Đắk Nông: Nơi học sinh đến trường từ 4 rưỡi sáng, hàng trăm đứa trẻ thất học, mù chữ
Bắt đầu năm học mới, những đứa trẻ đang sinh sống tại 4 cụm dân cư của xã Đắk R’măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) lại bước vào hành trình đầy gian nan tìm kiếm con chữ.
Khoảng 1.000 đứa trẻ được sinh ra tại đây, có đứa được đi học, có đứa phải ở nhà và phần lớn vẫn chưa được khai sinh…
4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 của xã Đắk R’măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) gần 20 năm nay là nơi sinh sống của gần 300 hộ người Mông di cư từ phía Bắc vào.
Nơi học sinh đi học từ 4 rưỡi sáng, hàng trăm đứa trẻ thất học, mù chữ
Đi bộ 20km từ tờ mờ sáng
Sáng 20/8, Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) tập trung học sinh sau hơn hai tháng nghỉ hè. Năm học này, trường có khoảng 300 trẻ sinh sống tại 4 cụm dân cư của xã Đắk R’măng đến học, trong đó có gần 50 em vào lớp 1. Đa phần trong số đó là những đứa trẻ chưa một lần đi học, chưa được phổ cập giáo dục mầm non.
Anh Phố dẫn theo 7 đứa trẻ đi gần 20km ra trường thuê nhà trọ
Từ chiều ngày 19/8, trên con đường độc đạo dẫn từ 4 cụm dân cư ra Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính, những tốp học sinh đã dắt díu nhau ra thuê nhà trọ. Ở 4 cụm dân cư này, chỉ có gia đình nào có điều kiện mới có thể cho con ra gần trường trọ học, còn phần lớn vẫn đi về trong ngày, vượt hàng chục cây số để tìm con chữ.
Trên lối mòn độc đạo ấy, chúng tôi bắt gặp Giàng Seo Phố (trú cụm 9, xã Đắk R’măng) đang lầm lũi dẫn theo 7 đứa trẻ. Anh Phố cho biết, trong 7 đứa trẻ ấy, có 4 đứa là con anh, 3 đứa là con hàng xóm; đứa lớn nhất năm nay vào lớp 7, đứa nhỏ nhất thì học mẫu giáo.
Đứa lớn nhất năm nay lớp 7, nhỏ nhất mới vào mẫu giáo
“Mấy năm nay đều thuê nhà trọ ở ngoài đó chứ không đi về được. Ngày mai đi học, phải đưa chúng nó ra sớm tìm nhà để thuê, rồi đi mua sách vở cho năm học mới nữa. Đứa nào ở đây cũng vậy nên quen rồi, không lo nữa”, anh Phố nói bằng thứ tiếng Kinh bập bẹ.
Trời tối hẳn, chúng tôi mới có mặt tại cụm dân cư số 9, nơi tập trung nhiều hộ gia đình nhất trong các cụm dân cư. Vì không có điện nên người dân ở đây ăn tối sớm, rồi đi ngủ khi gà bắt đầu lên chuồng. Nhà nào cũng có một bóng đèn thắp sáng bằng bình ắc quy, thế nhưng họ để dành cho sáng ngày mai, khi những đứa trẻ chuẩn bị đến trường.
Anh Sình chuẩn bị sách vở cho cậu con trai năm nay vào lớp 2
Dưới ánh sáng điện lờ mờ, anh Giàng Seo Sình (trú cụm 9) lọ mọ chuẩn bị sách vở cho cậu con trai Giàng Min Sỹ, năm nay học lớp 2. Năm học trước, Sỹ cùng anh em trong nhà đi bộ đến trường từ 4h30 sáng, đến tận 19h30 tối mới trở về nhà. “Quá giờ mà chưa thấy chúng nó về thì mình mới mang đèn pin đi tìm”, anh Sình cho hay.
Những đứa trẻ thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đi học
Đúng 5h sáng hôm sau, khi cả cụm dân cư vẫn đang chìm trong màn sương, thì nhiều gia đình đã thức dậy để chuẩn bị cho con đi học. 15 phút sau, tiếng trẻ em gọi nhau í ới đã vang lên. Trẻ em ở đây rủ nhau đi bộ đi học, bước vào hành trình gian nan gần 12km để học chữ, nuôi giấc mơ thoát nghèo.
“Đi bộ quen rồi. Ở đây không đi được xe đạp, chỉ có xe máy với máy cày mới đi được. Bố mẹ bận đi rẫy rồi, không chở đi được. Chúng em toàn đi bộ đến trường”, Giàng Thị Ly (trú cụm 12) nói mấy câu cụt lủn rồi dẫn cậu em trai năm nay vào lớp 1 nhanh chóng rảo bước tới trường.
