Phát hiện hố đen lâu đời nhất gần bằng tuổi vũ trụ
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 6/11 trên tạp chí Nature Astronomy, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hố đen được hình thành chỉ 470 triệu năm sau Big Bang và được đánh giá là lâu đời nhất cho tới hiện tại.
Hình ảnh hố đen hình thành 470 triệu năm sau Big Bang được thu lại bởi các kính viễn vọng không gian James Webb của NASA và Chandra X-Ray Observatory. Ảnh: NASA
Theo hãng tin AP, các kính viễn vọng không gian James Webb của NASA và Chandra X-Ray Observatory đã hợp tác trong suốt năm qua để thực hiện các quan sát trên. Với phát hiện quan trọng này, các nhà khoa học đã có thể xác nhận việc các hố đen siêu khổng lồ tồn tại vào buổi bình minh của vũ trụ không chỉ là giả thuyết.
Cụ thể, 2 kính viễn vọng không gian Webb và Chandra đã sử dụng một kỹ thuật gọi là thấu kính hấp dẫn để phóng đại vùng không gian nơi thiên hà UHZ1 và hố đen lâu đời này tọa lạc. Các kính thiên văn đã sử dụng ánh sáng từ một cụm thiên hà gần hơn nhiều, chỉ cách Trái đất 3,2 tỷ năm ánh sáng, để phóng đại UHZ1 và hố đen ra xa hơn nhiều ở phía sau.
Video đang HOT
Tuy hình ảnh thu được khá mờ nhạt, tác giả tham gia nghiên cứu Priyamvada Natarajan từ Đại học Yale cho biết việc Chandra sử dụng tia X đã giúp các nhà khoa học xác định được vật thể này chính xác là hố đen. Bà giải thích: “Với tia X, chúng tôi có thể quan sát được cách các đám mây khí bị trọng lực hấp dẫn và bị hút vào hố đen, sau đó tăng tốc và bắt đầu phát ra tia X”. Với trạng thái phát triển hiện tại, hố đen này có thể được coi là một chuẩn tinh.
Tính tới hiện tại, vũ trụ được ước tính khoảng 13,7 tỷ tuổi, đồng nghĩa với việc tuổi của hố đen này là 13,2 tỷ năm nếu nó được hình thành 470 triệu năm sau Big Bang. Ngoài độ tuổi, một điều đáng chú ý nữa ở hố đen này đối với các nhà khoa học chính là kích thước khi nó lớn gấp 10 lần Sagittarius A – hố đen siêu khổng lồ nằm ở trung tâm Dải Ngân hà.
Nguyên nhân là do “vũ trụ vẫn còn quá trẻ để một vật thể khổng lồ như vậy có thể hình thành”, bà Natarajan cho biết. Cụ thể, khối lượng của hố đen này ước tính chiếm từ 10% tới 100% khối lượng của tất cả các ngôi sao trong thiên hà của mình, theo tác giả chính của nghiên cứu Akos Bogdan thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian.
Được ra mắt ngày 25/12/2021, James Webb là kính viễn vọng không gian lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo. Với công nghệ của mình, nó sẽ cho phép các nhà khoa học xem xét vũ trụ vào khoảng 200 triệu năm sau Big Bang cũng như chụp được hình ảnh của một số thiên hà đầu tiên được hình thành. Ngoài ra, kính viễn vọng này cũng có thể quan sát các vật thể trong hệ mặt trời của chúng ta từ Sao Hỏa trở ra ngoài, nhìn vào bên trong các đám mây bụi để xem nơi các ngôi sao và hành tinh mới đang hình thành và kiểm tra bầu khí quyển của các hành tinh quay quanh các ngôi sao khác.
Trong khi đó, Chandra X-Ray Observatory là kính viễn vọng được phóng vào quỹ đạo từ năm 1999 và có tầm nhìn tia X.
