Đắk Nông: Những “tiết học vùng biên” hun đúc tình yêu Tổ quốc
Mỗi tháng một lần, thay vì ngồi trong phòng học, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) được trải nghiệm thực tế tại những lớp học “dã chiến” dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Với hình thức “tiết học vùng biên”, những kiến thức về biên giới, lãnh thổ quốc gia đã được truyền đạt đến học sinh một cách chân thật nhất, góp phần hun đúc tình yêu biên cương Tổ quốc trong các em.
“Các bạn có biết đây là gì không nào?”, “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!”, “Đúng rồi! Đây là cột mốc chính số 55 trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Campuchia là phía nước bạn rồi nhé. Các em chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới đó nghe”, tiếng một chiến sĩ biên phòng phát ra từ một lớp học đặc biệt nằm ngay trên vùng đất biên cương.
Hơn 1 tháng nay, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được trải nghiệm những tiết học vùng biên.
Đó là một trong những kiến thức cơ bản về khu vực biên giới được truyền thụ đến học sinh trên địa bàn xã Đắk Búk So trong “tiết học vùng biên”. Tiết học do Đồn biên phòng Tuy Đức phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức tổ chức triển khai. Mỗi tháng sẽ có một “tiết học vùng biên”, lớp học được bố trí ngay cạnh những cột mốc biên giới, thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là những chiến sĩ biên phòng.
Tham gia chương trình, không chỉ được truyền đạt những kiến thức về biên giới như quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết vùng cấm; đường biên, cột mốc biên giới, các em còn được tiếp cận với những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới.
Tiết học do những chiến sĩ biên phòng đứng lớp, lớp học ở ngay cạnh những cột mốc biên giới
Thông qua tiết học, các em nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như góp phần tuyên truyền cho người thân, bà con về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.
Em Điểu Phước (học sinh lớp 10, Trường Dân tộc nội trú – THCS-THPT Tuy Đức) sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Vốn là đồng bào bản địa, đối với Phước và nhiều người dân khác trong buôn, hàng ngày họ vẫn thường tự do qua lại bên kia biên giới, vừa để mua bán trao đổi hàng hóa, vừa để thăm bạn bè, người thân. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nam sinh này, đường biên giới vẫn là một khái niệm mông lung và ít khi được cộng đồng người M’Nông ở xã Quảng Trực để ý.
“Qua “tiết học vùng biên”, chúng em hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, nhất là ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng em cũng hiểu rằng, việc nhiều người trong buôn tự do qua lại khu vực biên giới và qua bên Campuchia là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương”, Điểu Phước cho hay.
Video đang HOT
Mỗi tháng sẽ có một “tiết học vùng biên” dành cho iểu học, THCS, THPT và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức
Tương tự, sau khi tham gia “tiết học vùng biên”, em Thị Thu (học sinh lớp 9A) đã có những nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền của tổ quốc. Nữ sinh này cho biết: “Mỗi lần đi học về, nhìn cột mốc biên giới, chúng em cảm nhận được Tổ quốc thiêng liêng, hiểu hơn những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. “.
Được biết, để “tiết học vùng biên” đạt hiệu quả cao nhất, các chiến sĩ biên phòng đã lựa chọn các nội dung sát với thực tế địa bàn và phù hợp với nhận thức của học sinh khu vực biên giới. Ngoài học lý thuyết, các em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý… Đồng thời, các em còn nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Học sinh tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng
Đại úy Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuy Đức chia sẻ: “Trước khi lên lớp, chúng tôi soạn giáo án rất kỹ và tập luyện nhiều lần. Kiến thức về pháp luật biên giới vốn dĩ khô khan, trong khi các em học sinh lại còn nhỏ tuổi. Vì vậy, phương châm “ngắn gọn, đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ” đã được chúng tôi áp dụng triệt để. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phần mềm trình chiếu, nên nội dung kiến thức được truyền tải sinh động, với nhiều hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới, bảo vệ cột mốc biên giới và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới…”.
