Đắk Nông: Đắk Nông: Đầu năm học mới, “đau đầu” vì thiếu gần ngàn giáo viên
Bước vào năm học mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại “đau đầu” vì thiếu giáo viên đứng lớp. Tình trạng trên diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã và kéo dài nhiều năm nay khiến cho việc dạy và học không được đảm bảo.
Ngay tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa 3 và phiên họp thường kỳ tháng 8 do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, tình trạng thiếu giáo viên (GV), nhất là thiếu GV cấp học mầm non lại một lần nữa được các địa phương nhắc tới. Tại các cuộc họp này, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng thừa nhận câu chuyện thiếu GV sẽ “chưa có hồi kết” nếu ngành giáo dục, các cấp không có sự linh hoạt theo kiểu “tùy cơ ứng biến”.
Tại huyện biên giới Tuy Đức, đây là năm thứ 3 liên tiếp và là năm thứ 6 kể từ khi huyện này được thành lập rơi vào tình trạng thiếu GV. Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, năm học 2018- 2019, huyện này thiếu khoảng 113- 117 GV các cấp, trong đó thiếu nhiều nhất là GV bậc mầm non.
Tất cả các địa phương của tỉnh Đắk Nông đều có tình trạng thiếu giáo viên (ảnh minh họa)
Nguyên nhân của tình trạng thiếu GV nhiều năm liền là việc gia tăng dân số tự nhiên cao và số lượng người thuộc diện di dân tự do, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc lớn. Trong khi đó, số lượng GV biên chế, GV hợp đồng được phân bổ về rất hạn chế, nên không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học tại địa phương này.
Bước vào năm học 2018-2019, huyện Đắk G’Long có khoảng 542 lớp với 17.627 học sinh ở các cấp học, tăng 18 lớp và 850 học sinh so với năm học 2017-2018. Đây cũng là huyện thiếu nhiều GV nhất tỉnh Đắk Nông, tức phải cần khoảng 290 GV nữa để đáp ứng nhu cầu dạy học. Trong số đó, thiếu nhiều nhất vẫn là GV bậc học mầm non với khoảng 208 giáo viên; trung học cơ sở thiếu 42 GV và tiểu học thiếu 41 GV.
Theo một lãnh đạo của huyện này, nếu không được bổ sung biên chế, số GV thiếu hàng năm sẽ là “cấp số cộng”, năm sau cao hơn năm trước bởi số lượng học sinh trên địa bàn hằng năm tăng.
Không chỉ 2 địa phương đã nêu, tình trạng thiếu GV đang diễn ra ở khắp các huyện, thị xã của tỉnh Đắk Nông, trong đó TX. Gia Nghĩa thiếu 95 GV, huyện Krông Nô thiếu 78 GV, huyện Đắk Song thiếu 77 GV…
Video đang HOT
Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dân số cơ học tăng nhanh, trong khi biên chế GV hàng năm không được bổ sung mà còn phải giảm theo lộ trình chính phủ đề ra (theo đề án tinh giản biên chế thì mỗi năm, ngành giáo dục phải giảm tối thiểu 31 biên chế).
“Để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhiều trường phải tổ chức dạy hai buổi, dạy kê, dạy gác (tăng tiết) hoặc nâng sĩ số của lớp học lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt vì nó gây khó khăn cho công tác dạy và học của giáo viên và học sinh. Chúng tôi cũng rất mong có thêm biên chế cho ngành giáo dục để giải quyết tình trạng trên”, ông Nguyễn Xuân Đan, trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức cho hay.
Để khắc phục, nhiều trường phải tăng tiết hoặc tăng sĩ số lớp học (ảnh minh họa)
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Hiệp, trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư Jút, hiện huyện này thiếu khoảng 30 biên chế GV mầm non, tuy nhiên cấp tiểu học và THCS lại dư. Trước tình trạng trên, một số cán bộ GV thuộc hai cấp tiểu học và THCS đã đi học thêm và xin chuyển xuống làm việc ở bậc học mầm non. Việc này trước mắt đã bù đắp được một phần nào đó tình trạng thiếu GV của địa phương.
Được biết, trong năm học 2018-2019, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 167.000 học sinh các cấp, tăng khoảng 7600 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, số trẻ trong độ tuổi đến trường sẽ cao hơn con số 167.000 học sinh do nhiều em vẫn chưa có điều kiện đến trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông phân tích, Đắk Nông là tỉnh trẻ, dân di cư tự do cao, hàng năm số lượng học sinh đều tăng dẫn đến tình trạng thiếu biên chế ngành giáo dục. Tình trạng này sẽ còn diễn ra nếu các địa phương không quyết tâm rà soát, sắp xếp lại một cách hợp lý. Để làm được điều này, việc xây dựng lại vị trí, nhu cầu công việc để xây dựng đề án đào tạo, đào tạo lại số biên chế dư thừa, bổ sung cho những nơi thiếu là cần thiết.
