Đậm đà hương quê
Có lẽ, chẳng ai rảnh rỗi ngồi ngẫm nghĩ giữa thành phố ở tỉnh nhỏ này có bao nhiêu quán trà sữa? Người ta cứ đổ xô ồ ạt đầu tư vào các cửa hàng kinh doanh trà sữa để kịp phục vụ món thức uống thời thượng cho giới trẻ.
Những hàng quán sang trọng, lộng lẫy, đồ uống đầy sắc màu pha trộn trong các bình ly thiết kế kiểu cách. Còn tôi lại vẩn vơ nghĩ về những hàng chè bình dân của các bà, các mẹ đậm đà hương vị quê.
Những hàng chè bình dân không có bảng hiệu rực rỡ, chỉ có vài cái ghế gỗ, ghế nhựa. Thậm chí có những cái ghế đã cũ kỹ hoặc sứt mẻ đôi chút vẫn được người chủ tận dụng. Giá bình dân, nên những hàng chè cũng chẳng nằm ở vị trí đắc địa. Có quán chè lại khép mình dưới tán cây to bên vỉa hè. Có hàng chè nằm ở đầu hoặc cuối chợ. Có những hàng chè ước chừng cũng hơn chục năm chẳng có tên, vậy mà khách cứ quen chân lại tìm về.
Hàng trăm thứ chè chứ chẳng ít nhưng mỗi loại có hương vị đặc trưng. Chè muốn ăn nóng lạnh gì đều được. Hấp dẫn nhất là có thể thưởng thức tất cả các hương vị trong ly chè thập cẩm, thêm một ít nước cốt dừa trắng tinh, kèm đậu phộng rang, đập đá nhỏ cho vào. Tất cả hòa quyện với nhau vị thơm ngọt, bùi, béo béo. Ăn xong ly chè mát cũng là lúc bụng vừa no, còn cơn khát đã tan biến.
Video đang HOT
Khách đến với những hàng chè bình dân cũng chẳng cầu kỳ về chỗ ngồi của mình, cứ thế tựa lưng vào những chiếc ghế cũ hay ngồi trên những miếng ván gỗ bắc ngang rồi nhâm nhi chén chè nóng bốc khói thơm lừng. Trên cái bếp lò than đỏ hồng, những nồi chè to nhỏ xếp ngay ngắn. Chè có đủ loại, chủ yếu được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc. Vậy nhưng, không phải ai nấu chè cũng ngon, hầu như những quán chè lâu năm đều gắn liền với bóng dáng siêng năng cần mẫn, tần tảo của người chủ mới chế biến và gìn giữ hương vị thơm ngon của riêng mình.
Chè là món ăn dân dã, bình dị gắn bó với ký ức nhiều người. Hẳn rằng ai cũng đã từng trải qua tuổi thơ với những buổi sáng ngồi chờ mẹ đi chợ về, đón đợi những bịch chè quê đầy hấp dẫn. Hay có đôi lúc đi trên đường chợt thèm vị chè liền dừng xe ghé vào quán chè quen. Nào là chè đậu xanh, chè bắp, chè đậu ván, chè hạt sen, chè chuối…
Cũng thật kỳ lạ, bao nhiêu năm rồi mặc kệ sự thay đổi của phố phường, những hàng chè bình dân cũng vậy. Chè vẫn giữ hương vị cũ, cũng những nguyên liệu ấy, công thức chế biến như trước. Những hàng chè bình dân vẫn lặng lẽ nằm bên góc đường, hay có quán chè chỉ đợi khi phố lên đèn mới lục tục dọn hàng ra. Người chủ quán vẫn múc chè vào vài cái chén, cái ly đơn giản không hoa văn cầu kỳ. Khách đến ăn chè, đã quen mặt với chủ quán, đôi khi còn ngồi thảnh thơi trò chuyện cùng chủ quán. Không hóa đơn tính tiền, ăn bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu tiền, vì chè cũng chẳng lên giá, chỉ vài nghìn đồng một ly chè.
Đôi lúc tôi tự hỏi những món ăn bình dân từng một thời chứng kiến bao thăng trầm của đời sống, rồi sẽ về đâu khi những hàng ăn, thức uống thời thượng ngày càng mọc lên. Những hàng chè bình dân ấy khiêm nhường nép qua một bên hay vẫn âm thầm tỏa hương như hàng chục năm qua? Nhưng chắc rằng, dẫu có bao nhiêu sự chọn lựa, thay đổi đi chăng nữa, người ta sẽ vẫn tìm về những hàng quán bình dân quen thuộc. Ở đó, không chỉ là thưởng thức những món ăn yêu thích mà còn là tìm về không gian cũ, với những ký ức chẳng thể phai nhòa.
Theo baoquangngai
Ngọt bùi, giản dị như chè đậu ván Huế
Có người ví von chè đậu ván tựa như con gái Huế, không quá ngọt ngào mà vẫn dịu dàng, thơm mát và rất đậm đà. Ai đã thưởng thức chè đậu ván một lần sẽ thèm được thêm lần nữa, lần nữa...
Món chè ở 3 miền đất nước rất phong phú, đa dạng, kể hoài không hết. Nào chè thập cẩm, chè bà ba, chè đậu, chè khoai... Nhưng nói đến món chè ở "khúc ruột" miền Trung, thì chè đậu ván được người Huế nhắc tên đầu tiên.
Chè đậu ván không ngọt như chè thưng miền Nam hay béo như chè Thái nhưng khiến người ăn vương vấn bởi vị ngọt dịu và cảm giác trơn mát.
Cách nấu chè đậu ván đơn giản như bao món chè khác, không thể thiếu 3 thành phần chính là đường, đậu và nước cốt dừa.
Đậu ván ngâm nước ấm để qua đêm rồi bóc bỏ lớp vỏ. Hấp đậu trong khoảng 30 phút là chín. Sau đó đun sôi hỗn hợp nước đường rồi cho lá dứa vào. Khuấy tan bột năng với 3/4 chén nước. Đường sôi hạ lửa nhỏ, vớt bỏ lá dứa. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị rồi cho từ từ chén bột năng vào, vừa đổ vừa quậy đều đến khi thấy nước đặc sánh lại thì dừng. Cho đậu ván đã hấp chín vào nồi đảo đều thật nhẹ tay để tránh đậu bị nát.
Đậu ván có vị ngọt giúp giải khát rất tốt! Chè đậu ván đặc có thể dùng nóng hoặc nguội không kèm với đá và có thể cho thêm nước cốt dừa.
Món chè khi hoàn thành có độ trong nhưng vẫn sánh đặc, hạt đậu ván không bể nát mà vẫn bở mềm. Khi ăn có cảm giác bùi bùi, vị ngọt thanh mát.
Có người ví von chè đậu ván tựa như con gái Huế, không quá ngọt ngào mà vẫn dịu dàng, thơm mát và rất đậm đà. Ai đã thưởng thức chè đậu ván một lần sẽ thèm được thêm lần nữa, lần nữa...
Theo NLĐ
Lạ miệng với phở trộn chua ngọt Khi ăn trộn đều lên, tùy khẩu vị của mỗi người có thể nêm thêm chút chanh hay ớt thái lát. Mỗi chúng ta ít nhất đều đã từng nếm qua món phở, đã từng ngồi xì xụp một bát phở mà không quên hít hà cho đã, cho thỏa cái hương vị quyến rũ ấy. Tôi thích cả phở nước, phở khô...