Đắk Lắk: Thiếu hàng ngàn giáo viên, nhân viên nhưng vẫn phải giảm biên chế
Trong năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh Đắk Lắk thiếu khoảng 1.000 giáo viên mầm non và khoảng 1.400 nhân viên bậc học này, chưa kể những bậc học khác. Tuy thiếu nhưng ngành giáo dục vẫn phải giảm đến khoảng 400 biên chế.
Theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, để đáp ứng chương trình dạy học mới đối với bậc mầm non (theo thông tư 06), hiện toàn tỉnh sẽ thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên mầm non. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình đề nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung số biên chế này cho ngành giáo dục địa phương nhưng đến nay chưa được phản hồi.
Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non đang diễn ra tại Đắk Lắk (ảnh minh họa)
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết, một trong những nguyên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nơi thừa giáo viên là do công tác tuyển dụng, hợp đồng giáo viên từ cấp THCS trở xuống được phân cấp cho cấp quận, huyện. Tuy nhiên ngành giáo dục lại không nắm được tổng thể biên chế (giao ngành nội vụ cấp huyện) nên xảy ra tình trạng thừa – thiếu cục bộ.
“Tại nhiều trường ở trung tâm giáo viên dư quá nhiều trong khi các trường vùng sâu lại thiếu trầm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất phải giao việc tuyển dụng, tính toán biên chế giáo viên về một đầu mối là ngành giáo dục để có tính toán hợp lý hơn, tránh việc thừa quá nhiều giáo viên” – ông Khoa cho hay.
Video đang HOT
Cũng theo ông Khoa, vừa qua tỉnh xin thêm 54 biên chế giáo dục (trong hơn 2.100 biên chế xin thêm năm 2019) cho tất cả các bậc học, đến nay chưa thấy Bộ Nội vụ trả lời.
Tuy tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra nhưng theo quy định chung trong năm 2018, tỉnh Đắk Lắk phải giảm khoảng 400 biên chế ngành giáo dục. Điển hình, tại huyện Krông Pắk, vừa qua UBND huyện có quyết định chấm dứt hợp đồng với trên 500 giáo viên do nhiều đời chủ tịch huyện ký”bừa” quyết định tuyển dụng nhưng vẫn phải giảm tiếp biên chế.
Tuy thiếu giáo viên nhưng nhiều nơi vẫn buộc phải giảm biên chế (ảnh minh họa)
Ông Phạm Xuân Vinh – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk, cho biết, bên cạnh việc cắt hợp đồng với hơn 500 giáo viên thì năm 2018 huyện phải giảm thêm 80 biên chế. Để đảm bảo việc giảng dạy phù hợp, huyện đã luân chuyển giáo viên từ trường thừa đến trường thiếu.
“Các giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ hưu; gia đình thương binh, chính sách; đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ … là những người được miễn không phải luân chuyển. Vì việc thừa – thiếu cục bộ ở huyện xảy diễn ra khá căng thẳng nên buộc phải thực hiện việc luân chuyển. Tất cả việc luân chuyển phải dựa vào các tiêu chí trên để xem xét”, ông Vinh nói thêm.
Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột do lượng học sinh vào lớp 1 (sinh năm 2012, tuổi Rồng) năm học này tăng đột biến và tăng 1.200 cháu so với năm học trước, trong khi đó biên chế giáo viên vẫn giữ nguyên.
“Chủ trương của ngành giáo dục là nơi nào có học sinh, nơi đó phải có thầy cô nhưng vẫn phải thực hiện theo quy định của trung ương, của tỉnh. Đầu năm học mới, số học sinh vào lớp 1 tăng đột biến nên ngành đã phải sắp xếp, luân chuyển chỗ thừa về chỗ thiếu để đảm bảo công tác dạy và học” – Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho hay.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Đắk Lắk: Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Xem xét kỷ luật nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện
Trong quá trình giữ chức vụ Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), ông Trần Đức Lanh đã tham mưu cho UBND huyện chủ trương hợp đồng giáo viên, nhân viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao gây hậu quả nghiêm trọng nên UBKT Tỉnh ủy quyết định xem xét thi hành kỷ luật.
Mới đây, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp; qua đó xem xét, kết luận sai phạm đối với ông Trần Đức Lanh - Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (nguyên Trưởng phòng Nội vụ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk).
Hơn 500 giáo viên hợp đồng bị tuyển dôi dư buộc phải nghỉ việc
Theo UBKT Tỉnh ủy, trong thời gian từ năm 2005 - 2015, ông Trần Đức Lanh giữ cương vị Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Pắk có những khuyết điểm, vi phạm trong việc: Tham mưu UBND huyện cho chủ trương hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục công lập vượt chỉ tiêu biên chế được giao, với số lượng lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó giải quyết, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Ông Trần Đức lanh còn tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục công lập không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, không tham mưu thực hiện công tác quy hoạch cán bộ quản lý trường học; tham mưu bổ nhiệm 32 phó hiệu trưởng khi không có quy hoạch, trong đó bổ nhiệm thừa 27 trường hợp so với quy định.
Sau khi xem xét mức độ, tính chất, tác hại của khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Đức Lanh, UBKT Tỉnh ủy thống nhất thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Phải có tâm thế chấp nhận ngày bị chấm dứt hợp đồng Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp chuẩn bị vào năm học mới là y như rằng lại có thông tin tỉnh này tỉnh khác chấm dứt, không ký tiếp hợp đồng với hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn giáo viên (GV). Ảnh minh họa Mới mấy tháng trước, sự việc hơn 500 GV ở H.Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị huyện...