Đắk Nông: Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo
Gần hai năm sau ngày Dân trí đăng tải bài viết “ Cô giáo vùng cao nấu cơm cho hàng trăm học trò nghèo”, bữa ăn cho học trò nghèo của cô Huỳnh Thị Thùy Dung được nhiều người biết đến hơn. Cũng trong gần hai năm ấy, cô Thùy Dung còn đi kêu gọi mọi người để có một bếp ăn “chuẩn” và nhà bán trú học sinh, giúp các em có chỗ ăn, chỗ ngủ mỗi khi đến trường.
“Món quà để các em yên tâm đến lớp”
Tháng 3 Tây Nguyên nóng phỏng rát. Trên những con đường đất bụi mù đất đỏ, những đứa trẻ lầm lũi bước vội đến tập trung tại một quán ăn cách trường học không xa. Đã thành thông lệ, cứ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, gần 200 học sinh (HS) của trường Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lại tập trung lại đây để “ăn cơm cô Dung”- tức cô Huỳnh Thị Thùy Dung
Cô Dung cùng một số người dân chuẩn bị nấu cơm trưa cho học sinh
Quá 15 phút kể từ lúc kết thúc buổi học, nhiều bàn ăn vẫn chưa có HS đến ngồi, cô Dung lại cất tiếng gọi học trò. Dường như công việc ấy đã quá quen với nữ giáo viên, nên cứ thấy học trò nào, cô Dung lại gọi đích danh, thúc giục em nhanh chân vào ăn cơm.
Cô Dung phân trần: “Hôm nay nghe tin có người đến chụp ảnh, các em xấu hổ nên chưa dám vào ăn, chứ mọi hôm các em tự giác lắm, tan học là chạy đến bàn ăn luôn”.
Sau khi tan học, học sinh tập trung về một quán ăn cạnh trường để ăn cơm
Ba năm, từng ấy thời gian cô Dung quen với việc gọi HS về ăn cơm bất kể nắng gió hay mưa bão. Có những em mới học lớp 1, nhưng cũng có những em đã chuyển cấp, cô đều nhớ hết mặt, hết tên. Chính vì thế, khi được hỏi, tất cả những đứa trẻ ấy đều dành cho cô Dung- người mẹ thứ hai – một tình cảm, sự biết ơn đặc biệt nhất.
Ngồi lặng lẽ nhìn học trò ăn trưa, cô Dung vẫn không thể quên những ngày đầu hoạt động, khi mà bếp ăn chưa nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tin tưởng của các mạnh thường quân. Thế nhưng, sau gần 3 năm nỗ lực, cô đã thay đổi được tất cả.
Đã có lúc bữa ăn bị gián đoạn do sự ủng hộ bị cắt
“Thời gian đầu, các bữa ăn bị đứt quãng do không có kinh phí để hoạt động, nguồn tài trợ cũng bị cắt mất do họ thấy không khả quan. Ngày ấy mỗi tuần các em chỉ được phát thức ăn vào 1, 2 buổi trong tuần, còn tự phải mang cơm đi học. Thế nhưng thông qua bài viết trên báo Dân trí, rất nhiều người biết đến bếp ăn, cùng chung sức để bếp ăn tiếp tục hoạt động và nâng lên 4, 5 bữa một tuần, bao gồm cả cơm và thức ăn”, nữ giáo viên tâm sự.
Sau bài viết của báo Dân trí, bếp ăn được biết đến hơn, học sinh tiếp tục được ăn cơm cô Dung
Em Hờ A Dờ (dân tộc Mông) cho biết, hai anh em ở tận bản Mông, xa trường gần 10km, đường đi lại toàn là đồi núi, đường đất nên rất vất vả. Hai năm nay, được ăn cơm của cô Dung nên bố mẹ mới đồng ý cho đi học tiếp. “Cơm rất ngon, có cả thịt, cá nên bữa nào em cũng đến ăn. Hôm nào ăn không hết, cô còn cho bọn em lấy về nhà nữa”, nam sinh thật thà chia sẻ.
“Sau bữa cơm, sẽ là giấc ngủ”
Cô Dung tâm sự: “Các em được ăn no bụng đã là may mắn lắm rồi. Thế nhưng thực tế của địa phương, nhà các em rất xa, trong khi trường không có chỗ nghỉ ngơi cho HS, nên buổi trưa nhiều em thường hay ra sông, ra suối tắm rất nguy hiểm. Nhiều khi lên lớp buổi chiều, các em thường hay ngủ gật vì buổi trưa đi lang thang mà không ngủ. Chính vì vậy, tôi lại quyết tâm đi xin mọi người một căn nhà bán trú cho các em nghỉ trưa”.
