Đắk Nông: Chưa đủ tuổi, không bằng lái, học sinh vẫn vô tư đi xe máy đến trường
Nhiều học sinh tại các trường THPT trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe (GPLX) vẫn vô tư điều khiển xe máy đến trường. Đặc biệt, vào thời điểm tan học, nhiều học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở 3 lưu thông trên đường quốc lộ.
Vào khoảng 10h20 phút ngày 11/10, tại cổng trường THPT Gia Nghĩa (TX Gia Nghĩa, Đắk Nông), là giờ tan trường của học sinh khối 10, 11. Thời điểm này tại bãi giữ xe, rất hiếm xe máy dưới 50cm3 (loại xe dành cho người điều khiển từ 16 tuổi trở xuống), thay vào đó là hàng loạt các xe máy trên 50cm3 xếp hàng dài.
Sau khi bảo vệ kéo cổng, những chiếc xe máy có dung tích từ 100 cm3 trở lên do học sinh điều khiển lần lượt rời khỏi cổng trường. Việc vi phạm diễn ra ngang nhiên, nhiều học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn còn không đội mũ bảo hiểm và chở 3 cứ thế rồ ga phóng đi.
Học sinh vô tư đi xe máy đến trường.
Bảo vệ trường THPT Gia Nghĩa cho biết: “Theo quy định, nhà trường không cho học sinh đi xe phân khối lớn (trên 50cm3) vào gửi trong trường. Tuy nhiên, do nhà xa, không cho nó (học sinh) đi thì nó nghỉ học thôi. Phụ huynh nói, nhà có 2, 3 cái xe (xe trên 50cm3) thì bớt cho con 1 cái để nó đi học. Giờ mua một cái xe 50cm3 mất 12, 13 triệu đồng thì tiền đâu mua. Nhà trường đang rà hồ sơ, mai mốt sẽ cấm không cho học sinh đi xe máy phân khối lớn và gửi xe trong trường nữa”.
Chia sẻ về việc không có GPLX và sử dụng xe phân khối lớn để đi đến trường, một nam sinh lớp 12 điều khiển xe máy 48B1-248.xx hồn nhiên trả lời: “Nhà em ở cách trường 10km nên hằng ngày em đi học bằng xe máy cho tiện. Nhà có 3 chiếc xe (xe trên 50cm3) rồi giờ bố mẹ không có tiền mua thêm xe dưới 50cm. Em chưa đủ tuổi để có bằng (GPLX), đi xe này cũng sợ công an bắt lắm nhưng thấy công an thì em trốn”.
Nhóm học sinh nữ vô tư điều khiển xe phân khối lớn tại bãi giữ xe siêu thị
Vào khoảng 11h15 cùng ngày, tại trường THPT Chu Văn An (TX Gia Nghĩa, Đắk Nông), sau tiếng trống tan trường, từng tốp học sinh cả nam và nữ kéo nhau về bãi giữ xe của một hộ dân nằm trước cổng trường để lấy xe. Tại đây, cũng rất khó để bắt gặp các xe máy dưới 50cm3, thay vào đó các em vô tư điều khiển các xe mang biển số của loại xe trên 100 cm3.
Khoảng 11h30 tại điểm giữ xe khác của một siêu thị, cách trường THPT Chu Văn An khoảng 50m, học sinh tan trường rồi đi bộ kéo nhau về siêu thị để lấy xe. Tại đây, gần như 100% các em học sinh gửi xe là loại xe máy trên 50cm3. Sau khi các em lấy xe, có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, vô tư chở 3 rồi phóng ra đường.
Theo lời một bảo vệ của siêu thị này, hàng ngày số lượng học sinh trường THPT Chu Văn An vào đây gửi xe là rất lớn, trong buổi sáng, phần lớn bãi giữ xe này để cho học sinh. Vào buổi sáng và trưa, phải huy động 2 bảo vệ mới đủ kiểm soát lượng xe ra vào.
Video đang HOT
Học sinh nối đuôi nhau vi phạm giao thông
Được biết, vào đầu năm học, tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều cho học sinh ký cam kết không vi phạm luật an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, việc ký cam kết này chỉ là hình thức bởi nhiều trường vẫn không thể xử lý được tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn, không GPLX, không mũ bảo hiểm, rồ ga, đánh võng… ở bên ngoài cổng trường.
