Đam mê học giúp trò nghèo đỗ thủ khoa
Bằng nghị lực vượt khó của mình, Giáp đã mang lại niềm hạnh phúc cho cả dòng họ khi nhận được tin vui.
Giáp sinh ra ở vùng quê nghèo miền Trung, xóm 5, xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An. Khi Giáp còn nhỏ, nhà Giáp nghèo nên bố mẹ phải gửi cho ông bà nội từ khi Giáp 2 tuổi để đi làm xa. Tuy không có bố mẹ ở bên thường xuyên, nhưng trong suốt 12 năm học, Giáp luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, từ năm học lớp 5 Giáp liên tục là học sinh giỏi toàn diện. Năm học lớp 10 và lớp 11 Giáp đều đạt giải Nhì kì thi HSG cấp trường môn Hóa, lớp 12 đạt giải 3 môn Hóa tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Những năm sau này, tuy kinh tế gia đình đã ổn định hơn, nhưng Giáp vẫn không vì thế mà chểnh mảng chuyện học hành.
Giáp có hai chị hiện đều đang là sinh viên đại học. Là con trai duy nhất của gia đình và lại là con út, nhưng ngoài thời gian học, Giáp thường tranh thủ giúp ông bà cơm nước. Phương pháp của Giáp chủ yếu tự học và tự tìm tòi, sáng tạo, liên tục điều chỉnh phương pháp sao cho đạt hiệu quả cao. “Khi học, gặp bài nào khó mình thường tự mình nghiên cứu để tìm ra cách giải, nếu không thể giải được em mới nhờ thầy giáo hướng dẫn giúp” – Giáp tâm sự.
Lê Văn Giáp (bìa ngoài bên trái) chụp cùng bạn bè tại lễ vinh danh những thí sinh đạt điểm cao tại kỳ thi đại học năm 2011-2012 của tỉnh Nghệ An
Chia sẻ về bí quyết học của mình Giáp cho biết: “Đối với mình việc học tập cần có kế hoạch khoa học, có giờ giấc nghỉ ngơi rõ ràng. Mình không bao giờ học quá 12h đêm vì mình như thế sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe, khi không có sức khoẻ thì chẳng làm được việc gì. Mình rất coi trọng việc hiểu bản chất của 1 vấn đề, khi muốn biết sẽ tìm đến tận cùng của sự việc”.
Giáp luôn xem sự cố gắng của mọi người trong gia đình làm mục tiêu phấn đấu trong học tập. Đặc biệt là khi nghĩ đến những ngày ông nội phải chống chọi vật vã với bệnh tật song lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ luôn luôn động viên con, cháu cố gắng học tập rèn đức, luyện tài. Đó chính là động lực khiến Giáp luôn ấp ủ cố gắng học tập tốt để không phụ lòng mong mỏi của ông.
Với Giáp, khi lựa chọn nghề nên chọn ngành mình đam mê, phù hợp với học lực và khả năng của mình. Giáp có sở thích là được khám phá thế giới khoa học máy tính, thỏa mãn trí tò mò về những khả năng siêu việt của Computer, tiến lên làm chủ thiết bị, khoa học công nghệ để phục vụ lại cuộc sống.
Giáp cho biết: Ước mơ của em Giáp khi ra trường là tiếp tục theo đuổi ngành khoa học máy tính tại một nước có nền khoa học kỷ thuật tiên tiến để tiếp thu những tinh hoa của ngành Khoa học này. Châm ngôn trong học tập của Giáp là tên của 1 cuốn sách của Adam Khoo mà Giáp rất thích đó là : Master your mind, design your destiny (làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh)
Thầy Nguyễn Viết Thái, giáo viên dạy môn Hoá của Giáp nhận xét: “Giáp có tinh thần tập trung rất cao trong học tập, có trí tự lập rất tốt. Em thông minh, các môn học em đều học giỏi, ở lớp rất hay giúp đỡ bạn bè, nên được em nhiều bạn bè và thầy cô quý mến”.
Mẹ của Giáp, cô Trần Thị Bích Thủy tự hào cho biết: “Từ nhỏ cháu Giáp đã phải xa bố mẹ sống với ông bà nội. Cháu rất chăm ngoan và có hiếu. Khi nhận tin cháu nó đỗ thủ khoa đại học, cả gia đình tôi, cả gia tộc đã rất vui mừng và tự hào về cháu, nó là đứa đầu tiên đỗ thủ khoa trong họ nhà tôi đấy… “.
Video đang HOT
Hiện nay, Giáp đã đăng ký ngành Khoa học máy tính trường đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo TTVN
Cô học trò nghèo đỗ cả ĐH Y lẫn Dược
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, éo le, nhưng Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) luôn cố gắng học tập tốt. Đợt thi đại học vừa qua, em đỗ cả hai trường Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội với số điểm cao.
Trong số các bạn cùng trang lứa, Hương thấp bé nhất. Trong ảnh: Hương (thứ 7 từ trái qua) và các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Thạch Thất (Hà Nội).
"Cô giáo" làng
Căn nhà cấp bốn nhỏ bé của bốn bà cháu Hương nằm cuối con ngõ nhỏ lầy lội ở thôn Phúc Tiến (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội).
Gần hai tháng nay, căn nhà này không ngớt tiếng cười vui vì Hương đỗ đại học, nhưng cũng không ít tiếng thở dài vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, biết lấy tiền đâu để nuôi tiếp giấc mơ đại học của Hương.
Bố mẹ chia tay khi Hương và em trai còn nhỏ. Tay trắng, ba mẹ con về nhà bà ngoại - một vợ liệt sỹ thời chống Mỹ - nương tựa nhau, rau cháo qua ngày.