Video đang HOT
Cô Dung đã kêu gọi để xây dựng một khu bán trú ngay sau trường
Chia sẻ nguyện vọng của mình lên trang Facebook cá nhân, cô Dung không ngờ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Mỗi người một ít, đến cuối tháng 3/2019, kế hoạch xây nhà bán trú, nhà ăn cho HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã được hiện thực hóa.
“Vì quỹ đất của nhà trường không có nên các mạnh thường quân đã góp tiền mua một miếng đất ngay cạnh trường để xây dựng bếp ăn và nhà bán trú. Miếng đất rộng hơn 1 sào, được nhà trường đứng tên quản lý. Hiện tại, nhà trường cũng đang làm việc với đơn vị thiết kế, thi công để tính toán cụ thể chi phí thực hiện, sau đó sẽ bắt tay vào xây dựng để kịp hoàn thành trước mùa mưa năm nay”, cô Dung cho biết thêm.
khu bán trú sẽ gồm bếp ăn tập thể và hai phòng nghỉ trưa cho học sinh
Theo cô Dung, khu bán trú cho HS sẽ gồm bếp ăn tập thể và hai phòng nghỉ trưa cho HS nam và nữ. Khi đi vào hoạt động, cô Dung sẽ cùng một số đồng nghiệp khác chăm sóc HS. Riêng bếp ăn sẽ thuê một đơn vị có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để nấu cho các cháu.
Cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Võ Thị Sáu cho biết , Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Đắk Nang hiện có hơn 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người Mông, Sán Chỉ có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, từ những việc làm của cô giáo Dung đã góp phần tích cực cùng nhà trường trong việc giảm thiểu HS bỏ học giữa chừng..
Học sinh được rèn luyện tính tự giác khi ăn ở bếp ăn cô Dung
“Từ ngày cô Dung nấu cơm trưa cho HS, tỷ lệ nghỉ học giữa chừng giảm hẳn, sĩ số lớp các năm được duy trì. Nếu năm 2013, nhà trường có tỷ lệ HS bỏ học chiếm trên 4% thì đến nay chỉ còn 0,5%. Cũng nhờ sự kêu gọi của côDung cùng sự giúp đỡ của mọi người mà chúng tôi đã có nước sạch cho HS uống, có thư viện đọc sách cho HS…”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận xét.
Cô giáo Thùy Dung từng chia sẻ: “Dù chỉ có điều kiện nấu cho các em hai bữa cơm trưa trong tuần, nhưng chúng tôi hy vọng, đó là món quà thiết thực nhất để các em yên tâm đến lớp. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ xin xây dựng một bếp ăn bán trú để bữa ăn của các em đầy đủ, tươm tất hơn”. Đến thời điểm hiện tại, gần 200 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đều được ăn 4-5 bữa cơm trưa tại bếp ăn của cô Dung.
Bên cạnh nấu cơm, xây nhà bán trú, cô Dung cũng là người khởi sướng chương trình “áo ấm mùa đông”, xe đạp cho những trò nghèo nhà xa.
Trong năm học 2017-2018, cô Huỳnh Thị Thùy Dung được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” vì có thành tích xuất sắc trong năm học. Cũng trong năm học, cô Dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo dạy và học”.
Dương Phong
Theo Dân trí
Ngưỡng mộ nữ sinh viên học giỏi, hiếu thảo
Nguyễn Thị Minh Hiển, sinh viên năm 4 ngành sư phạm tiếng Anh, Đại học Phạm Văn Đồng là tấm gương luôn nỗ lực vươn lên học tập tốt dù hoàn cảnh còn khó khăn.
Chung ta không ai co quyên đươc chon nơi minh sinh ra, nhưng chung ta co quyên đươc nô lưc, phân đâu hêt minh đê vươt qua kho khăn, cơ hôi chia đêu cho tât ca, điêu côt loi la bạn phải biêt năm băt và cố gắng.
Em Nguyễn Thị Minh Hiển, nữ sinh viên năm 4 ngành sư phạm tiếng Anh, Đại học Phạm Văn Đồng là một tấm gương luôn nỗ lực vươn lên học tập tốt mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, em Hiển đã luôn tự giác, chăm chỉ học tập chỉ với mong muốn ngày sau có một công việc và thu nhập phù hợp để đỡ đần sự vất vả của ba và có thể chăm sóc mẹ bị bệnh và em trai còn nhỏ.