Cô Phạm Thị Hải, Hiệu trưởng trường THPT Gia Nghĩa thừa nhận, theo quy định, nhà trường không giữ xe đối với các em học sinh chưa đủ tuổi và không có Giấy phép lái xe đối với loại xe trên 50cm3. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện vẫn đi xe trên 50cm3 đến trường.
“Nhà trường nhận thấy học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX mà điều khiển xe phân khối lớn rất nguy hiểm, gây mất ATGT và nhà trường đã họp và thông báo trước toàn trường là cấm. Tới đây, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh, Đội CSGT TX Gia Nghĩa để xử lý và chấm dứt tình trạng trên”, cô Hải nói.
Bãi giữ xe của siêu thị có hàng trăm chiếc xe máy của học sinh
Trung tá Đặng Ngọc Thứ, Đội trưởng Đội CSGT Công an TX Gia Nghĩa cho biết, tại một số trường cấp 3 trên địa bàn vẫn đang còn tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện vẫn điều khiển xe máy trên 50cm3 đến trường. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều khó khăn, thường những em học sinh đi xe trên 50cm3 không có GPLX và khi gặp lực lượng CSGT thường bỏ chạy, trốn tránh.
“Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với nhà trường, kể cả nhà dân xung quanh trường kí cam kết không nhận giữ xe trên 50cm3 đối với học sinh. Đồng thời, bố trí lực lượng tăng cường công tác xử lý vào các khung giờ vào trường và tan trường để xử lý triệt để tình trạng học sinh vi phạm”, ông Thứ nhấn mạnh.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Trên cơ sở phản ánh của báo chí, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ chỉ đạo cho lực lượng công an phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý dứt điểm tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông. Đặc biệt là tình trạng, học sinh chưa đủ điều kiện vẫn điều khiển xe máy đến trường gây mất ATGT”.
Dương Phong
Theo Dân trí
Đắk Nông: Nhiều trường công chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên
Nhiều năm liền lâm vào cảnh thiếu giáo viên các bậc học từ mầm non đến THCS, nhiều trường mầm non tại TX.Gia Nghĩa - Đắk Nông đã chủ trương hợp đồng với các giáo viên bằng nguồn xã hội hóa. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh trên địa bàn.
Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (phường Nghĩa Tân, TX. Gia Nghĩa) năm học mới có gần 600 học sinh. Đối chiếu với quy định, nhà trường hiện đang thiếu 6-7 giáo viên và là trường mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Trước mắt, để giải quyết tình trạng này, tất cả cán bộ quản lý, nhân viên văn thư, kế toán của trường đều được huy động để xuống quản lý lớp học.
Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vàng cho biết, những năm qua thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (lớp lá) nên nhà trường tiếp nhận tất cả các trẻ đăng ký vào trường. Theo quy định, đây là nhóm trẻ phải được đáp ứng yêu cầu tối thiểu 2 cô/ lớp nên nhà trường bắt buộc phải bố trí đầy đủ số giáo viên.
Nhiều trường học tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa rơi vào tình trạng thiếu giáo viên
Tuy nhiên trên thực tế, trường Hoa Phượng Vàng nằm ở trung tâm của thị xã nên trẻ ở các lớp dưới 3 tuổi, mầm và chồi đăng ký vào trường cũng rất lớn dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các lớp này.
"Vì nhu cầu học bán trú của phụ huynh các lớp nhà trẻ, mầm, chồi cao nên trong buổi họp phụ huynh tuần trước, nhà trường đã đề ra chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên. Theo chủ trương này, phụ huynh học sinh các lớp nhà trẻ, mầm, chồi sẽ đóng tiền để nhà trường hợp đồng với một số giáo viên. Về cơ bản chủ trương này được hơn 80% phụ huynh học sinh đồng thuận", cô Nguyên thông tin.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, nếu 100% phụ huynh đồng thuận và được sự đồng ý của Phòng GD-ĐT, UBND thị xã Gia Nghĩa thì nhà trường sẽ tiến hành thu khoảng 70.000 đồng/học sinh/tháng (trừ học sinh lớp lá). Tuy nhiên, trong trường hợp không nhận được sự đồng thuận của toàn bộ phụ huynh, nhà trường buộc phải chuyển thành học hai buổi/ ngày để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao sĩ số của các lớp học.
