Đẫm nước mắt vì hợp đồng “Bà mẹ đơn thân”
Đêm nay, nhìn bản hợp đồng “Bà mẹ đơn thân”, tôi trào nước mắt ướt đầm hết gối. Tôi thấy thương Liêm, thương con và thương cả chính mình. Tôi muốn đi tìm anh nhưng lại sợ câu nói thương hại “Anh không đủ nhẫn tâm!” làm cho đau lòng.
ảnh minh họa
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ. Tuổi thơ của tôi không hạnh phúc. Bố tôi bỏ mẹ con tôi đi theo một người phụ nữ khác năm tôi 12 tuổi. Mẹ tôi bán hàng quà sáng nuôi tôi ăn học.
Tôi học xong 1 trường cao đẳng ở tỉnh nhà rồi trở về xã làm công tác hành chính. 25 năm sống trên đời, tôi chưa từng rung động trước một người đàn ông nào. Nỗi đau và nỗi hận quá lớn với người cha ruột đã làm tôi mất hết niềm tin vào đàn ông.
Từ nhỏ, tôi đã tâm niệm chỉ muốn ở vậy suốt đời bên mẹ. Tôi tự nhủ sẽ kiếm một người đàn ông có “gen tốt” giúp tôi sinh một đứa con. Có đứa trẻ, sau này khi mẹ tôi khuất núi, tôi sẽ không phải cô đơn trên cõi đời này.
Rồi người đàn ông ấy cũng xuất hiện. Liêm là một nhà khoa học cùng với cả đoàn chuyên gia công nghệ sinh học về xã tôi để giúp bà con thử nghiệm giống cây mới. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi gặp một người đàn ông cuốn hút tới vậy.
Anh 30 tuổi, trẻ trung, cao ráo, gương mặt sáng sủa đeo cặp kính cận rất thư sinh. Anh nói giọng Hà Nội chuẩn, trầm ấm và nhẹ nhàng chứ không “lơ lớ” như các anh chàng nông dân quê tôi. Anh thông minh và chính là một trong những người tích cực giúp đỡ người nông dân quê tôi tìm hiểu về giống cây mới.
Tôi không ngạc nhiên khi Liêm giới thiệu đã có gia đình và hai con. Một người đàn ông có hình thức, có tiền đồ là miếng mồi mà cô gái nào cũng mơ tới, làm sao anh có thể vẫn còn “phòng không” được.
Tôi nhắm Liêm làm đối tượng trở thành “cha của con mình” như kế hoạch nung nấu bao lâu nay. Lợi dụng việc được xã phân công tiếp đón, lo ăn ở và thủ tục tạm trú cho đoàn cán bộ, tôi làm thân với Liêm.
Video đang HOT
Tôi gạt bỏ hết sĩ diện, kiêu ngạo của một người con gái để lẳng lơ tán tỉnh Liêm nhưng anh cứ trơ ra như đá tảng. Cho đến một đêm, tôi chơi bài ngửa, ùa vào lòng anh và xin anh một đứa con. Liêm gạt tôi ra và mắng nhiếc tôi một trận không ra gì.
Tôi khóc và kể với anh chuyện tuổi thơ đau khổ của tôi. Tôi cầu xin anh hãy cho tôi giọt máu. Anh là người tốt nhất mà tôi từng gặp, không chỉ là học vấn, hình thức mà còn cả nhân cách. Tôi còn nói cả đời tôi chôn chân ở chỗ khỉ ho cò gáy này nên sẽ chẳng bao giờ gặp được một người đàn ông hoàn hảo như anh.
Tôi cũng nói sẽ không mưu cầu gì ở anh. Chỉ cần anh cho tôi một đứa con, thế là đủ. Tôi sẽ tự nuôi bé và hai mẹ con sẽ không có dây mơ rễ má gì đến đời sống của Liêm cả. Tôi còn đưa ra một bản thỏa thuận “Bà mẹ đơn thân” mà tôi đã viết và kí sẵn để làm bằng chứng.