Kính thiên văn James Webb ghi lại hình ảnh ngôi sao xa xôi nhất trong vũ trụ
Các nhà thiên văn học đã sử dụng Kính thiên văn James Webb để ghi lại hình ảnh Earendel - ngôi sao xa xôi nhất trong vũ trụ từng được phát hiện.
Earendel là ngôi sao xa xôi nhất từng được phát hiện khi mà ánh sáng của nó phát ra từ thời kỳ đầu tiên vũ trụ ra đời. Ước tính vũ trụ hiện nay khoảng 13,8 tỷ năm tuổi
Những ước tính trước đó cho thấy ngôi sao này nằm cách Trái Đất 12,9 tỷ năm ánh sáng nhưng với sự mở rộng vũ trụ và thời gian ánh sáng của nó di chuyển tới chúng ta, các nhà thiên văn học tin rằng Earendel nằm cách chúng ta 28 tỷ năm ánh sáng.
Earendel - ngôi sao xa xôi nhất từng được phát hiện có thể được thấy trong hình ảnh thiên hà Sunrise Arc. Ảnh: NASA
Tên của ngôi sao này xuất phát từ Tiếng Anh có nghĩa là "ngôi sao buổi sáng" hoặc "ánh sáng đang lên". Kính thiên văn Hubble lần đầu tiên phát hiện ra Earendel năm 2022.
Quan sát của Kính thiên văn James Webb đã tiết lộ những chi tiết mới về ngôi sao xa xôi này. Earendel là một ngôi sao loại B khổng lồ sáng hơn Mặt trời của chúng ta 1 triệu lần và nóng hơn gấp 2 lần. Ngôi sao này nằm trong Thiên hà Sunrise Arc và chỉ có thể quan sát được bởi vì một chòm thiên hà khổng lồ có tên là WHL0137-08 tồn tại giữa Trái Đất và Earendel đã khuếch đại thiên thể xa xôi này.
Hiện tượng này được gọi là "gravitational lensing" hay thấu kính hấp dẫn. Đây là một hiện tượng thiên văn, xảy ra khi các vật thể ở gần hơn có vai trò như một lớp kính phóng đại cho các vật thể ở xa. Lực hấp dẫn làm cong và khuếch đại ánh sáng của các thiên hà ở xa. Trong trường hợp này, chùm thiên hà trên đã khuếch đại ánh sáng Earendel gấp hàng nghìn lần.
Những ngôi sao khổng lồ như Earendel thường có các ngôi sao song hành, và trong khi các nhà khoa học cho rằng chưa thể phát hiện ra nó thì màu sắc được phát hiện bởi Kính thiên văn James Webb cho thấy sự hiện diện của một ngôi sao đỏ và lạnh song hành.
Khả năng của Kính thiên văn James Webb trong việc quan sát vật thể xa xôi mà mắt thường không thấy được, đã cho thấy hình ảnh chi tiết của thiên hà Sunrise Arc. Quan sát này đã cho thấy các vườn ươm sao và các chòm sao nhỏ.
Các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu từ Kính thiên văn James Webb để xác định khoảng cách chính xác của thiên hà Sunrise Arc.
Việc nghiên cứu các ngôi sao và thiên hà xa xôi gần thời điểm Vụ nổ lớn (Big Bang) có thể lấp đầy khoảng trống về những ngày đầu vũ trụ ra đời cũng như cung cấp thông tin về Dải Ngân hà của chúng ta trông như thế nào cách đây hàng tỷ năm.
Kính viễn vọng Webb chụp được siêu hố đen hình thành từ hơn 13 tỷ năm trước Siêu hố đen hình thành từ hơn 13 tỷ năm trước nằm sâu bên trong thiên hà cổ CEERS 1019, gần với mốc vũ trụ hình thành sau vụ nổ Big Bang. Đây là hố đen siêu nhỏ so với các hố đen vũ trụ khác từng được phát hiện. Kính viễn vọng vũ trụ James Webb đã phát hiện ra một bất...