Hàng năm Trường mầm non Sơn Ca (phường Nghĩa Đức, TX. Gia Nghĩa) cũng là một trong những "điểm nóng" tuyển sinh ở thị xã Gia Nghĩa với số lượng hồ sơ đầu năm học lên đến vài trăm trường hợp. Tương tự trường Hoa Phượng Vàng, Trường mầm non Sơn Ca cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các lớp nhà trẻ, mầm và chồi với khoảng 5-6 giáo viên đứng lớp.
Việc hợp đồng xã hội hóa giáo viên sẽ diễn ra ở các lớp trẻ dưới 4 tuổi
Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca cho biết, trường nằm ngay trung tâm của thị xã nên số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu dạy, học, trong buổi họp phụ huynh lần thứ nhất, nhà trường cũng đề xuất chủ trương kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh để hợp đồng với một số cô giáo.
"Vì là trường công lập, lại là năm đầu tiên chủ trương xã hội hóa hợp đồng nên cũng có một số ít phụ huynh chưa hiểu rõ. Tuy nhiên, về cơ bản sự đồng thuận của phụ huynh là rất cao. Nhiều phụ huynh lớp lá (trẻ 5 tuổi) còn muốn góp cùng nhưng riêng trẻ ở độ tuổi phổ cập giáo dục thì trường không đề nghị đóng góp", cô Hồng cho hay.
Trong các trường học mầm non tại TX. Gia Nghĩa, Trường mầm non Hoa Bưởi (phường Nghĩa Thành) có chủ trương thu tiền xã hội hóa của phụ huynh thấp nhất, với trung bình khoảng 9.000 đồng/học sinh/ tháng, trong khi đó Trường mầm non Hoa Phượng Vàng đề xuất mức thu khoảng 70.000 đồng. Theo ban giám hiệu các trường, mức đóng góp phụ thuộc và số lượng học sinh, nhu cầu giáo viên của từng trường.
Anh Nguyễn Văn Công, một phụ huynh có con ba tuổi đang theo học tại Trường mầm non Sơn Ca cho biết, phần lớn phụ huynh đều đồng thuận với chủ trương này của nhà trường bởi mỗi tháng chỉ bỏ thêm khoảng vài chục ngàn. Đối với những cán bộ viên chức như vợ chồng anh Công, nếu không cho con học bán trú thì hai vợ chồng rất khó khăn để sắp xếp thời gian đưa đón, chăm sóc con hàng ngày.
Giải thích về chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên này, bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng GD- ĐT TX. Gia Nghĩa cho biết, năm học 2018-2019, trên địa bàn thị xã tăng khoảng 1000 học sinh các cấp nên nhu cầu giáo viên rất cao.
Thị xã phân bổ chỉ tiêu hợp đồng về các trường vùng sâu vùng xa để giảm gánh nặng cho phụ huynh
Trong năm học này, UBND tỉnh Đắk Nông phân bổ cho địa phương 22 chỉ tiêu hợp đồng giáo viên. Trên thực tế, việc phân bổ hợp đồng này diễn ra sau khi các trường đã tuyển sinh xong, nên khi phân đều về các trường vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thừa học sinh. Để giải quyết, chúng tôi đã sắp xếp đưa giáo viên hợp đồng về giảng dạy tại các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn của TX. Gia Nghĩa. Chính điều đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại các trường trung tâm thị xã
"So với thành thị, các cháu ở vùng sâu, vùng xa có cuộc sống khó khăn, thậm chí thiếu thốn nên đưa giáo viên về đây sẽ giúp giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh. Tại trung tâm thị xã, đời sống có phần ổn định hơn nên chúng tôi mới đề ra chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên. Số tiền đóng góp của mỗi học sinh cũng không quá lớn. Theo báo cáo sơ bộ của các trường, đều nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh", bà Hà cho biết.
Cũng theo bà Hà, đây mới là chủ trương của ngành giáo dục để nhà trường thông báo với các phụ huynh chứ chưa thực hiện. Hiện Phòng GD-ĐT thị xã đã tham mưu để Phòng Nội vụ làm công văn trình UBND thị xã.
Dương Phong
Theo Dân trí
Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay biên chế giáo viên Tây Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ GD-ĐT có biện pháp giải quyết ngay biên chế giáo viên còn thiếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục...