Đám mây cát kỳ lạ trong bầu khí quyển ngoại hành tinh thiêu đốt
Ngoại hành tinh Wasp-107b có nhiệt độ nóng như thiêu đốt, gió dữ dội, mùi diêm cháy của sulfur dioxide cùng đám mây cát kỳ lạ trong bầu khí quyển.
Một nhóm chuyên gia gồm Achrène Dyrek (thuộc Đại học Thành phố Paris), Michiel Min (Viện Nghiên cứu Vũ trụ SRON Hà Lan) và Leen Decin (Katholieke Universiteit Leuven, Bỉ) sử dụng các quan sát từ Kính viễn vọng Không gian James Webb nghiên cứu chi tiết về thành phần khí quyển của ngoại hành tinh tên là WASP-107b.
Trên WASP-107b, các chuyên gia tìm thấy nhiệt độ thiêu đốt, gió dữ dội và mùi diêm cháy của chất sulfur dioxide (SO2) cao hơn nhiều so với dự đoán, trong khi khí mê-tan thì không có.
Trước đây, chất sulfur dioxide được phát hiện trên các hành tinh khí nóng khổng lồ có nhiệt độ trung bình 927 độ C, nhưng ngạc nhiên chất này lại xuất hiện trên WASP-107b với mức nhiệt thấp hơn chỉ 427 độ C.
Nghiên cứu mới tiết lộ một ngoại hành tinh có đám mây cát kỳ lạ ở trên bầu khí quyển. (Ảnh: Klaas Verpoest/Johan van Looveren/LUCA School of Arts/KU Leuven/PA)
Video đang HOT
Nhóm còn tìm thấy những đám mây cát silicat cư trú trong bầu khí quyển hỗn loạn của ngoại hành tinh. Nhìn từ xa, những đám mây cát trông giống như lớp bụi mờ, nhưng bên trong nhiều hạt cát đang di chuyển hỗn loạn xung quanh bầu khí quyển với tốc độ cao cỡ vài km/giây.
WASP-107b kích thước gần bằng Sao Mộc, nhưng khối lượng chỉ bằng 12% khối lượng tổng thể của Mộc tinh. Nó cách Trái đất khoảng 200 năm ánh sáng, chỉ mất sáu ngày để ngoại hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ của nó, ngôi sao chủ này mát hơn và nhẹ hơn Mặt trời.
Tác giả chính Leen Decin đến từ Katholieke Universiteit Leuven ở Bỉ cho biết: “Kính viễn vọng James Webb đang cách mạng hóa việc khám phá đặc điểm thú vị của các ngoại hành tinh, cung cấp những hiểu biết thiên văn sâu sắc chưa từng có”.
Ông nói thêm: “Việc phát hiện ra đám mây cát, sulfur dioxide trên ngoại hành tinh WASP-107b là cột mốc quan trọng. Nó định hình lại sự hiểu biết của chúng ta về sự hình thành, tiến hóa của các ngoại hành tinh, làm sáng tỏ thêm về các vật thể tương tự trong Hệ Mặt trời”.
Tìm thấy nước trên hành tinh cách Trái đất khoảng 120 năm ánh sáng
Theo bằng chứng mới được phát hiện bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb, nước có thể đang chảy trên bề mặt của một hành tinh khổng lồ nằm cách Trái đất khoảng 120 năm ánh sáng.
Cuộc điều tra ứng dụng kính không gian James Webb, một trong những thiết bị thiên văn học tiên tiến nhất đang hoạt động, đã tiết lộ rằng ngoại hành tinh K2-18b có thể có một số đặc điểm chính của một hành tinh có thể hỗ trợ các vùng nước và sự sống. Quay quanh ngôi sao lùn mát mẻ K2-18, ngoại hành tinh này nằm trong vùng có thể ở được của ngôi sao, hay Goldilocks, và có khối lượng gấp 8,6 lần Trái đất.
Một phân tích về các quan sát của kính viễn vọng Webb cho thấy, hành tinh này có lượng khí mêtan và carbon dioxide dồi dào trong bầu khí quyển. Theo một thông cáo báo chí của Cơ quan hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA), sự hiện diện của các phân tử chứa carbon này, cùng với sự khan hiếm amoniac, có thể là biểu hiện cho thấy bầu không khí giàu hydro bao quanh thế giới đại dương của hành tinh này.
Carbon được coi là "vật liệu" xây dựng của các dạng sống trên Trái đất.
Trước đó, kính viễn vọng Không gian Hubble ban đầu phát hiện bằng chứng về hơi nước trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh. Phát hiện này, được mô tả trong một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2019, đã giúp các nhà khoa học xác định K2-18b để nghiên cứu thêm.
Hành tinh K2-18b (phài)
Kính thiên văn Webb, có thể phát hiện ánh sáng hồng ngoại mà mắt người không thể nhìn thấy, đã tìm kiếm chính xác những nguyên tố nào có trong bầu khí quyển của hành tinh này. Và những quan sát mới nhất về hành tinh này cũng gợi ý rằng một phân tử rất đặc biệt, được gọi là dimethyl sulfide, có thể có mặt trên K2-18b.
Theo NASA, trên Trái đất, dimethyl sulfide (DMS) "chỉ được tạo ra bởi sự sống". "Phần lớn DMS trong bầu khí quyển Trái đất được thải ra từ thực vật phù du trong môi trường biển" - NASA nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn cho rằng K2-18b đang có sự sống ngoài hành tinh. Nhà thiên văn học Nikku Madhusudhan, giáo sư vật lý thiên văn và khoa học ngoại hành tinh tại Đại học Cambridge, cho biết cần phải nghiên cứu sâu hơn để xác nhận sự hiện diện của dimethyl sulfide. Madhusudhan là tác giả chính của một bài báo khoa học mới mô tả những phát hiện đã được chấp nhận đăng trên Tạp chí Vật lý thiên văn.
Và ngay cả khi các nhà khoa học chứng thực sự hiện diện của hợp chất hóa học, điều đó cũng không đảm bảo rằng các dạng sống tồn tại ở đó.
Nhưng bằng chứng mới này đã mở rộng hiểu biết của các nhà khoa học về các ngoại hành tinh tương tự như K2-18b.
Hành tinh phản chiếu ánh sáng từ ngôi sao chủ Một thế giới nóng như thiêu đốt, cách Trái đất hơn 260 năm ánh sáng, phản chiếu 80% ánh sáng từ ngôi sao chủ của nó. Hành tinh LTT9779b quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 19 giờ. Các nhà thiên văn học cho biết, một thế giới nóng như thiêu đốt - nơi những đám mây kim loại tạo mưa titan...