Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Lon nước, mo cơm lội khắp đồng
Chuyện lâu với ông Phan Quang về Đại tướng chợt nhớ ngay đến câu của Tố Hữu “Ở đâu nghèo đói gọi xung phong/ Lon nước mo cơm lội khắp đồng và sáng trong như ngọc một con người”
Ngày 1/1/2014 kỷ niệm ngày sinh tròn trăm năm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các phương tiện thông tin đã có nhiều tin, bài về tài năng của Đại tướng trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị và quản lý…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải), ra đồng cấy với bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng (Quảng Bình) trong chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất 1962. Ảnh: Hữu Thoan.
Tôi chợt nhớ đến một người từng gần gũi với Đại tướng trong những năm gian khó ấy. Nhà báo Phan Quang từng kể tôi nghe những chuyện về Đại tướng mà chưa thấy ai hay sách vở nào nói …
Nhắc đến tên tuổi của mặt bằng báo chí nước Nam là dứt khoát phải có nhà báo Phan Quang. Ông từng đảm trách: Ủy viên Biên tập báo Nhân Dân, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội… Tôi từng ngồi cùng ông với những chức danh ấy nhưng trên hết ông là một nhà báo, nhà văn, ông lão về hưu Phan Quang với những quan sát chiêm nghiệm tinh tế…
Những khúc đứt nối một khái niệm về lãnh tụ- lãnh đạo mà lần ấy được ông bộc bạch trải lòng hơi đậm nét về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Lần ấy Phan Quang đi công tác với ông lên nông trường Mộc Châu. Tinh mơ phòng bên đã thấy ông ngồi vẻ tư lự, mắt quầng thâm. Đại tướng chia sẻ ngay với Phan Quang là đêm qua không ngủ được. Hóa ra, giường êm nệm ấm thuốc trà đầy đủ nhưng thủ phạm là… nước hoa! Ông giám đốc nhà khách bảnh bao trong bộ quần áo len vẻ sượng sùng khi nghe Đại tướng thân mật chuyện trò… Ông giám đốc bộc bạch nhà khách mới xây, mùi vôi vữa còn nồng, vẩy tý nước hoa cho khách dễ ngủ!
Trên đường về, Đại tướng thở dài với ông Quang: có lẽ mình trót đầu thai làm anh nông dân nghèo nàn lạc hậu khó quen được nếp sống văn minh chăng?
Cũng lần ấy, ông Phan Quang được biết thêm, tuổi thơ của đại tướng rất cơ cực. Đại tướng kể, làm nông nghiệp, mình tiếp xúc với nông dân nhưng chưa từng gặp ai từng làm cái nghề như mình. Mỗi sáng mình vác cái cuốc đứng chống ở ngã ba đường cho người ta đến thuê đi… bốc mộ! Chả là cánh đồng An Cựu có một nơi được tiếng là đắc địa long mạch tốt. Người giàu có, chết nơi xa cũng cố đưa về chôn nên có nhiều mộ cải táng. Vậy chống cuốc đứng, thế nào cũng có người thuê.
Năm 1961, Phan Quang về HTX Đại Phong, Lệ Thủy (Quảng Bình) với đại tướng. Buổi họp chung toàn xã nhiều người nghe tên đại tướng nhưng chưa biết mặt. Có mấy bà đến muộn đứng phía sau cứ nhón chân nhìn lên đoàn chủ tịch hỏi Đại tướng mô? Ông mô là Đại tướng?
Đang đứng lẫn trong đám đông Đại tướng chỉ tay: Đó, cái ông trắng trẻo béo tốt ngồi thứ 2 hàng bên trái ấy… Khổ cho người bạn của Phan Quang là một cán bộ tỉnh!