Theo thầy Nguyễn Văn Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú – THCS – THPT Tuy Đức, việc đưa “Tiết học vùng biên” vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, các em học sinh được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngay cả với giáo viên đã nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực biên giới cũng rất bổ ích. Khi về nhà, các em còn tuyên truyền trực tiếp đến gia đình và cộng đồng, từ đó người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
Dương Phong
Theo Dân trí
Hiệu quả từ mô hình trường học gắn với sản xuất
Đổi mới phương pháp dạy học là mục tiêu mà các trường luôn đặt ra nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.
Những chậu hoa, cây cảnh được trang trí tại hành lang các lớp học chính là sản phẩm của học sinh trong trường. Ảnh: Trung Toàn
Đây là lý do vì sao Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ xây dựng mô hình "Trường học gắn với sản xuất". Mô hình này giúp các em học sinh trải nghiệm thực tế và biết yêu lao động, sản xuất. Đặc biệt, phương pháp dạy - học của nhà trường đã tiệm cận với phương pháp giáo dục STEM.
Biết trân quý lao động
Ít ai biết rằng, những chậu cây cảnh, bồn hoa, vườn rau xanh mướt mát lại là sản phẩm, thành quả lao động sản xuất của chính những học sinh của nhà trường. Hỏi bất kỳ học sinh nào trong trường về quy trình trồng, chăm sóc rau xanh và một số loài hoa, cây cảnh, các em đều nói "vanh vách" như những người làm vườn chuyên nghiệp: Từ cách làm đất, chọn giống, bỏ phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Em Đinh Thị Ngọc Anh - học sinh lớp 11B nói vui: "Sau giờ học buổi chiều, chúng em được trải nghiệm thực tế làm vườn "thứ thiệt" như: Gieo trồng các loại rau xanh, trồng chăm sóc một số loại hoa, cây cảnh. Trong quá trình lao động, sản xuất chúng em được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo. Cách học thực tế như thế này giúp chúng em nắm chắc bài học và hiểu sâu kiến thức hơn".
"Bài học bên những luống rau, vườn hoa cây cảnh không chỉ đơn thuần là giáo dục về lao động, sản xuất mà còn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Qua đó, các em thấy được niềm vui, sự hứng khởi sau mỗi bài học và đặc biệt các em cảm nhận được đi học là hạnh phúc."
Thầy Triệu Trung Kiên
Cặm cụi tỉa tót, vun đất bên bồn hoa, cây cảnh, em Trần Thị Trang - học sinh lớp 12 A hồ hởi nói: Trước đây em chưa từng biết đến làm đất, trồng rau, chăm sóc cây cảnh. Nhưng nay những việc đó em thuộc như lòng bàn tay. Bởi lẽ, ngay sau khi học xong lý thuyết, thầy cô trực tiếp xuống vườn trường để hướng dẫn, thậm chí còn làm cùng chúng em. Qua đó chúng em được được "mắt thấy, tai nghe, tay làm" nên bài học dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện, kiến thức không bị "rơi rụng".
"Bài học thực tiễn bao giờ cũng mang lại cho chúng em những giá trị về mặt cảm xúc. Đó không chỉ là những kiến thức về bài học mà còn là kỹ năng sống. Đơn giản là kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, kỹ năng làm việc nhóm. Song trên hết la, chúng em biết trân quý và trân trọng thành quả lao động. Nghĩ lại mới thấy thương bố mẹ và yêu mến gia đình hơn" - em Trần Thị Trang bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc phục vụ nhu cầu bữa ăn bán trú và trang trí khung cảnh sư phạm nhà trường thêm đẹp mắt, sản phẩm rau sạch, hoa cây cảnh của các em còn được bán ra ngoài thị trường, được nhân dân tin dùng. Qua đó có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất và bổ sung vào nguồn quỹ học bổng của nhà trường.
