Đậm đà hương vị bánh gio đảo Hà Nam
Hầu như khắp miền Bắc, nơi nào cũng có món bánh gio. Bánh gio làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) cũng khá nổi tiếng khi mang vị đậm đà rất riêng của vùng quê lúa nước.
Trước kia, bánh gio thường được làm vào mỗi dịp lễ, Tết để bán hay cúng tổ tiên, nhưng để đáp ứng yêu cầu của thị trường, giờ đây, bánh gio đã được làm quanh năm. Làm bánh gio trở thành nghề phụ truyền thống ở làng quê Hà Nam.
Người làm bánh gio lựa chọn gạo ngon, gói thành những chiếc bánh gio đẹp, đều đặn.
Để làm được bánh gio đạt chất lượng thơm ngon, hấp dẫn thì ngoài thực hiện đúng công thức, người làm bánh phải thực sự yêu nghề, cẩn trọng, tỉ mỉ ở từng khâu trong quy trình làm bánh. Nguyên liệu chính của loại bánh này là gạo nếp. Muốn có được bánh ngon, người làm nghề phải chọn gạo nếp mùa mới trắng, tròn, đều hạt và thơm, đem sàng sảy kỹ, chọn bỏ các hạt xấu và gạo tẻ lẫn vào. Bởi chỉ cần lẫn chút gạo tẻ, bánh sẽ bớt đi độ dẻo, vị thơm vốn có.
Gạo vo xong được hong khô rồi đem ngâm với nước gio khoảng chừng 5 giờ. Nước gio, thứ nước được chưng cất từ tro loài cây giá sống ở rừng ngập mặn ven sông Bạch Đằng. Người làm bánh phải kỳ công đi chặt cây giá, đem về đốt lấy bột, ngâm, lọc đi lọc lại để lấy nước trong, hòa với vôi lắng để ngâm gạo. Như vậy, nước gio mới chính là cái “hồn” để tạo hương vị bánh đượm nồng, ngai ngái đặc trưng. Cầu kỳ trong cách chế biến nước gio chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa bánh gio Hà Nam với bánh gio ở các nơi khác.
Video đang HOT
Mỗi loại bánh lại có một thứ lá gói riêng. Bánh gio chủ yếu dùng lá dong và lá chuối. Người làm bánh chọn lá đẹp, lành, phơi lá, luộc lá cho mềm, rửa sạch. Làm khuôn bánh cũng thật kì công. Những lá luộc rồi được đặt bên trong, bao bọc bên ngoài là một lớp lá chuối và lá dong xanh, cuộn lại thành khuôn.
Khi gạo ngậm nước, căng tròn, mọng hạt, người làm bánh vớt ra rồi trộn cùng một lượng vừa đủ ruột gấc đỏ cho gạo thêm màu tươi tắn và có vị ngọt bùi. Khuôn bánh đã xong, gạo đã trộn đều, mới bắt đầu đổ gạo vào khuôn, sau đó gói miệng khuôn lại và dùng dây chuối hoặc dây đay, dây nilon xé nhỏ, buộc bánh cho chặt.
Bánh gio chấm mật sánh, tăng độ đậm đà.
Luộc bánh cũng lắm công phu. Bánh được xếp vào nồi theo chiều đứng, phải kín mà không quá chặt, có thế bánh mới chín đều và đẹp. Lửa phải giữ cho đủ độ, như vậy bánh mới chín rền, mềm mà không nát. Ai đã từng chăm chút cho nồi bánh sôi hàng giờ bên bếp lửa mới hiểu được niềm vui của người làm nghề khi cất được mẻ bánh thơm ngon, đẹp mắt.
Khi ăn bánh gio, bóc lần lá bọc bánh ra, lấy chính sợi dây buộc để xắt bánh thành từng khẩu vừa miệng để vào đĩa. Bánh ngon là bánh trong, nhuyễn, dẻo và rền. Bánh thường ăn cùng với mật ngọt sánh vàng hoặc đường phên đậm đà, khiến người thưởng thức cảm nhận được rõ nét sự hòa quyện ngọt mát, hấp dẫn.
Làm bánh gio với người dân vùng đảo Hà Nam không chỉ vì lẽ mưu sinh mà nó được coi là một cách thể hiện cái tâm của người làm bánh, bởi với họ, đây chính là cách gìn giữ những nét đẹp truyền thống của cha ông để lại.
Đậm đà món bún xào ngán Quảng Yên
Vừa qua, chúng tôi tới thăm cơ sở đầu tiên nuôi thành công ngán thương phẩm trên địa bàn TX Quảng Yên. Câu chuyện về quá trình "thuần" loài hải sản quý này càng thêm thú vị khi chúng tôi được chủ nhà nhiệt tình mời món đặc sản ngon khó quên: Bún xào ngán.