Em có chia sẻ về hoàn cảnh gia đình: "Ba em là giáo viên cấp 3 về hưu, đồng lương ít ỏi, mẹ em bị bệnh gan mãn tính khá nặng, chi phí điều trị cũng tốn kém và em trai thì vẫn còn học phổ thông nên điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn".
Những năm học cấp 3 em Hiển đều đạt học lực khá ở lớp 10, 11 và vươn lên đạt thành tích học lực giỏi ở lớp 12, đồng thời là Bí thư lớp xuất sắc 3 năm liền tại Trường trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn, Thành phố Quảng Ngãi.
Xúc động với ước mơ của em
Hiểu được sự mong mỏi, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bè bạn, Hiển luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của gia đình, không ngừng tiến bộ trong học tập của bản thân.
"Mong ước của em cũng giống như nhiều bạn học sinh cùng trang lứa khác là muốn được học tại những trường Đại học danh tiếng ở những thành phố lớn có cơ hội học tập tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình em không đành lòng", Hiển nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về mong ước của bản thân.
Dừng câu chuyện một lúc rồi em nhẹ nhàng nói tiếp: "Em thương ba vất vả, đồng lương hưu giáo viên chẳng được là mấy, mẹ em thì bệnh vì thế học hết phổ thông em quyết định chọn Trường đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi cho gần nhà để có thời gian chăm sóc mẹ bệnh và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình".
Nữ sinh viên học giỏi, năng động
Với thành tích học tập ổn định, miệt mài cố gắng học tập, sống có lý tưởng và hoài bão... năm 2015 em Hiển đã thi đậu vào ngành sư phạm tiếng Anh, Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi với điểm số rất cao.
Với 3 năm kinh nghiệm hoạt động đoàn, hội ở bậc trung học phổ thông, nên khi bước vào giảng đường đại học Hiển được thầy cô và bạn bè tín nhiệm giao làm Chi hội trưởng Chi hội DSA 15B.
Trong những năm tháng sinh viên với trách nhiệm được giao Hiển luôn nỗ lực học tập, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội là một tấm gương sáng cho các bạn sinh viên.
Em Nguyễn Thị Minh Hiển - Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi (áo phông trắng, đứng giữa) trong một hoạt động của Hội sinh viên. Ảnh: NVCC
Thầy Cao Xuân Tín - Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồngnhận xét:
"Em Hiển không những có thành tích học tập xuất sắc mà em còn tham gia rất tích cực các hoạt động của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên, đặc biệt Hiển là một cán bộ Hội gương mẫu, xung kích và luôn để lại dấu ấn trong mọi hoạt động phong trào do Hội sinh viên trường tổ chức".
Thầy Cao Xuân Tín cho biết thêm: "Khi Hiển mới là sinh viên năm nhất, em Hiển đã tình nguyện dạy miễn phí tiếng Anh cho lớp trẻ em của quán cơm Nụ cười Sông Trà, các em có bố mẹ là công nhân lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện cho con em học thêm ở các trung tâm".
Được biết thành tích học tập các kỳ đại học em đều đạt loại Giỏi, đặc biệt đến năm thứ 2 đại học em đã đạt kết quả học tập xuất sắc cả năm.
Hiện nay, điểm tích lũy của em là 3.35, đứng tốp đầu khối sư phạm tiếng Anh khóa 15, Đại học Phạm Văn Đồng.
Bên cạnh việc học tập chuyên cần, Hiển còn tích cực rèn luyện đạo đức với điểm rèn luyện của từng kì luôn đạt xuất sắc (trên 90 điểm).
Khẳng định bản thân
Thời gian học tập, rèn luyện tại Trường đại học Phạm Văn Đồng bản thân em Hiển đã trưởng thành hơn rất nhiều và gặt hái được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ.
Em đạt danh hiệu sinh viên năm tốt cấp trường và cấp tỉnh 3 năm liền, cán bộ xuất sắc của Hội sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng nhiệm kì 2015 - 2018, tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật Trung ương Đoàn, thành viên Ban Truyền thông và Điều phối viên mạng lưới tình nguyện - Trung tâm Tình nguyện Quốc gia...
Bên cạnh đó, em Hiển còn tham gia các hoạt động tình nguyện do Hội sinh viên và Đoàn Trường đại học Phạm văn Đồng tổ chức như: Mùa hè xanh, xuân yêu thương, tiếp sức đến trường, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người già neo đơn.
Đặc biệt hơn, Hiển còn tham gia Hội thảo khoa học quốc tế Engaging with Vietnam - Kết nối Việt Nam, với những vai trò rất quan trọng.
