Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nói về năng lực ngoại giao sáng tạo của Tổng thống Trump
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun cho biết ông đánh giá cao năng lực ngoại giao sáng tạo và đổi mới của Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun (Ảnh: Thành Đạt)
Vai trò sáng tạo của Tổng thống Trump
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 11/6, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun cho biết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã kéo dài suốt hơn 20 năm qua, tuy nhiên việc giải quyết vấn đề này chỉ dừng lại ở lời nói mà chưa thể tìm ra biện pháp cụ thể khiến vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bằng nỗ lực sáng tạo của một doanh nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thoát ra khỏi tình trạng đó để tìm ra bước đột phá nhằm giải quyết vấn đề này.
Theo Đại sứ Kim Do-hyun, có được kết quả như ngày hôm nay trước hết một phần nhờ nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc tạo sức ép đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, đồng thời để ngỏ cánh cửa đối thoại và thậm chí đề xuất khả năng hợp tác kinh tế.
“Chính phủ Hàn Quốc rất tôn trọng vai trò của Mỹ, đồng thời đóng vai trò trung gian thông qua mối quan hệ Nam – Bắc và sự hợp tác Hàn – Mỹ”, ông Kim Do-hyun nói.
Với sự hợp tác chặt chẽ của chính phủ Mỹ và trên cơ sở bối cảnh như trên, hai miền Nam – Bắc đã tiến tới hòa giải. Triều Tiên đã tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào tháng 2 vừa qua. Đến tháng 3, đoàn đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in đã tới thăm Triều Tiên và thăm Mỹ ngay sau đó để chuyển quyết tâm phi hạt nhân hóa và mong muốn tổ chức đối thoại Mỹ – Triều của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Tổng thống Donald Trump. Cũng trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump đã đồng ý với đề xuất đối thoại của ông Kim Jong-un, từ đó hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều được hình thành.
Theo Đại sứ Hàn Quốc, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng là vấn đề có liên quan đến sự chia cắt giữa hai miền, do đó đây không chỉ là vấn đề của riêng hai miền Nam – Bắc mà còn liên quan đến cả mối quan hệ với các nước xung quanh. Nếu trước đây vấn đề của Bán đảo Triều Tiên bị chi phối bởi các nước lớn, thì nay dưới thời của Tổng thống Moon Jae-in đã có sự khác biệt, đó là hai miền Nam – Bắc cùng nỗ lực chủ động giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên với tư cách là các bên liên quan.
Nói cách khác, chính phủ Hàn Quốc đã đóng vai trò trung gian trong quá trình này trên cơ sở triết học cơ bản là dân tộc Hàn cần nắm thế chủ động trong việc giải quyết vấn đề của Bán đảo Triều Tiên, đồng thời phát huy vai trò trung gian dựa trên mối quan hệ đồng minh Hàn – Mỹ. Cả trong nước cũng như nước ngoài đều có những phê phán cho rằng “thuyết người dẫn đường” của Tổng thống Moon Jae-in là phi hiện thực và quá lý tưởng. Tuy nhiên có thể nói rằng sự chân thành của Tổng thống Moon Jae-in và sự ủng hộ của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, đã giúp “thuyết người dẫn đường ” đem lại kết quả.
Vì sao Triều Tiên chấp nhận đàm phán?
Theo Đại sứ Hàn Quốc, có thể nói đến nay Triều Tiên đã chấp nhận một thực tế là nếu không cải cách mở cửa, nước này sẽ không thể duy trì được chính quyền. Do đó, gần đây Triều Tiên đã thể hiện ý định tiến hành cải cách mở cửa.
Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thành công, Đại sứ Kim Do-hyun mong rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được giải quyết và nền hòa bình được thiết lập sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai miền Nam – Bắc để mở ra một con đường giúp nhân dân hai miền được sống ấm no.
“Liệu còn điều gì quan trọng hơn là đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân? Tôi cho rằng Triều Tiên cũng đã bắt đầu nhận thức được điều này và hi vọng Triều Tiên sẽ thực hiện chính sách cải cách mở cửa như Việt Nam từng thực hiện trước đây.
Tôi cho rằng những kinh nghiệm của Việt Nam vô cùng quan trọng và sẽ đóng vai trò rất lớn nếu được chia sẻ với Triều Tiên”, Đại sứ Kim Do-hyun nói.
Video đang HOT
Giải bài toán hạt nhân Triều Tiên là cả một quá trình
Theo Đại sứ Kim Do-hyun, người Hàn Quốc đều có mong muốn cuối cùng là thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện ngay lập tức.