Tới nhà gặp gỡ và trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ngát ở thôn 7, xã Liên Hòa, hộ kinh doanh, buôn bán ngán đã nhiều năm và cũng là hộ đầu tiên nuôi thành công ngán thương phẩm trên địa bàn TX Quảng Yên, tôi được biết nhiều hơn về loài ngán. Chị Ngát chia sẻ: Ngán là đặc sản ở vùng biển Quảng Ninh, tuy nhiên, ngán ở Quảng Yên có lẽ to và có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn. TX Quảng Yên có diện tích lớn rừng ngập mặn, là thế mạnh để con ngán sinh sống, phát triển. Vì thế, con ngán từ vùng đất này có chất lượng thơm, ngon hơn một số vùng cửa biển khác. Đây cũng là quê hương của nhiều món ăn ngon được chế biến từ ngán, trong đó nổi tiếng là món bún xào ngán.
Ngán Quảng Yên, đặc sản quý, nguyên liệu chế biến món bún xào ngán.
Bún xào vốn là món ăn dân dã, nhưng khi kết hợp với ngán thì nó lại trở thành món ăn đặc sản. Bởi ngán là loại hải sản độc đáo, từ tên gọi đến giá trị dinh dưỡng. Trong ngán có đầy đủ các chất protid, glucid, lipid, nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Ngán được coi là thực phẩm mát, bổ và lành cho mọi lứa tuổi, được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.
Để có món bún xào ngán thơm, ngon, bên cạnh hai nguyên liệu chính là bún và ngán thì cần thêm các nguyên liệu khác, như: Mộc nhĩ, nấm hương, hành hoa, hành khô, hạt tiêu, dầu ăn, rau răm, gia vị...
Chế biến ngán cũng là một nghệ thuật. Để bổ ngán, ta cần sử dụng một con dao nhọn đầu, khéo léo tách đôi vỏ ngán, lấy phần thịt ngán ra, lấy bát hứng lấy nước trong mình ngán. Rửa thịt ngán một cách nhẹ nhàng, tránh làm nát thịt ngán để đẩy sạch bùn cặn mà vẫn giữ được vị ngon và không làm nhạt phần thịt ngán. Sau đó, vớt ngán ra thớt, băm nhỏ. Nước ngán trong bát để lắng cặn, gạn sang một bát khác, để riêng. Với bún ta dùng kéo cắt ngắn, gỡ tơi bún ra rồi đổ thịt ngán vào bún, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Tuỳ vào lượng ngán mà cần nhiều bún hay ít, hoặc tùy thuộc vào nhu cầu của người thưởng thức món ăn. Các nguyên liệu như: Mộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch, thái chỉ. Hành khô và rau răm rửa sạch, thái nhỏ để tách riêng. Còn hành hoa cắt khúc dài khoảng một đốt ngón tay.
Sau khâu chuẩn bị, ta bắc chảo lên bếp, để dầu ăn nóng già, cho hành khô vào phi thơm thì đổ bún ngán đã trộn vào xào. Ngán, bún chín đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn. Tiếp tục xào cho tới gần chín thì rưới một ít nước mình ngán, nhanh và khỏe tay đảo đều cho tới khi mọi thứ chín hẳn. Cuối cùng, cho rau răm đã thái vào đảo đều, đun thêm một phút nữa thì bắc ra, rắc hạt tiêu, ăn nóng.
Nhanh tay đơm thêm bát bún xào ngán nóng hổi cho tôi, chị Nguyễn Thị Ngát vui vẻ nói: Bao năm buôn bán ngán nhưng chưa bao giờ mọi người trong nhà tôi lại hết cảm giác ngon miệng khi thưởng thức món bún xào ngán. Gọi là ngán nhưng ăn hoài nhưng không hề "ngán"!
Bún xào ngán Quảng Yên thơm nồng hương vị biển.
Trong tiết trời giá lạnh của mùa Đông, để làm mới khẩu vị bữa cơm thì món bún xào ngán là một lựa chọn đặc biệt cho mọi thành viên trong gia đình, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa tăng thêm cảm giác ấm cúng của bữa ăn. Món bún xào ngán là thực đơn quan trọng, tạo ra một khoảng riêng trên mâm cỗ, không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Bún xào ngán cũng là một gợi ý hay trong bữa tiệc ngày Tết cho mọi nhà khi đón khách đến chơi. Bởi, dù không bắt mắt với màu sắc sặc sỡ mà chỉ giản đơn là màu trắng của bún lẫn cùng ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều mang màu xanh, nâu, đen; nhưng đã ăn một lần, người ta sẽ nhớ mãi món ngon với vị thơm nồng đặc trưng của ngán mà không phải món nào cũng có được... Đó là ấn tượng món ngon để mỗi lần nhớ đến Quảng Yên lại nhớ về hương vị biển vùng đất cửa sông.
Gỏi sò mai Có lẽ với mỗi người dân vùng biển Quảng Ninh sẽ không còn xa lạ với con sò mai hay còn gọi là biên mai, thường sống ở ven biển thị xã Quảng Yên. Biên mai hay sò mai là một loại sò biển hình tam giác. Kích thước của nó cỡ mu bàn tay người lớn và thường cắm mình sâu dưới...