Đắk Lắk: Vụ dôi dư trên 500 giáo viên: Đôn đốc việc chấm dứt hợp đồng lao động
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về việc Thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về phương án chấm dứt hợp đồng với trên 500 giáo viên tuyển dôi dư và trách nhiệm của các cá nhân liên quan vụ việc này.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số 578 giáo viên (GV) hợp đồng tại huyện Krông Pắk, có 370 trường hợp có vị trí hợp đồng lao động và 208 trường hợp hiện nay không có vị trí tuyển dụng. Sau kỳ thi ngày 18/6/2018, có 28 thí sinh đang được hợp đồng lao động trúng tuyển. Như vậy, có 550 GV hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Về phương án với số GV bị chấm dứt hợp đồng này, UBND tỉnh cho rằng, với nhóm GV hợp đồng có vị trí xét tuyển sẽ tổ chức rà soát, phân loại hợp đồng và chi trả trợ cấp GV đúng quy định (hoàn thành trong tháng 8/2018).
Riêng với nhóm GV hợp đồng không có vị trí xét tuyển trên cơ sở cân đối ngân sách của huyện, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cho GV để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định hiện hành (thời gian tiến hành chi trả các khoản trợ cấp, hỗ trợ hoàn thành trong tháng 10/2018).
Cũng theo UBND tỉnh, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm; việc xử lý cần khéo léo và cần tạo được sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân liên quan; tránh dư luận không tốt, tạo cơ hội cho thế lực thù địch lợi dụng, gây phức tạp tình hình nên không thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn được.
Đồng thời, UBND tỉnh đang đôn đốc UBND huyện Krông Pắk và các ngành khẩn trương hoàn thành việc chấm dứt hợp đồng với các GV hợp đồng trên địa bàn huyện và sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ ngay khi có kết quả thực hiện.
Trên 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Về việc kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk liên quan đến những sai phạm trong vụ việc dôi dư trên 500 GV hợp đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính Phủ và Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Miên Klơng – Giám đốc Sở Nội vụ. Qua đó, yêu cầu ông Miên Klơng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì đã “Thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý”.
Video đang HOT
Đối với ông Y Suôn Byă – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách.
Như Dân trí đã đưa tin, từ năm 2011 – 2016, qua 2 đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với trên 500 giáo viên. Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Kỷ – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn năm 2011 – 2015 đã ký hơn 400 hợp đồng lao động dù GV của huyện đã dư thừa. Đến năm 2016, ông Y Suôn Byă giữ chức Chủ tịch UBND huyện đã ký tuyển dụng thêm, 197 hợp đồng GV, nhân viên trường học dù trước đó Thanh tra tỉnh đã đề nghị UBND huyện này phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời Chủ tịch huyện trước.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Các giáo viên hợp đồng Cà Mau có còn được đứng lớp?
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa chính thức thông tin hơn 1.400 giáo viên hợp đồng tại địa phương này sẽ không bị cắt hợp đồng toàn bộ mà sẽ được rà soát, sàng lọc trên cơ sở sắp xếp lại trường lớp học và giáo viên trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã có nhiều phương án để giải quyết.
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, tới ngày 10/8, mới biết có cắt hợp đồng giáo viên hay không và cắt bao nhiêu.
Chọn theo tiêu chí tuyển dụng
Trong buổi họp báo về rà soát, sắp xếp trường lớp học và giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau để chuẩn bị cho năm học mới ngày 1/8 vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi sắp xếp lại nếu số lượng giáo viên biên chế không đáp ứng được yêu cầu thực tế thì Sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương ký hợp đồng để đảm bảo hoạt động dạy và học của các trường. Từ đó, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp. Bởi vì, nếu thiếu thì các giáo viên này sẽ là nguồn để lựa chọn tiếp tục hợp đồng.
Ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: Đây là dịp sàng lọc lại đội ngũ. Ngay cả những giáo viên đang là viên chức cũng vẫn thanh lọc lại một lần nữa. Có trường hợp nào tới tuổi nghỉ hưu, sức khỏe kém hoặc không đủ chuẩn cũng phải xem xét sắp xếp lại. Còn các giáo viên hợp đồng, họ đa số là những người trẻ, triển vọng, đủ chuẩn hết rồi mà còn cầu tiến thì tiếp tục hợp đồng. Tới đợt thì thi tuyển viên chức giáo dục.
Trong buổi họp báo, ngành chức năng Cà Mau cho biết thêm, trong vấn đề xem xét tiếp tục hợp đồng với giáo viên sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên. Khi hợp đồng lại sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên: Đạt chuẩn, có thâm niên và xét những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Hoàn cảnh vợ chồng cô Nguyễn Hồng Lạc mà VOV đã thông tin sẽ được xem xét ký hợp đồng lại với ít nhất 1 người để đảm bảo cuộc sống.