Đại sứ Kim Do-hyun mong rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ được đưa ra trong hội đàm lần này nhưng đến nay vẫn chưa thể chắc chắn về điều đó. Trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hai miền Nam – Bắc đã nhất trí sẽ tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay và Hàn Quốc đang tiếp tục thảo luận chặt chẽ với Mỹ và Triều Tiên, do đó Đại sứ Hàn Quốc hi vọng sẽ sớm có kết quả tốt đẹp.
Ở giai đoạn hiện tại, Hàn Quốc mong rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ góp phần phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Hàn Quốc cũng thừa nhận trên thực tế, đàm phán phi hạt nhân hóa không hề đơn giản và vấn đề này không thể giải quyết chỉ qua một cuộc hội đàm. Ông Kim Do-hyun mong rằng thông qua hội đàm lần này, hai bên sẽ cùng nỗ lực để đưa ra những nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra thuận lợi.
Bản thân Tổng thống Trump cũng đã thể hiện quyết tâm sẽ chấm dứt mối quan hệ thù địch với Triều Tiên và triển khai hợp tác kinh tế nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết đoán và thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tổng thống Trump khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng đã đề cập rằng thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ không kết thúc qua một cuộc gặp mà phải thông qua nhiều cuộc gặp, và hội đàm lần này là dịp để khẳng định lại quyết tâm phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và cam kết của Mỹ về việc đảm bảo chính quyền Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa, sau đó quá trình phi hạt nhân hóa mới bắt đầu và cuối cùng là hoàn thành mục tiêu.
Theo Đại sứ Kim Do-hyun, phải cân nhắc đến mối quan hệ với các nước xung quanh như Trung Quốc hay Nga, đồng thời cần có vai trò của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hay Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Vấn đề này không thể giải quyết bằng một cuộc hội đàm mà cần một quá trình, trong quá trình đó rất cần có sự hỗ trợ và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.
“Với tư cách là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, tôi xin một lần nữa cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn ủng hộ Hàn Quốc trong thời gian vừa qua và mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ để các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi, qua đó góp phần xây dựng hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim Do-hyun nói.
Thành Đạt
Theo Dantri
Kinh tế Triều Tiên "thay da đổi thịt" dưới thời ông Kim Jong-un
Nhiều ý kiến cho rằng lý do khiến chính quyền Kim Jong-un chấp nhận đàm phán với Mỹ là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích đã đưa ra những đánh giá tích cực về nền kinh tế Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thăm nông trại tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Triều Tiên từng là mục tiêu của một loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, từ thương mại cho tới đi lại, trong suốt một thập niên. Lệnh trừng phạt mạnh tay nhất được đưa ra vào tháng 9/2017 khi hạn chế đáng kể nguồn cung dầu thô cho Bình Nhưỡng.
Chỉ 6 tháng sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không đưa ra điều kiện đi kèm. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nhật Bản tin rằng các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến nền kinh tế vốn bị đình trệ của Triều Tiên ngày càng trở nên suy sụp hơn, từ đó buộc chính quyền Kim Jong-un phải "xuống thang" căng thẳng.
Mặc dù vậy, có những bằng chứng cho thấy nền kinh tế của Triều Tiên vẫn ổn định trong những năm gần đây. Trong khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc tìm cách kìm hãm sự phát triển của Triều Tiên, quốc gia Đông Bắc Á này đều không cho thấy có dấu hiệu của nạn đói hay bị sụp đổ.
Những dữ liệu đáng tin cậy về Triều Tiên rất khó để có thể tiếp cận. Tuy nhiên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy đất nước này đã có sự cải thiện đáng kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi tháng 12/2011, ít nhất từ trước khi các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực từ năm nay.
Bên trong một cửa hàng bán thực phẩm tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Theo Park En-na, Đại sứ Hàn Quốc phụ trách ngoại giao công, bức tranh toàn cảnh cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang ngày càng tốt lên.
"Ông Kim Jong-un đã mang nhiều yếu tố mới cho nền kinh tế Triều Tiên. Trong phạm vi nhất định, họ thậm chí còn cho phép sự tư nhân hóa", Đại sứ Park cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên, đồng thời nới lỏng sự quản lý của chính phủ đối với các ngành kinh doanh và công nghiệp. Năm 2012, ông Kim hối thúc các công ty và nhà máy tăng cường năng suất làm việc và chỉ một năm sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cho thành lập 13 đặc khu phát triển kinh tế mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều cải cách theo định hướng kinh tế thị trường cũng được triển khai vào năm 2014 nhằm tự do hóa hơn nữa nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng cao mức sống cho người cho người dân hiện là ưu tiên quốc gia của Triều Tiên.