Mẹ Hương - bà Cấn Thị Lan - năm nay 48 tuổi, nặng chưa tới 40kg, da xanh xao, vàng vọt. Từ năm 1985 trở lại đây, đã ba lần, bà phải lên bàn mổ vì đau ruột thừa, dính ruột.
Ngoài hai sào ruộng gieo cấy và làm thuê, làm mướn ngày được ngày không cho mấy nhà làm đồ mộc trong làng, bà Lan chẳng làm được gì thêm.
Sửa nhà, mua sắm đồ đạc, thậm chí tiền học của các con, tiền ăn uống, thuốc thang nhiều khi cũng phải trông vào khoản hưởng trợ cấp cho chế độ vợ liệt sỹ của mẹ đẻ (mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng).
Biết gia cảnh nghèo khó, Hương luôn phấn đấu học tập tốt. Hầu như năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường.
Đặc biệt, em còn đạt nhiều giải trong những kỳ thi học sinh giỏi, trong đó, phải kể đến Giải nhì môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 12.
Cũng vì thành tích vươn lên trong học tập mà Hương được nhiều thầy cô giúp đỡ, trao học bổng vượt khó. Số tiền đó, Hương để dành giúp đỡ gia đình và nộp tiền học phí.
"Gia đình cháu Hương là hộ gia đình chính sách nghèo trong xã, thuộc diện rất khó khăn. Hương luôn học giỏi, chăm ngoan. Tôi thấy những khi mùa vụ, cứ tan học là cháu lại giúp mẹ cấy, gặt, tát nước." - ông Cao Văn Thông - Trưởng thôn Phúc Tiến (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội).
Không chỉ học tập tốt, Hương còn rất đảm việc nhà. Bà Lan kể, ngay từ năm học lớp ba, Hương đã đi tát nước cùng mẹ. "Cứ khoảng 30 gầu nước, lại nghỉ rồi mới tát tiếp được" - bà Lan nói. Đợt thi tốt nghiệp vừa qua, đúng dịp mùa, Hương vừa ôn thi, vừa tranh thủ đi cấy giúp mẹ.
Cũng vì thành tích học tập đáng nể mà Hương được bạn bè trong lớp, ở xóm ngưỡng mộ. Ngay từ năm lớp chín, Hương đã dạy phụ đạo cho nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Không có bảng, cô học trò nhỏ tận dụng bức tường nhà hàng xóm, cánh cửa, thành hòm thóc làm bảng để dạy bạn. Đến nay, khi Hương rời nhà đi học đại học, bức tường vẫn còn in những công thức toán học Hương từng dạy bạn bè.
"Đợt ôn thi đại học vừa rồi, nó cũng hướng dẫn ôn tập gần hai tháng cho đứa bạn, nhưng chỉ đỗ được cao đẳng thôi" - bà Lan nói.
Đi thi, tối ngủ ở... trường thi
Ngày Hương đi thi đại học, bà Lan phải bán ruộng lạc và vay thêm khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền này chia làm hai đợt cho Hương đi thi hai khối. Đi xe buýt lên Hà Nội, con vào thi, mẹ ngồi ngoài chờ. Bữa ăn, hai mẹ con chỉ dám mua hai suất cơm giá 15.000 đồng/suất.
Đến tối, sợ tốn tiền, hai mẹ con ngủ ngay ngoài hành lang phòng thi. "Cũng may, bảo vệ người ta cho ngủ. Với lại, cũng có một số phụ huynh đi thi ngủ cùng nên không sợ gì cả" - bà Lan nhớ lại.
Thi xong đại học, về nhà, Hương lại lao vào nghiệp gia sư. Có người trong làng thấy Hương học giỏi, thuê Hương phụ đạo cho con. Mỗi buổi như thế, Hương cũng kiếm được khoảng một trăm ngàn để tiết kiệm cho việc đi học sau này.
Nỗi vất vả của hai mẹ con đã không bị phụ lòng. Hương đỗ cả hai trường đại học danh tiếng mà như nhiều người từng nói "nhất Y nhì Dược".
Hương đỗ ĐH Dược Hà Nội (Toán 7,5 Lý 9 Hóa 9,5) và ĐH Y Hà Nội (Toán 9, Hóa 9,75, Sinh 6,75). "Em chọn học trường Dược Hà Nội và đã nhập học từ cuối tháng 8" - Hương nói.
Hương nhập học, nỗi lo với gia đình đã nhiều lại càng thêm nặng. Không có tiền, bà Lan lại phải vay nóng ba triệu đồng cho con nhập trường.
Lên Hà Nội, chưa tìm được phòng trọ, Hương ở nhờ nhà người quen. Mỗi ngày, em phải đi bộ hai cây số để ra bến xe buýt.
Mẹ Hương bảo, sợ tốn kém, Hương còn mang cơm nắm đi ăn buổi trưa." Hôm trước được nghỉ ngày 2/9, Hương về nhà mà lại tranh thủ đi dạy gia sư để kiếm tiền" - bà Lan nói, đôi mắt đỏ hoe vì thương con.
Theo Trường Phong
Tiền Phong
Cậu bé 8 năm đi học bằng tay Lương Văn Mậu (14 tuổi, học sinh lớp 8A, trường THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) bị dị tật bẩm sinh, hằng ngày em phải đến trường trên đôi tay của mình. Lương Văn Mậu. Tình cờ, tôi gặp Mậu trên cầu treo của xã Lượng Minh. Em đang đi học về bằng đôi tay thay cho đôi chân teo tóp....