Giàng Thị Ly cùng em trai đi bộ gần 20km đến trường mỗi sáng
Vào tận rừng “bắt” học sinh đến trường
Khác với những đứa trẻ trong cụm, Lầu Thị Tớ (trú cụm 10) không đến trường vào tháng 9 này. Tớ là con lớn trong nhà nên dù muốn theo bạn bè đi học, cô bé phải từ bỏ ý định ấy khi mà mùa tựu trường cũng là mùa hái măng rừng. Những ngày này, khi trời còn chạng vạng tối, Tớ đã cùng mấy đứa trẻ khác rủ nhau vào lán để ngủ, sáng hôm sau đi rừng sớm.
Bữa sáng vội ngay cổng trường của nhiều đứa trẻ sau một hành trình dài đi bộ
“Phải vào đó ngủ rồi mai đi thuyền qua hồ thủy điện Đồng Nai, qua tỉnh Lâm Đồng hái măng. Hôm nào nhiều thì được 1 tạ, được gần 500 ngàn đồng. Tiền này đưa cho bố mẹ nuôi các em học, mình giữ lại một ít”, Tớ nói trước khi rời đi.
Theo các thầy cô giáo tại hai xã Đắk Som và Đắk R’măng, không dễ để tập trung hết trẻ trong cụm dân cư này đến trường. Phần vì không đủ giáo viên, phần vì các em bận đi rẫy nên cũng chẳng nhớ ngày đến trường. Chính vì vậy, từ đầu tháng 8, giáo viên của hai trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính (xã Đắk Som) và Tiểu học La Văn Cầu (Đắk R’măng) đã phải vào tận các cụm dân cư vận động các em đi học.
Thầy Yêm (ngồi) đến vận động phụ huynh đưa con em đến trường
Thầy Hoàng Ngọc Yêm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính cho biết, trẻ em ở đây nhiều em thích đi rẫy, đi rừng hơn đi học. Mỗi ngày đi rừng lấy măng, lấy chuối về bán các em có thể kiếm được vài trăm ngàn, vất vả như đi học vậy, nhưng lại có tiền thành ra nhiều em không thích đến trường.
“Nếu vào nhà mà không thấy học sinh, tức là các em đã đi làm rẫy hoặc vào rừng cùng với bố mẹ. Nhiều em đi lấy măng cả tuần mới trở về nhà. Thầy cô giáo, cán bộ xã vào tận nhà vận động phụ huynh đưa các em đến trường, nếu biết rẫy ở đâu thì mới lên tìm, còn đi rừng kiếm măng thì chịu, may mắn lắm mới “bắt” được vài em về”, thầy Yêm chia sẻ.
Sáng 20/8, nhiều phụ huynh mới chở con đến trường
Tương tự, thầy La Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu cho biết, hàng năm trường đều cử giáo viên vào tận các cụm dân cư để vận động các em đến trường. Thế nhưng, đi học một người thì mất đi một lao động, đi học cũng không nhận được chế độ gì nên thành ra, gia đình và ngay cả bản thân các em cũng không thiết tha đến trường.
Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm đứa trẻ thất học vì đường xá đi lại khó khăn
Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, tại 4 cụm dân cư này có khoảng 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 600 em độ tuổi Mẫu giáo đến THCS chưa đến trường. Ngoài ra còn có khoảng 100 trẻ thất học, mù chữ.
“Các em chưa có hộ khẩu, đi học xa nhà, lại không được hưởng bất cứ một trợ cấp nào. Đường xa, những gia đình có điều kiện chở con em đi học, còn lại thì phải để ở nhà”, ông Phương cho hay.
Dương Phong
Theo Dân trí
Thầy giáo quân hàm xanh xóa mù chữ cho người Mông Sơn La
Không chỉ mở các lớp xóa mù chữ cho người Mông ở Co Muông, Mường Lạn, trung úy Vàng Lao Lừ còn dạy họ kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt.
Cứ 19h hàng ngày, một phòng học ở trường tiểu học bán trú Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) lại được thắp sáng bằng những bóng đèn lấy từ nguồn điện năng lượng mặt trời. Trong lớp học ấy, thầy giáo trẻ Vàng Lao Lừ trong bộ quân phục cùng hàng chục học sinh với độ tuổi khác nhau cùng tập đọc, tập viết.
Lớp học này đã được trung úy Vàng Lao Lừ - một chiến sĩ của đồn Biên phòng Mường Lạn - tổ chức vài tháng trước, sau khi lớp xoá mù chữ của anh ở bản Co Muông hoàn tất. Với mục tiêu giúp người dân biết đọc, biết viết và tính toán đơn giản, Lừ dạy học sinh theo giáo trình xoá mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Cả lớp có 36 học sinh, tuổi từ 15 đến 38, có người đang là công an viên, hội trưởng hội phụ nữ của bản Mường Lạn", trung úy Lừ cho hay. Nhưng để có 36 học sinh này, Lừ đã mất rất nhiều công sức vận động vì người Mông cho rằng cuộc sống của họ chỉ có nương rẫy nên không cần học chữ. Anh phải tiếp cận dần dần bằng việc chỉ cho họ cách trồng cây ăn quả trên đất dốc, cách chăm sóc cây trồng phát triển tốt, không sâu bệnh... Đến khi việc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai cho kết quả, người dân mới tin và nghe theo anh học chữ.