Liêm im lặng lắng nghe. Một lúc lâu sau đó, không biết vì mủi lòng trước nước mắt của người con gái tội nghiệp hay vì lý do gì mà Liêm đồng ý. Đêm đó và suốt gần 1 tháng Liêm ở đây, chúng tôi chìm vào trong dục vọng. Bản hợp đồng được viết làm hai, có cả chữ kí của tôi và anh, mỗi người giữ một bản. Trước khi anh quay về thành phố, chỉ một tháng sau tôi đã biết mình có bầu.
Cứ thế, tôi một mình mang nặng đẻ đau đứa trẻ. Bé là con trai, rất giống bố và kháu khỉnh. Tôi hạnh phúc vô cùng. Ước ao sau này con lớn lên sẽ thông minh và thành đạt giống bố. Ngày đầy tháng con, thật bất ngờ khi tôi nhận được tin mừng từ bố cháu. Anh đến thăm, mua quà và nhận con.
Nhìn căn nhà đơn sơ và thiếu thốn, Liêm thở dài nói sẽ góp tiền nuôi đứa trẻ. Tôi rơm rớm nước mắt hỏi: “Sao anh phải ôm rơm dặm bụng cho khổ?”. Anh nhìn sâu vào mắt tôi trả lời: “Anh không đủ nhẫn tâm!”. Nghe câu nói ấy của anh, tôi cảm động rớt nước mắt.
Từ đó đến nay đã hơn 2 năm trời, Liêm vẫn chu cấp cho mẹ con tôi rất đầy đủ. Số tiền anh đưa không chỉ đủ cho con mà còn dư dả để nuôi cả bản thân tôi nữa.
Hai tháng một lần anh lại xuống thăm, mua rất nhiều quà cho con và thậm chí còn chu đáo chuẩn bị quà cho cả mẹ tôi. Mẹ tôi lúc đầu rất buồn phiền vì quyết định của con gái nhưng nhờ sự tử tế của Liêm, bà cũng dần vui vẻ lại. Dù sao, anh vẫn còn là con người có tâm, biết nghĩ đến con mình chứ không như bố đẻ tôi.
Nhiều khi tôi cảm giác Liêm như chồng mình. Chỉ có điều là người chồng đang đi công tác xa thỉnh thoảng mới về thăm vợ. Những lần anh về, chúng tôi đều ngủ chung giường. Thi thoảng anh kể những câu chuyện vu vơ trong cuộc sống.
Anh chưa bao giờ nhắc đến vợ con anh và tôi cũng biết ý không hỏi. Mà thực ra tôi cũng không muốn nghe. Tôi đau lòng và ghen tị với người phụ nữ kia. Trái tim yếu đuối của tôi cuối cùng đổ ngã vì tôi đã yêu Liêm thật sự mất rồi.
Một lần, một chị kỹ sư trong đoàn chuyên gia của Liêm 3 năm trước lại về xã tôi xin được cộng tác với nông dân làm thử nghiệm. Chị không biết tôi và Liêm có con riêng. Tôi mời chị đi uống nước và dò hỏi về Liêm. Bởi vì hơn 1 năm nay anh không còn về thăm 2 mẹ con tôi nữa. Anh cũng không điện thoại cho tôi nhưng vẫn đều đặn gửi tiền về hàng tháng chu cấp cho 2 mẹ con. Đặc biệt, số tiền này theo thời gian, anh càng gửi nhiều hơn.
Chị kỹ sư chia sẻ rất thật tình: “Thằng Liêm giờ lên chức cao hơn nhiều rồi, nó bận bịu lắm. Nhưng nghĩ cũng tội nghiệp cho nó. Vợ nó với nó là mối tình đầu yêu nhau sâu đậm. Thế mà vợ nó cũng bị tai nạn giao thông và mất. Khi ấy vợ nó đang mang bầu 1 cặp song sinh. Cặp song sinh 7 tháng cũng theo mẹ ra đi trong vụ tai nạn ấy”.
Chị đồng nghiệp của anh còn nói: “Thằng Liêm từ ấy đi đâu cũng nhận mình đã 1 vợ 2 con. 6 năm rồi mà vẫn chưa quên được. Bố mẹ nó cứ giục lấy vợ mới. Khổ thân 2 cụ, nó là con độc đinh, 2 cụ mong có đích tôn bế lắm mà thằng Liêm cứ mãi hoài niệm…”.