Thầy trò nói là đi an dưỡng Sầm Sơn nhưng phải hoàn thành gấp một tài liệu quan trọng. Một sớm Phan Quang thấy người cần vụ vô chợ mua một cái niêu đất. Anh cần vụ cười, nhà an dưỡng ở đây thiếu chi món ngon bổ thế mà ngày nào anh ấy cũng xuýt xoa nhắc đến món cá kho mặn, mình thương quá thì chiều anh ấy một tý… Chợt nhớ, anh Thanh thích món cá biển kho mặn với măng vòi và bỏ thật nhiều ớt… Ông Quang lại thở dài dẫn thêm câu Đại tướng nhân việc ấy: Khi làm cách mạng mình có nghĩ tới những chuyện cao xa, nhưng có khi chỉ ước mong sao bữa cơm về sau có được niêu cá kho mặn…
“Phân tích về mặt lý luận, mình thường bình tĩnh, nhưng động đến việc cụ thể, tình cảm đôi khi không tự chủ được…”
Ấy là lần Đại tướng chuẩn bị phát biểu tại một Đại hội tỉnh Đảng bộ có một đảng ủy viên địa phương mắc khuyết điểm đã nói nhỏ trước với Phan Quang như thế… Tưởng lên diễn đàn Đại tướng sẽ mềm hơn? Với lại bình sinh Đại tướng, như Phan Quang nhiều lần chứng kiến, ông luôn biết kiềm chế, không để sự buồn vui của mình ảnh hưởng đến quan hệ công tác. Nhưng, không ngờ, trên diễn đàn khuôn mặt sạm đen của ông như sắt lại vì phẫn nộ.
Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về cho mấy tạ gạo, ba ông chi ủy chia nhau mỗi người mấy chục cân. Thật không bằng… con chó!
Video đang HOT
Cuộc sống riêng của Đại tướng thì thôi rồi… Suốt bao mùa đông ở Hà Nội, tôi vẫn thấy anh tha chiếc áo va rơi bằng da nặng chịch được cấp hồi ở Việt Bắc đã rụng hết tuyết có chỗ trơ như bao tải. Hôm nào rét quá khoác thêm cái áo choàng cấp tướng. Vật quý nhất tôi thấy trong phòng khách gia đình là bộ ấm chén nắp ấm gãy núm được gắn lại bằng xi măng. Một hôm anh bị sốt, tôi tới thăm thấy anh ngồi trên chiếc giường trong cái buồng ngủ hẹp. Tấm màn tuyn cũ vá hai ba miếng. Giường ấy vốn là lò xo nhưng không có đệm mà trải chiếu. Anh ngồi giữa giường, lò xo nhún xuống, bốn góc chiếu hếch lên trông thật buồn cười.
Nhà anh không có hiên, buồng ngủ rất nóng. Một sáng gặp tôi anh nói, chà chà nóng ơi là nóng. Đêm qua mình phải dậy ba, bốn bận. Các cậu bên Tổng Cục chính trị (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) thấy nhà hắt nắng nóng định lắp cho cái máy lạnh. Mình bảo thôi dù sao mình cũng đang còn trẻ nhường tiêu chuẩn ấy cho các đồng chí tuổi cao, sức khỏe yếu hơn. Nước còn nghèo, nếu cứ bày đặt nhà trên dùng được máy lạnh, nhà dưới cũng dùng được rồi thi nhau bóc ngắn cắn dài, chết cả.
Hồi mới về Hà Nội tiếp quản, cơ quan quân đội xếp gia đình anh ở một ngôi biệt thự ven hồ Trúc Bạch. Đó là một biệt thự đẹp có mái nhọn cao vút trang trí thanh nhã đón gió Hồ Tây. Anh từ chối xin về ngôi nhà chang nắng gần khu quân đội. Anh bộc bạch từ chiến tranh chuyển sang thời bình khó tránh khỏi chớm nở sự hưởng thụ. Muốn được phong quân hàm cao, muốn hưởng tiêu chuẩn khá. Mình ở nhà sang quá thì khó gần anh em, mà có khi nói điều cần phải nói thì cũng khó lọt tai người nghe.
Đi công tác nông thôn, thường năm người lèn trên chiếc xe con. Chúng tôi nhường anh ngồi ghế trước cho thoải mái. Còn 4 người ghế sau. Dĩ nhiên có thể xin cơ quan chi thêm xe nữa nhưng anh Thanh không muốn. Anh bảo về địa phương thế nào cũng có xe của các ông lãnh đạo tỉnh cùng đi làm việc. Thế là sẽ có một đoàn xe con về đỗ ở sân phơi HTX trước những đôi mắt tò mò- và có thể là trách móc nữa của xã viên, nếu HTX đó làm ăn kém.