Nền kinh tế phát triển
Những tòa nhà cao tầng tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế của Triều Tiên bắt đầu nổi lên từ tháng 4 khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ chuyển từ chính sách "byungjin", trong đó phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân, sang chính sách mới chỉ tập trung phát triển kinh tế.
Mặc dù hiệu quả trực tiếp từ các quyết định cải cách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất khó để đong đếm, song có một vài chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên thực sự đã có sự tiến triển.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ước tính nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng trung bình 1,24% kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 7 năm. Reuters dẫn số liệu thống kê của ngân hàng trên cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015, đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). Theo đó, 2016 là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999 - khi nền kinh tế của nước này tăng 6,1%.
Các chỉ số thương mại của Triều Tiên cũng cho thấy các dấu hiệu mở rộng của nền kinh tế từ năm 1996.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên gồm khoáng sản, sản phẩm luyện kim và hàng hóa sản xuất, trong đó có sản xuất vũ khí. Trong khi đó, mặt hàng nhập khẩu chính là xăng dầu, than cốc và máy móc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên tăng trung bình hàng năm từ 4-5% trong khi nhập khẩu tăng 3-5% mỗi năm. Nền kinh tế Triều Tiên gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc - đối tác và đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 85,6% kim ngạch xuất khẩu và 90,3% nhập khẩu của Triều Tiên, theo báo cáo của CIA.
Hãng phân tích thị trường IHS Markit ước tính thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Năm 2012, Trung Quốc chiếm 81% trong hoạt động thương mại của Triều Tiên. Tới năm 2016, con số này tăng lên 91%.
Thương mại giữa hai quốc gia láng giềng giảm 10,5% trong năm 2017 khi Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy vậy, tác động tổng thể của sự sụt giảm này cho đến nay vẫn chưa được thấy rõ trong nền kinh tế Triều Tiên.
Điều kiện sống ổn định
Người dân Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Giới quan sát quốc tế nhận định điều kiện sống tại Triều Tiên dường như vẫn ổn định.
David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã có chuyến đi chính thức tới Triều Tiên hồi tháng trước. Ông tới thăm 3 nơi là thủ đô Bình Nhưỡng, huyện Siwon thuộc tỉnh Nam Hwanghae và thành phố Sinuiju thuộc tỉnh Bắc Pyongan. Theo ông Beasley, không còn dấu hiệu nào cho thấy nạn đói và suy dinh dưỡng còn tồn tại ở Triều Tiên.
"Tôi không còn thấy nạn đói nữa. Trong thập niên 1990, Triều Tiên từng xảy ra nạn đói nhưng giờ tôi không còn thấy điều đó nữa", ông Beasley cho biết.
Từ năm 1994-1998, khoảng 240.000 đến 3,5 triệu người Triều Tiên được cho là đã bị chết vì đói hoặc do mắc các bệnh liên quan tới nạn đói. Tuy vậy, theo khảo sát của WFP năm 2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Triều Tiên đã giảm từ 32,4% xuống còn 27,9% kể từ năm 2009.
"Tôi đã chứng kiến tinh thần lạc quan từ giới lãnh đạo và cả những người dân Triều Tiên mà tôi có dịp được gặp. Họ hy vọng rằng Triều Tiên sẽ bước sang một chương mới trong lịch sử", ông Beasley nói thêm.
Chun Byung-gon, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho biết các điều kiện sống ở Triều Tiên dường như đang được cải thiện.
"Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên đã có sự cải thiện khi nước này từng bước áp dụng một số mặt của nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, vẫn có những hạn chế cản trở nền kinh tế Triều Tiên cất cánh do nước này vẫn đang trong tình trạng bị cô lập. Nếu không có sự trao đổi về vốn và công nghệ từ nước ngoài trong môi trường quốc tế, nền kinh tế Bình Nhưỡng không thể tiến xa được", nhà nghiên cứu Chun Byung-gon nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Đại sứ Hàn Quốc tại Ethiopia bị điều tra vì cáo buộc quấy rối tình dục Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay 4/8 đã đệ đơn kiện lên các cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra một đại sứ của nước này ở Ethiopia về hành vi quấy rối tình dục. Ảnh chụp màn hình từ đoạn phim quay lại cảnh nhà ngoại giao Hàn Quốc quấy rối tình dục thiếu nữ Chile năm 2016 (Ảnh:...