Để đạt được thành tích như vậy, Hiển cười rồi nhẹ nhàng nói: "Em phải tự quản lý, sắp xếp thời gian cá nhân và đánh giá mức độ quan trọng của công việc, ưu tiên các công việc quan trọng thực hiện trước, nhiều khi em phải thức rất khuya mới hoàn thành các công việc đúng hạn và đảm bảo chất lượng.
Em sẽ viết tiếp truyền thống của các thế hệ sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng như chị Nguyễn Thị Thu Quyên cùng lúc đạt hai danh hiệu Sao tháng Giêng và Sinh viên 5 tốt cấp trung ương, đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết, tạo động lực để em và nhiều bạn sinh viên trong trường học tập, phấn đấu".
Cũng theo Hiển, khi các bạn sinh viên đã quen việc học tập, thì việc rèn luyện bản thân từ các hoạt động xã hội là rất bổ ích, sẽ giúp các bạn sinh viên có rất nhiều kỹ năng mềm, cách làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tính kiên trì...
Chính việc tham gia các hoạt động tình nguyện không chỉ có ý nghĩa giúp người dân vùng sâu, vùng xa vượt qua khó khăn mà qua những hoạt động đó sẽ giúp các bạn sinh viên có những trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về giá trị cuộc sống, biết thích nghi với môi trường mới, cảm nhận được tình cảm người dân.
Em Nguyễn Thị Minh Hiển ngành sư phạm tiếng Anh - Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi, nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, tháng 12/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Công Tiến
Phấn đấu để có tương lai tốt hơn
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, em nói: "Gia đình em vẫn còn nhiều khó khăn lắm, học xong đại học em muốn có một công việc phù hợp và có thu nhập xứng đáng để phụ giúp gia đình, đỡ phần nào tiền thuốc điều trị bệnh gan cho mẹ và tiền học cho cậu em trai để bớt gánh nặng cho ba".
Thật may mắn cho Hiển, khi thầy cô Trường đại học Phạm Văn Đồng cùng Hội Sinh viên của trường đã thấu hiểu em và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ em và các bạn cán bộ Đoàn Hội trẻ khác bớt phần nào khó khăn trong quá trình học tập và công tác thanh niên tại trường.
Vươn lên từ khó khăn để có thành tích học tập tốt vậy, em Hiển không quên chia sẻ kinh nghiệm học tập tốt ngoại ngữ để các bạn sinh viên tham khảo để hoàn thành mọi dự định, ước mơ của bản thân.
Hiển nói: "Việc học ngoại ngữ rất cần thiết với sinh viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay, các bạn sinh viên có thể tự học tiếng Anh miễn phí và trả phí qua mạng internet với nhiều web và các ứng dụng trên điện thoại như Memrise, ELSA Speaking, TiengAnh123...
Nếu các bạn muốn học chuyên sâu hơn về viết luận hay các kĩ năng khác thì có các khóa học miễn phí của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới tại các web Coursera, edX, Udemy...
Việc tự học Tiếng Anh không chỉ nâng cao trình độ tiếng Anh của các bạn mà còn rèn luyện khả năng thích ứng với các thay đổi không ngừng trong thời kì công nghệ 4.0 như hiện nay".
Em Nguyễn Thị Minh Hiển ngành sư phạm tiếng Anh - Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi, trong một buổi đi dạy tiếng anh miễn phí cho học sinh. Ảnh: NVCC.
Với quá trình miệt mài, chăm chỉ học tập và cống hiến, khẳng định bản thân, em Hiển xứng đáng có thể bước tới những đỉnh cao thành công mới.
Ghi nhận những thành tích của em Hiển, năm 2018 khi em là một trong 137 sinh viên của cả nước được nhận phần thưởng cao quý "Sao tháng Giêng" cấp Trung ương, phần thưởng đó thật là xứng đáng với một quá trình dài nỗ lực phấn đấu và thể hiện mình, hy vọng sau thời gian học tập ở Trường đại học Phạm Văn Đồng em sẽ còn nhiều thành công mới.
Công Tiến
Theo giaoduc.net.vn
Cha mẹ nên rèn nếp tự học cho con như thế nào? Làm thế nào để đến giờ học, trẻ tự giác ngồi vào bàn, cách nào giúp trẻ tập trung khi học? Việc này tưởng dễ mà làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh. Có giục mới ngồi vào bàn học Chị Lan Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hai con học lớp 8 và lớp 4 chia sẻ, ngày nào...