Đắk Lắk: Hiệu trưởng bị tố sai phạm trong lạm thu và tổ chức dạy thêm học thêm
Ông Phạm Trọng Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Ea Toh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bị giáo viên và phụ huynh tố cáo sai phạm khi đề ra nhiều khoản thu trái quy định và tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học.
Trường đề ra nhiều khoản thu vô lý?
Theo đơn phản ánh của bà Huỳnh Thị Tuyết – giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, trước đây ông Hà làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền (xã Ea Toh) có nhiều sai phạm về chuyên môn, vi phạm về tài chính bị phụ huynh của trường khiếu nại nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đến tháng 1/2018 ông Hà được điều về làm Hiệu trường trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Tại đây, ông Hà cũng để xảy ra hàng loạt vi phạm về tài chính.
Bà Huỳnh Thị Tuyết phản ánh Hiệu trưởng có nhiều khoản thu sai và tổ chức dạy thêm trái quy định
Cụ thể, năm học 2018 – 2019, ông Hà chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm đứng ra thu các khoản thu: Tiền 20/11 thu 80 ngàn đồng/HS; tiền vệ sinh 25 ngàn đồng/HS; tiền chăm sóc cây xanh 17 ngàn đồng/HS; tiền sửa cổng trường 40 ngàn đồng/HS; tiền học thêm từ 400 – 600 ngàn đồng/HS (tùy từng khối lớp)…
“Thu nhiều khoản nhưng ông Hà không hề báo cáo lên cấp trên các khoản thu 20/11, thu tiền sửa cổng trường và tiền tổ chức học thêm. Ông Hà cũng không hề công khai tài chính về tiền ngân sách nhà nước năm 2018 và năm 2019″ – bà Tuyết cho hay.
Được biết, vào tháng 11/2018, Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng có văn bản về việc tổ chức huy động và quản lý thu – chi các khoản phục vụ dạy 2 buổi/ngày, bán trú cấp tiểu học năm 2018-2019.Theo đó, với các trường đã được bố trí đủ định mức 1,5 giáo viên/lớp đối với các môn học bắt buộc và đảm bảo cơ cấu giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định thì không được tổ chức dạy thêm tiết và thu tiền dạy thêm tiết. Tuy nhiên, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân vẫn thực hiện trái quy định.
Video đang HOT
Một phụ huynh xin giấu tên cho biết, ông Hà đề ra nhiều khoản thu khá vô lý như thu tiền mừng ngày 20/11, tiền sửa cổng trường… “Thu tiền học sinh để tri ân thầy cô 80 ngàn đồng/em là không đúng vì nếu tri ân hãy để cho phụ huynh chúng tôi lựa chọn cách để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô hơn là cách này” – phụ huynh này nói.
Phòng GD-ĐT khẳng định trường có nhiều khoản thu trái quy định
Sau khi nhận được đơn tố cáo, ngày 29/1/2019 Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng đã có văn bản trả lời. Trong đó, Phòng GD-ĐT khẳng định nhà trường để Ban Đại diện hội cha mẹ học sinh thu thêm các khoản tiền không đúng quy định như: thu tiền ngày 20/11 (80 ngàn đồng/HS) là sai; thu tiền sửa chữa cổng trường (40 ngàn đồng/HS) là chưa đúng quy định.
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân nơi ông Hà làm Hiệu trưởng
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện cũng cho rằng việc trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân tổ chức dạy thêm học thêm là sai và tại thời điểm kiểm tra, nhà trường đã triển khai thu và đã thu hết học kỳ I năm học 2018-2019 là chưa đúng. Phòng GD-ĐT cũng nêu rõ việc nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thu các khoản thu thay kế toán và thủ quỹ nhà trường là sai. Trong công văn 1059 ngày 2/8/2019 của Sở GD-ĐT Đắk Lắk thì tuyệt đối không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền.
“Sau khi có kết luận của Phòng GD-ĐT cho thấy ông Hà có nhiều sai phạm nhưng đến nay đã qua 5 tháng vẫn chưa thấy chịu hình thức kỷ luật nào. Trước sự việc, vừa qua tôi lại tiếp tục khiếu nại về vụ việc này lên UBND huyện và UBND tỉnh yêu cầu ông Hà phải trả lại những khoản thu trái quy định cho học sinh và chịu xử lý do những vi phạm của mình” – bà Tuyết cho hay.
Khi PV liên hệ về vụ việc, ông Phạm Trọng Hà cho biết, hiện tại ông đang bận chưa có thời gian để gặp báo chí và hẹn lại dịp khác sẽ trao đổi sau.
Ông Nguyễn Xuân Bảy – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng, cho biết, sau khi có kết luận về vụ việc tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Phòng đã báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo và hiện UBND huyện đang giao cho Thanh tra huyện cùng UBND xã Ea Toh tiến hành làm rõ về các khoản thu, chi huy động tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Krông Năng cho rằng, ông Phạm Trọng Hà liên tục bị khiếu nại, tố cáo gây dư luận không tốt và UBND huyện đang đôn đốc các phòng chuyên môn giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Gian lận thi cử ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La: Cử tri bức xúc truy trách nhiệm Bộ GD&ĐT
Cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố rất bức xúc trước hiện tượng gian lận trong thi cử và yêu cầu Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm của ngành.
Vấn đề này được bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện đề cập tới khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5.
Về vấn đề tổ chức kỳ thi THPTQG và xét tuyển sinh đại học, cử tri TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPTQG và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố rất bức xúc trước hiện tượng gian lận trong thi cử và yêu cầu Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm của ngành.
Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Trả lời cử tri các tỉnh trên, Bộ GD&ĐT nêu các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về trách nhiệm của mình, Bộ cho biết ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPTQG để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non,...
Theo VTC
Phạt trường chuyên Lam Sơn vì dạy thêm không phép Trường THPT chuyên Lam Sơn - một trường chuyên nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, vừa bị Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh này xử phạt 32 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) - nơi vừa bị xử phạt 32 triệu đồn. Ảnh: HÀ ĐỒNG Sáng 8-4, nguồn tin từ Sở...