Nghe câu chuyện chị kể, tôi thoáng giật mình. Hóa ra, người đàn ông mà tôi thương thầm bấy lâu vẫn độc thân. Hóa ra tôi không chen ngang và giữa anh và người phụ nữ nào khác. Tim tôi thầm lóe lên một hi vọng sẽ được chính thức là vợ anh.
Bố mẹ anh mong cháu đến vậy, nếu tôi bế con đến nhà, chắc ông bà sẽ vui mừng nhận dâu, nhận cháu. Tôi sung sướng tưởng như vỡ òa. Nhưng hợp đồng “Bà mẹ đơn thân” xưa kia kí với Liêm vẫn còn.
Vả lại, tôi sợ anh sẽ đánh giá tôi là kẻ “thừa nước đục thả câu”. Trước đây tôi đã hứa không xen vào cuộc sống của anh, giờ lại vọng tưởng. Mà như lời anh nói “Anh không đủ nhẫn tâm” thì có lẽ anh chỉ thương hại mẹ con tôi.
Một năm rồi tôi chưa gặp lại anh. Mấy đêm liền, nhìn bản hợp đồng “Bà mẹ đơn thân” mà tôi trào nước mắt ướt đầm hết gối. Tôi thấy thương Liêm, thương con và thương cả chính mình.
Tôi rất muốn đi tìm anh nhưng cái sĩ diện của một người mẹ đơn thân cứ níu chân tôi lại. Với lại, tôi sợ anh chỉ coi tôi là một cô gái qua đường không hơn không kém. Tôi đau khổ và rối bời vì đã trót yêu người đàn ông kia quá rồi!
Theo VNE
Than... ủ lửa
Người Việt xưa vốn trọng nam khinh nữ, vậy mà khi nhìn thấy sức mạnh "vong thân" của vợ yếu ớt, đàn ông cũng buộc phải la lên "lệnh ông không bằng cồng bà". Tại sao có thể gọi sức mạnh của phụ nữ là sức mạnh vong thân?
Trông người phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt, nhu mì chịu đựng là thế mà khi uất ức lên, họ sẵn sàng lao vào cái chết. Ở miền xuôi cũng như miền ngược, có lẽ tỉ lệ tự tử của phụ nữ thường cao hơn hẳn đàn ông.
Ghen tuông ai cũng biết nó xiêu đình đổ quán tan hoang thế nào, đàn ông sẵn sàng dùng gươm, dùng úng, thuốc nổ, hay xăng để đánh ghen. Nhưng khi nói về phụ nữ ghen tuông, người ta có cảm giác rùng mình hơn. Vì cơn ghen của phụ nữ mới đầu tưởng nhẹ nhưng nó âm ỉ xuyên thấu, dai dẳng như lửa than không bao giờ tắt, chỉ chờ cơ hội là cháy bùng lên. Đã có vô vàn ngọn lửa dữ dội được đốt lên từ những hòn than tưởng đã tắt lịm từ lâu. Không ít các vụ chính đôi tay mềm yếu của phụ nữ đã kẹp dao lam đưa lên mặt kẻ phụ tình kéo hai nhát như hai đường ray chảy máu trên mặt, rồi tạt a xít, rồi ướp cả thai của tác giả phụ bạc kia... làm quà cưới cho gã đúng cái ngày gã làm lễ song hỉ cùng cô gái khác...
Người phương Tây đã tìm ra nguyên lý của sự thật này, họ nói: "Đàn ông tình yêu là sự nghiệp, đàn bà sự nghiệp là tình yêu". Quả vậy, đa số đàn ông lo kinh bang tế thế, rồi leo ghế thành công. Nhưng đa số phụ nữ lại coi chính tình yêu là sự nghiệp. Đàn ông có thể bất mãn, rồi ghen tuông chớp nhoáng, sau đó đầu óc lại tập trung vào lo toan sự nghiệp.
