Đậm đà ẩm thực nướng của Tây Bắc
Đồ nướng của Tây Bắc khá phong phú. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất mà bạn đặt chân đến sẽ có một vốn ẩm thực nướng riêng không ai giống ai.
Tây Bắc là vùng đất sinh sống từ bao đời của đồng bào các dân tộc. Nơi đây cũng là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Đến với Tây Bắc vào tiết trời mùa thu, du khách được thả hồn mình với cảnh sắc như thể chốn thần tiên và không quên ngồi thư thái bên bếp lửa để thưởng thức những món nướng do đồng bào chế biến.
Đồ nướng của Tây Bắc khá phong phú. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất mà bạn đặt chân đến sẽ có một vốn ẩm thực nướng riêng không ai giống ai. Vì thế, dư vị riêng của mỗi món dễ làm say lòng người thưởng thức. Người Thái nổi tiếng với món cá nướng, cơm lam, người Tày nức tiếng với cá suối nướng, thịt lợn cắp nách nướng, các món lam trong ống nứa, thịt trâu hun khói…
Món cá suối nướng của đồng bào Thái vừa giòn vừa thơm.
Để có những món nướng ngon và đậm đà dư vị, đồng bào Tây Bắc đã khéo lựa chọn cho mình những nguyên liệu tươi ngon và đảm bảo chất lượng. Thực phẩm dùng để chế biến món nướng không hề mua hay nhập từ nơi khác về mà được làm ra từ chính bàn tay của con người nơi đây. Lợn cắp nách, cá suối, lạp xưởng, thịt hun khói, gà đen…đều hấp dẫn ngay từ khi chưa chế biến.
Lợn cắp nách món ngon của đồng bào Tây Bắc xa xôi.
Khâu chế biến vừa cầu kỳ vừa khéo léo của món nướng Tây Bắc quyết định phần lớn vị ngon và nét độc đáo của từng món. Từ khâu sơ chế, tẩm ướp gia vị và kẹp món vào kẹp tre đưa lên bếp than hồng đều phải rất khéo léo và tinh tế.
Video đang HOT
Để các món nướng dậy mùi, đồng bào Tây Bắc thường sử dụng bí quyết “gia truyền” vốn có ở vùng cao đó là khéo lựa chọn những loại gia vị trên rừng già hay trong vườn nhà để tẩm ướp. Các loại gia vị như củ giềng, hạt dổi, hạt mắc khén, lá nhội…được góp mặt làm nên vị thơm ngon và đậm đà của các món nướng ở vùng cao Tây Bắc.
Món chả lợn xiên làm nức lòng người thưởng thức.
Trên bếp than hồng, sự khéo léo của đôi bàn tay của những người phụ nữ Thái, Mông, Tày đã tạo ra những món nướng thơm phức. Đối với đồng bào vùng cao, điều quan trọng khi nướng là than củi phải rực hồng, tay phải xoay đều đồ nướng, nướng không cháy quá và đặc biệt là người nướng đã dốc hết tài năng, tâm huyết và lòng mến khách vào món ăn để thết đãi khách quí.
Món nướng Tây Bắc thường được thưởng thức với xôi nếp thơm.
Du lịch ở vùng cao Tây Bắc, giữa những bản nhà sàn, du khách muốn thay đổi khẩu vị, muốn tìm dư vị lạ từ những món nướng sẽ là điều không hề khó. Đồng bào nơi đây sẵn lòng chế biến để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của du khách.
Không gian để thưởng thức món nướng ở Tây Bắc khá thơ mộng khi bạn biết chọn cho mình địa điểm. Có thể ở ngoài trời, bên quán nhỏ, cạnh bếp lửa nhỏ, tự tay bạn cời than, xoay xoay xiên thịt nướng hay quả trứng gà nướng rồi thưởng thức giữa tiết trời se sắt lạnh mà thấy tâm hồn mình thêm thư thái.
Nếu muốn có không gian ấm cúng hơn, bạn có thể chọn nhà sàn của đồng bào vùng cao, bên bếp than rực hồng, được đồng bào nướng rồi làm những món ăn mà dường như chưa bao giờ được thưởng thức.
Mâm cơm với món nướng vừa đơn giản vừa đậm đà dư vị.
Thêm nữa, vừa thưởng thức đồ nướng, du khách còn được nghe hát then, múa xòe, hát lượn. Hoặc muốn hòa mình vào không gian tấp nập, đông vui, bạn có thể dạo bước vào những khu chợ ẩm thực, chọn những đồ ăn hợp khẩu vị rồi đưa cho chủ bếp nướng và thưởng thức tại chỗ.
Mùa nào cũng vậy, tiết trời Tây Bắc mát mẻ, khá hợp cho những chuyến du lịch ẩm thực ở vùng cao. Tiết trời se se lạnh, màn sương chùng chình lưng núi, bếp lửa bập bùng, hương rượu ngô, rượu thóc thơm nồng làm cho tâm hồn vừa nhẹ nhõm vừa sảng khoái đến lạ.
Sẽ là khó quên khi bạn được thưởng thức món chả lợn cắp nách ướp quả móc mật nướng vừa ngọt vừa giòn, hay món cá suối đuôi hồng tẩm ướp hạt mắc khén nướng giòn, món thịt trâu sấy vừa cay vừa ngọt lừ nơi đầu lưỡi hay món vịt lam, bắp chuối lam trong ống nứa vừa ngon vừa lạ miệng.
Món thịt trâu sấy hấp dẫn sau khi nướng trên than hồng.
Du khách có thể chọn những địa điểm du lịch trên non cao như Mường Lò Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Những miền đất ấy là “ga đợi bến chờ” cho những tâm hồn ẩm thực. Đến đây, bạn sẽ được đón nhận lòng mến khách của đồng bào vùng cao, lắng nghe được dư vị khó quên từ những bếp lửa ấm áp của Tây Bắc và xuýt xoa trên đôi môi giữa tiết trời se lạnh./.
Theo VOV.vn
Ngọt bùi xôi sắn vùng Tây Bắc
Nếu ai đã từng có dịp đến với núi rừng Tây Bắc chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn dân giã nhưng vô cùng hấp dẫn, đó là xôi sắn.
Xôi sắn là là món ăn quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc. Mặc dù chỉ là món bình dân thường ngày những người Thái luôn tự hào về món ăn này.
Thực tế từ nhiều năm nay, xôi sắn trở thành món ăn phổ biến không chỉ của người Thái mà còn của các dân tộc khác. Dù vậy, người Thái vẫn tự hào bởi họ biết cách kết hợp các sản vật tự nhiên để tạo nên hương vị món ăn, do đó xôi sắn của người Thái giữ được hương vị và nét đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn.
Tuy đơn giản không cầu kỳ, kiểu cách nhưng để có bát xôi sắn thơm ngọt vẫn cần nhiều yếu tố kết hợp. Ví như, sắn phải là sắn tươi mới được đào từ nương về, thóc phải chọn loại thóc nếp ngon. Củ sắn phải chọn những củ ngắn, tròn lằn, không bị sâu bệnh. Bên cạnh hai nguyên liệu chính là sắn và gạo nếp, món xôi sắn của người Thái còn cần 1 nguyên liệu nữa đó là dừa. Dừa chọn loại không quá già sẽ bị cứng nhưng nếu quá non sẽ chảy nước.
Cách nấu loại xôi này cũng không quá khó. Đầu tiên, sắn được rửa sạch rồi bóc hết phần bỏ chỉ còn lại lõi sắn trắng ngần. Tiếp đó mang luộc sơ qua rồi để ráo nước. Thóc nếp phải phơi thật khô, giã bằng cối đạp chân, sẩy sàng chọn lựa kỹ để lựa những hạt gạo căng nẩy, có như vậy món xôi mới thật dẻo, thật thơm. Dừa cũng rửa sạch rồi nạo thành những sợi nhỏ, sau đó trộn cùng với gạo và sắn để đồ.
Xôi sắn của người Thái được đồ trong những chõ gỗ thủ công chứ không bao giờ dùng chõ kim loại. Thường thì các chõ này được làm bằng những khúc gỗ có đường kính nhỏ, gỗ mềm đem về cắt khúc, cưa rỗng giữa, tạo dáng đẹp như một đài hoa, thon nhỏ từ dưới lên trên, đáy chõ có hai thanh tre nhỏ để đặt tấm đan thưa đỡ gạo khi cho gạo vào chõ xôi. Phần chõ lại được đặt trên một cái ninh đồng, thay cho nồi. Sở dĩ người dân tộc Thái đồ xôi bằng chõ gỗ chứ không dùng đồ kim loại một phần là do truyền thống, bên cạnh đó còn bởi ưu điểm gỗ hút hơi nước nên sẽ làm xôi dẻo, không bị khô.
Bản thân xôi sắn đã có bị ngọt, đậm đà của gạo nếp, vị thơm bùi của sắn nên cũng không cầu kỳ thức ăn đi kèm, chỉ cần thêm chút vừng là quá đủ. Có một điều đặc biệt mà những ai đã thử món xôi sắn của người Thái sẽ biết, đó là người Thái không ăn xôi sắn với muối vừng thông thường mà dùng muối ớt thay thế. Chính cái sự kết hợp này góp phần không nhỏ tạo nên một hương vị riêng cho món xôi sắn của người Thái. Sắn thơm bùi, gạo nếp dẻo, ngọt cùng với ớt cay nên ăn không hề bị ngấy và đầy như các loại xôi khác. Người Thái vùng Tây Bắc ăn xôi sắn quanh năm, thực tế đây là món ăn hàng ngày thậm chí là món ăn chủ lực trong bữa cơm của người Thái.
Giờ đây, không cần lên Tây Bắc, người ta vẫn có thể tìm mua và thưởng thức xôi sắn bởi món ăn này đã là món ăn rất quen thuộc của nhiều dân tộc Ở miền xuôi người ta ăn xôi sắn với ruốc thịt, ở miền biển người ta ăn xôi sắn với ruốc tôm, miền núi thì đơn giản hơn có thể là vừng, lạc, muối ớt...Mỗi vùng miền, xôi sắn lại được biến tấu khác nhau phù hợp với phong vị ẩm thực của từng khu vực. Nhưng với hương vị độc đáo cùng cách nấu trueyefn thống, xôi sắn của người Thái vùng Tây Bắc vẫn luôn là món ăn dân giã, hấp dẫn với những ai đã từng qua vùng đất này.
Theo TCDL
Độc đáo nét ẩm thực Tây Bắc Bạn có yêu thích những cung đường Tây Bắc với những dãy núi trập trùng? Đến với nơi đây, bạn không chỉ đắm say trong thiên nhiên tươi đẹp mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân tộc vô cùng độc đáo. Hãy cùng Adayroi Travel "giải mã" những nét đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc nhé! Mỗi dân tộc thiểu...