Khu vực vườn rau xanh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Toàn
Học đi đôi với hành
Cô Lê Thị Kim Dung - giáo viên môn Sinh - Công nghệ của nhà trường cho biết: Sau mỗi giờ học, nhà trường phối hợp với các giáo viên khác tổ chức cho các em học sinh tham gia lao động, sản xuất ngay tại vườn trường. Theo đó, các em sẽ được "nhập vai" thành các bác nông dân để trồng, chăm sóc rau xanh, hoa cây cảnh. Sau đó các em sẽ thu hoạch để phục vụ cho những bữa ăn hàng ngày của mình. Với phương pháp "học đi đôi với hành" như thế này, các em không chỉ học lý thuyết mà các em được trải nghiệm thực tế nên kiến thức bài học thu được sẽ sâu hơn.
"Chẳng hạn như, môn Công nghệ có một số bài học về đất trồng, liên quan đến cách làm đất, các biện pháp cải tạo đất cho ngày càng màu mỡ, tơi xốp. Hoặc có những bài liên quan đến rau sạch, rau an toàn... Nếu chỉ giảng lý thuyết trên lớp thì các em khó có thể hình dung hết được.
Tuy nhiên, khi các em trực tiếp làm thì các em tiếp thu bài học rất tốt, rất hiệu quả và kiến thức sẽ không bị trôi đi. Cũng từ hoạt động này, các em sẽ định hướng nghề nghiệp của mình sau này được tốt hơn. Nhiều em tâm sự, sau khi ra trường các em sẽ làm nông nghiệp, phát triển kinh tế đồi, rừng; mở trang trại... Ngoài ra, khi được tham gia sản xuất, các em sẽ yêu lao động, yêu sản xuất hơn. Từ đó biết quý trọng thành quả lao động của mình và của người thân" - cô Lê Thị Kim Dung trao đổi.
Theo thầy Trần Hữu Phước - Phó Hiệu trưởng nhà trường, mô hình trường học gắn với sản xuất là những chuỗi hoạt động học tập tích cực và có vận dụng kiến thức của nhiều môn học như: Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Vật lý... vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn như khi tiến hành trồng rau, hoa cây cảnh các em sẽ phải biết quy trình làm đất, lựa chọn giống cây trồng, kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
"Trước khi tiến hành thực nghiệm, các em sẽ phải xây dựng thành một quy trình khoa học dưới sự hướng dẫn, giám sát của thầy cô giáo bộ môn, sau đó áp dụng làm theo. Thành quả lao động của các em chính là điểm số để đánh giá kết quả học tập" - thầy Trần Hữu Phước chia sẻ.
Tiếp lời thầy Phước, thầy Hiệu trưởng Triệu Trung Kiên cho biết, mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh đã tiếp cận đến phương pháp giáo dục STEM. Qua đó, các em không chỉ được trải nghiệm thực tế, nắm chắc kiến thức bài học mà còn giúp cải thiện bữa ăn cho các em bằng nguồn rau sạch. Có thể nói, thực tiễn lao động chính là bài học hiệu quả nhất cho các em học sinh
Cùng với đó, các em ý thức được lao động sản xuất luôn gắn liền với cuộc sống, gắn liền với những kiến thức mà các em đã được học tập. Quan trọng là các em phát triển được kỹ năng, hình thành các kiến thức mới thông qua thực tiễn lao động.
"Thực tế nhiều học sinh ở nhà chưa bao giờ biết cầm đến cái cuốc, cái xẻng ra vườn giúp bố mẹ, nhưng khi học ở trường, các em đã trở thành những nhân vật chính từ khâu làm đất, trồng rau, nhổ cỏ, bón phân và thu hoạch sản phẩm. Từ đó, về nhà các em đã biết giúp đỡ bố mẹ và cùng bố mẹ tham gia vào lao động sản xuất" - thầy Triệu Trung Kiên vui vẻ nói.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Phát động giờ lập trình 2018 cho học sinh Học sinh Việt Nam sẽ được học tập và tìm hiểu về khoa học máy tính, giúp các em trang bị những kỹ năng cần thiết sẵn sàng cho tương lai, đồng thời tăng cường cơ hội tiếp cận với công nghệ. Các chương trình tìm hiểu về khoa học máy tính ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh -...