Đại sứ sinh viên Việt tại Brisbane, Australia mong muốn làm cầu nối giữa thành phố với quê hương
2 gương mặt sinh viên ưu tú người Việt đã được lựa chọn để trở thành những Đại sứ sinh viên quốc tế tại TP Brisbane, Australia.
Hôm 30/4, thành phố Brisbane, Australia đã giới thiệu 40 sinh viên quốc tế đến từ 23 quốc gia khác nhau được lựa chọn đảm nhận vai trò Đại sứ sinh viên quốc tế Brisbane. Trong số này có 2 gương mặt xuất sắc đại diện cho cộng đồng sinh viên Việt Nam đang học tập tại Brisbane là Lê Quang Minh và Nguyễn Huỳnh Ngọc Trâm.
Quang Minh đến từ Hà Nội, hiện đang theo học chương trình cử nhân khoa học, chuyên ngành thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Queensland, còn Ngọc Trâm, đến từ tỉnh Long An, là một sinh viên hệ thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Công nghệ Queensland.
Ngọc Trâm và Quang Minh – 2 sinh viên ưu tú người Việt vừa trở thành các Đại sứ sinh viên quốc tế Brisbane (ảnh: nv cung cấp)
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, Ngọc Trâm và Quang Minh cho hay, mỗi năm các sinh viên quốc tế ưu tú đang sống và học tập tại Brisbane sẽ được lựa chọn làm đại diện cho đất nước của mình tại thành phố. Mục tiêu của chương trình là kết nối thành phố Brisbane với đất nước quê hương của các đại sứ.
Để trở thành Đại sứ sinh viên Brisbane, các ứng cử viên phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe, dựa trên các tiêu chí đa dạng từ thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa cho tới kỹ năng giao tiếp ứng xử và khả năng lan tỏa cộng đồng…
Năm nay, Ngọc Trâm và Quang Minh đã vượt qua 500 sinh viên khác và được chọn làm đại diện cho các du học sinh Việt Nam và hơn 98.000 sinh viên quốc tế tại TP Brisbane.
Là một thành phố yên bình khí hậu dễ chịu, Brisbane có hệ thống giáo dục đạt chuẩn quốc tế với nhiều trường đại học có chất lượng cao, và là một điểm đến hàng đầu cho những sinh viên quốc tế muốn tới Australia học tập. Brisbane cũng có cộng đồng người Việt đông đúc, bao gồm cả các CLB sinh viên trong trường và cộng đồng người Việt ngoài trường. Kiều bào và sinh viên Việt tại Brisbane được đánh giá là thân thiện, đoàn kết và luôn sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên mới từ trong nước sang.
Theo Thị trưởng TP Brisbane Adrian Schrinner, trong năm tới, các đại sứ sinh viên quốc tế sẽ chia sẻ cuộc sống của họ tại Brisbane thông qua những trang mạng xã hội. Ông nhấn mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến tích cực, các đại sứ sinh viên năm nay sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn như một cầu nối thông tin tới cộng đồng sinh viên quốc tế tại Brisbane với đất nước của họ.
Ngọc Trâm tham dự một sự kiện gặp gỡ Thị trưởng TP Brisbane (ảnh: nv cung cấp)
Bản thân Ngọc Trâm và Quang Minh chia sẻ, hiện do các quy định giãn cách xã hội vẫn còn chưa được dỡ bỏ tại Brisbane nên các bạn chưa thể tham gia được các hoạt động trao đổi trực tiếp với cộng đồng. Tuy nhiên, cả hai bạn vẫn liên tục cập nhật hình ảnh và các bài chia sẻ bổ ích liên quan tới thành phố lên Internet để mọi người có thể truy cập và có được nguồn thông tin tư vấn tin cậy nhất.
Sắp tới sau khi cuộc sống tái mở cửa, các đại sứ sẽ bắt đầu tham dự các sự kiện quan trọng của thành phố, bao gồm các sự kiện văn hóa, tình nguyện, đồng thời sẽ chia sẻ nhiều hơn nữa các thông tin về giáo dục, du học, du lịch, văn hóa và giải trí của cả Việt Nam và Australia đến người dân hai nước.
“Ở thành phố Brisbane, chúng em nhận thấy các bạn du học sinh phần lớn rất năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, bên cạnh việc học tập. Điều này giúp hình thành nên một lối sống năng động, hứng khởi, tạo điều kiện tốt cho việc phát triển về mặt chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, các bạn du học sinh có thể phát triển nhiều mối quan hệ có ích cho công việc sau này”, nữ sinh Việt đến từ Long An nói.
Du học sinh dậy từ 4h sáng học online trong khu cách ly ở TP.HCM
Thấm mệt sau hành trình dài về nước và chênh lệch múi giờ, nhiều du học sinh vẫn thức khuya dậy sớm học online trong khu cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.
Được cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Phan Toàn, du học sinh ngành Công nghệ Thông tin tại Australia, cho hay ngay khi ổn định chỗ ở, Toàn đã tìm cách kết nối mạng Internet để theo kịp bài vở online ở trường.