Thời ấy giao thông trắc trở, việc đi lại khó khăn. Lần ấy qua Phà Khuất (Ninh Bình) xe người ùn chờ phà. Một anh bộ đội ba lô lặc lè vẻ mặt cau có đứng bên. Anh Thanh bắt chuyện. Anh bộ đội cho biết đang đóng quân thuộc một đơn vị ở Tây Bắc nay về phép thăm quê trong Hà Tĩnh và phàn nàn tôi muốn quay về đơn vị cho xong chẳng phép thì thôi.
Không biết mình đang nói chuyện với ai, anh bộ đội tiếp tục xổ ra một tràng rằng các anh tính, đơn vị cho 15 ngày phép. Tính cả thời gian đi về. Từ Tây Bắc về đây đã mất một tuần. Về tới nhà hôm trước hôm sau phải đi ngay may ra mới kịp hạn. Đi ngay thì bà con gia đình thắc mắc, ở chơi dăm bữa thì phạm kỷ luật. Vậy thì tôi về làm gì. Biết thế này chẳng xin đi phép nữa.
Anh Thanh vỗ vai anh bộ đội nói mình công tác ở Tổng Cục Chính trị. Cậu cho mình xem giấy phép mình sẽ bày cho cậu cách giải quyết…
Anh bộ đội ngạc nhiên nhưng cũng đưa giấy phép ra. Anh Thanh rút bút ghi luôn Cho nghỉ tại địa phương mươi ngày không tính ngày đi và về. Rồi ký tên Nguyễn Chí Thanh.
Lên xe, anh phàn nàn với anh em cùng đi, tất nhiên mình sẽ gọi điện cho đơn vị cậu ấy. Cán bộ mình còn máy móc, nhiều chính sách chế độ còn nhiều khiếm khuyết. Chúng ta phải góp phần chấn chỉnh…
Hiểu rõ hạn chế của mình là không có điều kiện học tới nơi tới chốn ở nhà trường, anh luôn tranh thủ học tập. Anh ham mê đọc học sách kinh điển, sách lý luận, sách nghiên cứu kinh tế và cả tác phẩm văn học. Căn phòng nhỏ làm việc ở nhà bầy nhiều sách trên giá gỗ. Lần nào đến cũng thấy sách văn học anh đọc thay đổi luôn, chứng tỏ anh đọc khá nhanh. Tôi thấy có cuốn Chiến tranh Hòa Bình, Hồng Lâu Mộng, Thơ chữ hán Nguyễn Du, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi vv… Thoáng phía trong là tấm bản đồ tham mưu cỡ lớn choán hết mặt tường trên đó găm những lá cờ nhỏ đánh dấu vị trí đóng quân của ta của địch toàn chiến trường miền Nam.
Học Bác Hồ, anh cố gắng trình bày những vẫn đề lý luận trừu tượng bằng những lời lẽ thông thường dung dị. Nhất là việc viết báo. Những bài viết, bài nói của anh thường có nội dung súc tích, độc đáo bình dị. Nhưng mỗi bài đều trải qua lao động nghiêm túc. Một lần anh cười kể câu chuyện vui. Chà chà không việc gì căng thẳng bằng viết báo. Hôm nào mình phải viết báo là y như cả nhà biết, ăn kém đi ngủ ít hơn. Đẻ ra một bài báo, tốn công lắm. Thế mà cánh biên tập các báo tưởng mình đẻ ra dễ lắm! Hết tay này đến ông khác đến com măng. Rồi nó trả cho mấy đồng nhuận bút có khi nó quên đi mà mình thì mất ăn mất ngủ. Quả thực bất bổ lao (tạm hiểu chả bõ công)
Ông Phan Quang hướng dẫn cho tôi tiếp cận với những tác phẩm báo chí của Đại tướng, ngoài những bài chính luận sắc sảo nhiều bút danh (nhiều nhất là Trường Sơn) trong đó có những bài khá độc đáo như Huyện ủy năm không…
Chuyện lâu với ông Phan Quang về Đại tướng chợt nhớ ngay đến câu của Tố Hữu Ở đâu nghèo đói gọi xung phong/ Lon nước mo cơm lội khắp đồng và sáng trong như ngọc một con người.