"Tôi chuyển từ đơn vị vào bản sống để tiện thực hiện nhiệm vụ của cán bộ vận động quần chúng và dạy học. Hiện tôi đang ở nhờ nhà kho của trường mầm non Mường Lạn. Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại, đồ ăn thì tôi mua dự trữ hàng tuần vì cứ thứ 6 lại về đơn vị để họp giao ban", Lừ kể.
Lớp học xoá mù chữ của thầy giáo Vàng Lao Lừ ở Mường Lạn, Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: NVCC
Cũng nhờ gần gũi và nắm bắt thông tin, điều kiện từng học sinh mà có lần trung úy Vàng Lao Lừ kịp thời phát hiện và giải cứu một nữ sinh bị bọn buôn người lừa, chuẩn bị bán qua biên giới.
Đó là một buổi tối, thầy Lừ không thấy Vàng Thị Sênh (18 tuổi, bản Co Muông, xã Mường Lạn) đến lớp, hỏi em gái Sênh thì được biết cô có khách nên không đi học. Tuy nhiên, ngày hôm sau, anh trai Sênh lại nói là cô "đi học từ tối qua chưa về". Linh cảm thấy việc chẳng lành, Vàng Lao Lừ cùng gia đình tỏa ra đi tìm kiếm Sênh.
Rà soát ở nhà những người thân đều không có, Lừ gọi điện cũng không thấy Sênh bắt máy. Đến khi anh trai cô gọi thì có người lạ nghe và tuyên bố đã "lấy Sênh về làm vợ".
"Xâu chuỗi sự việc, tôi nghi ngờ Sênh đã bị bọn buôn người lừa đưa đi nên gọi điện về đơn vị báo cáo tình hình, đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa các cửa ngõ biên giới, ngăn chặn bọn buôn người đưa Sênh đi", Lừ kể và cho biết, qua tìm hiểu, anh biết được hai đối tượng lạ mặt dẫn Sênh đi là người Yên Bái, nhưng khi liên hệ về địa phương thì biết tin đối tượng đã bỏ nhà từ lâu.
Lừ cho rằng các đối tượng có thể không dẫn Sênh đi qua đường Yên Bái vì sợ bị phát hiện nên đề nghị tổ chức truy tìm cả ở các tuyến đường về xuôi. May mắn, cơ quan chức năng đã phát hiện Sênh bị các đối tượng đưa đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) dự định chuyển lên Lào Cai bán qua biên giới. Cuộc giải cứu Sênh thành công.
Trung uý Lừ dạy học sinh tập viết. Ảnh: NVCC
Sau mỗi khóa học xóa mù chữ, những học trò của trung uý Lừ đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, biết mua hàng tạp hoá về bán, chuyển đổi cây trồng, từ ngô, lúa thành cây hoa quả lâu năm, khi xã gửi các văn bản thì đã biết tự nghiên cứu được.
Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó phòng Vận động quần chúng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Sơn La) cho biết, khu vực Mường Lạn, số lượng gia đình người Mông cho con đến trường hạn chế, tình trạng mù chữ còn chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn đi làm thuê cho tội phạm. Nhiều chiến sĩ biên phòng cũng đã vận động bà con làm ăn, học tập nhưng hiệu quả chưa cao vì bất đồng ngôn ngữ hoặc không hiểu văn hóa. Riêng trung uý Lừ phát huy lợi thế người địa phương, dân tộc Mông, thông hiểu địa bàn... nên vận động đồng bào rất hiệu quả.
Thời gian qua, trung úy Lừ đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp miễn phí cho bà con nhân dân hai bản Co Muông và Nong Phụ cây giống, con giống, phân bón trị giá hơn 70 triệu đồng. Lừ cũng phụ trách giúp đỡ 5 trẻ do đơn vị nhận nuôi tại Đồn trong chương trình "Nâng bước em tới trường".
Trung uý Vàng Lao Lừ đã được nhận bằng khen Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu vùng xa, biên giới hải, đảo của Tổ quốc năm 2018. Anh cũng là gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2018, chủ nhân của hàng chục giấy khen, bằng khen khác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La...
Hoàng Thùy
Theo VNE
50% trẻ em trong lứa tuổi mầm non trên thế giới không được đến trường Hơn 175 triệu trẻ em - tương đương với khoảng 50% trẻ em ở độ tuổi mầm non trên toàn cầu không được đến trường. Điều này có nghĩa là các em bị bỏ lỡ một cơ hội đầu đời quan trọng và phải chịu sự bất công ngay từ khi còn thơ ấu. Thông tin trên được Quỹ Nhi đồng Liên hợp...