Trước mắt, Sở này đang chỉ đạo các địa phương thiếu GV, cơ sở vật chất cấp học mầm non tập trung ưu tiên cho phổ cập trẻ 5 tuổi. Những cháu dưới 5 tuổi thì tùy vào thực tế để tuyển sinh và đẩy mạnh xã hội hóa. Mặt khác, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, bố trí ngân sách để ký hợp đồng với những GV còn thiếu ở các cấp học trong điều kiện cho phép hoặc chuyển đổi một số vị trí biên chế để bảo đảm công tác dạy học ngay từ khi bước vào năm học mới 2018-2019.
Dương Phong
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Trường dưới gầm cầu, tính mạng của trẻ mầm non bị đe dọa
Trường mầm non xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) đang xuống cấp nghiêm trọng, hơn nữa ngôi trường lại nằm ngay dưới gầm cầu trên quốc lộ đe dọa đến tính mạng của hàng chục học sinh và giáo viên.
Trường Mầm non Thanh Xuân được xây dựng từ năm 2005, đến nay ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của hàng chục học sinh và giáo viên nơi đây.
Trường mầm non ngay dưới gầm cầu trên đường quốc lộ bắc qua con suối Éo
Bà Phạm Thị Huyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù ngày tựu trường năm học mới sắp tới, thế nhưng ngôi trường đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua, ngôi trường bị thấm nước, bờ tường ẩm mốc, hư hỏng nhiều đồ dùng học tập.
"Để chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi phải huy động cán bộ, giáo viên và cả những phụ huynh dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Trường có 4 phòng học thì phòng nào cũng bị thấm nước, xuống cấp, nguy cơ đổ sập trong mùa mưa bão", bà Huyên chia sẻ.
Đồ dùng học tập trong trường bị hư hỏng do ẩm ướt
Theo bà Huyên, nguyên nhân đẫn đến ngôi trường xuống cấp là do trường này nằm trong diện di dời trong vùng ngập lòng hồ của thủy điện Hồi Xuân. Chính quyền địa phương cũng không thể sửa chữa, xây dựng.
Hơn nữa, dự án nâng cấp quốc lộ 15A đã khiến ngôi trường bị tụt sâu hàng chục mét so với mặt đường và mặt cầu bắc qua con suối Éo. Rác ở các chồng trâu, bò của hộ dân phía trên tràn xuống gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
"Trời nắng xe cộ lưu thông trên cầu bụi bặm vô cùng, trời mưa thì lầy lội và bị chia cắt bởi đất, đá từ trên mặt quốc lộ 15A đổ xuống. Nhà trường phải liên tục huy động phụ huynh tham gia giải phóng đất, đá sạt lở xuống mới có lối đưa các cháu tới trường", bà Huyên nói.
Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, trường mầm non Thanh Xuân thuộc diện phải di dời vì nằm trong vùng ngập lòng hồ của Thủy điện Hồi Xuân. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Thủy điện Hồi Xuân chưa chi trả tiền đền bù để di dời ngôi trường này đến nơi khác.
Sân khấu ngoài trời của các em được dừng bằng tranh tre tạm bợ
Ông Tự chia sẻ thêm, theo giá đền bù để di dời trường Mầm non Thanh Xuân đi nơi khác, phía Thủy điện Hồi Xuân chi trả 1,5 tỷ đồng. Với số tiền đó ở vùng sâu vùng xa như Thanh Xuân thì rất khó để xây dựng được một ngôi trường mới. Huyện cũng đã báo cáo sự việc trên với tỉnh và chờ ý kiến chỉ đạo từ phía tỉnh."Huyện cũng rất lo lắng trước sự an toàn tính mạng của cô, trò nhà trường vì thực trạng trên. Mặc dù địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu phía Thủy điện Hồi Xuân chi trả tiền đền bù để di dời ngôi trường này, nhưng đến nay cũng chưa được", ông Tự phân trần.
Theo vietnamnet.vn
Thầy Văn "Đội" và 39 mùa khai trường thắm màu khăn quàng đỏ Mỗi năm học mới bắt đầu, như thường lệ, người ta lại thấy bóng dáng thầy tất bật tựa thoi đưa ở khắp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn... Nhiệt huyết, sắc sảo, sáng tạo, uyên thâm, hóm hỉnh và luôn tràn đầy năng lượng! Đó là những ấn tượng đầu tiên mà có lẽ ai...