Đắm mình trong đặc sản Điện Biên
Không quá phong phú trong chủng loại nhưng món ăn ở Điện Biên cực kì độc đáo, có một không hai khiến du khách đến từ đâu cũng sẽ hài lòng.
Điện Biên ngày xưa là nơi chiến trường ác liệt, gắn với những chiến công hiển hách nhất của quân đội Việt Nam. Điện Biên ngày nay là nơi tham quan những dấu ấn quan trọng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Cùng với bao câu chuyện lịch sử, nền ẩm thực nhiều đặc sản vùng cao biến nơi đây thành nơi đáng đi, đáng thử, đáng nếm và dành lời khen.
Gạo tám
Gạo Điện Biên nơi Mường Thanh mang vị thơm ngon khác lạ. Không biết có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào hay không mà gạo tám lại ngon đến thế. Gạo tám Điện Biên nhìn vào là thấy khác, đều, căng bóng, hạt nhỏ, màu đục chứ không trắng như gạo tám thường. Chưa cần nấu thành cơm đã thấy mùi vướng vất.
Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm… Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).
Gạo tám Điện Biên dẻo thơm đặc biệt (Ảnh minh họa)
Gạo Tám – đặc sản Điện Biên – vì thế được ưa chuộng lắm.
Xôi nếp nương
Nếp nương thì khắp các tỉnh Tây Bắc đều có, nhưng nếp nương Điện Biên là vang danh không đâu sánh bằng. Nếp vừa tròn, to, căng mọng, vừa ngọt thơm vừa mềm, dẻo đến mê lòng.
Video đang HOT
Xôi nếp nương do phụ nữ Thái đồ thơm, dẻo đến mê lòng (Ảnh minh họa)
Nếp nương mà được những người phụ nữ Thái đồ xôi thì quả thật tuyệt vời. Chẳng hiểu họ làm thế nào mà cho ra loại xôi mềm, dẻo nhưng không dính tay.
Lên Tây Bắc, thưởng thức gói xôi giản dị nhưng ấm nồng thì có lang thang cả buổi vẫn… khỏe re. Ăn không đã thấy đậm đà. Mà ăn chung với cá nướng, thịt lợn nướng… thì đúng quên đường về.
Bắp cải cuốn nhót
Món ăn nghe lạ lẫm này khiến nhiều người tò mò lên Điện Biên tìm ăn thử. Ăn rồi mới thấy ấn tượng khó phai.
Nhót xanh tươi còn non trên cây được ngắt xuống, rửa sạch lớp phấn còn trắng bên ngoài.
Nghĩ đến lúc chấm xuống bát chẳm chéo, hình dung ra cái vị chua chua, cay cay mà thêm hứng khởi. Bắp cải nhà trồng chọn cái vừa tầm, chưa già mà cũng không non cộng thêm vài lá tỏi, lá rau mùi, ít gừng thái lát nữa là được.
Bắp cải cuốn nhót (Ảnh: Internet)
Tuyệt chiêu hút khách của món này là nước chấm có cái tên lạ lạ: “chẳm chéo”. Đó là sự hòa quyện của tỏi khô, gừng, ớt, rau mùi, mắc khén, sả… giã nhuyễn, trộn vào chút nước mắm hoặc muối.
Sau đó, lấy bắp cải cho nhót, gừng, mùi, lá tỏi vào cuốn rồi chấm với chẳm chéo. Miếng nào miếng ấy đều đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và thơm lừng dù không có thịt. Cứ hết miếng này đến miếng khác bên mâm và râm ran những câu chuyện, sẽ làm cho món ăn thêm ngon, thêm tình.
Bánh dày
Bánh dày – đặc sản Điện Biên – là một loại bánh không thể thiếu trong trong ngày tết của người Mông.
Bánh dày là thứ bánh không thể thiếu của người Mông mỗi dịp Tết về (Ảnh: Internet)
Bánh dày của người Mông làm công phu, xứng với hương vị đặc biệt khó quên (Ảnh: Internet)
Cũng từ nếp nương, các công đoạn làm bánh yêu cầu phải làm thủ công nên rất mất thời gian. Nghe nói, nếp sau khi đồ là hương tỏa khắp buôn bản. Sau đó, phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới gói bằng lá dong rừng.
Bánh dày có thể để được rất lâu, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đầu xuân. Bánh dày này có thể ăn cùng với chả, giò, hay chỉ nướng trên than hồng hoặc chấm với chút mật ong rừng đều mang vị khó quên.
Chéo
Đây là tên một loại gia vị trở thành huyền thoại vùng Tây Bắc. Chéo – đặc sản Điện Biên – làm từ loại quả của cây mắc khén. Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu.
Quả cây mắc khén (Ảnh: Internet)
Người ta ví chéo như muối vừng của người Kinh. Dù khác nhau về nguyên liệu, nhưng ngay cách làm cũng có nhiều điểm tương đồng.
Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng rồi được giã mịn trộn chung với ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, cũng được giã thành bột mịn.
Chéo thơm hăng hắc chứ không dễ chịu nhưng chính điều đó mới mang nét núi rừng khiến người ta đắm đuối. Chéo dùng chung với xôi nếp nương hay thịt thú rừng, dùng để nướng cá… Mỗi món đều cho ra hương vị đặc biệt.
Theo Tapchiamthuc
Ngày tập chay, tối đi "bay"
Có một bộ phận cầu thủ Việt Nam chỉ cần đá tốt vừa đủ, kiếm nhiều tiền... để đêm đêm đắm mình trong thú vui sa đọa như những dân chơi đích thực.
Những ngày cuối tuần qua, nghi án cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng "phê" thuốc lắc trong ô tô rồi gây tai nạn ở Thanh Hóa đã khiến nhiều người rùng mình. Chuyện bay lắc của cầu thủ Việt không mới, đã có quá nhiều vụ bắt quả tang những cầu thủ chuyên nghiệp tàng trữ trái phép chất ma túy (như Xuân Thành của HN.ACB năm 2007), hay hội 5 cầu thủ của HN T&T và đội 6 cầu thủ Hải Phòng bị tóm khi đang tưng bừng trong các "động lắc" ở TP.HCM và Hải Phòng cách đây ít lâu. Nhưng dường như càng ngày, chuyện cầu thủ Việt "bay lắc" lại càng "khét tiếng".
Trên đây chỉ là vài vụ việc mà những dân chơi kiêm cầu thủ này "chơi không gặp ngày" vì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Còn thực tế, trong góc khuất mà không phải ai cũng biết của bóng đá Việt Nam, chuyện cầu thủ giải trí bằng thuốc lắc, bằng ketamine và "đập đá" (ma túy tổng hợp) vốn là chuyện bình thường.
Ở khắp các câu lạc bộ, từ trong Nam cho đến ngoài Bắc, hầu như ở đâu cũng có một "đội" riêng được lập nên bởi những cầu thủ "biết chơi". Tất cả đều chung niềm đam mê với cảm giác "ảo" sau giờ ra sân tập. Ra sân chỉ tập chay thôi, để rồi ngồi đánh bóng ghế dự bị, chứ ít khi được đá chính, bởi hầu như lãnh đạo và HLV các đội đều biết. Chẳng qua, họ không muốn nói và cố bưng bít trước dư luận để giữ thể diện. Cách đây chưa lâu, một đội bóng phía Bắc cũng cắt hợp đồng với một cầu thủ từng rất ấn tượng trong màu áo U23 Việt Nam, chỉ vì mê "bay" hơn đá bóng. Tương lai của tài năng ấy cũng đã đóng sập lại vì "cái thân tàn ma dại ấy giữ quả bóng còn không nổi thì đá đấm gì" - như nhận xét của một HLV.
Nếu như vài năm trước, lên bar và chơi thuốc lắc được coi là thú vui phổ biến, thì bây giờ giới cầu thủ đã biết kín đáo hơn trong mỗi cuộc thác loạn. Thuốc lắc vẫn được ưa chuộng, nhưng nó không còn được các tay chơi này sử dụng trong hộp đêm nữa. Bãi đáp thường là những phòng VIP của những quán karaoke sang trọng, nếu không, ít nhất cũng phải là phòng tại gia được trang bị đầy đủ âm thanh ánh sáng và thậm chí ngay tại đại bản doanh của CLB nữa! Thế mới có chuyện HLV của một đội bóng Hà Nội một lần đi kiểm tra cầu thủ trong đêm, khi mở cửa căn phòng cuối hành lang, thấy 2-3 cậu học trò mình đang say sưa quanh chiếc bình "đập đá". HLV tròn mắt ngạc nhiên còn cầu thủ thì phản ứng như không có chuyện gì to tát xảy ra. Rồi sau đó chỉ là vài lời nhắc nhở qua loa, hôm sau những dân chơi ấy lại ra sân tập như thường, vì HLV biết có cấm cũng chẳng được!
Những gì đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam thực sự là một bi kịch. Một bi kịch mà những người đứng đầu trong cuộc chơi, dù biết, vẫn "bó tay". Hay nói cách khác, họ chấp nhận sống giữa một nền bóng đá chông chênh và chấp nhận việc nó có thể gãy đổ tan tành bất cứ khi nào.
Theo Bưu Điện Việt Nam