Một phương án nữa được đưa ra trong giải quyết giáo viên hợp đồng nếu có dôi dư là: ở bậc học mầm non, tỉnh Cà Mau đang thiếu hàng trăm giáo viên nên số giáo viên dôi dư ở các bậc học khác sẽ được tuyển chọn đưa đi đào tạo để đủ chuẩn, đủ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của bậc mầm non.
Đến thời điểm hiện tại các huyện, thành phố vẫn đang tiếp tục rà soát, sắp xếp lại theo yêu cầu và đến ngày 10/8 tới đây mới biết cụ thể có bao nhiêu giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan vấn đề sắp xếp lại trường lớp, giáo viên, vào ngày 9/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện và thành phố Cà Mau tập trung thực hiện hiệu quả công việc này.
Nội dung công văn này nêu rõ, thống nhất lùi thời gian cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên do đơn vị tự hợp đồng (chưa được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép) đến trước ngày 1/9. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên do các đơn vị tự hợp đồng đúng quy trình, quy định của Pháp luật trước ngày 1/9 tới đây.
Trong buổi họp báo ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau thông tin, trường hợp các địa phương, các trường tự ý ký hợp đồng với giáo viên mà chưa được chủ trương của Chủ tịch tỉnh là 1405 giáo viên. Đến cuộc họp báo ngày 1/8, ngành chức năng tỉnh này cho biết, không cắt hợp đồng toàn bộ 1405 giáo viên này mà sẽ xem xét trên cơ sở sắp xếp lại trường, lớp và giáo viên trên địa bàn. Sau đó, vẫn có thể có những giáo viên bị cắt hợp đồng do không đủ điều kiện.
Vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là: đơn vị, cá nhân nào ký hợp đồng với 1405 giáo viên này mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép? Trách nhiệm này thuộc về những đơn vị, cá nhân nào? Hướng xử lý ra sao?
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, Sở Nội vụ chỉ giao biên chế giáo viên, còn trường hợp hợp đồng ngoài biên chế thì không giao. Lần này rà soát lại sẽ xin Chủ tịch UBND tỉnh hướng xử lý cụ thể. Ai hợp đồng lại, ai cho ra rồi từ đó về sau phân định rõ ràng lại trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau (đứng) cho biết, sau khi sắp xếp lại sẽ có đánh giá và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị ký hợp đồng không đúng.
Còn ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ có đánh giá cụ thể và tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hướng xử lý phù hợp: "Sau đợt sắp xếp sẽ có đánh giá cụ thể. Trong đó có mặt được và chưa được. Trường hợp đơn vị nào hay cá nhân nào sai sót thì tùy theo mức độ chủ quan hay khách quan sẽ có hình thức xử lý phù hợp".
Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, nhiều giáo viên đã tỏ ra rất lo lắng cho tương lai của mình. Đến nay, các giáo viên có bị cắt hợp đồng hay không vẫn chưa có gì rõ ràng. Nếu sau khi sắp xếp lại, có những giáo viên bị cắt hợp đồng vì lý do "địa phương, trường tự ký hợp đồng mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép" thì trách nhiệm này của ai, xử lý như thế nào. Đặc biệt, hiện nay dư luận đang rất quan tâm vấn đề làm sao đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng đối tượng được xem xét tiếp tục hợp đồng theo các tiêu chí ưu tiên mà ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đưa ra./.
Trao đổi trong "Chương trình Góc nhìn" của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 31-7 về vấn đề nhiều tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng các địa phương, các trường ký hợp đồng sai nguyên tắc với hàng loạt giáo viên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: đó là hậu quả của việc buông lỏng quản lý.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch UBND các tỉnh có xảy ra hiện tượng này phải lên tiếng, phải đứng ra giải quyết và phải chịu trách nhiệm với những hậu quả xảy ra ở địa phương mình. Trước hết phải xem xét cụ thể các trường hợp sai đến đâu, ai sai. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Hơn 1400 giáo viên ở Cà Mau dạy tại những trường cụ thể, vậy tại sao nhiều năm không phát hiện ra?
Theo vov.vn
Đắk Lắk: Thanh lý hợp đồng đối với trên 500 giáo viên tuyển dôi dư Liên quan đến việc trên 500 giáo viên hợp đồng được tuyển ồ ạt khiến dôi dư tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) gây xôn xao dư luận thời gian qua, mới đây, UBND tỉnh đã giao cho địa phương thanh lý đối với số giáo viên hợp đồng này. Thông tin từ một lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết, huyện...