Đảm bảo mỗi thí sinh một đề
ANTĐ – Lần đầu tiên đánh giá năng lực bằng trắc nghiệm trên máy tính, kỳ thi tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội thể hiện được tính nghiêm túc khi mỗi thí sinh một mã đề. Tuy nhiên không ít người băn khoăn liệu cách ra đề này có đảm bảo được độ tương đồng giữa các thí sinh và các lỗi thao tác có thể phân biệt được do cố ý hay vô tình hay không.
Giám sát được lỗi vô tình hay cố ý
Qua 3 ngày diễn ra kỳ đánh giá năng lực với sự tham dự của hơn 30.000 thí sinh, PGS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, các thí sinh phải chuyển sang ca thi sau giảm dần từ 47 trường hợp trong ca thi đầu tiên xuống 5 trường hợp trong ca thi chiều 1-6. Các trường hợp này phần nhiều lại tập trung ở các cụm thi tại Hà Nội.
Tại các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng, Thái Nguyên, số chuyển ca thi rất ít. Điều đó cho thấy, việc thí sinh thao tác nhầm dẫn tới chuyển ca không phải do trình độ CNTT của thí sinh cao hay thấp mà còn do nguyên nhân sơ ý, chủ quan của thí sinh. PGS. Nguyễn Kim Sơn cho biết, có trường hợp thí sinh làm bài được 2/3 thời gian mà ấn thoát ra, sơ suất ngoài ý muốn đó đã được Ban chỉ đạo thi tạo điều kiện cho thi ca sau.
Video đang HOT
Ngày 2-6, ĐHQG Hà Nội kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH 2015
Trả lời thắc mắc của phóng viên ANTĐ về quy định của kỳ thi này là không cho phép thí sinh làm lại bài thi bằng bất cứ thao tác nào nhưng vì mắc lỗi kỹ thuật mà được làm lại bài thi thì có ngược với quy định hay không và làm thế nào để phân biệt được lỗi cố ý hay vô ý, PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Lỗi cố ý hay lỗi sơ suất của thí sinh đều được cán bộ phần mềm theo dõi tại phòng thi và qua máy tính. Màn hình kiểm soát theo dõi tình hình làm bài của từng thí sinh, lưu lại dấu vết thí sinh đã thao tác những gì, lỗi ở khâu nào, phát sinh
do đâu”.
Xây dựng nhiều đề, phải đầu tư xứng tầm
Về câu hỏi liệu có khả năng thí sinh thi lại bắt được câu hỏi mình đã từng làm trước đó, dẫn tới không công bằng với thí sinh khác hay không, PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết, mỗi thí sinh có một đề khác nhau do máy tính tổ hợp từ bộ đề nguồn. Việc lặp lại các câu hỏi giữa các ca thi hầu như không có hoặc tỷ lệ rất nhỏ. “Vì vậy xác suất thí sinh gặp lại câu hỏi là rất thấp. Tỷ lệ đó không ảnh hưởng đến chất lượng bài làm” – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với một lượng lớn đề thi do máy tính tổ hợp từ bộ đề nguồn, các đề thi có độ khó dễ tương đương nhau hay không. Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng trên lý thuyết, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Các tổ chức khảo thí quốc tế đều đã thực hiện cách làm này và cho kết quả chính xác tuyệt đối khi đánh giá thí sinh bằng các mã đề khác nhau, câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì việc xây dựng bộ đề nguồn rất khó, phải đầu tư kinh phí rất lớn” – ông Trần Văn Nghĩa cho biết.
Vị Phó Cục trưởng cho rằng, việc xây dựng đề thi đánh giá năng lực chuẩn có thể đảm bảo được nếu được đầu tư xứng tầm, tuy nhiên, để xác định được đề thi có đánh giá đồng đều năng lực thí sinh hay không sẽ phải chờ vào việc phân tích phổ điểm sau khi có kết quả thi.
Đã có thí sinh đạt 124/140 điểm
Kết thúc ngày 1-6, có 7/21 điểm tại Đà Nẵng, Vinh và Thái Nguyên đã hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHGQ Hà Nội. Như vậy, trong sáng 2-6, ngày cuối cùng diễn ra kỳ thi này, 14 điểm thi còn lại tiếp tục diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Trong 4 ca thi tại một cụm ở Hà Nội gồm 3 điểm thi, kết quả ban đầu cho thấy, trong 5.019 thí sinh, điểm cao nhất đạt được là 124/140 điểm. Số điểm 70 trở lên đạt 75,6%.
Tại một điểm thi Đà Nẵng, trong số 198 bài thi, thí sinh đạt điểm cao nhất là 121 điểm. Số điểm 70 trở lên là 77,8 %. Trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu. Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 vẫn có quyền đăng ký đợt sau, hoặc thi tiếp đợt sau để lấy kết quả cao hơn.
Theo ANTĐ