Đàn bà thì ngược lại, cái mà phái yếu ám ánh thường trực, theo đuổi kinh niên, đó chính là tình yêu. Có một phương ngôn rằng: "Đàn ông yêu người mình yêu, còn đàn bà yêu tình yêu của nàng". Nghĩa là với phụ nữ, tình yêu không phải đối tượng cụ thể đàn ông kia, anh ta chỉ là một nhân vật trong "vở kịch" tình yêu của nàng. Tình yêu tiếp diễn thế nào, phát triển ra sao, lên bổng xuống trầm... tất cả liệu có diễn ra xung quanh đạo diễn là trái tim nàng? Vì người phụ nữ chú mục đến tình yêu là vậy, nên khi chị em bất đắc chí, cay cú, thì sẽ theo đuổi đến kỳ cùng. Theo đuổi như đó là phương tiện cũng như mục đích duy nhất của đời nàng.
Bí mật về sức mạnh giới tính rồi cũng lộ ra. Đàn ông Trung Quốc là gia trưởng bậc nhất, biết bao thế kỷ trọng nam - khinh nữ, vậy mà cuối cùng cũng phải thừa nhận: phải nhường chị em nếu muốn yên chuyện. Tại sao vậy? Bởi một khi đàn ông muốn lao vào cuộc chiến với phụ nữ, mới đầu phụ nữ yếu đuổi tưởng là thua nhưng nàng lại đeo đuổi cuộc chiến đó một cách trường kỳ không bao giờ từ bỏ cho đến khi đả bại đối thủ.
Người Việt có câu khuyên tất cả mọi người, không trừ đàn ông lẫn đàn bà: "Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Câu này không có nghĩa coi thường phụ nữ bởi chính các bà, các mẹ, các chị đọc câu này thường xuyên hơn cánh đàn ông. Người ta đọc câu đó trong trường hợp nào? Trường hợp các cô vợ giận cá chém thớt đùng đùng, tức khí đòi cho anh chồng hay con cái một bài học. Các mẹ, các chị thường bảo "đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu", tức là cái nồi bé thì nước chóng sôi, nhưng rồi cũng chóng nguội. Đàn bà giận đùng đùng, nhưng nên nghĩ lại, vấn đề có to tát thế không, có khi việc chỉ là cái cơi trầu mà cứ coi nó như cái ao, cái giếng, nên hạ hỏa và xét lại đi thôi. Chớ nên có bé xé ra to, "tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại" mà gây đổ vỡ. Câu nói đó cũng nhắm vào các ông chồng, đàn ông nghĩ sâu, nhìn xa, thấu tỏ vấn đề thì nên nhường đàn bà. Đàn bà vì nông nổi nên chưa kịp suy xét đã cáu rinh cả lên, đàn ông nên lấy cái đại lượng của giếng khơi mà nhường nhịn cơi trầu.
Theo nhiều nghiên cứu chính thức, phụ nữ sống nặng về cảm xúc hơn đàn ông. Đàn ông thường nhìn nhận vấn để ở lô-gic, lý lẽ, còn phụ nữ nhiều khi để cảm xúc chi phối. Vì thế khi gặp bất cứ chuyện gì, dù may hoặc rủi, người phụ nữ thường có phản ứng nhạy bén tức thời hơn, vì thế, hỉ-nộ-ái-ố cũng trực tiếp hơn. Lúc đó nếu đàn ông không chịu hiểu sẽ thiếu thông cảm với chị em.
Phụ nữ sống nặng về cảm xúc, luôn đeo đuổi ý nghĩa yêu thương thường trực. Vì thế khi chị em cảm thấy khúc mắc điều gì họ không dễ bỏ qua mà sẽ theo đuổi đến cùng "một lần giải tỏa cho bõ". Hiểu phụ nữ như vậy, cánh đàn ông khi "có chuyện" thì nên công khai giải quyết, chớ đừng ấp úng, quanh co mà dễ gặp "quả báo". Chỉ cần cởi mở, thành thật với phái đẹp thì sẽ dễ dàng nhận lại sự bình an.
Theo VNE
Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu: Gương vỡ khó lành Nhiều gia đình mẹ chồng, con dâu như nước với lửa nhưng cũng có rất nhiều mẹ chồng vô cùng "hiền" và tâm lý với con dâu. Đáng tiếc, đôi khi những ứng xử chưa khéo léo của con dâu lại làm sụp đổ mối quan hệ đẹp ấy. Ra oai với mẹ chồng Loan và Thành yêu nhau từ hồi Loan còn...