lượng cao ở ngoài công lập, khi đã có thuận lợi là tự chủ trong việc tuyển sinh, tự chủ trong việc chọn lựa giáo viên, tự chủ trong việc hoạch định chiến lược giáo dục mang bản sắc riêng của mình thì dù nhìn ở một góc độ nào đó, phụ huynh học sinh có thể có đòi hỏi cao hơn đối với nhà trường và giáo viên.
Nhưng không có nghĩa là nhà trường phải chiều theo mọi đòi hỏi của phụ huynh học sinh và giáo viên sẽ khó giữ được cái uy trước học sinh. Vấn đề chỉ là cách thức phối hợp thế nào để có hiệu quả nhất mà thôi.
- Vậy theo thầy, có cần đưa ra giới hạn của dân chủ trong môi trường học đường hay không? Nếu có thì giới hạn đó nên như thế nào?
- Trong những năm qua, tại trường chúng tôi, dân chủ được phát huy tối đa và nó cũng mang lại những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, ở một đôi chỗ sự góp ý cho nhà trường của phụ huynh học sinh hoặc việc thể hiện ý kiến riêng của học sinh còn mang tính chủ quan, cá nhân, không vì cái chung.
Và mặc dù nhà trường hoặc các thầy cô của chúng tôi đã rất tích cực hợp tác để giải quyết, nhưng có những lúc, những nơi, ở những trường hợp nhất định có thể không đạt được đồng thuận và có khi còn gây ra tác dụng ngược trong việc giáo dục học sinh.
Vì thế, có lẽ việc phát huy dân chủ của phụ huynh học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm, qua Ban đại điện cha mẹ học sinh; phát huy dân chủ của học sinh thông qua các tổ chức Đoàn, Đội, hội đồng tự quản của học sinh nên được đẩy mạnh hơn nữa.
Vì vậy, tôi nghĩ dân chủ ở trường học chỉ đạt được ý nghĩa tích cực khi nó thực sự là dân chủ lành mạnh, trong đó cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều hiểu rõ về quyền hạn và trách nhiệm của mình, hiểu rõ những việc mình được phép làm và không được phép làm theo Điều lệ trường phổ thông và những quy định chung.
Và chỉ khi mỗi người đều vì lợi ích chung, đều có chung mối quan tâm là dành những gì tốt đẹp nhất, yêu thương nhất cho con trẻ thì khi ấy dân chủ mới thật có ý nghĩa và phát huy tác dụng.
Theo Hiếu Nguyễn/Giáo dục và Thời đại