Và cả cái câu của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn
Các anh xưa giản dị thân gần
Ngày cuối năm dương lịch
Đại tướng rất ngại việc làm phiền cơ sở, làm phiền người khác. Một lần giữa trưa hè vào thị xã Thanh Hóa thì trưa trật. Ai cũng đói mệt. Dĩ nhiên có thể vào cơ quan Tỉnh ủy hoặc khách sạn giao tế. Nhưng ông bảo vào cửa hàng ăn uống quốc doanh. Mấy anh em chia nhau người xếp hàng mua cơm, canh. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ăn ngon lành một đĩa cơm độn ngô vàng rộm
Theo Xuân Ba
Tiền Phong
Chính thức đặt tên đại lộ lớn nhất là Đại lộ Võ Nguyên Giáp
Sáng 1/1, tỉnh Hậu Giang chính thức đổi tên đại lộ Hậu Giang thành Đại lộ Võ Nguyên Giáp. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và mở bảng tên đại lộ này.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp có tổng chiều dài gần 5km, rộng 53m, là tuyến đường 2 chiều, có 6 làn xe (mỗi chiều đi 3 làn xe). Điểm đầu từ nút giao thông huyện Vị Thủy đến điểm cuối là đường Lê Hồng Phong (TP Vị Thanh).
Đại lộ nằm trên địa bàn TP Vị Thanh, nối hai bên bờ sông Xà No (tuyến sông được mệnh danh là Con đường lúa gạo Hậu Giang) và đi qua nhiều công trình văn hóa, cơ quan nhà nước của tỉnh Hậu Giang như Tỉnh ủy, Công viên chiến thắng, Di tích lịch sử quốc gia chiến thắng Chương Thiện, khu hành chính tỉnh...
Đại lộ Võ Nguyên Giáp cắt và giao tại ngã tư với đường Võ Văn Kiệt tại đoạn vào khu hành chính tỉnh và Công viên chiến thắng. Trên tuyến Đại lộ có cầu Xà No nối hai bên Bắc- Nam sông Xà No.
Tại buổi lễ, đại diện tỉnh Hậu Giang đã nêu bật công lao to lớn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như ý nghĩa của việc đặt tên của Đại tướng cho tuyến đường chính ở tỉnh. Theo đó, việc đặt tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp là nguyện vọng của các cấp Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang để tỏ lòng tri ân và thành kính với cố Đại tướng.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp được xem là tuyến đường rộng và đẹp nhất trong tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Nhiều đại biểu là lãnh đạo Chính phủ và Bộ, Ban ngành cùng tỉnh Hậu Giang dự lễ đặt tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp sáng 1/1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cùng mở bảng tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Tuyến Đại lộ này có 2 chiều lưu thông, rộng 53m.
Mỗi chiều lưu thông có 3 làn xe: ô tô, xe máy, xe thô sơ.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp (hướng chiều xe máy đang lưu thông) cắt và giao tại ngã tư với đường Võ Văn Kiệt tại đoạn vào khu hành chính tỉnh Hậu Giang.
Trên Đại lộ có cầu Xà No bắc qua sông Xà No- tuyến sông được mệnh danh là "Con đường lúa gạo Hậu Giang".
Đại lộ đi ngang qua trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang...
...và khu di tích lịch sử quốc gia Chương Thiện nằm cạnh sông Xà No.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp là tuyến đường nội thị rộng và đẹp nhất tỉnh Hậu Giang hiện nay. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Đà Nẵng gắn tên đường Võ Nguyên Giáp Sáng 28.12, Sở GTVT TP.Đà Nẵng tổ chức gắn bảng tên đường Võ Nguyên Giáp. Theo đó, tuyến đường này chạy dọc biển Đà Nẵng kéo dài qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, nằm giữa 2 tuyến đường mang tên Hoàng Sa - Trường Sa. Đà Nẵng chính thức có đường Võ Nguyên Giáp Trước đó, tại kỳ họp HĐND...