Toàn giải thích mỗi môn học được chia thành các phần: Lecture (bài giảng), workshop (bài giảng kèm thực hành), practice (thực hành), lab (ngành Công nghệ Thông tin có thêm giờ làm trên máy tính).
Do dịch bệnh, mọi học phần đều được chuyển thành online. Với lecture và workshop, giảng viên sẽ thu âm trước rồi đẩy lên LMS (hệ thống học trực tuyến). Với các giờ thực hành, giảng viên dùng phần mềm Zoom để trao đổi với sinh viên.
Phan Toàn nhờ sự trợ giúp từ các sinh viên từng ở ký túc xá để vào Wi-Fi, học qua mạng. Ảnh: NVCC.
"Những ngày đầu, sóng 4G ở ký túc xá yếu nên mìn phải tải hết bài giảng rồi nghe lại. Học trên Zoom thì khó hơn, giảng viên nói bị giật, hình ảnh đơ", Toàn cho hay.
Gặp vấn đề về Wi-Fi, Toàn đã vào diễn đàn sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM để nhờ sự giúp đỡ. Nam sinh xúc động khi nhiều sinh viên sẵn sàng nhường thẻ Wi-Fi cho Toàn và hướng dẫn cách sử dụng.
Toàn cho biết trường của bạn ở Australia hỗ trợ sinh viên mùa dịch bằng cách lùi hạn ghi danh, đóng học phí (cenus date) qua giữa tháng 4. Sinh viên nào cảm thấy không học được có thể xin bảo lưu, học kỳ sau học tiếp. Những bạn học online kỳ này nhưng rớt môn hoặc điểm thấp, sẽ không bị ghi vào hệ thống và học bạ. Nhưng, sinh viên rớt môn phải đóng tiền học lại.
Với tình hình đại dịch khó lường, lo lắng việc xin bảo lưu sẽ dẫn tới visa bị hủy, rắc rối khi xin cấp mới, Toàn vẫn cố gắng theo lớp học online của trường. Múi giờ giữa Việt Nam và Australia chênh lệch 4 tiếng nên nhiều khi nam sinh này phải dậy từ 4h sáng để học qua mạng.
Cùng cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Mi Thanh, du học sinh từ Canada, cho biết do còn mệt sau chuyến bay dài, cộng thêm sinh hoạt đảo lộn do múi giờ giữa Việt Nam và Canada chênh lệch tới 11 tiếng, việc học của cô khá khó khăn.
Nữ sinh phải thức đêm hoặc dậy thật sớm để theo kịp lớp học ở Canada. Thêm vào đó, những ngày đầu ở khu cách ly, Thanh chưa biết cách mua thẻ truy cập Internet nên đã bỏ lỡ một số tiết học.
Không gian học tập của Mi Thanh và bạn cùng phòng tại khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC.
"Trường mình bắt buộc phải học online để hoàn thành khóa học nên ban đầu mình khá lo. Nhưng may là sau đó cũng đã có Wi-Fi để học, dù còn yếu do nhiều người dùng nhưng như vậy cũng đã ổn", Thanh cho hay.
Đại diện Trung tâm quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người đang cách ly, ban quản lý đã cho phát Wi-Fi miễn phí với tốc độ trung bình. Ai có nhu cầu băng thông lớn hơn sẽ phải mua thẻ.
Tại khu cách ly Trung tâm Đào tạo nghề Thành An (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Thúy Hiền, du học sinh trở về từ Hà Lan, chia sẻ khoảng thời gian cách ly của bạn giống kỳ nghỉ. Không chỉ được phục vụ chu đáo, Hiền và các bạn du học sinh còn được đơn vị bố trí phòng để học online.
Phòng học online ở khu cách ly của Huyền và các bạn. Ảnh: NVCC.
"Các chú bội đội thu xếp hẳn một phòng học cho chúng mình học và lắp mạng ngay trong phòng. Bình thường là 23h đã phải đóng cửa nhưng do học online chênh lệch múi giờ, các chú mở cửa cho học thâu đêm luôn", Thúy Hiền cho biết.
Cuộc sống ở khu cách ly tại ĐH Quốc gia TP.HCM của du học sinh Việt. "Tổ quốc vẫn luôn đón chào chúng em trở về. Dù ở nơi xứ người, em thấy Việt Nam vẫn là nhất", chia sẻ cử du học sinh đang cách ly ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng ĐHQG TP.HCM.
Du học hè điêu đứng vì Covid-19 Giờ này năm ngoái, Kelly Cheng, sống tại Thượng Hải, đang chuẩn bị kế hoạch du học hè cho con gái Tingting, 10 tuổi. Nhưng năm nay cô bé sẽ ở nhà. Kelly cho biết hai năm qua, Tingting đã tham dự trại hè quốc tế bốn tuần tại Australia và năm tuần tại New Zealand. Các chương trình được lên kế hoạch...